Chủ quyền đối với Hoàng Sa: Về một bài báo thiên vị Trung Quốc - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 27 tháng 5, 2014

Chủ quyền đối với Hoàng Sa: Về một bài báo thiên vị Trung Quốc


Vào ngày 15/5/2014, Sam Bateman, nghiên cứu viên cấp cao của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS, thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore), đã có bài phân tích đăng trên Eurasia Review, nhan đề “Công hàm Phạm Văn Đồng làm lung lay yêu sách chủ quyền của Việt Nam”.

Đại ý tác giả cho rằng: Do Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 thừa nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc và từ đó đến năm 1975, Việt Nam cũng không phản đối gì; cho nên nếu bây giờ Việt Nam đòi chủ quyền đối với Hoàng Sa thì sẽ yếu thế.

Vài ngày sau đó, hai học giả Việt Nam là TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn đã có bài viết phản bác tác giả Sam Bateman. Hai ông gửi đăng bài này ở RSIS. Ngày 26/5, RSIS đăng tải bài viết của Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn (số thứ tự 99), cùng ngày, đăng luôn một bài viết mới của Sam Bateman phản biện hai học giả Việt Nam (số thứ tự 100).

Dưới đây là nội dung bài viết của TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn.

CHỦ QUYỀN ĐỐI VỚI HOÀNG SA: VỀ MỘT BÀI BÁO THIÊN VỊ TRUNG QUỐC

Tóm tắt

Trong bài bình luận của RSIS, số 88/2014, “Căng thẳng trên Biển Đông: Ai có chủ quyền đối với Hoàng Sa?”, Sam Bateman cho rằng Trung Quốc đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan Haiyang 981 ở tọa độ hiện tại. Bài viết của ông không bảo vệ được quan điểm đó và cho thấy một cái nhìn không công bằng về những mặt mạnh tương đối trong từng trường hợp – Việt Nam và Trung Quốc.

Bình luận

Trong bài bình luận gần đây của RSIS, số 88/2014, Sam Bateman đã nêu ý kiến về tranh cãi giữa Việt Nam và Trung Quốc xoay quanh việc Bắc Kinh đặt giàn khoan dầu của họ tại một địa điểm gần Việt Nam. Ông Bateman cho rằng “giàn khoan nằm ở vị trí chỉ khoảng 14 hải lý tính từ một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc có yêu sách chủ quyền, và 80 hải lý tính từ đảo Phú Lâm (Woody Island, thuộc Hoàng Sa – ND), một cấu trúc địa lý lớn, với diện tích khoảng 500 hecta, mà Trung Quốc đang chiếm hữu”. Câu này có một số lỗi và thiếu sót, mà tất cả đều thiên về bênh vực Trung Quốc.

Cấu trúc địa lý gần giàn khoan nhất là đảo Tri Tôn (Triton, thuộc Hoàng Sa – ND), cách đó 17 hải lý. Chênh lệch giữa con số 14 và 17 hải lý có vẻ nhỏ, tuy nhiên, con số 14 ngụ ý rằng giàn khoan chỉ nằm ngoài lãnh hải (territorial waters – vùng biển rộng 12 hải lý tính từ đường cơ sở – ND) của đảo Tri Tôn có 2 hải lý, trong khi khoảng cách thực sự là 5 hải lý.

Đảo Phú Lâm nằm cách giàn khoan 103 hải lý chứ không phải 80, và diện tích của đảo nhìn chung được ghi nhận là khoảng 200 hecta, thống nhất với Google Map (bản đồ của Google).

Còn cái thiếu sót ở đây là tác giả đã không đề cập rằng quần đảo Hoàng Sa là nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.

Tọa độ của giàn khoan Haiyang 981. Nguồn: CSIS/CNN

Xem nhẹ các yêu sách của Việt Nam

Tác giả Bateman viết rằng: “Một đường biên giới hàng hải đã được đàm phán trong khu vực này thì chắc chắn sẽ xác định rằng giàn khoan dầu nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, ngay cả khi những lập luận của Trung Quốc khẳng định các đặc tính của đảo có kém sức thuyết phục đi chăng nữa”.

Một bài phân tích thận trọng sẽ cho thấy điều ngược lại: Thứ nhất, cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa; do đó, sẽ là sai lầm nếu mặc định rằng tất cả các đảo thuộc Hoàng Sa và phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) bao quanh mỗi đảo đều tự nhiên thuộc về Trung Quốc và đàm phán hay các thủ tục trọng tài đều phải dựa trên cơ sở đó.

Ngay cả trong một trường hợp không có khả năng xảy ra, là Việt Nam tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với Hoàng Sa, thì một tòa án trọng tài có thể cũng sẽ phải ra phán quyết giao khu vực bao quanh giàn khoan cho Việt Nam, bởi lẽ khoảng cách từ giàn khoan tới đất liền Việt Nam (120 hải lý) chỉ xa hơn một chút so với khoảng cách từ giàn khoan đến đảo Phú Lâm (103 hải lý). Trong quá khứ, tại nhiều phiên đàm phán và trọng tài về biên giới trên biển, có những đảo lớn hơn Hoàng Sa nhiều, nhưng chỉ được tính hệ số nhỏ hơn hoặc bằng 1/3 so với bờ biển thuộc đất liền. (xem chú thích)

Trong hiệp định biên giới Vịnh Bắc Bộ (năm 2000), đảo Bạch Long Vỹ của Việt Nam được hưởng 1/4 hiệu lực. Trong phán quyết năm 2012 của Tòa án Quốc tế (ICJ) về tranh chấp giữa Nicaragua và Colombia, các đảo của Colombia được tính cộng thêm 1/4 khoảng cách đến Nicaragua.

Các đảo liên quan trong những trường hợp trên đều có diện tích từ tương đương cho đến gấp 13 lần diện tích đảo Phú Lâm.

Đảo Tri Tôn nằm gần giàn khoan hơn, nhưng theo Điều 121 UNCLOS, đảo này khó được hưởng quy chế có vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), cho nên việc giàn khoan ở gần nó chẳng có ý nghĩa gì.

Bateman viết rằng “Việt Nam tuyên bố rằng, do giàn khoan ở gần đất liền của họ hơn gần Trung Quốc và nằm hoàn toàn trong khoảng cách 200 hải lý tính từ bờ biển Việt Nam, cho nên nó rơi vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam… nhưng gần gũi về địa lý không thôi thì không phải là một cơ sở rõ ràng cho việc ra yêu sách chủ quyền hay quyền chủ quyền”. Đây là một cách mô tả rối rắm và sai lầm về căn cứ của yêu sách chủ quyền của phía Việt Nam. Sự nhầm lẫn bắt nguồn từ việc Bateman làm lẫn lộn hai khái niệm “chủ quyền”“quyền chủ quyền”.

Thực sự là có tranh chấp chủ quyền

Quả thật là có tranh chấp chủ quyền, nhưng đó là về quần đảo Hoàng Sa chứ không phải về khu vực đặt giàn khoan.

Các yêu sách chủ quyền của Việt Nam chưa bao giờ căn cứ vào chuyện “gần gũi về mặt địa lý”, cho nên lập luận của Bateman về việc các nước có thể có chủ quyền cả với những cấu trúc địa lý nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, là hoàn toàn chẳng ăn nhập gì.

Còn về những ví dụ mà Bateman đưa ra, về việc có những đường phân định vùng đặc quyền kinh tế được thiết lập gần một quốc gia nào đó hơn hẳn quốc gia khác, thì thật ra lập luận này lại là có lợi cho Việt Nam chứ không phải cho Trung Quốc. Đó là bởi vì, nếu Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc, thì các tiền lệ đàm phán và trọng tài về phân định vùng đặc quyền kinh tế đều ngả theo hướng ưu tiên đất liền (trong trường hợp này là Việt Nam) hơn là đảo, như đã trình bày ở trên. (Xem chú thích)

Bateman coi thường yêu sách chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, thế nhưng các lập luận của ông lại rất yếu. Đúng là Bắc Việt đã im lặng, không phát biểu gì về vấn đề chủ quyền, nhưng theo luật pháp quốc tế, đó không phải là hành vi công nhận. Trong công hàm ngoại giao năm 1958 mà Bateman nhắc đến, Thủ tướng Bắc Việt lúc đó là ông Phạm Văn Đồng đã không đề cập gì tới Hoàng Sa hay Trường Sa. Thêm vào đó, miền Nam Việt Nam đã luôn luôn khẳng định và bảo vệ yêu sách chủ quyền của mình.

Bateman viết, Hoa Kỳ đã công khai hoặc ngấm ngầm công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với một số hoặc tất cả các hòn đảo thuộc Hoàng Sa, nhưng ông không đưa ra được bằng chứng thuyết phục nào về việc này. Trên thực tế, Hoa Kỳ thậm chí còn không công nhận chủ quyền của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đối với lục địa Trung Hoa, cho mãi đến năm 1979. “Bằng chứng” duy nhất (mà Bateman đưa ra) là các hoạt động của quân Mỹ trong chiến tranh có thể đã bị ảnh hưởng nếu Bắc Việt chiếm được đảo Phú Lâm, nhưng Bateman cũng không giải thích được tại sao lại như vậy và cụ thể như thế nào, và ông ta bị nhầm lẫn giữa “chiếm đóng”“có chủ quyền”.

Trung Quốc nên tuân thủ UNCLOS

Bên cạnh lập luận mấu chốt nêu trên, một quan điểm khác của Bateman, tuy không phải là chính, nhưng cũng có ý bênh vực Trung Quốc, là khi ông cho rằng Trung Quốc chỉ đang đòi quyền đánh bắt cá truyền thống cho các ngư dân của họ, trên gần như toàn bộ Biển Đông. Quan điểm này không đả động gì tới một thực tế gây tranh cãi, là Trung Quốc sử dụng lập luận “các quyền đánh bắt cá truyền thống” để đòi cả quyền khai thác dầu, mặc dù hai thứ quyền này đã được Tòa án Quốc tế (ICJ) phán quyết là chẳng liên quan gì, như trong vụ Lybia-Tunisia.

Kết luận là, có quá nhiều sai lầm, thiếu sót, lập luận yếu và quan điểm không công bằng trong bài báo của Bateman nhằm bảo vệ luận điểm gây tranh cãi của ông ta, rằng Trung Quốc đang thực hiện đúng quyền của mình khi triển khai giàn khoan Haiyang 981 ở tọa độ hiện tại, hoặc Việt Nam nên đơn phương từ bỏ yêu sách chủ quyền đối với Hoàng Sa.

Vụ giàn khoan Haiyang 981 là một trường hợp các yêu sách về vùng đặc quyền kinh tế bị chồng lấn. Điều 74 UNCLOS đã quy định về việc các bên tranh chấp phải giải quyết các vụ việc kiểu này như thế nào, và Điều 74 cũng đã được diễn giải, áp dụng trong phán quyết năm 2007 của Tòa Trọng tài Thường trực, trong tranh chấp Guyana-Suriname.

TS. Bateman có thể có đóng góp tích cực hơn cho hòa bình và hợp tác bằng cách khuyến khích Trung Quốc chịu khó tuân theo các thủ tục giải quyết tranh chấp đã được cụ thể hóa trong UNCLOS.

Nguồn: http://www.rsis.edu.sg/publications/Perspective/RSIS0992014.pdf


Chú thích:

Để hiểu cặn kẽ bài viết này và bút chiến “Dương Danh Huy và Phạm Quang Tuấn vs. Sam Bateman”, bạn đọc cần có một số kiến thức căn bản về luật pháp quốc tế liên quan đến biển đảo, như sau:

Theo truyền thống, các đảo đều có nội thủy và lãnh hải bao quanh. (Như thế nào là đảo, thì dựa vào Điều 121 UNCLOS). Chiều rộng của lãnh hải, theo Điều 3 UNCLOS, không quá 12 hải lý tính từ đường cơ sở. Nói cách khác, đường cơ sở là ranh giới bên trong của lãnh hải, từ đây tính thêm 12 hải lý thì ra đường ranh giới bên ngoài của lãnh hải. (Xem ảnh trên)

Bên ngoài lãnh hải của một đảo, là tới vùng tiếp giáp, rồi vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), và rộng nhất là thềm lục địa của đảo đó. (Một cấu trúc địa lý nếu không phải là đảo thì chỉ được có nội thủy và lãnh hải).

Trong công pháp quốc tế liên quan đến xác định biên giới trên biển, từng có những án lệ theo đó, nếu so giữa bờ biển đất liền và đảo thì bờ biển đất liền có giá trị hơn là đảo trong việc phân định nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Lý do có thể là bởi các đảo đó quá nhỏ, không thích hợp cho con người ở…

Áp dụng vào trong trường hợp Việt Nam hiện nay, theo TS. Dương Danh Huy và TS. Phạm Quang Tuấn: Giàn khoan nằm gần đảo Phú Lâm (103 hải lý) hơn là gần đất liền Việt Nam (120 hải lý). Tuy nhiên, xét về hiệu lực, đảo Phú Lâm chỉ có hệ số bằng 1/3 hoặc ít hơn nữa, so với (hiệu lực của) bờ biển đất liền Việt Nam. Do đó, nếu sử dụng làm cơ sở để phân định vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa... đất liền Việt Nam có giá trị hơn đảo Phú Lâm, và giàn khoan, ở vị trí hiện tại, phải bị coi là nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam (chứ không phải của Hoàng Sa, cho dù Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc hay Việt Nam thì cũng vậy).

TS. Dương Danh Huy & TS. Phạm Quang Tuấn
Đoan Trang chuyển ngữ
Theo blog Đoan Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad