Trung Quốc muốn gì từ giàn khoan HD 981 và đường băng ở đảo Gạc ma? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 5, 2014

Trung Quốc muốn gì từ giàn khoan HD 981 và đường băng ở đảo Gạc ma?


Giàn khoan Hải Dương - 981 của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt nam. (14/05/2014)

Nghe bài này
Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cáo buộc Trung Quốc đang cho xây dựng một đường băng trên đảo Gạc Ma thuộc khu vực quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với các nước khác. Hành động này diễn ra trong lúc Trung Quốc cũng đang đặt giàn khoan HD 981 tại gần khu vực quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam đòi chủ quyền. Những hành động này đã gây quan ngại cho các nước đang gây quan ngại trong khu vực.

Xây dựng ở Gạc Ma đe dọa an ninh khu vực?

Cáo buộc hôm 13 tháng 5 vừa qua của Philippines liên quan đến việc Trung Quốc tiến hành xây dựng một đường băng trên bãi Gạc Ma ở quần đảo Trường Sa mà cả Việt nam và Philippines đều đòi chủ quyền là cáo buộc gần đây nhất liên quan đến hành động của Trung Quốc ở biển Đông sau vụ giàn khoan 981 gần quần đảo Hoàng Sa. Đây là hành động khiến những chuyên gia về biển Đông lo ngại cho an ninh khu vực.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt, chuyên gia về biển Đông của Việt Nam nhận định:

Theo tôi thì Trung Quốc làm vậy để củng cố vị thế của Trung Quốc trên đảo. Cái quan trọng là hành động đó của Trung Quốc dẫn đến phá vỡ duy trì nguyên trạng ở Trường Sa. Cái tình hình Hoàng sa căng thẳng rồi nhưng tình hình Trường Sa còn phức tạp hơn nữa vì nó liên quan đến 5 nước 6 bên. Nhưng mà Trung Quốc khuấy động ở Trường Sa ở bãi Gạc ma bằng cách xây một cái đảo nhân tạo thì nó phá vỡ nguyên trạng và dẫn đến các kịch bản. Kịch bản thứ nhất là tất cả các quốc gia trong tranh chấp sẽ cũng làm tương tự như Trung Quốc. Và hành động giống như sự kiện giàn khoan thì có thể Trung Quốc sẽ lập lại trên vùng Trường Sa và sự đụng độ trên Trường Sa sẽ rất căng thẳng, và điều đó dẫn đến đe dọa lớn cho hòa bình an ninh khu vực cũng như của toàn bộ châu Á.




... TQ khuấy động ở Trường Sa ở bãi Gạc ma bằng cách xây một cái đảo nhân tạo thì nó phá vỡ nguyên trạng và dẫn đến các kịch bản. Kịch bản thứ nhất là tất cả các quốc gia trong tranh chấp sẽ cũng làm tương tự như TQ.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt
Nói với báo giới tại Manila hôm 13 tháng 5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, Charles Jose khẳng định Trung Quốc đã chuyển vật liệu lên bãi này trong vài tuần gần đây. Ông này nói bằng hành động này, Trung Quốc đã vi phạm tuyên bố của các bên trên biển Đông gọi tắt là DOC. Phía Philippines cũng cho biết, dựa trên các hình ảnh vệ tinh của hải quân Philippines, Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng một đường băng tại đây.

Vị trí của giàn khoan HD 981 trong thềm lục địa của Việt Nam. RFA files:UNCLOS-CIA
Phía Trung Quốc mặc dù không cho biết đang xây dựng gì trên đó nhưng trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh hôm 15 tháng 5 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng nước tiếp giáp. Vì vậy tất cả những xây dựng do Trung Quốc tiến hành trên bãi Gạc Ma hoàn toàn là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Gạc Ma là bãi đá từng do Việt Nam kiểm soát cho đến khi bị mất vào tay của Trung Quốc vào năm 1988 sau một trận hải chiến ngắn khiến gần 70 thủy thủ Việt Nam tử nạn.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo của Trung Quốc hôm 25 tháng 5 có bài viết cho biết Bắc Kinh đang chuẩn bị xây dựng một đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa. Theo tờ báo này thì việc xây dựng sẽ do Viện Nghiên cứu và thiết kế tàu thứ 9 của Trung Quốc có trụ sở ở Thượng hải thực hiện và có nhiều khả năng là ngay trên bãi Gạc Ma. Cũng theo tờ báo này thì các cơ sở được xây dựng trên bãi sẽ bao gồm sân bay, cảng biển, được sử dụng để làm tăng khả năng đáp ứng nhanh của tàu chiến Trung Quốc. Hiện tại, đảo nhân tạo sẽ đóng vai trò như một nơi cung cấp cho các tàu cá của Trung Quốc ngoài biển Đông với nhà nghỉ, tòa nhà văn phòng, sân vận động và thậm chí cả nông trại.




Theo dõi cách đi của Trung Quốc từ lúc chiếm Hoàng Sa năm 74 rồi nhảy ra Scarborough của Philippines, rồi xuống đây, rồi cắm giàn khoan dưới này thì có thể là ông dương Đông kích Tây tức là ông tập trung dư luận ở đây thì ông ngồi xây dựng đường băng, sân bay vì căn cứ ở Gạc Ma rất quan trọng.

Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng
Theo tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, thành viên nhóm Minh Triết nghiên cứu biển Đông, hai hành động gần đây của Trung Quốc là rất nguy hiểm:

Nếu chị theo dõi cách đi của Trung Quốc từ lúc chiếm Hoàng Sa năm 74 rồi nhảy ra Scarborough của Philippines, rồi xuống đây, rồi cắm giàn khoan dưới này thì có thể là ông dương Đông kích Tây tức là ông tập trung dư luận ở đây thì ông ngồi xây dựng đường băng, sân bay vì căn cứ ở Gạc Ma rất quan trọng. Tôi nghĩ là nó nguy hiểm nhưng tiếc là mình không có nhiều thông tin, có ai được đến đó đâu mà chỉ theo dõi vệ tinh mới biết được.

Hai tàu Trung quốc tàu được ghi nhận tại vùng biển Gạc Ma gồm 1 tàu hộ vệ tên lửa và 1 tàu vận tải đổ bộ.(tháng 5, 2014) (Source news.china.com)
Tuy nhiên tờ The Diplomat hôm 15 tháng 5 trích lời chuyên gia Richard Bitzinger thuộc trường nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore, thì cho rằng việc xây dựng một đường băng ở bãi Gạc Ma là quá nhỏ để có thể có bất cứ ảnh hưởng nào về mặt chiến lược. Trước đó cả Philippines và Đài Loan cũng đã cho xây dựng đường băng tại đảo Thị tứ do Philippines kiểm soát và đảo Ba bình hiện do Đài Loan kiểm soát.

Tham vọng của Trung Quốc

Tuy nhiên, cũng có lo ngại cho rằng Trung Quốc có thể đi xa hơn là việc xây dựng một đường băng tại bãi Gạc Ma. Thạc si luật Hoàng Việt cho rằng có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ cho xây dựng một đảo nhân tạo với căn cứ quân sự như tờ Hoàn Cầu Thời báo đã nói đến. Ông nói:

Nếu họ làm một đảo nhân tạo lớn thì có nguy cơ họ sẽ xây dựng căn cứ quân sự trên đó. Nếu Trung Quốc có căn cứ quân sự và với thói quen, hành động và tham vọng, và quy luật họ đang sử dụng thì chắc chắn nó sẽ gây ra nhiều vấn đề tiềm ẩn mà trong đó cuộc chạy đua vũ trang, căng thẳng trong khu vực Trường sa đó sẽ dâng lên rất nhiều.




Về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông tức là kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982 từ thời ông Lưu Hoa Thanh, theo đó họ phát triển mạnh, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất mà biển đông là nằm trong chuỗi đảo thứ hai, và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ dương và TBD và đe dọa vị trí của Mỹ

Thạc sĩ Hoàng Việt
Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, việc xây dựng trên bãi Gạc Ma của Trung Quốc là nằm trong một chiến lược lâu dài thực hiện giấc mộng Trung Hoa, trở thành một cường quốc biển của Trung Quốc trong tương lai:

Đây là đường đi ra của Trung Quốc từ căn cứ Hải Nam xuống Hoàng Sa, rồi xuống sâu dưới này, tức là Trung Quốc đã tính một lối ra để thực hiện giấc mộng Trung Hoa, cường quốc biển, cường quốc đại dương. Cái này nó nằm trong âm mưu đó cho nên rất khoát là nguy hiểm.

Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định nếu Trung Quốc thực sự xây dựng một căn cứ quân sự tại đây, thì điều này có nghĩa là Trung Quốc đang thực hiện việc chinh phục chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra Thái Bình Dương:

Tôi nghĩ về lâu về dài họ sẽ làm vì mục tiêu của họ là chiếm được vùng biển Đông tức là kế hoạch nước sâu của họ đưa ra từ năm 1982 từ thời ông lưu Hoa thanh, theo đó họ phát triển mạnh, họ phải vươn từ chuỗi đảo thứ nhất mà biển đông là nằm trong chuỗi đảo thứ hai, và từ chuỗi đảo thứ hai và họ vươn ra Ấn Độ dương và Thái Bình dương và đe dọa vị trí của Hoa Kỳ.

Chuỗi đảo thứ nhất mà Trung Quốc muốn vượt qua kéo dài từ Hàn Quốc đến Philippines tức là bao gồm khu vực biển Đông. Chuỗi đảo thứ hai kéo dài từ đảo Honshu của Nhật, đi qua quần đảo Ogasawara, quần đảo Mariana, và quần đảo Palau. Trong hệ thống ‘mắt xích Thái Bình Dương’ do chuỗi đảo hợp thành, Nhật Bản và Hàn Quốc là trung tâm của mắt xích. Đây cũng là những đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Đô đốc Lưu Hoa Thanh của Trung Quốc từ năm 1982 đã đề xuất Trung Quốc cần kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai vào năm 2010 và 2020. Hải quân của Trung Quốc cần sẵn sàng đón nhận những thách thức của quân đội Mỹ tại Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ dương vào năm 2040 và biển Hoa Đông sẽ trở thành sân sau của hải quân quân đội nhân dân Trung Quốc trong thời gian không xa.

Việt Hà,
phóng viên RFA
Theo RFA

========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad