Nhiều cuộc va chạm đã xảy ra giữa lực lượng Việt Nam và TQ trên biển Đông kể từ hôm 02/05 |
Truyền thông Trung Quốc đổ lỗi cho Việt Nam sau khi một tàu cá Việt Nam bị chìm trong vụ va chạm với tàu Trung Quốc tại vùng tranh chấp trên Biển Đông.
“Tàu Việt Nam đã bị lật sau khi cố đâm vào giàn khoan dầu của chúng ta. Những người trên thuyền đã được cứu và Trung Quốc cảnh báo Việt Nam phải dừng gây rối,” Tờ Tin tức Bắc Kinh nói.
Nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh đưa tin Việt Nam đã “phớt lờ cảnh báo” và “cản trở” hoạt động của giàn khoan Trung Quốc. Tờ này dẫn lời ông Dịch Tiên Lương, một quan chức ngoại giao ở Bắc Kinh, nói rằng Việt Nam “khiêu khích” nhưng Trung Quốc sẽ giữ “bình tĩnh và kiểm soát”.
Lý Quốc Cường, một sử gia tại Viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc nói với China Daily rằng mục đích của “việc quấy rối liên tục từ phía Việt Nam” không chỉ là nhằm cản trở doanh nghiệp Trung Quốc, mà còn giúp Hà Nội đòi hỏi chủ quyền trên vùng biển của Trung Quốc.
Cùng chung suy nghĩ đó, Lưu Hoà Bình, một nhà bình luận của Đài Truyền hình Vệ tinh Thẩm Quyến, nói rằng Việt Nam muốn “ép” Bắc Kinh “rút lui” và “đòi chia lợi ích kinh tế” trên Nam Hải (biển Đông).
“Thời tiết trên Nam Hải khá bình lặng trong những ngày này, vì thế không có lý do gì để các tàu cá và tàu thương mại va chạm thường xuyên như thế…Trung Quốc cảnh báo Việt Nam rằng nếu Hà Nội tiếp tục sử dụng thuyền cá giả danh để gây sự, Trung Quốc sẽ không ngần ngại mà đáp trả, và thậm chí là đâm chìm những chiếc tàu này,” ông Lưu nói.
Ông Vương Hiểu Bằng, một chuyên gia hàng hải thuộc viện Khoa học-Xã hội Trung Quốc nói với Hoàn cầu Thời báo rằng Bắc Kinh nên chuẩn bị về cả “sức mạnh tinh thần và vật chất cho những quấy nhiễu liên tục từ Việt Nam”.
“Hà Nội đã nỗ lực mở rộng vùng tranh chấp trên Nam Hải bằng việc tuyên bố chủ quyền với quần đảo không hề có tranh chấp là Tây Sa [Hoàng Sa], và tìm kiếm “hành động pháp lý” về vấn đề đó. Philippines đã nộp đơn lên tòa án quốc tế và Hoa Kỳ hiện đang khuyến khích Việt Nam hành động tương tự. Các quốc gia sẽ liên tục đưa Trung Quốc ra tòa trong tương lai,” ông này cảnh báo.
‘Nhật Bản có mưu đồ xấu’
Ông Tần Cương nói Nhật đang làm 'ngư ông đắc lợi' trong vùng biển tranh chấp |
Đồng thòi truyền thông Trung Quốc chỉ trích Nhật Bản vì có “mưu đồ không trong sáng” khi “ủng hộ” Việt Nam trong vụ va chạm.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga nói sau vụ việc rằng “các bên liên quan phải tránh có các hành động đơn phương làm gia tăng căng thẳng”.
Bình luận về quan điểm của ông Suga, phát ngôn nhân của bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói lãnh đạo Nhật Bản đang cố gắng làm “ngư ông đắc lợi trong vùng biển tranh chấp nhằm đạt những mưu đồ không trong sáng”.
Ông ta [Shinzo Abe] muốn đẩy các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Philippines, lên tuyến đầu. Bằng cách ủng hộ các nước này trong xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực đẩy căng thẳng ngoại giao ra khỏi Đông Bắc Á"
Bài viết trên Đại Công Báo
|
“Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có những hỗ trợ nhỏ nhưng mang tính biểu tượng cho các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc,” Tân Hoa Xã nói, cho biết thêm rằng Tokyo đã đề nghị gửi tàu tuần tra đến biển Đông để “gìn giữ hòa bình và ổn định trong khu vực”.
Một bài viết trên nhật báo Đại Công Báo bình luận rằng ông Abe ủng hộ Việt Nam và Philippines với “ý đồ rõ ràng”.
“Ông ta muốn đẩy các nước Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Philippines, lên tuyến đầu. Bằng cách ủng hộ các nước này trong xung đột với Trung Quốc, Nhật Bản đang nỗ lực đẩy căng thẳng ngoại giao ra khỏi Đông Bắc Á.”
Bài bình luận cảnh báo Việt Nam rằng Nhật Bản có một “nghị trình ngầm”.
“Liệu Hà Nội có sẵn sàng trở thành tay súng dưới trướng Tokyo? Bởi những lý do lịch sử, Việt Nam luôn cảnh giác với Mỹ và Nhật. Hai nước này càng thân thiện, Hà Nội sẽ càng nghi ngờ bởi không ai cho không ai thứ gì cả,” Đại Công Báo viết.
‘Tình bằng hữu với Malaysia’
Quan hệ Malaysia - Trung Quốc phần nào bị ảnh hưởng bởi chuyến bay bí ẩn MH370 |
Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc trong vòng một tuần từ thứ Ba.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin vắn về việc ông Razak hạ cánh ở Tây An, tỉnh Thiểm Tây. Thủ tướng Malaysia dự kiến sẽ đến Bắc Kinh vào thứ Tư và đối thoại với Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác trong một “bữa tiệc tối riêng tư”.
Năm nay đánh dấu mốc 40 năm quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Malaysia, tuy vậy quan hệ này bị ảnh hưởng sự cố máy bay mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Hầu hết các hành khách trên chuyến bay MH370 là người Trung Quốc. Người thân của họ cáo buộc chính quyền Malaysia xử lý kém trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích từ tháng Ba.
Trong cuộc họp riêng giữa quan chức quốc phòng hai bên vào thứ Ba, Phạm Trường Long, phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, thúc giục Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishamuddin Hussein “tiếp tục tìm kiếm máy bay mất tích”, Nhân dân Nhật báo đưa tin.
Cựu đại sứ Trung Quốc tại Malaysia Vương Xuân Quý nói với Hoàn cầu Thời báo bản tiếng Trung rằng ông Razak đã “nồng nhiệt chào đón” chủ tịch Trung Quốc khi ông Tập đến thăm Malaysia vào tháng 10/2013.
Ông Vương cũng cho rằng việc mở một bữa tiệc tối riêng tư thể hiện “tình bằng hữu giữa hai nhà lãnh đạo và sự trở lại của lòng hiếu khách”.
Bài báo nói rằng Malaysia sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN từ Myanmar trong năm tới.
“Malaysia và Trung Quốc cùng chung quan điểm về vấn đề Nam Hải, rằng cần phải phản đối sự can thiệp từ bên ngoài,” ông Vương nói.
Theo BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét