Theo Hiến pháp Việt Nam 1992 Sửa đổi năm 2013 có quy định rõ lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước để bảo vệ chế độ XHCN. Song gần đây, trước thái độ bạc nhược, lần lữa... của lãnh đạo chính quyền Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, nhiều người thấy rằng nếu Quân đội NDVN trung thành với Đảng và Nhà nước thì trong bối cảnh hiện nay liệu họ có đảm bảo trọng trách giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ hay không?
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu vùng chủ quyền của Việt Nam, dẫn tới nguy cơ xung đột vũ trang giữa lực lượng Hải quân hai nước là điều hoàn toàn có thể. Và từ sự xung đột đó rất có thể lan rộng tạo nên một cuộc chiến tranh giữa hai nước Việt- Trung là điều hoàn toàn có thể. Nhưng trước thái độ thờ ơ, nhu nhược của Đảng và chính quyền trước việc Trung Quốc gây sức ép trên Biển Đông bằng các hành động vi phạm chủ quyền lãnh hải và về phía quân đội không có các động thái cần thiết để đáp trả. Do đó vấn đề được đặt ra là: để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia thì quân đội Nhân dân Việt Nam có nhất thiết phải trung thành với đảng CSVN hay không, hay chỉ trung thành với tổ quốc và nhân dân là đủ?
Nếu hiểu, theo định nghĩa Hiến pháp là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Và trong xã hội dân chủ, Hiến pháp là văn bản do chính quyền tạo ra, nhưng nhất thiết phải nhận được sự đồng tình của người dân, thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Cũng cần phải hiểu nếu chính quyền không được thiết lập bởi Hiến pháp của người dân là một chính quyền không có tính chính danh. Do vậy, Hiến pháp không phải là khế ước giữa người dân với chính quyền, mà là khế ước xã hội giữa người dân với nhau để thiết lập một nhà nước, bởi Hiến pháp có trước chính quyền. Chính vì thế, chủ thể lập Hiến phải là nhân dân.
Theo cách hiểu thông thường nhất, Hiến pháp là một văn bản luật cơ bản có vị trí cao nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật của quốc gia và Hiến pháp là văn bản để thiết lập và trao những quyền lực cần thiết cho các cơ quan công quyền của một tổ chức nhà nước. Chính vì vậy, ở các quốc gia về mặt pháp lý thường có một hệ thống thiết chế để bảo vệ Hiến pháp, với công việc áp dụng và giải thích Hiến pháp trong khi có các tranh chấp. Đó chính là Tòa án Hiến pháp. Bình thường phán quyết của Tòa án Hiến pháp là quyết định cao nhất, song trong điều kiện bất bình thường, một khi Hiến pháp có nguy cơ bị đe dọa thì lực lượng quân đội sẽ giữ vị trí quyết định, cao hơn cả Tòa án Hiến pháp trong việc bảo vệ Hiến pháp để thiết lập lại trật tự. Ở mức cao hơn lực lượng quân đội có thể tuyên bố xóa bỏ Hiến pháp với lý do nhằm thiết lập lại trật tự mà ta thường quen với hai chữ Đảo chính.
Trở lại vấn đề người ta tranh cãi xung quanh vấn đề "Quân đội phải trung thành với ai?", theo Hiến pháp Việt Nam 1992 Sửa đổi năm 2013, Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ Nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế". Việc này đã gây nên nhiều tranh cãi, không ít người cho rằng việc để quân đội trung thành với đảng CSVN thì có nghĩa là quân đội đã bị chính trị hóa, mà theo họ quân đội chỉ có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ đối với Tổ quốc và nhân dân. Chứ dứt khoát không phải trung thành với bất kỳ đảng phái nào. Vậy điều này sẽ cần phải hiểu thế nào cho đúng?
Trước tiên cần phải hiểu nhiệm vụ cao nhất của quân đội là trung thành và bảo vệ đối với Hiến pháp, và trong việc bảo vệ Hiến pháp thì việc phải bảo vệ tổ quốc và nhân dân là chuyện đương nhiên. Có một sự hiểu nhầm đáng tiếc từ lâu nay của không ít người, khi cho rằng trong một xã hội đa nguyên chính trị, thì các chính đảng sẽ có các đường lối chính trị khác nhau do đó quân đội không được trung thành với bất kỳ chính đảng nào. Từ đó họ suy ra quân đội phải phi chính trị. Đây là một cách suy nghĩ không đúng.
Nên hiểu, các chính đảng trong một thể chế chính trị tự do, đa nguyên chính trị dẫu có các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau, nhưng tất cả các xu hướng, đường lối chính trị khác nhau ấy phải nằm trong khuôn khổ của Hiến pháp quy định. Mỗi Hiến pháp của bất kỳ quốc gia nào cũng phải có một chế độ chính trị cụ thể của mình, do vậy quân đội không thể phi chính trị hóa. Đây cũng là lời giải thích để đập lại cái quan điểm cho rằng có đa đảng sẽ dẫn tới xáo trộn chính trị. Ví dụ trong một xã hội dân chủ đa nguyên, bỗng có một chính đảng cầm quyền đang nắm với một đa số ghế trong quốc hội nổi hứng thông qua quốc hội bổ sung điều 4 Hiến pháp. Tự cho họ cái quyền lãnh đạo nhà nước và xã hội (độc đảng), như vậy là vi hiến. Trong trường hợp này, nếu Tòa án Hiến pháp không giải quyết được giải tán đảng cầm quyền theo luật pháp, thì lực lượng quân đội sẽ tiến hành đảo chính để thiết lập lại trật tự.
Ở Việt Nam, đây là một vấn đề hết sức quan trọng, tại Điều 65 có ghi rõ "Lực lượng vũ trang nhân dân tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước" là điều thừa và không cần thiết, vì đương nhiên nghĩa vụ của quân đội là phải trung thành với Hiến pháp quốc gia. Mà Điều 4 của Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam quy định rõ Đảng CSVN là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Việc Quân đội có nghĩa vụ trung thành và bảo vệ Hiến pháp cũng là điều được coi là bất di bất dịch. Nhưng với quy định của Hiến pháp hiện nay có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, trong trường hợp Đảng CSVN và chính quyền của họ bạc nhược và rắp tâm làm tay sai cho Trung Quốc thì đồng nghĩa với việc quân đội NDVN cũng buông súng để bỏ mặc chủ quyền của tổ quốc.
Đảng chính trị chỉ là một tập hợp của những người có cùng xu hướng, cùng quan điểm chính trị song quan điểm của một nhóm người này không đại diện cho ý chí của toàn dân trong một quốc gia. Chính vì thế việc Hiến pháp Sửa đổi năm 2013, trong đó ghi rõ Quân đội phải trung thành với Đảng là điều bất hợp lý, cái đó hoàn toàn xuất phát từ sự trục lợi cố ý của Đảng CSVN - đảng cầm quyền đại diện cho một nhóm người trong thể chế chính trị độc đảng toàn trị.
Đó là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội tự do và dân chủ.
Ngày 25 tháng 6 năm 2014
Kami
(Blog Kami)
Post Top Ad
Thứ Năm, 26 tháng 6, 2014
Từ khóa tìm kiếm:
# Bình Luận - Quan Điểm
# Kami
Share This
About
Tiến Bộ
Kami
Labels:
Bình Luận - Quan Điểm,
Kami
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét