Nếu bạn chưa bao giờ xem Bộ sưu tập bản đồ của David Rumsey thì nên xem qua một lượt, nó hoàn toàn tuyệt vời.
Khi tiến đến lĩnh vực địa lí học, dĩ nhiên có những vấn đề hiện ra trong đầu người dân ở Đông Nam Á, và họ quay sang những tấm bản đồ để làm “bằng chứng”.
Tuy nhiên, như tôi đã nói trên blog này trước đây, khái niệm “chủ quyền” là một khái niệm phương Tây/hiện đại, vì vậy rất khó tìm chứng cứ cho nó trên các tấm bản đồ có niên đại trước khi khái niệm đó du nhập vào châu Á ở thế kỉ XX.
Người phương Tây có khái niệm này trước thế kỉ XX, nhưng khi họ vẽ bản đồ về Á Châu, họ dường như không có ý nghĩ rằng “những bãi đá trên biển đó” thuộc về bất cứ ai.
Hãy xem tấm bản đồ như tấm được vẽ năm 1780 này (Les Isles Phiilippines, Celle de Formose. . .).
Nó có quần đảo Paracels (Hoàng Sa), và hình các đảo có một đường viền bao quanh, nhưng đường viền đó có nghĩa gì? Có phải nó có nghĩa là chúng thuộc về Nam Kỳ? Làm sao chúng ta biết? Hoặc nó đơn thuần chỉ có nghĩa là chúng là một nhóm đảo?
Cũng có một đường viền xung quanh vùng Basse d’Agent (trên bản đồ). Đường viền đó có nghĩa gì?
Rồi bạn có tấm bản đồ được vẽ năm 1864 dưới đây (Bản đồ về Burma, Siam, Nam Kỳ và Malaya). Nó được bôi đen ở những khu vực nước nông, và nó bao quanh quần đảo Paracels, Hải Nam và dọc bờ biển, nhưng ai có “chủ quyền” với quần đảo Paracels?
Cuối cùng, có một tấm vẽ năm 1806 (Quần đảo Đông Ấn và những khu vực lân cận với các kênh mạch nằm giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Tân Hà Lan). Ở đây chúng ta thấy rằng “Trung Quốc” màu xanh lá cây, “Việt Nam màu hồng, và quần đảo Paracels… không màu gì cả (tấm bản đồ trên cũng vậy).
Tôi nghĩ đã đến lúc phải hình thành Mặt trận giải phóng Paracel. Những đảo đó thuộc về những sinh vật biển, chim và côn trùng đã sinh sống ở đó từ thời thượng cổ. Tất cả con người nên rời khỏi đó.
Lê Minh Khải
Hoa Quốc Văn chuyển ngữ
David Rumsey Map Collection
Theo blog Le Minh Khai
- Nguồn: Beautifully Digitized Old Maps (and Time to Form the PLF) - Lê Minh Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét