|
Nói là khó vì đây có thể là đề tài cho một cuộc hội thảo quốc gia với hàng chục tham luận cũng không giải quyết trọn vẹn. Nhưng nhìn từ góc độ một học sinh vừa học xong cấp 3 vẫn có thể làm bài được bằng cách nói sơ qua hai yếu tố cung cầu trên thị trường lao động và cách tác động vào hai nguồn cung cầu này.
Tuy nhiên, chính câu hỏi trong đề thi này và đáp án mà Bộ Giáo dục-Đào tạo vừa công bố tối hôm qua đã làm nảy sinh nhiều suy nghĩ về nền kinh tế nước ta nói chung, việc nghiên cứu nó và nền giáo dục nói riêng.
Trước tiên là vấn đề số liệu. Trong khi những ai làm công tác nghiên cứu kinh tế đều biết số liệu thống kê ở nước ta còn nhiều vấn đề, ít người nghĩ đến chuyện số liệu lung tung, thiếu nhất quán sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tư duy của học sinh.
Đáp án cho câu hỏi nói trên có nêu yếu tố nguồn cung lao động tăng nhanh: “Nước ta là nước đông dân (hơn 90 triệu người), nguồn lao động dồi dào (hơn 50% tổng số dân), mỗi năm tăng thêm hơn 1 triệu lao động”. Thật ra, con số lao động tăng thêm năm 2013 theo Tổng cục Thống kê là 864.300 người. Đáp án không nêu con số về phía cầu nhưng theo Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội, năm 2013 cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động. Thử hỏi nếu các bạn là học sinh đi thi đại học và biết hai con số này (cung hàng năm tăng thêm 1 triệu người, cầu hàng năm tăng thêm 1,5 triệu người) thì làm sao kết luận “tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt”.
Cho dù nguồn cung lao động có thể đến từ các nguồn khác như do cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, do diện tích sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp lại, đi tìm việc làm mới… thì cân đối cung cầu theo số liệu chính thức là ổn và về mặt lý thuyết mà nói, tình trạng thất nghiệp ở Việt Nam đã được giải quyết từ lâu rồi, thậm chí còn thiếu lao động cho nền kinh tế nữa. Học sinh học trong sách vở thấy khác, đọc báo thấy khác, rồi ra đời thấy khác nữa, chắc các em sẽ hoang mang và lúng túng lắm.
Thứ hai là các hướng giải quyết việc làm mà đáp án đưa ra có nhấn mạnh “tăng cường hợp tác để thu hút vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng xuất khẩu”. Tư duy này phản ánh sự chưa thừa nhận rộng rãi nền kinh tế tư nhân mà thực tế trong những năm qua là nguồn tạo công ăn việc làm lớn nhất. Theo số liệu chính thức của Tổng cục Thống kê, khu vực kinh tế tư nhân trong nước thu hút nhiều lao động nhất, kế đến mới là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn khu vực doanh nghiệp nhà nước thì số lao động ngày càng giảm. Đó là chưa kể khu vực kinh tế phi chính thức hiện vẫn là nơi tạo công ăn việc làm nhiều nhất cho người lao động mà chưa có cuộc điều tra hay thống kê nào ghi nhận cho chính xác.
Cái cuối cùng là các khái niệm gây lúng túng “thất nghiệp” và “thiếu việc làm”. Nhìn vào đáp án có thể nói người ra đề không phân biệt sự khác nhau giữa "thất nghiệp" và "thiếu việc làm" một cách chính thức. Lẽ ra đề thi nên mạnh dạn sử dụng từ “thất nghiệp” chứ không việc gì phải né tránh, làm cho học sinh quen với cái cách “nói tránh” không có lợi cho tư duy của các em. Quan trọng hơn, người ra đề phải hiểu “thiếu việc làm” là khác với “thất nghiệp” nên giả dụ có em nào đó nghiên cứu sâu và viết bài theo hướng phân biệt chính xác hai khái niệm này thì người chấm bài sẽ biết xử lý ra sao?
Gác chuyện đề thi qua một bên, cách né tránh thực tế bằng các khái niệm “thất nghiệp”, “thiếu việc làm” không theo thông lệ quốc tế cũng làm việc điều hành kinh tế không có trọng tâm trong khi ở các nước một chỉ tiêu quan trọng họ luôn thống kê là tỷ lệ thất nghiệp tăng giảm bao nhiêu. Suy cho cùng kinh tế dù tăng trưởng mà thất nghiệp vẫn tràn lan thì tăng trưởng cho ai? Để làm gì?
Theo Tổng cục Thống kê, một người hoàn toàn không có việc làm có thu nhập gì cả trong một tuần trước đó và vẫn đang mong muốn tìm việc làm thì mới gọi là “thất nghiệp”. Trong tuần mà người này chỉ cần làm một giờ cũng không còn là “thất nghiệp”. Còn “thiếu việc làm” là số giờ làm việc của người đó trong tuần tham chiếu dưới 35 giờ.
Chính vì thế số liệu thất nghiệp của Việt Nam thuộc vào loại tốt nhất thế giới. Cũng theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2013 ước tính là 2,2%; Tỷ lệ thiếu việc làm ước tính 2,77%. Các nước khác mà thấy số liệu này chắc là họ sẽ thèm muốn lắm và sinh viên nước họ ắt sẽ thắc mắc sao lại bắt thí sinh trả lời “Vì sao tình trạng thiếu việc làm ở Việt Nam hiện nay vẫn còn diễn ra gay gắt”?
Nguyễn Vạn Phú
Theo Kinh Tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét