"...Mỗi năm khi mùa thi bắt đầu là cả xã hội lại xôn xao bàn tán về vấn đề thi cử và gian lận học đường. Người trong cuộc không chỉ có thí sinh mà còn có giám thị, phụ huynh, giáo viên, và tất cả mọi người có con cái đi học. Như vậy, cần phải hiểu thế nào về bản chất của việc đi thi và việc gian lận học đường, trong bối cảnh toàn dân đang mong mỏi một sự cải cách đáng kể về chất lượng giáo dục?.."
Trước tiên, thi cử là gì và tại sao đã học thì lại phải đi thi?
Khái niệm thi cử (examination/test) có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau tùy vào giáo viên. Theo cách hiểu đơn giản nhất thì đó là việc người học thực hiện một loạt những yêu cầu nhằm đánh giá mức độ thông thạo về kiến thức đã được truyền đạt sau quá trình học. Nói như vậy, thi cử chỉ là một công cụ đánh giá hiệu quả của quá trình dạy và học (learning assessment tool), và sự thông thạo về kiến thức của người học là chủ thể chính cần được đo đạc. Khi kết quả này được trưng ra cho xã hội xem xét thì đại bộ phận công chúng sẽ nhìn vào đó để đánh giá năng lực của công dân tương lai. Xã hội muốn tách thành viên giỏi ra khỏi những thành viên kém để đảm nhận những công việc hệ trọng, đòi hỏi tính chính xác cao như bác sĩ, kĩ sư, nhà khoa học, chuyên gia kinh tế… Trong môi trường học tập thực sự,
- người học qua thi cử muốn chứng tỏ cho xã hội mức độ thông thạo kiến thức của bản thân. Họ cũng có thể dựa trên nội dung thi để khái quát hóa, củng cố kiến thức cho mình.
- Người giáo viên muốn dùng thi cử để đánh giá hiệu quả truyền đạt kiến thức của mình, cho nên khi dạy và khi ra đề thi họ đều tập trung vào những chủ đề thiết yếu.
Như vậy mọi việc bắt đầu từ áp lực từ xã hội phải phân loại học sinh rõ ràng cho những nhiệm vụ tương lai.
|
Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn sử dụng giáo trình chung và các kì thi chuẩn hóa để đánh giá người học. Học sinh mong muốn đạt điểm cao để có nghề nghiệp tốt. Giáo viên phải tìm cách phủ kín vùng kiến thức thi (màu xanh) bằng vùng kiến thức học (màu đỏ) để giúp sinh viên của mình thành công.
Theo sơ đồ trên có thể thấy được nội dung đề thi dùng để đánh giá thí sinh chỉ là một tập hợp các chấm nhỏ trong khối kiến thức được truyền đạt trên trường lớp. Lưu ý các câu hỏi thi được minh họa các chấm thể hiện tính ngẫu nhiên của đề thi. Học tài thi phận là đây.
Tập hợp này nhỏ hơn nhiều so với khối kiến thức mà một thanh niên 18 tuổi cần phải có để tự tồn tại và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Những kĩ năng sử dụng Internet, giao tiếp, phỏng vấn, quản lý tiền bạc, thể thao, kiến thức pháp luật, chăm sóc sức khỏe… có lẽ sẽ được dạy trong tương lai? Liệu các thanh niên 18 tuổi của chúng ta có thể tự tồn tại không cần sự giúp đỡ của gia đình?
Thế là trong cứ mỗi năm, ngành giáo dục cung cấp cho xã hội khoảng một triệu công dân[1] với trình độ giới hạn quanh các vòng tròn màu đỏ. Chính áp lực điểm số buộc học sinh phải tập trung vào một số tiểu tiết trong các môn thi. Áp lực này kìm hãm văn hóa đọc, mong muốn tìm tòi cái hay, cái đẹp ở những mảng kiến thức bên ngoài, đồng thời lấy mất trải nghiệm tuổi trẻ, một tài sản quý giá.
Riêng bàn luận trên đã cho phép mở ra vấn đề. Học sinh cũng như gia đình và giáo viên đều ý thức được các chấm xanh li ti, dùng để đánh giá con người, quá nhỏ so với những đòi hỏi của cuộc sống. Chẳng phải một cá nhân ưu tú là một cá nhân hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn hơn, tận dụng mọi nguồn tài nguyên, phương tiện sẵn có? Nếu học sinh đã quen với lối suy nghĩ này trong suốt quá trình học thì cũng không lấy làm lạ khi chỉ cần người giám thị mất tập trung, học sinh sẽ ngay lập tức “tận dụng mọi nguồn tài nguyên”. Bởi vì thi xong thì ra đời cũng chẳng mấy khi bị hỏi lại nên đối phó được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Vậy có nghĩa là trước những kì thi này, một lượng không nhỏ học sinh đã sẳn có tư tưởng “cứ gian lận nếu có thời cơ”.
Lúc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo siết chặt nội quy thi cử. Người giám thị đảm bảo công bằng trong phòng thi để chúng ta không có những bác sĩ phẫu thuật rởm, để người lính không bảo vệ đất nước bằng một vũ khí bị tính sai, hay bị gia công gian dối.
Không phải chỉ có học sinh Việt Nam có tư tưởng gian lận trong thi cử. Theo một loạt các thống kê về đạo đức học đường thì Trung Quốc và Nga là hai nước đứng đầu về tỷ lệ học sinh thừa nhận đã từng gian lận trong thi cử.[3]
Một ví dụ về gian lận ở các nước khác vào năm 2007, công ty ETS (Educational Testing Service) đã phải chi 12 triệu USD nhằm cải cách kì thi GRE (Graduate Record Exam), được xem như một chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường Đại học Mỹ. Nỗ lực này nhằm ngăn cản sinh viên từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan sao chép những câu hỏi đã thi lên Internet. Nhóm sinh viên từ các nước này có điểm số cao hơn hẳn so với những khu vực khác. Nhiều sinh viên châu Á dường như đã quen với việc “tận dụng mọi nguồn tài nguyên” và không xem việc sử dụng các câu hỏi trên là vi phạm. Họ cũng bất chấp vấn đề sai phạm bản quyền khi sao chép đề thi lên mạng.[2]
Là một nước châu Á với nền văn hóa trọng khoa cử của Việt Nam, tư tưởng “cứ gian lận nếu có thời cơ” có nhiều dịp được hình thành và củng cố trong suốt 12 năm học. Bắt đầu những ngày học cấp 1 học sinh được mẹ muối dưa kiệu hay làm giúp các sản phẩm thủ công để mang lên lớp chấm điểm. Có giáo viên nào phân biệt được mọi sản phẩm do bố mẹ làm và có ông bố bà mẹ nào không muốn giúp con được điểm cao hơn. Chỉ một chút vô tâm của bố mẹ và giáo viên trong những tình huống này đã gieo cho con trẻ phản xạ “tận dụng mọi nguồn tài nguyên” để đạt được mục tiêu.
Càng lên các cấp học trên, học sinh càng ý thức rõ tầm quan trọng của điểm số và thứ bậc do điểm số công khai mang lại. Lúc này, hành vi uốn cong luật học đường diễn ra ở ngày càng nhiều quy mô phức tạp. Vô tình có thể là sao chép và giải đề thi các năm trước, gia sư giúp học sinh giải bài tập, bản thân giáo viên trực tiếp tham gia hướng dẫn học sinh giải bài tập của mình trong các lớp dạy thêm. Tệ nhất là giáo viên tiết lộ thông tin về đề thi cho học sinh đi học thêm qua nhiều hình thức khác nhau. Cũng có học sinh cố ý gian lận bằng cách làm bài tập về nhà cùng nhau, làm bài thi cùng nhau, xem tài liệu trong lúc kiểm tra 15 phút, 45 phút, thi học kì… và cuối cùng là thi Tốt nghiệp, thi Đại học nếu chưa muốn bàn đến quá trình học Đại học. Hình thức có thể đơn giản như viết tài liệu trên giấy hay tinh vi hơn như chụp vào điện thoại, nhắn tin, đeo tai nghe không dây… Hành vi gian lận cứ tiếp tục như vậy cho khi bị phát hiện và trừng phạt. Nếu biện pháp trừng phạt không đủ mạnh, hành vi gian lận sẽ lại tiếp diễn. Lúc đó, liệu chúng ta có thể thực sự tin tưởng vào thành quả giáo dục do những kết quả ảo này mang lại?
Vấn đề giải quyết tận gốc tình trạng gian lận học đường không chỉ gói gọn ở khâu tổ chức thi nghiêm túc. Một học sinh với tư tưởng gian lận sau khi vượt qua kì thi tuyển sinh sẽ tiếp tục hành vi gian lận một cách dễ dàng trong môi trường Đại học. Một lần nữa, ai đủ can đảm giao tính mạng của mình cho một phẫu thuật viên đã từng vài lần bị bắt quay bài trong lớp học nhưng được giám thị bỏ qua. Các biện pháp trừng phạt được thiết kế để răn đe học sinh vi phạm phải được tiến hành thực sự nghiêm túc. Giáo viên cần được khuyến khích thực hiện những biện pháp răn đe đủ mạnh để giúp học sinh xây dựng tính trung thực.
Theo thiển ý của tác giả, việc hạn chế tư tưởng “tận dụng mọi nguồn tài nguyên” cũng cần phải bắt đầu từ lứa tuổi mới cắp sách đến trường. Đây không hẳn là tư tưởng xấu nhưng hãy khuyến khích học sinh tự mình làm công việc được giao phó để tự trưởng thành hơn.
Con gà con mới nở sẽ không thể sống được nếu bạn giúp nó bóc vỏ trứng. Việc ngồi nhìn con trẻ vất vả với các bài tập về nhà thường không hề dễ dàng với bố mẹ, đôi lúc làm chúng ta phát cáu. Với một số bài tập, ví dụ như thêu thùa, nấu nướng (mà vài bà mẹ có con trai cho là vô ích) nên xem như một trở ngại mà trẻ cần học cách vượt qua. Hãy khuyến khích con trẻ tự mình hoàn thành và đánh giá tiến bộ của chúng một cách công bằng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xây dựng một khung chương trình tập trung hơn vào những kỹ năng mà xã hội mong mỏi ở người công dân? Nếu đề thi của Bộ không chỉ gói gọn trong những kiến thức hàn lâm mà còn cần mở rộng sang khối kiến thức chung thì giáo viên sẽ dễ dàng giải thích cho học sinh hiểu rõ ý nghĩa thiết thực của việc học với tương lai của cá nhân nói riêng và sự nghiệp xây dựng đất nước nói chung.
Vài dòng chia sẻ.
Nguyễn Hữu Hoàng, PhD candidate
Gainesville, Florida, USA
nhhoang@ufl.edu
Theo Học Thế Nào
Tham khảo:
[1] Anh. Y. (2012) 963.571 thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Người lao động. Tải ngày 11/10/2012.
[2] Bosman J. (2007) Plans for Revamped G.R.E. Are Abandoned. The New York Times. Tải ngày 11/10/2012.
[3] Davis, S. F., Drinan, P. F., & Bertram Gallant, T. (2009). Cheating in School. Malden, MA: Wiley Blackwell.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét