Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng Biển Đông - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Thượng viện Mỹ yêu cầu Trung Quốc trả lại nguyên trạng Biển Đông


Tàu tuần dương Trung Quốc gần dàn khoan HD 981
Thượng viện Hoa Kỳ hôm 10/07/2014 nhất trí thông qua nghị quyết S.Res 412 lên án các hành động đe dọa, gây hấn gây bất ổn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nghị quyết đòi Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981, ngay lập tức trả lại nguyên trạng Biển Đông như trước ngày 01/05/2014.Hôm nay 11/7 Việt Nam đã lên tiếng hoan nghênh.

Nghị quyết với sự bảo trợ của các thượng nghị sĩ tên tuổi của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa như Patrick Leahy, Benjamin Cardin, John McCain, Robert Menendez…tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa Kỳ về tự do hàng hải tại Biển Đông và các giải pháp hòa bình trong tranh chấp lãnh thổ, với tư cách một cường quốc châu Á-Thái Bình Dương có lợi ích quốc gia trong khu vực.

Thượng viện Hoa Kỳ lên án các hành động đe dọa, sử dụng vũ lực để cản trở quyền tự do hoạt động tại không phận quốc tế để thay đổi nguyên trạng hay làm mất ổn định khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nghị quyết yêu cầu Trung Quốc kiềm chế không áp dụng vùng nhận dạng phòng không, cũng như không có những hành động khiêu khích khác trong khu vực. Đồng thời cũng biểu dương Nhật Bản và Hàn Quốc vì đã kiềm chế.

Thượng viện Mỹ kêu gọi Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và các lực lượng hàng hải hộ tống khỏi vị trí hiện nay, không tiến hành các hoạt động đi ngược lại COLREGs (Quy định quốc tế phòng ngừa các vụ va chạm trên biển), và ngay lập tức trả lại nguyên trạng như trước ngày 01/05/2014.

Đặc biệt so với văn bản đề xuất ban đầu, nghị quyết có thêm một đoạn nêu rõ việc Trung Quốc hôm 01/05/2014 đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 cùng với các tàu hộ tống trong đó có tàu quân sự vào block 143 chỉ cách bờ biển Việt Nam có 120 hải lý. Thượng viện Mỹ lên án việc các tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam bằng cách đâm va, phun vòi rồng, cho trực thăng đe dọa…là vi phạm các nguyên tắc luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS).

Nghị quyết khẳng định các chính sách: ủng hộ các đồng minh và đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; phản đối các yêu sách chủ quyền đụng chạm đến các quyền, tự do và việc sử dụng hợp pháp vùng biển; kêu gọi các bên không lao vào các hoạt động gây bất ổn, trong đó có việc chiếm đóng hay tìm cách khẳng định chủ quyền một cách bất hợp pháp tại khu vực tranh chấp. Thượng viện Hoa Kỳ khuyến khích sử dụng các cơ chế như đường dây nóng và thủ tục khẩn cấp để ngăn ngừa những sự cố tại các khu vực nhạy cảm, tránh leo thang và tận dụng các phương cách giải quyết hòa bình.

Thượng viện Mỹ cũng kêu gọi đảm bảo giải quyết tranh chấp không bằng cách đe dọa, cưỡng bức hay sử dụng vũ lực. Các bên liên quan cần làm rõ hay điều chỉnh yêu sách của mình cho phù hợp với luật pháp quốc tế. Nghị quyết ủng hộ các nỗ lực xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) và triển khai các định chế và tổ chức khu vực như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn Hàng hải ASEAN.

Khuyến cáo các bên tranh chấp không đơn phương tìm cách thay đổi nguyên trạng từ khi ký kết bản Tuyên bố ứng xử năm 2002, nghị quyết cũng bảo đảm tính liên tục của các hoạt động Hoa Kỳ tại Biển Đông.

Ngay sau đó, ngày 11/7 phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: "Việt Nam hoan nghênh việc Nghị quyết 412 của Thượng viện Hoa Kỳ yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương-981 và các lực lượng hộ tống khỏi vị trí hiện tại, không có các hoạt động trái với Quy tắc quốc tế về phòng ngừa đâm va trên biển (COLREGs); lên án các hành động cưỡng bức, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thay đổi hiện trạng hay gây bất ổn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam mong muốn các quốc gia trong và ngoài khu vực, trong đó có Hoa Kỳ tiếp tục có đóng góp mạnh mẽ, thiết thực, hiệu quả và có tính xây dựng cho hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở khu vực".

Thụy My
Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad