Đứa con Hoang đàng trong Nước lạ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Ba, 1 tháng 7, 2014

Đứa con Hoang đàng trong Nước lạ


Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh (phải) tiếp đón Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Nhà khách Chính phủ, Hà Nội, ngày 18/6/2014.


Bấm vào để nghe bài tường thuật
Kính thưa quí vị và các bạn, kể từ tối nay Kính Hòa sẽ đến vớiquí vị và các bạn trong Tạp chí Điểm Blog hàng tuần mỗi tối thứ hai. Câu chuyện trên các blogs suốt một tháng qua không có gì khác ngoài những bi hùng ngoài biển Đông đang dậy sóng khi những chiếc tàu Việt nam nhỏ bé bị vùi dập bởi kẻ địch mạnh hơn, và cả những bi hài khi nơi hội trường Ba Đình, một không khí bình thường im lặng và im lặng.

Một chính sách ngoại giao trịch thượng

Câu chuyện giàn khoa Trung quốc trên thềm lục địa Việt nam vẫn chưa đến hồi chấm dứt. Những dòng dầu mỏ khoáng sản dưới thềm lục địa chưa thấy đâu nhưng đã thấy những dòng tình cảm sôi sục của người dân nước Việt trước họa phương Bắc. Như đổ thêm dầu vào dòng lửa tình cảm sôi sục đó, người đứng đầu ngành ngoại giao của đảng cộng sản Trung quốc Dương Khiết Trì nói với báo chí nước Trung Hoa cộng sản rằng Việt nam là một đứa con hoang đàng, rằng nên trở về theo tiếng gọi khổ đau của Trung quốc!

Câu nói của họ Dương nhanh chóng được các phương tiện truyền thông quốc tế loan tải, chỉ trong vài giờ đồng hồ cả thế giới này biết rằng Trung quốc không còn giấu diếm gì nữa, rằng Trung quốc tự coi mình là kẻ dạy bảo người khác, và nhất là dạy bảo kẻ láng giềng phương Nam cùng ý thức hệ cộng sản.

Và để làm rõ hơn những điều dấu giếm bao năm trường ấy, blogger nghệ sĩ Song Chi tìm lại những gì chính những người cộng sản Việt nam công bố trong những năm mà hai chính quyền cộng sản coi nhau như một mất một còn.

  Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam VN, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Sau khi giành được ĐNCÁ, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…

Mao Trạch Đông
Chúng ta phải giành cho được Đông Nam châu Á, bao gồm cả miền nam Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia và Singapore… Sau khi giành được Đông Nam châu Á, chúng ta có thể tăng cường được sức mạnh của chúng ta ở vùng này, lúc đó chúng ta sẽ có sức mạnh đương đầu với khối Liên Xô-Đông Âu, gió Đông sẽ thổi bạt gió Tây…” Đây là câu nói của ông Mao Trạch Đông được Nhà xuất bản Sự Thật của đảng cộng sản Việt nam trích dẫn trong tài liệu "Sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua” hồi năm 1979.

Tiếc thay Sự thật, như tên nhà xuất bản của đảng, lại biến đi đâu mất kể từ Hội nghị Thành Đô năm 1990. Kể từ khúc quanh lịch sử hãy còn nhiều bí ẩn ấy, quan hệ Việt nam Trung quốc lại được phủ dưới những câu thắm tình hữu nghị, bốn tốt 16 chữ vàng.

Phải chăng sự hữu nghị ấy cũng nằm trong ý tưởng tự giấu mình của những người kế tục sự nghiệp ông Mao Trạch Đông, đó là Thao quang dưỡng hối. Hãy nghe cựu Đại tá quân đội nhân dân Việt nam Bùi Tín trình bày.

Tôi nhớ là cách đây gần 30 năm, ông Đặng Tiểu Bình đã dặn Giang Trạch-Dân, rỉ tai dặn kỹ 4 chữ "Thao quang dưỡng hối" tức là 30 năm tới hãy tránh ánh sáng, dưỡng hối là nuôi dưỡng bóng tối, cái âm mưu bốn hiện đại ấy. Trong thời kỳ đó đừng lộ nanh vuốt vội, đừng vội mà bị chặn lại.

Nay có vẻ những người cộng sản Trung quốc không còn kiên nhẫn nữa. Từ Bốn tốt thắm tình đồng chí họ chuyển sang Bốn không được của người thầy đe nẹt tên học trò ngỗ nghịch. Hãy nghe Tân Hoa Xã, hãng tin của đảng cộng sản Trung quốc tuyên bố

“Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải; Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa; Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải; Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ”.

Đến mức như thế này thì có lẽ như blogger Giang Nam Lãng tử viết trong một lời bình:

Xem ra tình hữu nghị ấy không chỉ “viển vông” mà còn rất độc hại đối với VN.

  Thế mà vẫn còn người hy vọng sói có thể thành cừu. Còn anh Dove vẫn tin vào CNXH sẽ thắng lợi toàn cầu. Tư bản nhất định thất bại. Đó là điều tôi suy nghĩ mãi về một thế hệ như anh hay những kẻ bái vọng phương Bắc, quì mọp dưới chân họ, nhưng đâu có thoát khỏi chiến tranh bên miệng hố

blogger Hiệu Minh
Cái viễn vông ấy không phải Giang Nam Lãng tử là người nói đầu tiên mà là từ lời tuyên bố hùng hồn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, như để thỏa lòng mọi người dân Việt. Nhưng còn những người đồng chí phương bắc của ông thì sao? Mà đâu chỉ riêng ông, câu hỏi này nên đặt ra cho hơn ba triệu đảng viên cộng sản Việt nam vẫn còn đứng dưới bóng cờ đỏ búa liềm vàng với các đồng chí phương Bắc.

Trong một lời kêu gọi những người còn luyến tiếc ý thức hệ, trong bài Thư gửi anh Dove, blogger Hiệu Minh viết

Hôm nay quan hệ Việt Trung đã quá rõ, chiêu bài ý thức hệ chỉ là thứ họ mang lừa những người nhẹ dạ nghe theo..

Thế mà vẫn còn người hy vọng sói có thể thành cừu. Còn anh Dove vẫn tin vào CNXH sẽ thắng lợi toàn cầu. Tư bản nhất định thất bại. Đó là điều tôi suy nghĩ mãi về một thế hệ như anh hay những kẻ bái vọng phương Bắc, quì mọp dưới chân họ, nhưng đâu có thoát khỏi chiến tranh bên miệng hố.

Cuộc chiến sẽ không cân xứng

Chiến tranh thì đã xảy ra rồi, không phải chỉ trong hàng ngàn năm lịch sử mà các nhà sử học cộng sản có thể đổ cho sự hung hăng tàn ác của các chế độ phong kiến hai nước Việt Hoa, mà nó xảy ra ngay ở thời hiện đại này, khi mà cả hai đảng cộng sản Việt nam Trung Hoa đang cùng nhau xây dựng con đường xã hội chủ nghĩa, như lời tờ Hoàn cầu thời báo, tờ báo mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa của đảng cộng sản Trung quốc, tuyên bố ngay sau chuyến làm việc tại Việt nam của nhà ngoại giao họ Dương kết thúc.

Chiến tranh đã xảy ra năm 1979 trong một tháng máu nhuộm khắp núi rừng biên giới phía Bắc, máu của những người lính tay không đổ xuống nhuộm đỏ biển đảo Garma năm 1988.

  Chính quyền của Việt Nam là một chính quyền độc tài, chính vì như thế nên trên trường quốc tế nó có ít sự ủng hộ. Và để đi đến 1 liên minh quân sự với Hoa Kỳ hay một nước khác bất kỳ thì đó là một điều khó khăn

Một bạn trẻ
Vâng chiến tranh! Chiến tranh là từ mà nhiều người Việt đã nhắc đến trong một tháng vừa qua, nhắc đến với sự lo ngại, lẫn sự hào hùng.

Nhiều người nhắc đến chiến tranh, nhưng chiến tranh làm sao với địch thủ mạnh hơn nhiều lần? Nhiều người nói rằng phải liên minh, liên minh với những người mạnh mẽ có thể kềm chế kẻ xâm lược kia. Nhưng liên minh làm sao với vị thế kẻ cô đơn ý thức hệ, và lại trớ trêu thay đồng sàng dị mộng với kẻ có thể đánh mình. Một bạn trẻ nói.

Cái chính sách quân sự của Việt Nam từ trước đến nay là làm bạn với tất cả các nước, không liên minh với nước này để chống nước khác. Theo em thì đó chỉ là một cách nói thôi, còn chính quyền của Việt Nam là một chính quyền độc tài, chính vì như thế nên trên trường quốc tế nó có ít sự ủng hộ. Và để đi đến 1 liên minh quân sự với Hoa Kỳ hay một nước khác bất kỳ thì đó là một điều khó khăn.

Nhưng lịch sử Việt nam hiện đại lại không thiếu nghi ngại với nước lớn Hoa Kỳ. Blogger Viết từ Sài Gòn hiến kế cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài Thư gửi Ngài thủ tướng

Nhưng, có một vấn đề này, ngài cần phải nhớ, Mỹ Quốc, nếu đứng trên phương diện địa cầu mà xét, họ mới là phương Bắc, họ là trợ lực của phương Bắc hiện tại. Điều này cho thấy họ cũng không tốt đẹp gì với một nước nhỏ như Việt Nam mà chính sách kinh tế, đối ngoại của họ cũng như lần bắt tay của họ với Trung Cộng để thả nổi Hoàng Sa rơi vào tay Trung Quốc năm 1974 đã chứng minh điều này. Nước Mỹ không bao giờ bỏ ra một đồng nào với ai nếu đồng đó không mang lại lợi nhuận cho họ (nhưng Trung Quốc thì càng ghê gớm hơn vì họ sẽ không bỏ bất kì xu nào với ai nếu nước đó không tan nát vì họ).

Và đã đến lúc ngài phải “dĩ độc trị độc” phải lấy nước trị nước, phải lấy phương Bắc lớn hơn để trị phương Bắc nhỏ hơn.


Và quan hệ với nước lớn Hoa Kỳ lại còn làm nhức đầu các nhà lãnh đạo ở Ba Đình hơn nữa với những đòi hỏi nhân quyền, dân quyền, minh bạch. Người bạn trẻ nói tiếp

Chỉ còn có Hoa Kỳ là một trong những nước đầu tiên lên án Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Em nghĩ là con đường như vậy thì có thể được nhưng để đạt được nó thì phải dân chủ hóa đất nước, chấp nhận đa nguyên đa đảng, thì khi ấy mới tiến được xa hơn.

Nhưng hãy trở lại với câu nói trịch thượng của họ Dương. Trong một chừng mực cay đắng nào đấy, blogger Cánh Cò viết:

Nhưng không ít người nghĩ ngược lại: Câu nói trên hoàn toàn chính xác. Không những chính xác, nó còn miêu tả chiều sâu thực trạng xã hội Việt Nam từ thượng tầng lãnh đạo quốc gia tới một người dân nghèo khó nhất, nếu người dân ấy chưa từng một lần chú ý tới các vấn đề xảy ra chung quanh mình.

Với thực trạng mà Cánh Cò đề cập đến, quả là khó lòng chiến thắng, mà chỉ có thể là một chiến thắng tưởng tượng như blogger Người Buôn Gió viết trong câu chuyện nước Vệ mới nhất của anh mang tựa đề Hải chiến liệt truyện. Trong câu chuyện ấy, sau khi nhìn thấy những chiến thuyền của nước Vệ hay nước Việt oanh liệt chiến thắng kẻ mạnh hơn, anh lại bừng tỉnh mà nói

Người đời sau gọi đấy là Giấc mộng Nam Kha.

Vâng Nam Kha chỉ là một giấc mộng.

Đến đây xin mời quí thính giả, qúi độc giả nhớ lại hai câu thơ của một nhà thơ cách mạng từng làm sôi động bao nhiều con tim trai trẻ cách đây mấy mươi năm

Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn ngàn năm

Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?


Cũng nhớ lại hai câu thơ ấy trong lúc biển Đông dậy sóng, trong lúc Quốc hội Việt nam im lặng một cách lạnh lùng, nhà giáo Vũ Thị Phương Anh bùi ngùi cảm thán

Tổ quốc bao giờ Lạ thế này chăng?

Ai là đứa con hoang đàng, và đâu là Tổ quốc Lạ lùng? Có lẽ câu hỏi xin dành cho quí độc giả.

Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA

========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad