Cần “cải tổ” thay vì “cải cách” - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Cần “cải tổ” thay vì “cải cách”


Bộ Nội vụ lần thứ hai công bố chỉ số cải cách hành chính đối với các cơ quan ngang bộ và với các tỉnh, thành địa phương.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao lần lượt vượt lên đứng nhất, nhì, ba khối cơ quan ngang bộ; Bộ Công Thương năm ngoái đứng hạng hai nhưng năm nay tụt xuống hạng sáu; Bộ Y tế và Ủy ban Dân tộc xếp cuối bảng. Ở khối chính quyền địa phương, Đà Nẵng dẫn đầu, Sơn La cuối bảng và hai thành phố lớn Hà Nội xếp hạng sáu, TPHCM hạng chín...

Một cuộc thi đua mới bắt đầu!

Trong tuyên bố của mình, các cơ quan tụt hạng hoặc có thứ hạng thấp thể hiện quyết tâm cải thiện thứ hạng của mình, thậm chí có tuyên bố “cắp cặp sang Bộ GTVT học...”.

Câu hỏi đặt ra là học thế nào khi các cơ quan khác nhau có phương pháp quản lý khác nhau?... Theo chúng tôi, việc thi đua, học tập ấy cũng chỉ là để “báo cáo” mà thôi. Ngay cách dùng từ “cải cách hành chính” vẫn là giải quyết phần ngọn.

Cải cách chỉ là để cải thiện cách thức, phương pháp quản lý nhất thời chứ không phải để khắc chế các điểm yếu cơ bản trong nguyên lý vận hành hành chính hoặc để có những biện pháp đột phá, cải tổ, thậm chí thay thế hiệu quả. Quản lý hành chính cần tính chuyên nghiệp, không thể là phong trào và tuyệt nhiên không phải là những mô hình thí nghiệm, thí điểm hay để triển khai nửa vời tính chất pháp lý về quyền và nghĩa vụ của người dân, của doanh nghiệp. Quản lý hành chính đòi hỏi sự ổn định hệ thống và minh bạch, rõ ràng...

Nhưng, nếu trong môi trường nền hành chính chưa được cải tổ căn bản mà không chịu “cải cách” từng bước thì thiệt hại là vô cùng lớn. Báo cáo ngày 18-8-2014 của Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết, qua rà soát 44 dự án, bộ này đã tiết giảm gần 40.000 tỉ đồng. Kết quả rà soát cũng cho thấy trước đây nhiều dự án bị đội vốn do thiết kế nhiều hạng mục không phù hợp... Mới có 44 dự án của một ngành mà tiết kiệm được một con số khổng lồ như thế thì các dự án chưa được rà soát hoặc các ngành khác thì sao?

Cần có nền hành chính chuyên nghiệp

Các cơ quan tham mưu, cơ quan thực hiện quản lý hành chính cần nhìn lại phương pháp tiếp cận của mình trước. Cần xác định rằng quản lý hành chính là công việc chuyên nghiệp, có tính thống nhất, ổn định... cho nên những cải cách mang tính phong trào, tức thời đều không mang lại hiệu quả hoặc có thể có kết quả nơi này, đúng ở nơi này mà không đúng nơi khác.

Xin nêu một số việc cần làm để cải tổ quản lý hành chính một cách có hệ thống:

Thứ nhất, phải quy định rõ công chức hành chính là công bộc của nhân dân, thực hiện công tác chuyên nghiệp và chịu trách nhiệm trước nhân dân (ở nước ngoài, tính chuyên nghiệp của quản lý hành chính và công vụ rất cao, không phụ thuộc yếu tố chính trị thay đổi).

Thứ hai, mô hình hành chính phải thống nhất. Cán bộ quản lý hành chính của chúng ta đã đi học tập, nghiên cứu hầu hết các mô hình hành chính trên thế giới nhưng chưa thấy vận dụng được hoặc chỉ vận dụng nhất thời, mỗi người học về có một “sáng kiến” nhưng lại khập khiễng với hệ thống... Vì vậy, điều quan trọng là cần thống nhất vận dụng một mô hình hành chính, tập trung nghiên cứu, cải tổ theo.

Thứ ba, xác định cơ quan quản lý hành chính không gắn liền với đầu tư công. Cần tách bạch việc quản lý hành chính với đầu tư. Không nên để các bộ, ngành làm “chủ đầu tư” các công trình, dự án mà chuyển việc đó về cho một đầu mối. Đối với chính quyền địa phương thì cần theo tinh thần của Hiến pháp là tăng cường tính tự chủ của địa phương...

Thứ tư, tôn trọng các quyền của người dân được ghi nhận trong Hiến pháp và các luật. Phải quan niệm các quyền đương nhiên ấy không thuộc thẩm quyền “cho phép” của cơ quan quản lý hành chính. Vì vậy, người dân mỗi khi muốn thực hiện thì chỉ cần thông báo, không cần phải làm đơn, hồ sơ “xin phép” như việc các cơ quan quản lý đang áp dụng hiện nay.

Thứ năm, tăng cường sự nghiêm minh trong quản lý hành chính. Hiệu quả quản lý hành chính cũng bị thách thức bởi tính không nghiêm minh trong quản lý.

Dương Phi Anh
Theo KTSG Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad