Dư âm và hiện tại - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 22 tháng 9, 2014

Dư âm và hiện tại


Một phụ nữ thắp nhang trước con sư tử đá kiểu Trung Quốc tại lối vào một ngôi chùa ở Hà Nội hôm 8/9/2014.


Nghe bài tường thuật
Hơn một tuần lễ đã trôi qua từ lúc Triển lãm cải cách ruộng đất mở cửa tại thủ đô Hà Nội, và sau đó người ta đã vội vã đóng cửa vì lý do kỹ thuật. Hơn một tuần lễ trôi qua nhưng sự việc đó vẫn là một dư âm trong không gian các blog tiếng Việt. Đó cũng là điều dễ hiểu vì nhiều người vẫn cho rằng cuộc cải cách ruộng đất mà những người cộng sản gọi là cuộc cách mạng long trời lở đất ấy vẫn còn đậm dư âm trong xã hội Việt Nam ngày nay.

Nhà văn Hoàng Minh Tường viết bài Đừng bao giờ tái diễn Cải cách ruộng đất:

CCRĐ phạm sai lầm lớn nhất là bóp chết lòng yêu nước, triệt tiêu tinh hoa và động lực của nông dân, nông thôn. Nhưng nguy hại hơn là nó triệt tiêu đạo lý, triệt bỏ tình người. Con tố cha, vợ bỏ chồng, anh em hận thù, xóm làng phiêu tán… Bao nhiêu giá trị văn hoá, đạo lý, nghìn đời mới tạo dựng được, phút chốc đã tiêu tan.

Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Minh Cần, người từng giữ chức vụ Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà nội, người trực tiếp tiến hành công tác sửa sai của đảng cộng sản Việt Nam nói với chúng tôi rằng:

Cuộc cải cách ruộng đất về xúi người này bới móc tội lỗi của người kia, và có thể những tội hoàn toàn không có cũng bới ra. Và dựa vào những thù cũ rồi gây ra thù hận giữa các tầng lớp với nhau. Chính cái đó nó phá hoại truyền thống đoàn kết lâu đời của người Việt Nam mình ở nông thôn.

  Nỗi sợ hãi đến từ bạo lực, từ không luật pháp, từ đám đông cuồng nộ cướp bóc đã ám ảnh, dai dẳng 60 năm nay.

- Blogger Nguyễn Hữu Vinh
Ông cũng nói thêm là cuộc cải cách ruộng đất đã phá hoại nền tảng luân lý của người Việt khi các đội cải cách kích động con cái tố cáo cha mẹ, anh em, họ hàng. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, một người có gốc Bắc di cư vào Nam năm 1954, nhớ lại những câu chuyện rùng rợn mà người thân của bà kể lại sau này, và đồng thời bà cũng nhớ đến công cuộc cải cách điền địa êm thấm diễn ra dưới chế độ Việt Nam cộng hòa:

Vì sao cùng trên một đất nước, cùng một nền văn hóa, cùng là người Việt da vàng máu đỏ, cùng với mục tiêu mang lại sự công bằng về sở hữu ruộng đất, giúp người nông dân làm chủ luống cày, mà ở miền Nam thì mọi việc xảy ra hiền hòa, êm ả, còn miền Bắc thì lại xảy ra những cảnh tượng đau lòng đến vậy? Để mãi đến 60 năm sau, thời gian đủ dài để hầu hết những người đã tận mắt chứng kiến cải cải cách ruộng đất đã không còn tồn tại, mà khi nhắc đến thì cải cách ruộng đất vẫn còn là một sự nhức nhối không nguôi?

Blogger Nguyễn Hữu Vinh viết tiếp trong loạt phóng sự về triển lãm cải cách ruộng đất:

Nỗi sợ hãi đến từ bạo lực, từ không luật pháp, từ đám đông cuồng nộ cướp bóc đã ám ảnh, dai dẳng 60 năm nay.

Nguyễn Hữu Vinh không phải là người đầu tiên nói đến bạo lực và cướp bóc như là một hệ lụy của cải cách ruộng đất. Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, một nhà luật học đi theo kháng chiến chống Pháp đã cảnh báo tình trạng này cho những người cầm quyền ở miền Bắc Việt nam ngay sau năm 1954, và ông đã trả giá bằng cả cuộc đời bị vùi dập dưới chế độ của miền Bắc Xã hội chủ nghĩa.

Và như một lời kết luận về những Dư âm ám ảnh của bạo lực và phá hoại năm xưa, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc viết

Chúng ta cũng chưa biết thật rõ những tác hại tinh thần của nó trong đời sống xã hội cũng như trong quan hệ giữa người và người.

Hôm nay

Nhân dư âm của Cải cách ruộng đất bùng lên vào mùa thu năm 2014 này, Nhà văn bị lưu đày Vũ Thư Hiên nói về chuyện phải làm hiện nay là phải loại bỏ tâm lý sùng bái lãnh tụ, mà cụ thể là ông Hồ Chí Minh ra khỏi tâm thức dân tộc bằng những phân tích chính trị thõa đáng. Trong một lần trả lời phỏng vấn ông nói:

Việc ông Hồ Chí Minh có là một tượng đài trong trái tim nhiều người Việt Nam là hiện tượng bình thường. Nó không khác gì tượng đài Lenin, Stalin trong trái tim người dân Liên Xô (cũ). Nhưng giờ ở nơi đó nó chỉ còn rơi rớt trong số rất ít trái tim già, chứ những trái tim trẻ của nước Nga bây giờ không có chỗ cho ba thứ lẩm cẩm ấy.

Sự giải thiêng chính trị đó là điều mà nhiều người cho rằng cần phải làm hôm nay. Có như thế thì dân tộc mới có được sức mạnh cần thiết để đương đầu với những thách thức của thời đại ngày nay, từ vấn đề bề bộn của giáo dục quốc gia cho đến việc đương đầu với đe dọa ngày càng lớn đến từ phương Bắc.,

Blogger Nguyễn Xuân Diện đăng bài Ý đồ sâu xa của TQ sau 25 năm chiếm Garma, của tác giả Thái Anh, trong đó phân tích mối đe dọa rất lớn khi Trung quốc rồi đây có thể sử dụng căn cứ Garma mà họ đã chiếm từ tay Việt nam hồi năm 1988 để hoàn thành mục tiêu chiếm trọn biển Đông.

Trong khi đó một cản trở nghiêm trọng cho lý lẽ chủ quyền của Việt nam trên biển Đông lại là một công hàm của chính phủ miền Bắc Việt Nam trước 1975, thường gọi là công hàm Phạm Văn Đồng, ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Trung quốc trên biển Đông. Nhà báo Đoan Trang viết trên blog của cô rằng phải thừa nhận chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, phải thừa nhận rằng chính phủ đó đã từng đứng đầu một quốc gia là miền Nam Việt nam:

Với cách hóa giải này, điểm mấu chốt là chính quyền Việt Nam bây giờ phải thừa nhận rằng trước năm 1975, đã tồn tại hai quốc gia: Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở miền Bắc, và Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam. Nói cách khác, chính quyền phải công nhận rằng đã có một quốc gia Việt Nam Cộng hòa, với một chính quyền có tính chính danh, chứ đó không phải là một triều đại “ngụy”, “bù nhìn” do “Mỹ và tay sai” dựng nên.

Việc công nhận này cũng chính là điều mà nhiều người cho rằng chính phủ hiện nay ở Việt Nam nên làm, không chỉ để làm cơ sở pháp lý cho việc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mà còn để hóa giải nhiều nỗi đau thương mà đảng cộng sản Việt Nam đã gây ra trên chính đồng bào của họ. Một cựu chiến binh của đảng cộng sản Việt Nam là ông Đặng Kiên Trung viết:

Ngày nay, hàng triệu người Việt định cư nước ngoài – nạn nhân chánh sách tàn bạo của Đảng năm xưa, dù có cuộc sống tốt, nhưng làm sao bà con xóa nhòa được ký ức đau thương đó! Đảng kêu gọi bà con “quên đi quá khứ”, “xóa bỏ hận thù”, “hòa giải cùng đồng bào trong nước”… Nhưng, Đảng đã làm gì? Tôi chưa nghe thấy Đảng làm gì thể hiện sự chân thành sám hối những lỗi lầm năm xưa với đồng bào ruột thịt của mình, vẫn giử thái độ “kiêu ngạo cộng sản” cố hữu, nên con đường hòa giải dân tộc còn xa vời! Nhiều lúc suy nghĩ tôi hối tiếc vì ngày xưa mình a tòng với Đảng làm điều ác, tôi cuối đầu xin lỗi những nạn nhân của Đảng, vì đã góp phần gây ra khổ đau cho họ!

Công nhân kết hoa chuẩn bị cho ngày 2 tháng 9 tại Hà Nội. AFP photo
Cũng liên quan đến đảng cộng sản, mà đặc biệt là việc họ độc quyền coi mình là duy nhất đúng, là duy nhất cầm quyền tại Việt Nam hiện nay, tờ báo lớn của đảng là Quân đội nhân dân, đăng một bài viết nói rằng đám đông ở Việt Nam ủng hộ đảng cộng sản, và vì thế lý thuyết cộng sản cũng như đảng cộng sản không thể sai được.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn phản bác rằng:

Sự lựa chọn chủ nghĩa xã hội có thật sự là lựa chọn của dân tộc? Theo tôi thì chẳng có chứng cứ nào để nói như thế cả. Phân nửa đất nước trước 1975 không chọn XHCN, và phân nửa đó bị tấn công, tiến chiếm bằng vũ lực, và áp đặt thể chế XHCN, chứ họ đâu có chọn chủ nghĩa đó. Ngay cả ở miền Bắc tôi nghĩ nếu được hỏi nghiêm chỉnh và khách quan, đa số cũng không chọn XHCN. Sau 1975, hàng triệu người liều mình vượt biển và vượt biên và họ thà chết chứ không chấp nhận sống với XHCN. Cho đến nay, khi có điều kiện và có dịp, người Việt vẫn tìm cách bỏ nước ra đi.

Trong lĩnh vực giáo dục, nhà báo kiêm đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn viết bài Một đề án giáo dục phản giáo dục, trong đó ông phê bình dự án máy tính bảng rất tốn kém được đưa ra gần đây của ngành giáo dục Việt nam. Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng dự án này đã không lấy con nguwofi làm trọng.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy thì cho rằng giáo dục cũng là một thủ phạm làm băng hoại đạo đức xã hội hôm nay. Bà viết:

Nếu chúng ta thừa nhận rằng, trong gần nửa thế kỷ vừa qua, xã hội đã băng hoại trầm trọng dưới sự lãnh đạo của đảng, thì trường học, một công cụ của đảng (điều này được chứng minh bằng sự hiện diện của các tổ chức đảng trong mọi trường học, cả khu vực công lẫn khu vực tư, và được chứng minh bằng việc nhân sự của trường là do đảng ủy duyệt và quyết định, nhân sự cao cấp của trường ngoài công lập là do nhà nước bổ nhiệm), đã góp phần không nhỏ (nếu không muốn nói là góp phần quan trọng) vào sự băng hoại đó.

  Ngày nay, hàng triệu người Việt định cư nước ngoài – nạn nhân chánh sách tàn bạo của Đảng năm xưa, dù có cuộc sống tốt, nhưng làm sao bà con xóa nhòa được ký ức đau thương đó!

- Ông Đặng Kiên Trung
Bà nói rằng những người có tâm với đất nước nên bỏ đi những cái cần phải bỏ, ví dụ như những đặc quyền đặc lợi do tình trạng nhiễu nhương hiện nay mà có, để đất nước này tiến lên:

Nếu đất nước này mất đi, nếu dân tộc này phải làm nô lệ, nếu xã hội mất nhân văn, con người mất phẩm giá, nếu bản thân mình cũng phải làm nô lệ, cũng mất nhân tính, tha hóa, độc ác, dối trá, lừa lọc, thì việc mình giữ được thứ mình đang có liệu sẽ mang những ý nghĩa gì ?

Người cựu chiến binh Đặng Kiên Trung thì lên tiếng với đảng cộng sản:

Trước mắt chấm dứt trấn áp và trả tự do tất cả những người bất đồng chính kiến đấu tranh vì tự do, dân chủ, quyền con người đang bị giam giữ; ban hành “sách trắng” tuyên bố công khai mọi sai lầm trong đường lối, chánh sách cầm quyền của Đảng ngày xưa và ngày nay, thành tâm sám hối xin lỗi đồng bào, đồng chí – những nạn nhân của Đảng; thực hiện thể chế dân chủ đa nguyên chính trị trong sinh hoạt đảng và ngoài xã hội; cải cách thể chế kinh tế thị trường tự do theo mô hình các nước công nghiệp tiên tiến; thực hiện sở hữu tư nhân ruộng đất

Điều chỉnh tức thì đối sách với Trung Quốc, giữ vững tinh thần độc lập dân tộc, tự chủ, chấm dứt các mối quan hệ lệ thuộc, ràng buộc và tìm bạn bè liên kết, liên minh tạo thế và lực mới bảo vệ đất nước trước hiểm họa bành trướng, xăm lược của Trung Quốc.


Trong một buổi phỏng vấn gần đây về nền dân chủ đang hình thành tại Indonesia, Tiến sĩ Vũ Tường nói rằng:

Đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam thì họ nhìn vào đó như là một ví dụ cho thấy là sự chuyển đổi sang dân chủ không phải là đáng sợ như có suy nghĩ cho rằng dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, đổ vỡ, chia cắt đất nước,… Ở Indonesia thì dân chủ lại giúp cho đất nước thành một khối.

Chúng tôi xin để lời nhận định của Tiến sĩ Vũ Tường về một nền dân chủ kết thúc bài điểm blog hôm nay.

Kính Hòa,
phóng viên RFA
Theo RFA

========

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad