“Long trời lở đất” hay “Trời không dung, đất không tha”? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 21 tháng 9, 2014

“Long trời lở đất” hay “Trời không dung, đất không tha”?


“…CCRĐ còn phá vỡ đạo lý, thuần phong mỹ tục của thôn quê của miền Bắc. Các đội CCRĐ về làng xã, nuôi dưỡng và kích động lòng hận thù giữa các tầng lớp nông dân, tuyên truyền sai lệch về nguyên nhân đói khổ của bần cố nông, dung dưỡng những cuộc đấu tố trái với luân thường đạo lý như con tố bố mẹ, vợ tố chồng...Xã hội Việt Nam bắt đầu bị tha hóa từ đó…”


Tôi vốn xa lạ với lòng hận thù và đố kỵ, nhưng đọc tin về cuộc triển lãm Cải Cách Ruộng Đất (CCRĐ) 1946 – 1956 của Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam, nhất là khi đọc những lời ông giám đốc khai mạc triển lãm nói: “CCRĐ là một cuộc cách mạng dân chủ long trời lở đất, mang lại những giá trị to lớn của một xã hội mới, một chế độ mới, một cuộc sống mới cho người dân Việt Nam”, thì những ký ức đau buồn của bản thân, gia đình và quê hương tôi lại sống dậy, hiển hiện, đau đớn và xót xa.

Những năm 1955, 1956 CCRĐ ở quê tôi, một vùng quê bắc bộ thuộc Hưng Yên, hạn hán kéo dài, nạn đói đến với mọi gia đình, những cánh đồng lúa biến thành những cánh đồng khô nứt nẻ, hoang hóa, trên những con đường, các cụm rau má bị đào sạch để làm thức ăn độn thay gạo.

Gia đình tôi bị quy là điạ chủ. Ngày ngày mẹ tôi cùng những địa chủ, phú nông trong làng xã bị đội bắt tập trung để “truy” tô. Đội căn cứ vào thời gian và diện tích ruộng của các gia đình phát canh thu tô để đòi lại số thóc mà các gia đình nông dân đã trả cho điạ chủ khi thuê ruộng. Đội và những cốt cán của đội biết rất rõ do hạn hán kéo dài, hầu như chẳng có địa chủ nào còn thóc trong nhà,

nhưng họ tin rằng địa chủ, phú nông hẳn phải có của chìm như vàng bạc, đồ trang sức ... cất giấu, họ tra khảo, dọa nạt để buộc phải khai báo. Mẹ tôi mỗi đêm ở chỗ truy tô về lại thở dài, trong nhà không còn một hạt thóc, bao nhiêu của cải giá trị thì đã bán để nuôi bố tôi ốm, mẹ tôi khai đúng như thế, nhưng đội vẫn không tin.

Bố tôi tham gia cách mạng và vào Đảng Cộng Sản Đông Dương từ trước năm 1945. Ông đã đem tiền của mà ông nội tôi để lại xây một căn hầm ngầm bí mật lớn để cả cơ quan của Đảng có thể làm việc và trú ẩn trong đó, gia đình tôi là cơ sở của Đảng trên đường dây hoạt động bí mật Hưng Yên – Thái Bình, đã đóng góp nhiều cho tuần lễ vàng của chính phủ. Năm 1944 bố tôi bị Pháp bắt, bị tra tấn và lãnh án 15 năm khổ sai tại Hỏa Lò Hà Nội. Tháng 8/1945 ông được ra tù, tiếp tục hoạt động và mất năm 1952. Với quan điểm công nông của đội CCRĐ, địa chủ là thành phần phản cách mạng, bố tôi được họ biến thành một tên Quốc Dân Đảng phản động, chui vào hàng ngũ Đảng để phá hoại. Họ tìm đâu ra con số hàng chục đảng viên cộng sản do bố tôi giác ngộ và phát triển đều thuộc thành phần địa chủ, phú nông. Nếu bố tôi còn sống, vận hạn nào sẽ đến với ông trong trận cuồng phong của dối trá, hận thù và độc ác của nền chuyên chính vô nhân mà ông đã hy sinh cho nó.

Nhưng bi kịch của gia đình tôi chưa phải là tồi tệ nhất. Tôi vẫn còn nhớ cái không khí hãi hùng của buổi đấu tố bà địa chủ tên Tơ, người ở làng cạnh làng tôi. Dân cả xã kéo đến bãi chợ đông nghịt, mẹ tôi cùng các địa chủ, phú nông trong xã phải có mặt và phải ngồi vào một khu để theo dõi phiên tòa, để tự hiểu rằng, nếu “ngoan cố”, có thể họ sẽ nhận lĩnh số phận tương tự.. Bà Tơ gầy nhỏ, tóc bạc lõa xõa, như người mất hồn, được các du kích dẫn vào đứng trước “tòa”. Những tiếng hô của các cốt cán vang dội: “Đả đảo địa chủ cường hào gian ác ngoan cố”. Sau mỗi đợt hô khẩu hiệu, dàn trống ếch của đội thiếu niên quàng khăn đỏ lại vang lên để kích động đám đông. Đến màn đấu tố, các bần cố nông giận dữ, xỉa xói, chửi bới tục tĩu. Sau màn đấu tố, đội trưởng đội CCRĐ của xã chủ tọa phiên tòa tóm tắt và tuyên bố bản bản án tử hình. Bà Tơ được các du kích khoác súng dẫn ra bãi tha ma cách bãi chợ vài trăm mét, một lỗ huyệt đã được đào , cạnh bờ huyệt, một cột gỗ được đóng sẵn, các du kích trói bà vào cột. Một loạt súng nổ, bà Tơ từ từ khụy xuống, rồi đầu gục trước ngực. Dân chúng chỉ được quan sát từ xa, nên không biết họ chôn bà Tơ như thế nào, không thấy áo quan hay bất cứ mảnh gỗ hay tấm chiếu mang đến cạnh huyệt trước đó, có lẽ bà được hất ngay xuống huyệt và lấp đất lên.

Tôi có bà cô họ lấy chồng tại một xã thuộc huyện Ân Thi. Bà kể lại cuộc đấu tố ở quê chồng bà nghe thật bi thương và kinh hoàng. Một cán bộ đảng thuộc tỉnh ủy Thái Bình, ông tham gia hoạt động cách mạng và vào đảng cộng sản từ khi còn trẻ. Gia đình ông bị quy là địa chủ, ông bị kết tội là tên Quốc Dân Đảng chui vào Đảng hoạt động phá hoại, bị gọi về quê, bị đấu tố, truy bức. Với khí tiết của người cộng sản chân chính, ông đã bác bỏ những cáo buộc của đội CCRĐ và các bần cố nông. Ông bị buộc tội ngoan cố và bị kết án tử hình. Lúc thi hành án, các du kích vịn một cây tre xuống để treo ông lên đó bắn, ông vừa giẫy giụa chống lại, vừa mắng nhiếc các du kích và các cán bộ CCRĐ, tay bị chói, ông đã dùng chân đạp các du kích. Các du kích đã dùng báng súng đập vào mồm ông, nhiều chiếc răng bị gẫy, máu đầy mồm, nhưng trước khi bị bắn, bị treo lơ lửng trên cao, ông vẫn gắng sức để hô: “Đảng Lao Động Việt Nam muôn năm! Hồ Chủ Tịch muôn năm!”. Trước lúc chết ông vẫn tôn thờ Hồ Chủ Tịch, ông vẫn không biết, rằng cái chết của ông, những tội ác của CCRĐ đối với ông và bao người khác, ông Hồ Chí Minh là người phải chịu trách nhiệm chính, vì ông là người đứng đầu Đảng, người đưa ra chính sách và chỉ đạo CCRĐ.

CCRĐ là cuộc cách mạng ”long trời lở đất” như cho đến nay Đảng vẫn tự ca ngợi?

Không! Trước hết CCRĐ không phải là cuộc cách mạng. Nó là một cuộc chinh biến của những kẻ tập trung được bạo lực trong tay, nó triệt tiêu những nhân tố tích cực, những nhân tố tiến bộ của xã hội Việt Nam, nó mở đầu cho giai đoạn xã hội đi đến đói nghèo và tội ác. Địa chủ phú nông đa số là những người lương thiện, chăm chỉ và biết cách làm ăn mà trở nên giầu có, họ là giường cột của nền nông nghiệp, họ cũng là những người yêu nước đóng góp người và của cho cách mạng, lấy ruộng đất của họ chính là đánh vào nền nông nghiệp của miền Bắc, phá bỏ cơ cấu hợp lý và tự nhiên của nông thôn Viêt Nam: ruộng đất phải trong tay những người biết làm ăn.

Các cán bộ Đảng thường đề cao: “CCRĐ đã thực hiện cương lĩnh của Đảng là người cày có ruộng”. Nhưng những ai đã ở nông thôn thì đều biết, đưa ruộng vào tay những người vừa không chăm chỉ, vừa không biết cách tổ chức công việc thì cũng như lãng phí đất, nông dân có ruộng, nhưng ruộng không làm hoặc làm ra ít thóc, nền nông nghiệp miền Bắc bắt đầu đi xuống từ đó. Nhiều bần cố nông, chỉ sau một thời gian ngắn được chia ruộng đất của địa chủ đã sang nhượng lại và lại trở lại đi làm thuê. Không lâu sau CCRĐ, Đảng đã buộc nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, ruộng đất trở thành của toàn dân mà chẳng của ai, tất cả nông dân từ địa chủ đến bần cố nông đều trắng tay, trở thành những người làm “thuê” cho hợp tác xã, tiền công mỗi ngày được vài trăm gam thóc, không đủ để nuôi gà. Vì vậy Đảng kể công đã đem ruộng đất cho người cầy chỉ là câu nói trống rỗng, xảo ngôn.

CCRĐ còn phá vỡ đạo lý, thuần phong mỹ tục của thôn quê của miền Bắc. Các đội CCRĐ về làng xã, nuôi dưỡng và kích động lòng hận thù giữa các tầng lớp nông dân, tuyên truyền sai lệch về nguyên nhân đói khổ của bần cố nông, dung dưỡng những cuộc đấu tố trái với luân thường đạo lý như con tố bố mẹ, vợ tố chồng...Xã hội Việt Nam bắt đầu bị tha hóa từ đó.

Tôi thật ghê sợ khi nghe một vị giáo sư trong bộ máy tuyên truyền của Đảng trả lời đại ý Đảng có sai lầm trong CCRĐ, nhưng Đảng đã sửa sai, như thế là sòng phẳng. Chao ôi! Nếu oan hồn của bà Tơ, của ông cán bộ tỉnh ủy Thái Bình, của bà Năm Cát Hanh Long và hàng vạn các oan hồn khác nghe thấy, chắc họ sẽ dựng mồ đứng dậy mà kêu lên rằng: “Tội ác của các ngươi trời không dung, đất không tha, sao ngươi dám nói sòng phẳng”.

Warszawa, 18/09/2014

Đinh Minh Đạo
Theo ethongluan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad