|
Nghe bài tường thuật |
Nghỉ học từ năm lớp 7, Thanh Thảo bỏ nhà ở Kiên Giang đến Buôn Mê Thuột làm việc. Năm 24 tuổi, cô giấu gia đình, đi lên Sài Gòn tìm chồng Hàn Quốc. Cô chỉ nói với bố mẹ về quyết định cưới chồng vào buổi sáng của ngày cưới:
“Ba mẹ em khóc nhiều lắm. Em thì nói không có gì phải khóc cả. Mẹ em bảo đâu có đến nỗi gì mà phải qua tới bên đó. Em bảo ở đâu mà chẳng có chồng nên mẹ đừng có lo.”
Thấm thoắt đã hai năm trôi qua, Thảo trải qua đủ chuyện chìm nổi. Giờ cô định cư ở thành phố Taegu, miền đông nam Hàn Quốc, với người chồng hơn cô 18 tuổi và cậu con trai vừa gần ba tháng tuổi.
Thảo là một trong số hàng chục nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Kể từ năm 2004 tới năm 2009, có tới 40.000 phụ nữ Việt sang đất nước này làm dâu. Con số dâu Việt ở Hàn được cho là cao nhất trong số các phụ nữ xuất thân từ các nước Đông Nam Á.
Cuộc trao đổi tiền-tình
Các cô dâu Việt đa phần trẻ tuổi, sinh ra ở các vùng quê nghèo, còn chồng của họ đều ít nhất 40 tuổi, và làm nghề lao động chân tay. Theo các thống kê từ Hàn Quốc, trong năm 2010, hơn nửa số đàn ông trung niên vẫn còn độc thân, phần lớn là những anh trai nghèo. Thanh Thảo cho biết:
Người ta lớn tuổi, người ta nghèo, người ta không có tiền nên mới về Việt Nam để cưới vợ. Nếu họ giàu, họ đã cưới vợ Hàn Quốc, chứ cưới vợ Việt Nam làm gì.
-Thanh Thảo
Thảo cho biết kể từ khi biết sinh con trai, gia đình đối xử với cô tốt hơn trước:
“Sinh con gái thì không được như vậy đâu vì chồng em là con trưởng. Nhà chồng em có 5 anh chị em, trong đó có 2 anh em trai. Cậu út không được thờ cha mẹ, tổ tiên.”
Phần lớn các cô dâu Việt sang Hàn Quốc mong dành dụm được tiền để gửi về cho gia đình. Theo số liệu năm 2010, trung bình các cô dâu này gửi về Việt Nam khoảng 3.000 USD một năm, gấp ba thu nhập trung bình đầu người trong nước khi đó.
Thảo cũng cho hay khi chưa sinh con, cô đi làm 12 tiếng mỗi ngày ở một công ty lắp ráp xe hơi. Mỗi tháng cô gửi về nhà 1.200 đôla, và giữ lại chỉ 300 đôla để tiêu vặt.
Những cô dâu mới, chưa đi làm thì không được như vậy. Phần lớn họ chỉ dành dụm từ số tiền mà chồng cho để chi tiêu hàng ngày. Một cô dâu mới đến Hàn Quốc được 5 tháng cho biết cô dành dụm được khoảng 200 - 300 đôla để gửi về cho gia đình.
Thân gái 12 bến nước
Chân ướt chân ráo sang Hàn Quốc, cô dâu nào cũng gặp đủ khó khăn giống nhau như không hiểu tiếng, không nói chuyện được với chồng, bó buộc trong cuộc sống do chưa được đi làm. Cô Thanh Thảo còn bị cảnh trớ trêu là chồng của cô đổ bệnh sau khi vợ sang đoàn tụ mới được có hai tháng:
“Chồng em bị bệnh đúng mùa tuyết rơi nên cũng buồn lắm. Mẹ chồng đổ lỗi cho em là cưới em mất nhiều tiền quá nên chồng em đổ bệnh. Mình qua đây vì đồng tiền, vì cha mẹ. Bà mẹ chồng nói thì em chỉ biết khóc thôi.”
Gia đình chồng của Thảo gây sức ép quá nhiều, khiến cô phẫn uất, bỏ ra ngoài ở nhờ một người bạn ở một thành phố khác. Sau gần một tháng, chồng cô đến tận nơi đón cô về nhà. Cô nói:
Nhà chồng đối xử với em như một người con dâu Hàn thôi. Kinh tế thì em quản lý, mọi việc trong gia đình đều phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.
-Cô Phương
Ngoài những mâu thuẫn bình thường do không hiểu ngôn ngữ, nhiều cô dâu Việt cũng cảm thấy bị chính người dân Hàn Quốc phân biệt đối xử, khiến cuộc sống của họ càng thêm ngột ngạt. Thanh Thảo chia sẻ:
“Đa phần là 70% người ta không thích mình chị ạ. Người ta mà không thích mình thì dễ biết lắm: Nhìn ánh mắt, cử chỉ là biết mà. Em cũng cảm thấy hơi ngột ngạt một chút. Em nghĩ cô dâu nào cũng là cô dâu, có khổ thì họ mới qua đây. Họ cũng đi lao động chứ có nằm ngửa mà xin tiền đâu.”
Minh Thu, 29 tuổi, lấy chồng được 5 tháng nay. Cô đã có một con trai với người chồng cũ. Anh chồng của cô qua đời hai năm trước sau tai nạn khiến anh phải nằm liệt giường cả năm trời. Tiền thuốc trị bệnh cho chồng cũ quá lớn khiến Thu và gia đình chồng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.
Thu sang Hàn Quốc với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, người chồng 47 tuổi dù bỏ ra nhiều tiền để cưới cô qua môi giới, không hề đoái hoài đến vợ vì đã có một cô bồ ở bên ngoài. Chồng cô lại rất gia trưởng, thỉnh thoảng quát cô mà mắt “trợn trừng lên” khiến cô “rùng rợn hết cả người”. Minh Thu cho biết:
“Nó coi em như người hầu. Ví dụ như 4 hôm trước, nó bắt em phải lấy khăn lau người cho nó. Mà nó đi chơi về chứ có phải đi làm đâu.”
Thu cũng đã nghĩ tới chuyện bỏ ra ngoài sinh sống và làm việc bất hợp pháp. Tuy nhiên, cô nói rằng cô không thể sống chui lủi ở đất khách quê người. Vì vậy, cô cắn răng chịu đựng để học tiếng Hàn, sau một thời gian sẽ thi quốc tịch và làm việc ở Hàn Quốc. Cô nói sau này nếu có quốc tịch, nếu chồng tốt thì cô sẽ ở lại với anh, còn không cô sẽ ly dị.
Chốn nương náu xa nhà
|
Hầu hết các cô dâu Việt khi mới sang đất Hàn đều phải nhờ tới những người phiên dịch tại trung tâm gia đình đa văn hoá. Phương, 25 tuổi, làm phiên dịch viên cho trung tâm ở thành phố Taegu cũng gần hai năm nay. Phương cho hay trung bình mỗi tuần cô cũng đứng ra giúp đỡ cho khoảng 15 vụ hiểu lầm giữa các cặp vợ chồng Việt - Hàn.
Chẳng hạn như trường hợp một cô dâu khi vừa mới sang liên tục gửi tiền về nhà bố mẹ đẻ. Phương giải thích cho cả hai vợ chồng hiểu về hoàn cảnh của hai bên, đồng thời đưa ra một giải pháp là chỉ gửi tiền về Việt Nam trong một thời gian nhất định. Cô khuyên người vợ cũng phải biết chăm lo cho gia đình bên này, chứ không chỉ lo cho nhà vợ.
Phương cho hay trung tâm này cũng được coi như “nhà ngoại” của các cô dâu Việt. Trung tâm có nhà tạm lánh, mỗi khi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, các cô dâu Việt có chỗ nương náu. Phương kể về trường hợp một cô dâu người miền Tây tới tạm lánh vì bị chồng đánh:
“Hồi đó cô ấy đến nhà tạm lánh. Bố mẹ chồng cũng lên đây, cũng nhận lỗi. Con của cô ấy lúc đó có sáu tháng. Bây giờ thì sống không có chuyện gì cả.”
Phương cho biết trung tâm của cô giúp đỡ cho khoảng 1.000 phụ nữ ngoại lấy chồng Hàn Quốc, trong số đó người Việt là nhiều nhất và cũng kém cỏi nhất:
“Mình kém nhiều vì trình độ kém, nhiều người còn chưa học xong cấp 1. Thành ra sang bên nước tư bản này, nơi mà trình độ phổ cập giáo dục là cấp 3, phụ nữ mình hoà nhập chậm, nắm bắt thông tin kém. Phụ nữ Việt Nam mình còn nhiều thiệt thòi lắm.”
Phương nói cũng có người biết phấn đấu, học hành chăm chỉ và kiếm được việc làm ổn định. Bản thân Phương cũng lấy chồng Hàn Quốc 4 năm trước. Khi đó, cô đang học ngành kế toán ở Đại học Công nghiệp Hà Nội. Mẹ cô đã ở Hàn Quốc cả chục năm nay vì thế cô cũng muốn sang Hàn sinh sống.
Sau hai năm học tiếng, cô tự tìm hiểu về các tiêu chuẩn cho nghề phiên dịch và thi đỗ vào trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hoá của quận. Cô cũng chuẩn bị học thêm về ngành xã hội học, mong có việc tốt hơn. Chồng Phương làm nghề thiết kế cửa nội thất. Bản thân cô được gia đình chồng hết sức coi trọng. Cô chia sẻ:
“Nhà chồng đối xử với em như một người con dâu Hàn thôi. Kinh tế thì em quản lý, mọi việc trong gia đình đều phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.”
Còn như Thanh Thảo quê ở Kiên Giang thì cho biết cô chỉ học nói tiếng Hàn chứ không đọc và viết được do cứ nhìn vào chữ là cô “choáng váng”. Cô mong đón bố mẹ sang Hàn Quốc bế cháu hộ để đi làm ca đêm ở công ty điện thoại. Làm như thế, lương sẽ được hơn mức tối thiểu một chút.
Tạp chí phụ nữ tuần này xin tạm dừng tại đây. Hoài Vũ xin cảm ơn quý vị đã quan tâm theo dõi. Xin quý vị chia sẻ các thông tin và đóng góp về các vấn đề phụ nữ đến trang tạp chí phụ nữ tại email hoaivu@rfa.org hoặc www.facebook.com/hoaivurfa
Hoài Vũ xin chào tạm biệt quý vị và hẹn gặp lại vào tuần sau.
Hoài Vũ,
phóng viên RFA
Theo RFA
=======
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét