|
Sáng nay ngày 29.9, các tiểu thương tại chợ Tân Bình (TPHCM) đã đóng cửa không kinh doanh, buôn bán. Bà con còn kéo lên UBND quận Tân Bình phản đối dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ mới.
Nhiều bạn hàng đến chợ Tân Bình lấy mối sỉ từ sáng sớm phải ra về mà không mua được hàng. Bởi các tiểu thương đóng cửa không kinh doanh, buôn bán và kéo lên UBND quận Tân Bình phản đối Dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ mới.
Bà Nguyễn Thanh Hoa, từ Hóc Môn lên chợ Tân Bình lấy hàng cho biết: “Hôm nay, đầu tuần nên tôi tranh thủ đi chợ từ sáng sớm, lên lấy hàng cho đỡ kẹt xe. Thế nhưng, lên đây các tiểu thương đóng cửa không buôn bán, nên đành phải ra về hôm sau lên lại.
Tình trạng này mà tiếp diễn thì không chỉ các tiểu thương mất thu nhập, bạn hàng ảnh hưởng mà bản thân những người đi lấy mối sỉ về buôn bán như chúng tôi cũng bị ảnh hưởng rất lớn”.
|
Trong khi đó, từ 7 giờ sáng hàng trăm tiểu thương đã tụ tập trước UBND quận Tân Bình, khiến các phương tiện lưu thông qua tuyến đường Trường Chinh bị ùn tắc nghiêm trọng.
Lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác điều tiết giao thông, đảm bảo trật tự tại khu vực.
Để tránh tình trạng mất trật tự, UBND quận đã liên tục phát đi thông báo qua loa truyền thanh nhằm trấn an các tiểu thương phải bình tĩnh, mở cửa kinh doanh buôn bán bình thường nhằm ổn định tình hình buôn bán, đảm bảo nguồn thu nhập cho các tiểu thương.
Nhiều tiểu thương nói chỉ quay về kinh doanh buôn bán bình thường khi quận chấp dứt ngay dự án xây dựng chợ Tân Bình thành 6 tầng và trung tâm thương mại; nếu quận thu tiền để nâng cấp, sữa chữa lại chợ thì các tiểu thương luôn sẵn sàng, ủng hộ.
|
Quận sẽ tạm ngưng dự án
Qua ý kiến đóng góp, thắc mắc của tiểu thương liên quan đến việc triển khai dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ mới Tân Bình, ông Châu Văn La - Chủ tịch UBND quận Tân Bình cho biết: “Quận sẽ tạm ngưng không triển khai các bước tiếp theo của dự án xây dựng trung tâm thương mại dịch vụ đa năng và chợ mới Tân Bình đã được công bố chủ trương tại buổi họp báo ngày 19.9.2014 và tại buổi tiếp xúc với 300 tiểu thương ngày 25.9.2014.
Quận sẽ khẩn trương nghiên cứu những ý kiến đóng góp của các tiểu thương liên quan đến dự án nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các tiểu thương, nhà nước và nhà đầu tư trên cơ sở phương án đầu tư bao gồm quy mô đầu tư vừa mang nét truyền thống - vừa mang tính hiện đại; phương án tái bố trí, huy động vốn và các chính sách khác có liên quan đảm bảo hài hòa nhằm mang lại quyền lợi cho bà con tiểu thương.
Ông La cũng kêu gọi các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ Tân Bình hết sức bình tĩnh; không tụ tập đông người tại cổng chợ như những ngày qua sẽ làm ảnh hưởng đến tình hình an trật tự tại khu vực chợ; tránh trường hợp những tội phạm lợi dụng trộm cắp gây tổn thất về tài sản cho tiểu thương.
Sau khi nghiên cứu phương án đầu tư xong, theo ý kiến đóng góp của bà con tiểu thương UBND quận sẽ tổ chức công khai đến bà con xem xét góp ý và hoàn chỉnh dự án, để báo cáo lên UBND thành phố xem xét và có chỉ đạo triển khai thực hiện.
Ông La nhấn mạnh: “UBND quận Tân Bình luôn lắng nghe ý kiến đóng góp của bà con tiểu thương để hòa chỉnh phương án đầu tư dự án”.
|
Bài, ảnh: Lê Quyết
* * *
Vì sao tiểu thương sợ mất chợ Tân Bình?
Những ngày này, không khí ở khu vực chợ Tân Bình lúc nào cũng căng thẳng, cứ 4 – 6 giờ chiều là hàng trăm tiểu thương lại tập trung trước chợ để phản đối dự án xây mới chợ.
|
Được mệnh danh là ngôi chợ sỉ với các mặt hàng thời trang nổi tiếng trong cả nước, nhưng khi dự án mới đưa ra, toàn bộ khu chợ tổng diện tích 22.000 m2 sẽ được giải tỏa. Tiểu thương ở đây vô cùng bất ngờ và bức xúc khi nhận được thông tin này.
Nhiều ý kiến cho rằng, dự án mới này đem lại bất lợi và thiệt hại lớn cho bà con đang buôn bán lâu nay ở chợ Tân Bình, trong khi giá chuyển nhượng các gian hàng tại chợ lên đến con số hàng tỷ đồng thì giá đền bù chỉ có 30 triệu/m2. Chưa kể đến tình hình kinh tế đang khó khăn khiến nhiều tiểu thương phải vất vả xoay trở tìm vốn, tìm mối đẩy hàng.
Chị Phượng, một tiểu thương ở chợ Tân Bình cho biết: “Tôi kinh doanh ở đây đã hơn 15 năm, trung bình mỗi sạp chuyển nhượng có giá từ 1 – 5 tỷ đồng. Với dự án mới này, chúng tôi chưa thấy lợi đâu nhưng hại trước mắt thì rõ ràng, khi phải đóng thêm 300 – 400 triệu đồng để thuê lại chỗ mới, thêm vào đó trong vòng 2 năm xây dựng, chúng tôi phải 'lưu lạc' sang nơi khác, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh. Điều tôi lo sợ nhất là sau khi xây chợ mới, nếu được cấp lại sạp hàng ở tầng lầu thì coi như chết chắc. Bởi thói quen người dân mình đi chợ rất ít khi leo lên lầu, chợ lại bán đồ sỉ số lượng nhiều, hàng hóa cồng kềnh lên xuống lầu sẽ vô cùng khó khăn. Với giá đền bù chỉ 30 triệu/m2 là quá thấp và không hợp lý để tôi có thể rời chợ tìm địa điểm khác tiếp tục kinh doanh”.
Nhiều tiểu thương khác lại cho rằng, khi xây dựng trung tâm thương mại mới sẽ dành lấy mặt tiền trên đường Lý Thường Kiệt của chợ Tân Bình truyền thống, đẩy khu chợ này vào những con đường nhỏ hẹp không còn được vị trí đẹp như hiện tại. Tình hình chợ tự phát cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh của bà con trong chợ. Hiện nay, ngoài khu vực chợ Tân Bình, trên các tuyến đường, vỉa hè xung quanh chợ đều hình thành những gian hàng “vệ tinh” với hàng hóa không thua kém gì các sạp hàng trong chợ nhưng giá cả lại rẻ hơn, do không phải trả phí mặt bằng.
Chị Hậu, chủ một sạp vải cho biết: “Hiện nay việc cạnh tranh với các gian hàng tự phát bên ngoài đã khó khăn. Để cạnh tranh được, tôi phải tăng cường công nợ (bán thiếu gối đầu) cho khách làm nguồn vốn lưu động ngày một cạn dần. Vậy mà giờ xây lại chợ mới thì không biết việc buôn bán sẽ khó thêm đến đâu nữa. Để có được địa điểm kinh doanh như hiện tại, gia đình tôi phải vay mượn cả tỷ đồng giờ chưa trả hết. Thực sự tôi rất hoang mang, việc kinh doanh mấy ngày qua của gia đình tôi hoàn toàn khó".
Phần lớn tiểu thương ủng hộ việc cải tạo, nâng cấp để chợ cũ được sạch đẹp, an toàn hơn là đập bỏ xây lại. Việc đập bỏ xây lại ngôi chợ này không những ảnh hưởng hơn 3.000 tiểu thương mà còn làm thay đổi cuộc sống của hàng chục ngàn lao động đang kiếm sống hằng ngày phụ thuộc vào chợ. Và thực tế, theo lý giải của nhiều người, một số ngôi chợ sau khi thành trung tâm thương mại hoặc xây mới đều rơi vào cảnh ế ẩm.
Anh Tạo, làm bốc vác ở chợ cho biết: “Nhà tôi 4 người tất cả đều trông chờ vào công việc của tôi, dù lương không cao nhưng vẫn đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày. Chợ đập đi xây lại, chủ hàng thì chưa biết đi hay ở làm cho tôi rất lo lắng. Bốc vác ở đây đã gần 30 năm, quen việc, quen chủ hàng, giờ mà đi làm chỗ khác tôi chưa biết sẽ ra sao”.
Zen Nguyễn
Theo Zing News
Theo Một Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét