Tàu ngầm lớp Kilo 636 của Nga (Ảnh : naval-technology.com). Trong năm 2014, hai chiếc được giao cho Việt Nam. |
Tranh chấp đặc biệt gay gắt giữa Hà Nội và Bắc Kinh tại Biển Đông, đặc biệt là sau vụ giàn khoan HD-981 vừa qua, đã nêu bật câu hỏi là với thực lực quân sự hiện có, liệu Việt Nam có thể ngăn không cho Trung Quốc độc chiếm Biển Đông hay không ? Theo các chuyên gia, khả năng duy nhất nằm trong tầm tay của Việt Nam là « răn đe », và ngay cả trong vấn đề này, vẫn còn nhiều ý kiến hoài nghi.
Nhân một Hội nghị Quốc tế về Chính sách Hàng hải của Trung Quốc do Đại học Ma Cao tổ chức trong hai ngày 19-20/09/2014, Giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc đã thử tìm đáp án cho câu hỏi về thực lực trên biển của Việt Nam trong tương quan với Trung Quốc.
Trong tham luận mang tựa đề « Chiến lược Biển Đông của Việt Nam và Quan hệ Việt-Trung », chuyên gia Thayer đã phân tích đối sách Biển Đông hiện nay của Việt Nam, đặc biệt là trong quan hệ với Trung Quốc sau vụ giàn khoan HD-981. Tham luận gồm 5 phần chính : Chính sách đối ngoại ; Bối cảnh lịch sử ; Chiến lược quốc phòng ; Chiến lược biển cho đến năm 2000 ; Hệ quả đối với quan hệ Việt Nam-Trung Quốc.
Trong phần đề cập đến chiến lược chống xâm lăng từ ngoài biển của Việt Nam, tức là chống Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng chính tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc tại Biển Đông là động lực quan trọng nhất thúc đẩy Việt Nam hiện đại hóa quân đội, ưu tiên cho hải quân, và nhất là trang bị cho mình một hạm đội tàu ngầm.
Hợp đồng đặt mua sáu chiếc tàu ngầm Varshavyanka (còn gọi là kilo) đã được ký kết vào năm 2009, và đang lần lượt được giao, cho đến năm 2016 là chiếc cuối cùng.
Hiện đã có hai chiếc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được giao cho Hải quân Việt Nam, chiếc thứ ba là Hải Phòng dự kiến sẽ giao vào tháng 11 năm nay, chiếc thứ tư là Đà Nẵng thì đã được Nga hạ thủy tháng Ba vừa qua và đang trong quá trình chạy thử. Hai chiếc còn lại Khánh Hòa - đang được đóng - và Bà Rịa Vũng Tàu sẽ hạ thủy vào tháng 9 năm 2015 để được giao cho Việt Nam vào năm 2016.
Bộ Quốc phòng Việt Nam dự định sẽ cho triển khai hạm đội tàu ngầm của mình vào khoảng năm 2016-2017, và theo Giáo sư Thayer, một khi bắt đầu hoạt động, với hệ thống vũ khí tối tân được trang bị, các chiếc tàu ngầm Việt Nam có thể thực hiện song song hai nhiệm vụ :
(1) giúp phát hiện tàu lạ ở khu vực ngoài khơi bờ biển Việt Nam và vùng xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ;
(2) tăng cường sức răn đe của Việt Nam trong trường hợp bị Trung Quốc bất ngờ tung quân đánh chiếm các đảo, đá đang do Việt Nam chiếm đóng tại vùng Biển Đông.
Tóm lại, theo giáo sư Thayer, đội tàu ngầm kilo sẽ cung cấp cho Việt Nam một năng lực chống tiếp cận khu vực, dù hạn chế, nhưng hữu ích.
Việt Nam phải mất thêm nhiều năm mới làm chủ được vũ khí hiện đại
Đối với Giáo sư Thayer, giới nghiên cứu phương Tây hiện không nhất trí với nhau về khả năng Việt Nam đối chọi được với Trung Quốc trên biển. Chuyên gia Mỹ Zachary Abuza thuộc trường Simmons College là điển hình cho quan điểm này.
Theo ông Abuza : « Việt Nam cần phải có thêm nhiều năm dòng dã mới có thể hoàn tất đợt hiện đại hóa quốc phòng đang tiến hành, cũng như phát triển được các học thuyết và chiến thuật để sử dụng các công nghệ mới vừa trang bị ». Đối với ông Abuza, « Vũ khí tốt nhất của Việt Nam vẫn là ngoại giao và luật pháp quốc tế ».
Ông Lyle Goldstein, Giáo sư tại Học viện Hải quân Hoa Kỳ, đã phân tích nhận định của giới chuyên gia Trung Quốc về năng lực quân sự của Việt Nam để cho rằng Bắc Kinh không coi thường năng lực quốc phòng của Việt Nam. Theo ông, tàu ngầm kilo của Việt Nam có khả năng « đánh những cú chí mạng bằng ngư lôi hay tên lửa hành trình chống hạm ».
Tuy nhiên, chuyên gia này xác định rằng giới phân tích quân sự Trung Quốc đã chú ý đến nhiều khiếm khuyết trong chiến lược quân sự của Việt Nam, nhất là sự thiếu vắng kinh nghiệm gần như là hoàn toàn trong việc sử dụng và vận hành hệ thống vũ khí cực kỳ phức tạp như tàu ngầm.
Giáo sư Goldstein đồng ý với Abuza là chiến lược tốt nhất của Việt Nam để chống Trung Quốc vẫn là « hy vọng có được một sức răn đe khả dĩ, trong lúc tiếp tục các nỗ lực ngoại giao để giải quyết tranh chấp ».
Theo Giáo sư Thayer, trái với quan điểm kể trên, các chuyên gia như Gary Li, Brian Benedictus, Robert Faley, Collin Koh và Siemon Wezeman thì đánh giá cao hơn chiến lược chống xâm lấn của Việt Nam.
Việt Nam có lợi thế địa dư vì đòi chủ quyền ngay "thềm nhà"
Gary Li chẳng hạn, cho rằng Việt Nam hiện nắm giữ nhiều đảo nhất tại vùng Trường Sa, và muốn đánh chiếm vùng này, tàu Trung Quốc phải đi rất xa. Địa dư chính là lợi thế của Việt Nam. Chuyên gia này phân tích :
« Việt Nam đòi chủ quyền trên một khu vực ngay trước thềm nhà mình. Đội tàu nhẹ và tàu ngầm trang bị tên lửa của Việt Nam có thể tấn công và rút lui về căn cứ một cách dễ dàng, trong lúc hạm đội Trung Quốc bị tấn công thì ít nhiều phải lênh đênh ».
Theo chuyên gia Gary Li, « Việt Nam không cần phải so sánh số lượng tàu của mình với Trung Quốc, mà nên áp dụng chiến thuật du kích của mình trên biển khơi. Một chiến lược phi đối xứng, kèm theo với việc liên minh đúng lúc với các đối thủ của Trung Quốc, sẽ đặt Việt Nam vào một vị trí tốt trong cuộc tranh chấp tới đây. »
Chuyên gia Brian Benedictus thì đã xem xét kỹ lưỡng đặc tính của các chiến hạm lớp Gepard , Molniya của Việt Nam cũng như của tàu ngầm kilo, để cho rằng các thiết bị mới này giúp Việt Nam tăng cường năng lực tung lực lượng ra Biển Đông, « giáng cho tàu Trung Quốc những tổn thất lớn, điều mà Bắc Kinh phải tính toán trước khi quyết định thách thức Hải quân Việt Nam ».
Đối với ông Benedictus, tàu ngầm kilo của Việt Nam có tiềm năng phá hoại đội tàu của đối phương bằng nhiều cách khác nhau, nhất là khi năng lực chống tàu ngầm của Trung Quốc còn kém cỏi.
Việt Nam có năng lực bắt Trung Quốc trả giá đắt nếu gây hấn
Tóm lại các chuyên gia kể trên, cùng với nhiều người khác đều cho rằng dù ít, nhưng Việt Nam hiện có được những loại vũ khí có thể gọi là « đặc trị » chống Trung Quốc, cộng thêm với yếu tố « địa lợi », tất cả những yếu tố đó lăm tăng giá trị răn đe của chiến lược quốc phòng Việt Nam đối với Trung Quốc.
Kết luận của giáo sư Thayer khá lạc quan cho Việt Nam. Theo ông, nếu tính toàn bộ số vũ khí đã mua và sắp mua, hệ thống vũ khí của Việt Nam « sẽ bắt Trung Quốc phải trả giá rất đắt nếu gây chiến trong khu vực rộng từ 200 đến 300 hải lý, trải dọc theo bờ biển Việt Nam… Ngoài ra, Việt Nam còn năng lực tấn công căn cứ Hải quân chủ yếu của Trung Quốc tại Tam Á, trên đảo Hải Nam, và các cơ sở quân sự trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa ».
Trọng Nghĩa
Theo RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét