Chỉ có những du khách Trung Quốc đại lục vô tình có mặt tại Hồng Kông ở thời điểm này mới chứng kiến được sự việc. Nhưng Bắc Kinh cũng vừa ra lệnh ngừng cấp phép du lịch từ Trung Quốc đại lục tới Hồng Kông.
Hãng tin AP cho biết Chính phủ Trung Quốc đang cắt đứt hoàn toàn tin tức về cuộc biểu tình ở Hồng Kông với đại lục. Không có hình ảnh nào của các cuộc biểu tình xuất hiện trên phương tiện truyền thông nước này.
Ngược lại, các phương tiện truyền thông trong bán đảo Hồng Kông được phát sóng không ngừng về đám đông biểu tình, cho thấy sinh viên tay không chống đỡ lại hơi cay của cảnh sát và sự phản ứng kịch liệt của những người chống đối biểu tình.
Sự tương phản đó càng làm nổi bật sự khác biệt trong "một quốc gia, hai chế độ" như cam kết mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đồng ý, khi đàm phán để trở lại bán đảo này năm 1997.
Bắc Kinh muốn thông qua các cơ quan truyền thông để có thể kiểm soát bất cứ sự bùng phát bất ổn nào ở đại lục.
Truyền hình chỉ đọc báo cáo tóm tắt, không có video và văn bản báo cáo không có hình ảnh. Các báo cáo chủ yếu đề cập tụ tập bất hợp pháp ở Hồng Kông và những nỗ lực của chính quyền để giải tán họ.
Tính đến ngày 1.10, toàn lãnh thổ Trung Quốc đại lục chỉ có 9 bài viết trên báo chí về các cuộc biểu tình, 6 bài trong số đó xuất phát từ một bản tin của Tân Hoa Xã nói cuộc biểu tình làm tổn hại đến kinh tế Hồng Kông. Ba bài khác thì xuất hiện trên báo chí dân tộc Global Times, gọi đó là tụ tập bất hợp pháp, gây rối trật tự xã hội và có hại cho nền kinh tế.
Dịch vụ chia sẻ hình ảnh Instagram của Facebook đã bị chặn ở Trung Quốc đại lục hôm 28.9. Người dùng tìm cách truy cập website chính của Yahoo! từ Trung Quốc đại lục đã gặp tình trạng gián đoạn trong ngày 30.9. Các cuộc thảo luận trực tuyến nếu có cụ từ như "hơi cay" đều bị tắt tiếng từ cuối tuần qua.
Nhưng một số hình ảnh từ Hồng Kông những ngày này đã "tuồn" được vào đại lục, thông qua dịch vụ tin nhắn trên điện thoại di động.
Nhiều người dùng đã chuyển đổi từ hình ảnh vào văn bản để tránh bị tìm kiếm, kiểm duyệt. Tuy nhiên, vẫn có người dùng phàn nàn về các văn bản của mình bị xóa, kể cả trong cuộc trò chuyện riêng với bạn bè.
Hôm thứ Hai, một người đăng lại tin tức về các cuộc biểu tình trên dịch vụ nhắn tin nhanh WeChat đã bị bắt giữ và cảnh sát nói họ tình nghi người này gây rối.
Sự kiểm soát chặt chẽ thông qua việc điều khiển hoạt động truyền thông của Bắc Kinh đang có hiệu quả.
"Đa số người dân Trung Quốc không biết những gì đang xảy ra ở Hồng Kông. Chỉ có một số ít biết", giáo sư Zhan Jiang chuyên ngành báo chí tại Bắc Kinh cho AP biết.
Theo hãng tin Bloomberg, cuộc biểu tình của người Hồng Kông vừa khiến người đại lục ngạc nhiên, thán phục và cả khó chịu.
“Nhìn vào thế hệ trẻ của một nơi là biết tương lai của nơi đó. Hồng Kông nên tự hào về thế hệ trẻ của họ”, Ding - một giáo viên dạy cấp 2 từ Thâm Quyến, Trung Quốc - nhận xét khi đi một vòng qua khu vực biểu tình ở quận Admiralty của Hồng Kông ngày 1.10.
Theo tờ The Sun, ông Hu Yang, một giáo sư về thiết kế đến từ Hàng Châu, bày tỏ sự nể phục đối với giới sinh viên Hồng Kông. “Tôi dành sự tôn trọng lớn cho các sinh viên trẻ tuổi của Hồng Kông”.
Ngược lại, Zhu Ming, một công chức về hưu đến từ tỉnh Hà Nam, nói: “Mọi người ở đây quá ngây thơ”, khi ông quan sát khu vực biểu tình ở quận Admiralty - Hồng Kông.
“Tôi không ngờ là biểu tình lại lớn đến thế này. Khi tôi ở nhà, truyền hình không hề đưa tin. Tôi chỉ thấy lo cho bọn trẻ ở dây. Chúng nên về nhà và đi học”, ông Zhu nói.
Du khách Zheng Tian, 40 tuổi, từ Ninh Ba, thì càu nhàu: “Tôi chẳng hiểu cái quái gì đang diễn ra ở Hồng Kông nữa. Tôi thấy rất bất tiện khi phải kéo hai va-li to tới khách sạn vì tài xế taxi không chịu đưa tôi tới nơi. Cửa hiệu thì đóng, nhà hàng thì hết đồ ăn. Liệu tôi làm được gì ở đây?”.
Theo Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp du lịch Hồng Kông, nhà chức trách Trung Quốc đã dừng cấp phép các tour du lịch sang Hồng Kông.
Song Anh tổng hợp
Theo Một Thế Giới
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét