Nghe bài tường thuật |
Hội nhập kinh tế đưa tới cho Việt Nam nhiều bạn bè bên cạnh lợi ích trao đổi thương mại. Khi người bạn phương Bắc trở chứng mà cao điểm là sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, Việt Nam lại càng cần có nhiều đồng minh, những người có thể giúp đỡ Việt Nam hoặc hỗ trợ lẫn nhau.
Phải chăng càng hội nhập sâu với thế giới, người Việt Nam tự tạo cho mình cơ hội cải cách để đi về phía ánh sáng dân chủ. Trong dịp trả lời chúng tôi, Luật sư Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Hà Nội nhận định:
“ Việc Việt Nam đi về phía ánh sáng thì ngày càng rõ và nhất là trước áp lực của thế lực phía Bắc rõ ràng Việt Nam cần phải cởi mở cần có nhiều đồng minh để có thể giữ được độc lập, biên cương biển đảo. Đó cũng là sự đòi hỏi và tôi cho rằng đòi hỏi đó phù hợp với xu thế phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân.”
Việc Việt Nam đi về phía ánh sáng thì ngày càng rõ và nhất là trước áp lực của thế lực phía Bắc rõ ràng Việt Nam cần phải cởi mở cần có nhiều đồng minh để có thể giữ được độc lập, biên cương biển đảo. Đó cũng là sự đòi hỏi và tôi cho rằng đòi hỏi đó phù hợp với xu thế phù hợp với nguyện vọng của đại đa số nhân dân
Luật sư Trần Quốc Thuận
Trong tất cả các FTA đều có những luật chơi chung theo chuẩn mực thế giới về an toàn thực phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ hay luật pháp minh bạch và nhiều điều kiện khác. Riêng đối với Hoa Kỳ và EU các hiệp định thương mại tự do còn ràng buộc vấn đề nhân quyền. Vấn đề tự do nghiệp đoàn, bảo vệ người lao động và nhiều điều kiện khác vốn dĩ bình thường ở các chế độ dân chủ pháp trị nhưng lại là sự khác biệt đầy khó khăn với nhà nước cộng sản Việt Nam.
Trong phúc trình về TPP phổ biến ngày 18/9/2014 của Uỷ ban Chuẩn chi Hạ Viện Hoa Kỳ, bên cạnh các vấn đề về tự do lập hội và quyền của người lao động, dân biểu Sander Levan tác giả bản phúc trình còn có một tiểu mục liên quan đến nhân quyền nói chung, xin tạm dịch: “Thỏa thuận thương mại tự do như TPP sẽ thiết lập quan hệ kinh tế mật thiết giữa các quốc gia thành viên. Đa số thành viên Quốc hội và công chúng Hoa Kỳ không mong muốn việc thiết lập những quan hệ như thế với những quốc gia mà ở đó người dân bị khước từ các quyền con người cơ bản.”
Ông Lê Văn Triết, nguyên bộ trưởng Thương mại những năm 1991-1997, người đặt những viên gạch đầu tiên cho chiến lược đàm phán Việt Nam gia nhập WTO cho rằng, xu hướng thời đại buộc Việt Nam phải cải cách, đặc biệt trong tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP với Hoa Kỳ và 10 nước còn lại.
“Nếu không có đàm phán thì cũng phải sửa đổi để càng ngày càng phù hợp với dòng chảy chung của xã hội loài người. Cho nên bây giờ tiếp tục đàm phán để đi vào toàn cầu hóa cùng với các nước thì việc sửa luật là nhất thiết phải làm, không có đàm phán thì Việt Nam cũng có dự kiến một số luật phải sửa.
Áp lực và nhu cầu cải cách đang đến với Việt Nam hết sức lớn lao. TS Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương được Báo SGGP trích lời hôm 25/9/2014 nói rằng, để chuẩn bị cho chiến lược hội nhập và toàn cầu hóa, về phần Chính phủ cần có một tầm nhìn thời đại gắn với cuộc chơi mới nhằm tiến hành cải cách thể chế, giúp tiết giảm chi phí tối thiểu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp. Theo lời TS Võ Trí Thành: “Cải cách cũng gắn với tiến trình làm cho các luật lệ Việt Nam tương thích với thế giới và phải thực thi một cách nghiêm túc. Điều quan trọng, Chính phủ phải từng bước hoàn thiện để hướng tới đến một chính phủ thân thiện.
Nếu không có đàm phán thì cũng phải sửa đổi để càng ngày càng phù hợp với dòng chảy chung của xã hội loài người. Cho nên bây giờ tiếp tục đàm phán để đi vào toàn cầu hóa cùng với các nước thì việc sửa luật là nhất thiết phải làm
Ông Lê Văn Triết
Theo các chuyên gia thói quen của Việt Nam là cố gắng xin lộ trình, xin thời hạn bảo lưu càng lâu càng tốt. Nhưng Hoa Kỳ đưa ra điều kiện trừng phạt nếu thành viên TPP vi phạm các điều kiện cam kết. Do vậy theo ông Nguyễn Đình Lương, trước khi TPP thành hiện thực những việc Việt nam cần làm ngay là “dọn rác”, xóa bỏ tư duy kiểu cũ và nhập cuộc với tư duy kinh tế toàn cầu hóa, kinh tế thị trường.
Tuân thủ các điều kiện trong TPP hiệp định mẫu của thế kỷ 21, Việt Nam phải có một “chính phủ thân thiện” như cách nói của TS Võ Trí Thành. Nhưng nhiều người cho rằng một chính phủ thân thiện chỉ có thể có được trong thể chế dân chủ. Hội nhập kèm theo áp lực cải cách là vì vậy.
Nam Nguyên,
phóng viên RFA
Theo RFA
========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét