Bắt đầu từ tấm ảnh lịch sử ở tòa án huyện Bắc Bình sáng 14/1 khi HĐXX lôi bị cáo nằm xệp ra giữa tòa để xét xử, và mới nhất là vụ hối lộ giữa công đường bị phóng viên báo Lao động [*] bắt quả tang vừa qua.
Trong vụ hối lộ, bà thẩm phán Lê Thị Thu của TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa) nói với người đưa tiền chạy án: "Vì anh là người nhà của cô Niên (Kiểm sát viên VKSND huyện Triệu Sơn-NV), là người trong ngành, trong cơ quan nên bọn em mới giúp, vì tình cảm bọn em mới làm, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật”.
Tôi không dám tin vào mắt mình. Chẳng lẽ:
Vì là dân nên cảnh sát giao thông có quyền khám ví anh chị ngay giữa đường.
Vì là dân, nên các anh chị hay sơ ý bị dùi cui đập vào đầu.
Vì là dân, nên các anh chị hay tình cờ bị chết trong đồn công an.
Vì là dân, nên các anh được điều tra viên dùng nước đá nhồi vào bộ phận sinh dục.
Vì là dân, nên ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang học được phép phân thân, đồng thời có mặt ở hai nơi để vừa giết một phụ nữ lại vừa múc cà muối chua bán cho hàng xóm.
Vì là dân, nên cô nhân viên Cục thi hành án dân sự tỉnh Bình Phước trả lời một người dân muốn biết tên của cô rằng "Cô là dân mà sao dám hỏi tôi câu đó".
Vì là dân nên khi được minh oan trong một vụ án kéo dài 17 năm, ngay cả gia đình ông Nguyễn Hồng Cầu ở Hải Phòng cũng phải chui rào mới vào được vào "phòng xin lỗi". Người dân đi chứng kiến thì bị chặn lại ngoài cổng, còn loa phóng thanh bỗng dưng câm lặng.
...
Nguyên do tại các anh các chị cả. Ai bảo các anh các chị là dân?
Vậy nếu không là dân? Là quan hay con quan chẳng hạn?
Thì sẽ múa kiếm giữa sân bay, bắt tài xế taxi vượt đèn đỏ mà anh ta không chịu thì tẩn ảnh đến thành thương rồi kêu vợ mang súng tới "bắn chết mẹ nó đi", gọi hai chục kẻ mang dao búa đến đánh đến chết một người chỉ vì anh ta không muốn ở lại nhậu tiếp như trong vụ án cuối năm ngoái ở Sóc Trăng, hay móc súng đòi bắn vào đầu một người dân vì cãi nhau khi va quẹt xe trên đường.
Hay sẽ lao động đến thối cả móng tay để xây dựng tòa biệt thự nguy nga? Sẽ giơ đũa thần lên để con đường "cong mềm mại" ? Sẽ biến những Vinashin, Vinalines... đồng loạt thành Vina-xong?
Sự "buột miệng" (buột miệng thì người ta nói thật) của những nhân viên cầm cân nảy mực nói trên cho thấy tâm lý đặc quyền đã không còn là hiện tượng. Nó đã ăn sâu vào cốt tủy, được xem là đương nhiên, là mục đích hướng tới, là phần thưởng tất yếu khi thăng tiến, cũng là động lực mãnh liệt để phấn đấu.
Như tinh thần châm biếm trong truyện ngắn "Trại súc vật" của nhà văn Anh George Orwell "Mọi con vật đều bình đẳng, nhưng có những con vật bình đẳng hơn các con vật khác".
Chỉ mới cách đây 5 tháng, cũng như bà thẩm phán Lê Thị Thu của Thanh Hóa nói trên, một nhân vật khác cũng đã đi vào lịch sử ngành tư pháp là ông Lương Quang, chánh án TAND TP Tuy Hòa- Phú Yên với vài câu nói bất hủ, trong đó có câu: "trong cuộc sống có những việc biết lẽ ra như thế này nhưng người ta không làm như thế mà làm khác một chút để bảo đảm mối quan hệ cho tốt" (đặt trong bối cảnh xử nhẹ vụ năm công an dùng nhục hình với nghi can).
Sự tha hóa quyền lực từ rộng rãi và ở mọi cấp này thật đáng sợ. Nó bộc lộ một nền tảng ruỗng nát.
Cách đây gần 70 năm, tác giả ký tên Chiến Thắng [*] đã viết trên báo Cứu Quốc như thế này: "Thứ nhất dân ghét các ông chủ tịch, các ông uỷ viên vì cái tật ngông nghênh cậy thế cậy quyền. Những ông này không hiểu nhiệm vụ và chính sách của Việt Minh, nên khi nắm được chút quyền trong tay vẫn hay lạm dụng, có được mấy khẩu súng lục trong túi lúc nào cũng lǎm le muốn bắn, đeo chiếc kiếm bên mình lúc nào cũng chỉ chực muốn chặt người ta (...) Thậm chí có ông tư pháp khi xử kiện bắt tội nhân quỳ trước thềm đánh đập, chửi mắng tội nhân, hách dịch đúng như những "ông quan", "ông thanh tra" dưới thời Pháp thuộc, Nhật thuộc!" (số 65, ngày 12/10/1945).
70 năm đã qua từ bài báo trên. Đã rất lâu chúng ta không còn sống trong thời "Pháp thuộc", "Nhật thuộc". Ấy vậy mà những sự việc chưa từng có, được người trong ngành ví như cái tát vào công lý, đang liên tiếp xảy ra. Càng ngày càng trơ trẽn, công nhiên và gia tăng mức độ.
Chỉ còn biết thốt lên: thật đáng sợ!
[*] Chiến Thắng là một trong bút danh của Hồ Chí Minh.
_________________________
[*] Phụ lục: Bài của báo Lao Động về vụ việc ở Triệu Sơn, Thanh Hóa:
TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa): Đòi ăn hối lộ giữa công đường
TAND huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa): Ảnh:Xuân Hùng |
Giữa thanh thiên bạch nhật, chánh án, thẩm phán và thư ký Toà án Nhân dân huyện Triệu Sơn (Thanh Hoá) đã “hùa nhau làm tiền” bị can. Toàn bộ cảnh “làm tiền” như trong phim này đã được ghi âm lại đầy đủ. Một số cán bộ Viện Kiểm sát huyện này cũng hùa theo, vi phạm nghiêm trọng quy định của ngành và pháp luật.
Vụ “làm tiền” của một số cán bộ toà án huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá đã diễn ra như trong phim “Chạy án”. Theo đó, chánh án, thẩm phán và thư ký toà hùa nhau yêu cầu đương sự phải đưa tiền mới xử nhẹ. PV Lao Động có toàn bộ nội dung các cuộc ngã giá “làm tiền” này của cán bộ toà án.
“Làm tiền” như trong phim
Tháng 7.2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Triệu Sơn có kết luận điều tra ông Nguyễn Bá Quý - nguyên Chủ tịch UBND xã Tiến Nông - phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Ông Quý cho rằng ông bị kết tội oan vì các đội tượng đã bày mưu tính kế đưa ông vào bẫy, nên đã thuê luật sư Lê Quốc Hiền - Trưởng đoàn luật sư Lê Quốc Hiền (Thanh Hoá) bào chữa. Theo kế hoạch, đầu tháng 9.2014 sẽ đem vụ án ra xét xử. Trước khi xét xử, ông Quý nhờ bà Nguyễn Thị Niên - kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân (VKS) huyện Triệu Sơn - là người họ hàng giúp đỡ để… chạy án.
Một cảnh “làm tiền” trắng trợn như trong phim đã diễn ra tại TAND huyện Triệu Sơn. Chánh án Lê Ngọc Hiệp trắng trợn đặt vấn đề phải đưa tiền mới giúp. Khi ông Quý đặt vấn đề đưa tiền nhờ ông Hiệp giúp, ông Hiệp hỏi: “Đây được mấy triệu?”, ông Quý cho biết có 10 triệu. Ông Hiệp không nhận mà bảo cầm sang phòng Thẩm phán Lê Thị Thu: “Cứ cầm sang chỗ con Thu đi, tao sẽ điện cho nó, tao điện luôn này, con Thu ở phòng số 2”. Khi ông Quý hỏi 10 triệu đã được chưa hay phải thêm, Chánh án Lê Ngọc Hiệp nói: “Một nấy chưa đủ đi tỉnh”. Lúc này ông Quý nói ở đây ông có 15 triệu, ông Hiệp bảo cứ mang sang cho Thẩm phán Lê Thị Thu 10 triệu rồi sang đây.
Tại phòng làm việc của Thẩm phán Lê Thị Thu, bà Thu nói với ông Quý: “Vì anh là người nhà của cô Niên, là người trong ngành, trong cơ quan nên bọn em mới giúp, vì tình cảm bọn em mới làm, còn là dân thì... bọn em sẽ làm theo quy định của pháp luật”. Bà Thu cũng bảo bà Niên “nói với VKS đồng ý thì bên đây mới dám làm”. Ông Quý đưa 10 triệu cho bà Thu, bà không nhận mà hướng dẫn ông Quý gặp ông Lê Sỹ Thuần - thư ký toà án. “Việc giao nhận này anh Thuần làm” - bà Thu nói.
Một cuộc ngã giá đã diễn ra trong phòng thư ký TAND huyện Triệu Sơn. Ngay từ đầu, ông Thuần lớn tiếng “Cái tiền thuê luật sư sao không để lên đây mà phải đi chỗ mô cho khổ ra”. Khi ông Quý đưa tiền, ông Thuần hỏi “tổng đưa sang toà nhiều không?”, ông Quý nói hôm nay mới có 10 triệu đồng, ông Thuần xẵng: “Anh cứ cầm 10 triệu xuống dưới tỉnh lo việc đi, còn anh là người nhà chị Niên thì anh em trên đây được đồng mô quý đồng đó. Anh là khoản 2 trong tội cưỡng đoạt thì ai mà lo được. Chỉ cần ai đó ở dưới tỉnh điện về thì sẽ lo được”.
Ông Lê Ngọc Hiệp - Chánh án TAND huyện Triệu Sơn. Ảnh: XUÂN HÙNG |
Sau khi nhận 10 triệu đồng, ông Thuần hỏi ông Quý: “Tất cả bên đây chỉ có nấy đây hay đưa nữa?”, ông Quý cho biết sẽ đưa thêm, ông Thuần kết luận: “Anh vứt xuống tỉnh 20 cái, lo đây 10 cái, tổng bên đây 30 cái, được lòng trước khỏi mất lòng sau, chính xác 100%. Còn nếu anh không tin tôi thì anh cứ đi hỏi nơi khác, nhưng khi anh quay lại phải nâng lên một ít nữa, tính tôi rất thật...”. Khi ông Quý xin xuống 20 triệu thì ông Thuần không đồng ý, nói: “Tội cưỡng đoạt khoản 2 đ... ai cứu được”.
Tai nạn nghề nghiệp?
Ngày 15.9, trao đổi với PV Lao Động tại phòng làm việc, Chánh án Lê Ngọc Hiệp xác nhận toàn bộ nội dung trong các file ghi âm trên là sự thật. Ông Hiệp cho rằng đó là “tai nạn nghề nghiệp và rất ân hận, đau khổ với việc đã xảy ra”. Ông Hiệp cũng cho biết, ông đã báo cáo vụ việc tới cấp ủy và TAND tỉnh Thanh Hóa, hiện sự việc đang chờ xác minh nên chưa có kết luận. Theo ông Hiệp, “cũng chỉ vì tình cảm, muốn giúp đỡ người nhà đồng nghiệp mà nên cơ sự này. Vậy là bao nhiêu năm cống hiến giờ tan biến hết. Tôi khổ tâm lắm!”.
Ông Hiệp cũng không ngờ cấp dưới của ông là thư ký Lê Sỹ Thuần “lại có cách hành xử vi phạm pháp luật đến thế, nó lại còn đòi thêm tiền người ta nữa chứ” - ông Hiệp nói. Cũng theo ông Hiệp, sau khi sự việc bị tố giác, ông Lê Sỹ Thuần đã mang số tiền 10 triệu đồng trên đưa cho bà Nguyễn Thị Niên, nhưng bà Niên không nhận. Ông Thuần cũng đã mang đến Công an huyện Triệu Sơn nộp lại số tiền, nhưng cơ quan này đã từ chối. Theo ông Nguyễn Bá Quý, nhiều lần ông Thuần mang số tiền trên đến gia đình ông xin trả lại, nhưng ông đều lánh mặt. “Ông Thuần còn nhắn tin mong tôi nhận lại số tiền, rút đơn tố cáo rồi hết bao nhiêu sẽ đưa thêm cho tôi” - ông Nguyễn Bá Quý nói với PV Lao Động. Ông Lê Ngọc Hiệp xác nhận: “Anh Thuần đã nhiều lần đề nghị gặp, trả lại số tiền cho ông Quý nhưng không được. Giờ số tiền 10 triệu đồng trên vẫn để nguyên trong bọc và anh Thuần đang giữ”.
Cùng ngày, ông Nguyễn Bá Quý cũng khẳng định với PV Lao Động, tất cả nội dung các file ghi âm trên là sự thật, ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về nội dung trên, chỉ mong công lý được thực thi đúng.
Luật sư Lê Quốc Hiền cho hay: “Hành vi của các công chức TAND huyện Triệu Sơn đã phạm tội tham nhũng, nhận hối lộ theo Điều 279, Bộ luật Hình sự”.
Việc xét xử vụ án ông Nguyễn Bá Quý phạm tôi cưỡng đoạt tài sản đã bị tạm đình chỉ và chưa có lịch cho việc xét xử vụ án trên.
Bài 2: Cán bộ Viện Kiểm sát vi phạm nghiêm trọng quy định hành nghề
Theo báo Lao Động
Hoàng Xuân
Theo FB Hoàng Xuân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét