TBT Nguyễn Phú Trọng "bật mí" cách tham nhũng an toàn - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Hai, 6 tháng 10, 2014

TBT Nguyễn Phú Trọng "bật mí" cách tham nhũng an toàn


Tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày hôm qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã công khai bày cách tham nhũng làm sao để được an toàn. Ông đã dùng hình ảnh ví von minh hoạ:

http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/200746/tong-bi-thu--diet-chuot-dung-de-vo-binh.html

Là người lý luận chuyên sâu, TBT Nguyễn Phú Trọng đã ngầm giảng cho các đảng viên của mình cách tham nhũng thế nào mà dù có bị phát hiện cũng không thể xử lý. Dùng hình ảnh con chuột để chỉ tham nhũng và cái bình là hình ảnh sự ổn định. Thực ra khái niệm ổn định ở đây là giữ vững chế độ do ĐCS lãnh đạo. Điều ông Trọng muốn nói là tham nhũng thế nào thì cũng phải gắn bó với sự tồn vong của Đảng, nếu việc tham nhũng bị phát hiện mà ảnh hưởng đến Đảng thì có thể xem xét.

Ý này ông Trọng nói học được từ bác Hồ.

Ông mà học của bác thì chắc không sai được.

Tổng bí thư cũng cho rằng, xử lý trước mắt phải nghĩ lâu dài, giữ cho được ổn định để đất nước phát triển. Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm.

"Phải bình tĩnh tĩnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Bác Hồ dạy rồi, cha ông ta dạy rồi, đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định".

Có lần ông Trọng nói, có một đồng chí trong BCT có vấn đề, đang cân nhắc xử lý. Không biết có phải đồng chí này gắn bó quá mật thiết với sự tồn vong của Đảng. Cho nên từ khi ông nói đến nay đã gần 2 năm mà đồng chí UVBCT này không bị sao. Đây là trường hợp minh hoạ rõ nhất cho hàm ý của ông Trọng, nó cũng vừa bào chữa cho tại sao Đảng và Nhà nước trong lời ông nói kiên quyết chống tham nhũng, nhưng đến nay chưa lôi đồng chí UVBCT kia ra ánh sáng pháp luật.

Phải chăng hàm ý ném chuột đừng để vỡ bình là muốn chuyển thông điệp cho những ai muốn tham nhũng, hay liệu cách mà làm. Mệnh đề của ông Trọng đặt ra là phải bảo vệ cái bình hoa, phải giữ được sự ổn định là điều kiện tiên quyết, chứ không phải đưa tham nhũng ra kỷ luật là biện pháp hàng đầu.

Nếu thế những kẻ tham nhũng có quyền lực, nếu thấy bị phát hiện. Chỉ cần hô đổi mới dân chủ, tăng quyền cho dân, đòi hỏi quốc hội thông qua luật biểu tình.... những thứ có thể ảnh hưởng đến sự cai trị ổn định của ĐCS. Chỉ cần như vậy là có thể được cân nhắc bỏ qua hay tạm gác chuyện hắn tham nhũng , lãng phí lại.

Một thành ngữ thứ hai mà TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra là '' ông mất chân giò, bà thò chai rượu'' để diễn giải tình cảnh tham nhũng chồng chéo trong nội bộ quan chức ĐCS. Việc diễn giải sự quan hệ lợi ích nhóm, chồng chéo là đúng. Nhưng câu thành ngữ ông Trọng đưa ra là sai, thậm chí là láo toét, coi khinh dân chúng.

Nếu hiểu chân giò, chai rượu là những thứ vật chất để quan chức hối lộ nhau. Đầu tiên phải hỏi cái chân giò , chai rượu đấy quan chức lấy từ đâu ra. Từ tài nguyên đất nước, từ thuế dân, tiền đi vay hay là tiền của bố mẹ ông bà các quan chức để lại. Nếu vật chất này là của riêng của quan chức, biếu xén nhau thì khó gọi là tham nhũng. Trừ khi cái chân giò, chai rượu hàng trăm tỷ đồng đấy lấy từ tài sản của đất nước, nhân dân ra mới gọi chính xác là tham nhũng.

Tại sao một người lý luận tầm tiến sĩ, đứng đầu ĐCS VN có bao nhiêu viện nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ lại có thể ỡm ờ đánh lận con đen, mang câu thành ngữ này ra để xuê xoa diễn giải cho việc hối lộ, tham nhũng giữa các quan chức. Rượu nhà ai, chân giò nhà ai, từ đâu ra.?

Hay là ông Trọng lại định dạy ngầm cho bọn tham nhũng một cách an toàn nữa, là hãy làm sao để tài sản hối lộ nhau là của riêng mình trước đã, do ông cha để lại, do bà chị họ, cô em kết nghĩa cho, do lao động thối móng tay mà có. Ông dạy như vậy, chả trách sao các quan chức bị động đến tài sản là lu loa của em họ, của chị kết nghĩa, thằng bạn nó cho, nó tặng.

Thành ngữ ông mất chân giò, bà thò chai rượu nếu ông Trọng đưa vào đây, chắc chỉ có ý xui bọn tham nhũng phải biết cách rửa tiền. Còn nếu không thì ông đã chọn câu khác, vì chân giò, chai rượu như đã nói, đâu phải do nhà bọn tham nhũng lao động thối móng tay làm ra.

Thử đặt mình vào địa vị của kẻ tham nhũng, khi đọc những lời của ông Trọng có thấy lo không. Chả lo, thậm chí là còn vui mừng vì ông Trọng đã vạch ra những phương án để tham nhũng mà không bị xử lý. Trong lời ông Trọng không có yếu tố pháp luật nào hết, không có cái cách của Hàn Phi Tử là vương hầu, khanh tướng phạm luật là đều xử như nhau, không có khái niệm tha tội vì ổn định hay vì cái bình nào hết. Cũng chẳng có mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Thượng bất chính, hạ tắc loạn. Ông Trọng ở vị trí lãnh đạo cao nhất, nói chuyện phạm pháp mà còn ầu ơ vì cái này, cái kia nên chưa xử lý, cần cân nhắc tới lâu dài. Thì dễ hiểu làm sao người công an của Đảng giết dân, quan chức phạm tội thì bị xử lý nhẹ. Còn người dân cùng với hành vi ấy lại bị xử tội nặng. Cũng do xử nặng nhẹ thế nào liên quan đến sự cai trị ổn định của ĐCSVN mà thôi.

Nếu Đảng của ông Trọng đã giỏi đến mức, biết tính toán cân nhắc lâu dài đến những cái lớn, đến sự ổn định để đất nước phát triển. Thì khó có thể nói Đảng ông không biết bọn tham nhũng thế nào. Chỉ vì chính Đảng của ông tham nhũng và cũng chính tự gắn mình là sự ổn định đất nước. Cho nên mới có cảnh vừa tham nhũng lan tràn, vừa hướng tới tương lại, vừa không ném chuột vì sợ vỡ bình.

Vậy kết luận là ý trong lời của ông Trong nói với cử tri hôm qua, là dạy cách tham nhũng liệu có oan cho ông không?

Người Buôn Gió
Theo blog Người Buôn Gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad