Freedom House: Việt Nam không phải là một quốc gia tự do - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

Freedom House: Việt Nam không phải là một quốc gia tự do


Ngày 28/1/2015 tại Thủ đô Washington, tổ chức Freedom House cho ra mắt báo cáo về tình trạng dân chủ và tự do trên thế giới năm 2014 cùng với việc cảnh báo những thách thức cho dân chủ và tự do trên thế giới vào năm 2015.


Từ trái qua: Bà Tamara Wittes, Ông James Mann, Bà Jill Doughty (dẫn chương trình), Ông Arch Puddington tại Buổi ra mắt báo cáo của Freedom House về tình trạng dân chủ và tự do trên thế giới năm 2014, được tổ chức ở Washington DC, ngày 28/1/2015.

Mở đầu buổi ra mắt, ông Mark Lagon, người đứng đầu Freedom House giới thiệu ông Arch Puddington trình bày về báo cáo tình trạng dân chủ và tự do trên thế giới vào năm qua. Ông Puddington là một nhà nghiên cứu tại Freedom House, và có nhiều bài viết về các vấn đề quốc tế, các tổ chức lao động, cũng như về chiến tranh lạnh.

Xa rời dân chủ và sự trở lại của bàn tay sắt

Báo cáo của Freedom House về dân chủ và tự do năm 2014 đưa ra một bức tranh không mấy sáng sủa, theo như đề tự của báo cáo rằng năm 2014 là một năm xa rời dân chủ cùng sự trở lại của việc cai trị bằng bàn tay sắt.

  Đương nhiên là các nhà lãnh đạo ở bất cứ nước nào, ở bất cứ chính phủ nào đều chỉ phản ứng khi bị một sức ép, một sức ép từ bên dưới.

-Ông James Mann
Báo cáo bắt đầu bằng việc kể ra những hoạt động khủng bố lan tràn ở châu Phi và Trung đông trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến tự do của hàng chục triệu người. Bên cạnh đó báo cáo cũng chỉ ra rằng các chế độ độc đoán trong khoảng vài chục năm gần đây có cố gắng giữ nguyên trạng tình hình dân chủ tự do ở xứ họ, tuy nhiên trong năm vừa qua các chế độ ấy đã bỏ luôn tình trạng dân chủ ngụy tạo của họ. Đó là các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Venezuela. Có các quốc gia mà trong quá khứ đã đi đến một mức độ dân chủ nào đó như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ thì trong năm 2014 lại đang tụt lùi. Đặc biệt có một quốc gia thành viên của cộng đồng châu Âu là Hungary đang có khuynh hướng tiến đến sự độc tài của một đảng chính trị chiếm đại đa số.

Các kiểm duyệt tự do báo chí, tự do Internet cũng gia tăng trong năm qua, báo cáo cho biết như vậy và nêu tên các quốc gia tăng cường kiểm duyệt trong năm qua là Trung Quốc, Thái Lan, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên cũng có những điểm sáng về dân chủ tự do trong năm qua, đó là các quốc gia Tunisia, Indonesia, Ấn độ, nơi có những cuộc bầu cử công bằng.
VN là một quốc gia không có tự do

Báo cáo của Freedom House về tình trạng dân chủ và tự do trên thế giới năm 2014. RFA PHOTO.
Báo cáo cũng có nêu trường hợp của Việt Nam, mặc dù sự đàn áp dân chủ tự do ở Việt Nam không gây những chú ý lớn trên thế giới, thậm chí là trong năm qua, Việt Nam còn được các quốc gia dân chủ phương Tây quan tâm vì bị Trung Quốc dùng sức mạnh lấn át ở biển Đông. Nhưng báo cáo nêu rõ là cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam duy trì chế độ độc đảng, bắt giữ những người bất đồng chính kiến, cấm các tổ chức nhân quyền hoạt động. Việt Nam được xếp loại không có tự do trong bảng phân loại gồm ba hạng là Tự do, Tự do một phần, và Không có tự do.

Cuộc chiến trên mạng xã hội. Vai trò dân chủ hóa của truyền thông mở:

Sau phần trình bày báo cáo năm 2014 là cuộc thảo luận của các nhà nghiên cứu là ông Puddington, ông James Mann, một tác giả về Trung Quốc, và bà Tamara Wittes, chuyên gia về Trung Đông.

Các chuyên gia cũng trả lời các câu hỏi của khán giả và giới báo chí.

  Một lần nữa chuyện bắt bớ các bloggers cho thấy là Việt Nam không phải là một xã hội mở. Tôi nghĩ là Việt Nam theo chân Trung Quốc trong mô hình kiểm soát internet rất khéo léo.

-Ông James Mann
Trả lời ban Việt ngữ đài RFA về vai trò của mạng xã hội trong việc dân chủ hóa xã hội, bà Tamara đưa ra ví dụ về Tunisia và nhận định của bà về vai trò của mạng xã hội hiện nay, đặc biệt bà có đề cập đến sự nhúng tay của các chính quyền độc đoán vào mạng xã hội:

“Tôi cho là vai trò của truyền thông xã hội trong cuộc cách mạng mùa xuân Ả Rập bị hiểu sai. Truyền thông xã hội không có vai trò trung tâm trong cuộc đấu tranh của đám đông. Nó có giá trị quan trọng đối với những nhà hoạt động trước cuộc cách mạng, để tổ chức, nhưng tập hợp đám đông để xuống đường thì chưa chắc.
Nó quan trọng trong việc mang hình ảnh cuộc đấu tranh ra thế giới. Ví dụ như là thế giới sẽ không biết gì về những diễn biến ở Tunisia hồi tháng 12 năm 2010 nếu không có Youtube hay Tweeter. Tức là nó quan trọng sau đó chứ không phải là nó tạo nên mùa xuân Ả Rập.

Tôi nghĩ là việc trao đổi ý tưởng, tập hợp người ta lại bằng những giá trị chung là một bước quan trọng. Nhưng ngược lại cơ quan công quyền cũng dùng mạng xã hội để theo dõi và đàn áp những nhà đấu tranh. Tôi cho là đang có một cuộc chiến tranh giữa nhà cầm quyền và xã hội dân sự trên phương tiện mạng xã hội.

Ông James Mann trả lời câu hỏi về lý do mà nhiều nhà cầm quyền độc tài không tiến hành cải cách dân chủ vì họ cho rằng các quốc gia của họ cần phát triển kinh tế trước rồi dân chủ sẽ là bước tiếp theo:

“Người ta lấy lý do thế thôi, còn chuyện nói rằng dân chủ đến sau kinh tế thì cũng đồng nghĩa là chả bao giờ.

Nói với RFA về việc bắt bớ các bloggers trong thời gian qua ở Việt Nam ông James Mann nói tiếp:

“Một lần nữa chuyện bắt bớ các bloggers cho thấy là Việt Nam không phải là một xã hội mở. Tôi nghĩ là Việt Nam theo chân Trung Quốc trong mô hình kiểm soát internet rất khéo léo. Tôi thấy điều đó rất đáng tiếc, vì trong một tương lai dài hạn thì thông tin và tự do thông tin là rất quan trọng, ví dụ như là nếu các viên chức nhà nước nhũng lạm, thì truyền thông rộng mở sẽ làm cho các nhà lãnh đạo để ý đến mà thay đổi. Đương nhiên là các nhà lãnh đạo ở bất cứ nước nào, ở bất cứ chính phủ nào đều chỉ phản ứng khi bị một sức ép, một sức ép từ bên dưới. Không có sức ép đó thì họ luôn có khynh hướng coi vấn đề là không quan trọng.

Kính Hòa
phóng viên RFA
Theo RFA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad