|
Sự việc gây ngạc nhiên khi có sự trục trặc bất thường mà nguyên nhân dần dần được xì ra sau khi các bên tham dự trở về nước. Truyền thông quốc tế bình luận rằng khối ASEAN vừa không đoàn kết, vừa sợ Bắc Kinh nên mới có màn đưa ra rồi rút lại.
Hai ngày sau, hôm Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016, theo bản tin AFP, Bộ Ngoại Giao Việt Nam nhấn mạnh các nước thành viên của ASEAN đã “đồng thuận” ở Vân Nam, Trung Quốc, về những gì đã được cung cấp cho báo chí tại cuộc họp.
Các nước thành viên đã đồng ý về nội dung của bản tuyên bố chung trong đó gồm cả “lập trường chung của các nước ASEAN về vấn đề Biển Đông” và sự đánh giá tích cực về kết quả của cuộc họp, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội Lê Hải Bình qua một điện thư gửi cho hãng tin Channel NewsAsia ở Singapore.
Trong khi đó, trong một cuộc họp báo cũng trong ngày Thứ Năm, Bộ Ngoại Giao Indonesia đồng ý rằng nội dung của bản tuyên bố chung bị rút lại được kể ở trên phù hợp với lập trường của ASEAN về vấn đề (Biển Đông). Tuy nhiên, phát ngôn viên Arrmanatha Nasir lại nói chữa rằng văn bản đó chỉ là hướng dẫn báo chí, không phải là văn bản phố biến cho báo chí.
Bản tuyên bố chung “đồng thuận” rồi bị rút lại đã được Malaysia phổ biến được viết những lời cảnh cáo rằng, “Chúng tôi bày tỏ những sự quan ngại sâu xa về những diễn biến xảy ra gần đây và còn đang diễn ra mà chúng đã làm xói mòn sự tin cậy lẫn nhau, gây thêm căng thẳng và chúng có thể làm tổn hại hòa bình, an ninh và sự ổn định của vùng Biển Đông.”
Nội dung này gián tiếp đả kích chủ trương bá quyền bành trướng của Bắc Kinh, cậy thế nước lớn ức hiếp các nước nhỏ ở khu vực qua các hành động bồi đắp các đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ khổng lồ để khống chế toàn bộ khu vực Biển Đông.
Bắc Kinh ‘chơi gác’
Cuối tuần qua, tạp chí thông tin thời sự chính trị The Diplomat tiết lộ nội dung của một bản tuyên bố chung mà Trung Quốc đưa ra muốn các nước có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc “đồng thuận” theo ý muốn “chơi gác” của họ nhưng đã bị phản tác dụng. Các nước ASEAN đã thảo một bản tuyên bố khác của riêng các nước ASEAN nhưng đã rút lại vì áp lực của Bắc Kinh.
Theo Diplomat, bản tuyên bố chung 10 điểm “đồng thuận” của Trung Quốc soạn thảo chia ra làm ba phấn. Phần đầu nói về mối quan hệ Trung Quốc - ASEAN. Phần thứ hai đề nghị những gì Trung Quốc và ASEAN nên làm chung về vấn đề Biển Đông. Phần thứ ba liên quan đến vai trò của các nước khác nhau liên quan “trực tiếp” đến vấn đề tranh chấp.
Về hai điểm đầu tiên, bản văn của Trung Quốc đề cập đến mối quan hệ ASEAN-Trung Quốc. Điều này trùng hợp với lời lẽ kiềm chế (bề ngoài) của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông. Tức là vấn đề Biển Đông nên đặt trong bối cảnh của mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc và không nên thổi phồng nó quá đáng.
Thứ Nhất, Trung Quốc muốn nhân cơ hội đánh dấu 25 năm quan hệ với khối ASEAN để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Trung Quốc (tuyên truyền) nhấn mạnh đến sự hậu thuẫn của Bắc Kinh giúp xây dựng cộng đồng ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN cho sự hợp tác khu vực. Đồng thời muốn ASEAN hậu thuẫn cho sự phát triển của Trung Quốc và “vai trò quan trọng của Bắc Kinh” trong sự hợp tác khu vực. Theo sự tiết lộ, khi bàn cãi về các điều vừa kể, Trung Quốc bị nhiều nước phản ứng khó chịu.
Các điềm thứ ba, thứ tư, thứ năm và thứ sáu đề nghị các điều mà ASEAN và Trung Quốc nên làm chung trong vấn đề Biển Đông.
Điểm thứ ba tuyên bố hai bên hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông và cải thiện an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Đây là điểm tổng quát nhất trong 4 điểm trực tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông.
Điểm bốn nói rằng Trung Quốc và ASEAN sẽ “xử lý đúng cách vấn đề Biển Đông và không để nó ảnh hưởng đến viễn ảnh của sự hợp tác và tình hữu nghị Trung Quốc - ASEAN.”
Về điểm này cho thấy nó nằm trong nỗ lực của Bắc kinh muốn làm nhỏ vấn đề tranh chấp Biển Đông bằng cách khuyên bảo các nước ASEAN hãy đặt vấn đề nằm trong tầm rộng lớn hơn của mối quan hệ với Trung Quốc.
Điểm thứ năm nói rằng ASEAN và Trung Quốc cam kết thực thi toàn diện và hiệu quả Bản Tuyên Bố Ứng Xử trên Biển Đông (DOC), đồng thời “tích cực tiến hành” các cuộc tham khảo lẫn nhau cho một Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) với tầm nhìn là đạt được nó trong sự đồng thuận ở thời gian gần sắp đến.
Điều này xác nhận lại quan điểm của Trung Quốc vẫn có từ lâu nay, tức là áp dụng một bộ khung DOC không có ràng buộc pháp lý thay vì một bộ COC. Nói khác, Bắc Kinh muốn tiếp tục tránh né một thỏa thuận cho một bộ quy định COC có giá trị pháp lý vốn được hiểu là sẽ ngăn chặn Trung Quốc làm càn.
Điểm thứ sáu ghi nhận rằng cả Trung Quốc và Bắc Kinh đều bị ràng buộc bởi những văn bản quốc tế căn bản như Tuyên Ngôn Liên Hiệp Quốc, Công Ước Quốc tế về Luật Biển (UNCLOS), Năm Nguyên Tắc của Chung Sống Hòa Bình, và Hiệp Định Huynh Đệ và Hợp Tác ở Đông Nam Á.
Điều khá thú vị của điểm này là nó có nhắc đến UNCLOS bên cạnh những văn bản quốc tế khác gồm cả “5 Nguyên Tắc Chung Sống Hòa Bình.”
Bốn điểm sau cùng của Bản Tuyên Bố Chung do Bắc Kinh soạn thảo liên quan đến một số nước có tranh chấp nhưng không nêu thẳng tên.
Điểm số 7 viết rằng chỉ có các nước “trực tiếp liên quan” là nên giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý xuyên qua các cuộc tham vấn và đàm phán hữu nghị, không được đe dọa hoặc dùng võ lực, cũng không cần đến tòa án quốc tế. Điều này y chang như những lời tuyên bố của Bắc Kinh đã từng được lập đi lập lại đến nhàm tai.
Điểm 8 nói “mọi bên liên quan” (tức các nước tranh chấp trực tiếp) cần phải tự kềm chế, không được có các hành động làm phức tạp thêm và leo thang tranh chấp. Đồng thời cần có các biện pháp ngăn ngừa những nguy cơ xảy ra trên biển.
Tuy nói vậy, Bắc Kinh vẫn cứ tiến hành các chương trình bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự quy mô ở cả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Khi bị vạch mặt chỉ tên thì Bắc Kinh nói những nơi đó là lãnh thổ của mình có từ “cổ xưa,” không có tranh chấp nên không ai có quyền phản đối. Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc đánh cướp năm 1974 rồi đến 1988 Bắc Kinh xua tàu chiến tới cướp 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa.
Lập luận của Bắc Kinh về “kiềm chế,” “không được gây thêm căng thẳng” chỉ là cách nói kiểu “vừa đánh trống vừa ăn cướp.”
Điểm số 9 tuyên bố các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ duy trì sự tự do hải hành và quay qua không phận của khu vực theo sự quy định của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS). Nên lưu ý là “tự do hải hành và bay qua” chỉ “tự do” ở những khu vực bên ngoài khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền lãnh thổ từng ăn cướp của Việt Nam.
Điểm số 10 và cũng là điểm cuối cùng kêu gọi “các nước ngoài khu vực” nên “đóng vai trò xây dựng cho hòa bình và ổn định ở khu vực.” Ở đây, Bắc Kinh cũng chỉ lập lại chủ trương muốn gạt Mỹ và các nước có quyền lợi liên quan đến Biển Đông ra ngoài để họ dùng thế nước lớn mà chèn ép.
Nói tóm lại, những gì Bắc Kinh viết ra trong bản tuyên bố chung muốn các nước ASEAN cùng “đồng thuận” chẳng có gì mới mà chỉ là muốn ép các nước ASEAN làm theo ý mình, theo tham vọng bá quyền bành trướng của mình.
Nhiều phần, tức giận vì trò chơi gác này nên đã dẫn đến một bản tuyên bố chung của các nước ASEAN rồi bị rút lại khi một số nước thành viên nghe lệnh Bắc Kinh chống lại.
Sự thất bại của hội nghị ASEAN - Trung Quốc ở Vân Nam hồi giữa tháng 6, 2016 báo hiệu có thể có những chuyển biến mới trong đối sách của Bắc Kinh với khu vực mà người ta chưa biết sẽ là leo thang hay xuống thang căng thẳng. Thông thường, một kẻ cướp hung dữ chỉ bỏ chạy khi nó thấy yếu thế. (TN)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét