Họp báo cá chết: Mong đợi và dự đoán - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2016

Họp báo cá chết: Mong đợi và dự đoán


"Không có Formosa này sẽ có Formosa khác. Và liệu người dân có quyền làm gì và có quyền được biết gì trong các dự án phát triển kinh tế mà nó có tác hại liên quan đến môi trường như vừa rồi?"


Nhà khoa học ở Việt Nam nói kết quả cá chết là cần thiết để “khắc phục vấn đề” và “dự báo thiệt hại” sau thảm họa môi trường này.

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An – Nguyên viện trưởng Viện Hải dương học nói với BBC Tiếng Việt: “Từ khía cạnh khoa học, tôi muốn biết thiệt hại vừa qua và dự báo thiệt hại sắp đến.

"Biết nguyên nhân vậy rồi thì sẽ giải quyết vấn đề khắc phục thế nào, nhất là giải pháp quản lý trong tương lai sẽ ra sao. Về mặt kinh tế thì sẽ ổn định sinh kế cho người dân thế nào, và tạo ra thế phát triển kinh tế biển ra sao”.

Tiến sỹ Tác An nói ông “mong đợi” cuộc họp báo chiều 30/6. Ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên xuất hiện trước báo giới đưa ra nhận định ban đầu về thảm họa cá chết ở Việt Nam cũng như tham vấn cho Bộ Tài nguyên Môi trường.

Ông nhận định: “Hiểu được bản chất tác động môi trường khi phát triển kinh tế biển, nhất là khi phát triển những khu công nghiệp ven biển thì tác động đến môi trường, nguồn lợi thế nào. Trong khi người dân Việt Nam có khoảng hơn 20 triệu người sống trực tiếp dựa vào biển.”

Tiến sỹ khoa học Nguyễn Tác An 'mong đợi' buổi họp báo công bố hiện tượng cá chết                 

“Hoàn cảnh ngư dân Việt Nam ven biển thường có cuộc sống không giàu, trình độ học vấn khó khăn, họ đã quen nghề biển hàng nghìn năm nay. Đó không chỉ là sinh kế mà là truyền thống. Nếu không có điều kiện phát triển nghề cá thì tôi cũng chưa nghĩ được họ sẽ thế nào.”

“Ở Việt Nam thì tài nguyên thiên nhiên đóng vai trò mặt bằng giá đỡ cho kinh tế chính, đóng góp 27-30% trong sự phát triển.”

"Việt Nam mà không dựa vào biển thì đó là thảm họa,” tiến sỹ Tác An nói.

Thảm họa cá chết xảy ra đã kéo theo nhiều cuộc biểu tình tại Việt Nam đòi làm rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng đến ngư dân bốn tỉnh miền Trung.

'Người dân được biết gì?'

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Blogger Mẹ Nấm) nói với BBC bà “không trông đợi gì ở kết quả” của cuộc họp báo.

Người dân xuống đường đòi biết câu trả lời nguyên nhân của thảm họa môi trường                 

“Các cơ quan chức năng và chính phủ đã quá vội vàng khi minh oan cho Formosa trong cuộc họp báo ngày 27/4. Cho đến hôm nay sau ba tháng thì các dấu chỉ lại dường như tập trung vào công ty Formosa. Chuyện này đặt ra nhiều vấn đề khác là ống xả thải ngầm và trách nhiệm của cơ quan chức năng,” bà Như Quỳnh nhận định.

"Không có Formosa này sẽ có Formosa khác. Và liệu người dân có quyền làm gì và có quyền được biết gì trong các dự án phát triển kinh tế mà nó có tác hại liên quan đến môi trường như vừa rồi?"

"Vụ vừa rồi cho thấy thảm họa môi trường rất khó khắc phục, đặc biệt là khi nó liên quan đến đời sống và sinh mạng con người."

Bà Như Quỳnh dự đoán cuộc họp báo chiều 30/6: "Sau ba tháng, thì chính phủ Việt Nam đã có một phương án là cho Formosa nhận lỗi và hứa khắc phục đền bù như một cái vụ của Vedan khác, nhưng xét trên thực tế thì Formosa là vụ gây tác hại nặng nề hơn Vedan rất rất nhiều và một trong những tác hại nặng nề là ngư dân không đi đánh bắt cá nữa thì vùng biển chủ quyền thuộc về ai. Chuyện này là một câu trả lời phải xử lý những người trong các cơ quan chức năng đã để xảy ra các sai phạm này."

Công ty Formosa nằm trong tâm điểm dư luận của thảm họa cá chết                 

'Chậm trễ'

Bà Nguyễn Nữ Phương Dung, một nhà hoạt động của phong trào Con đường Việt Nam từ Sài Gòn nhận định cuộc họp báo công bố nguyên nhân cá chết “là việc mà chính phủ nên làm sớm hơn và họ làm như vậy rất chậm trễ”.

Blogger Mẹ Nấm nói cuộc họp báo là “Kết quả tất yếu của người dân sau rất nhiều lần cùng các tổ chức xã hội dân sự xuống đường và đây không phải chiến thắng, bởi nếu là chiến thắng thì chúng ta đã có câu trả lời cách đây khoảng 1 tháng rồi và thời điểm đó sẽ hợp lý hơn."

“Nhưng cũng không thể nói đây là phản ứng bình thường của chính phủ, vì chính phủ lần này bị đặt trước rất nhiều sức ép và không thể im lặng như các lần khác, chỉ là chậm hơn bình thường,” bà Quỳnh nhận định.

“Ban đầu việc xuống đường mọi người đều nghĩ là làm phiền nhiễu mọi người và làm cho ảnh hưởng đến giao thông, hoặc xuống đường bị đánh đập bắt bớ. Nhưng tiếng nói nhiều người lên tiếng đủ mạnh để quốc tế lên tiếng với chính phủ Việt Nam,” bà Phương Dung cho biết.

BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad