|
Ý kiến trái chiều của cô Hà bị mọi người phản ứng gay gắt là lẽ đương nhiên. Ở góc độ đạo đức, ý kiến này đáng phê phán bởi nó đụng chạm đến sự thiêng liêng cao quý của hương hồn phi công Trần Quang Khải, người vì đất nước mà hy sinh. Ý kiến đó như một gáo nước lạnh giội vào tình cảm đau đớn, tiếc thương, cảm phục của thân nhân, đồng đội và người dân đối với người chiến sỹ vừa tử nạn trong khi làm nhiệm vụ.
Số đông thường là số đúng, chứ không luôn luôn đúng. Nhưng trong trường hợp trên, số đông đã đúng. Sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận đã thôi thúc lãnh đạo trường THPT Trần Nhân Tông ra quyết định kỷ luật đối với cô giáo Hà một cách chóng vánh. Sức “nóng” của dư luận làm cho chi bộ nhà trường có phần nóng vội, cảm tính khi kỷ luật một đảng viên. Khi kỷ luật một người, phải căn cứ vào pháp luật, quy chế, điều lệ ... xem người đó có sai phạm hay không, sai phạm ở mức độ nào.
Như trên đã nói, mặt tư tưởng, quan điểm của cô Hà là chưa vững, thiếu cảm thông với thân nhân người đã hy sinh. Phát ngôn của cô lạc lõng giữa dòng tình cảm của cộng đồng. Nhưng về mặt luật pháp, cô không hề vi phạm. Phạm trù đạo đức không hoàn toàn trùng hợp với phạm trù pháp luật. Chuyện “thích” hay “không thích” không phải là cái tội. Thích hay không thích là một trạng thái của cảm xúc của cá nhân, điều đó cần được tôn trọng. Không ai có quyền buộc người khác thích hay không thích cái gì. Luật pháp chỉ quy định người ta phải làm như thế này, không được làm như thế kia, chứ không quy định người ta thích hay không thích, và không vì “không thích” mà xử phạt công dân. Mà giả sử có muốn phạt cũng không thể được, vì đâu có công bằng. Ví dụ một người không thích nhưng giấu kín trong lòng, không nói ra, làm sao người khác biết mà kỷ luật họ ?
Dòng bình luận của cô Hà đăng trên facebook tuy có thái độ lạnh lùng đối với thân nhân người hy sinh vì Tổ quốc, nhưng về mặt pháp lý, nó không xúc phạm đến ai; không nói xấu, bôi nhọ, xuyên tạc sự thật. Cô ấy chỉ bày tỏ ý kiến không đồng tình với quyết định “đặc cách viên chức” của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.
Nói đến đây tôi nhớ năm ngoái, vụ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang xử phạt 5 triệu đồng và kỷ luật cảnh cáo đối với bà Phan Thị Kim Nga vì nói ông chủ tịch tỉnh “kênh kiệu” trên facebook. Do sức ép của dư luận, sự lên tiếng của báo chí, cuối cùng lãnh đạo UBND tỉnh này phải ra quyết định đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông rút quyết định kỷ luật đối với bà Nga.
Đối chiếu với trường hợp trên, lời bình luận của cô giáo Hà rất ôn hòa, chưa đến mức để nói rằng “xúc phạm”, “nói xấu lãnh đạo” như của bà Nga.
Cô Hà bộc lộ chính kiến, quan điểm của mình thẳng thắn, dù chưa phù hợp, thiếu chuẩn mực với tư cách một nhà giáo, một đảng viên, nhưng đó là quyền tự do ngôn luận của một công dân trong mức cho phép. Hình thức kỷ luật cảnh cáo đối với cô Hà của chi bộ trường THPT Trần Nhân Tông là quá nặng, thể hiện sự thiếu thấu đáo, rất chủ quan, cảm tính, vội vàng. Nên thay vào đó bằng sự góp ý chân thành, tìm hiểu nguyên nhân lý lẽ của cô giáo để tranh luận, thuyết phục cô phát ngôn thận trọng, “có lý có tình”, tránh tổn thương cho thân nhân người chiến sỹ đã hy sinh.
Quyết định của chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đặc cách vợ của phi công Trần Quang Khải vào biên chế là quyết định có lý, có tình, phù hợp với chính sách hậu phương quân đội. Nhưng cô giáo Hà có thể chưa hiểu thấu đáo nên có ý kiến trái chiều là chuyện bình thường.
Ý kiến của cô Hà chắc chắn là không đúng rồi. Nhưng ở nhiều trường hợp khác, ý kiến trái chiều chưa hẳn là ý kiến sai hay mang tư tưởng chống đối. Người lãnh đạo cần xem xét, ghi nhận có chọn lọc ý kiến đa dạng của công dân và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của họ được pháp luật thừa nhận.
Ý kiến đăng trên facebook cá nhân là phát biểu không chính thức, riêng tư. Ý kiến đó facebook gọi là status, tức trạng thái, tâm trạng. Mà trạng thái, tâm trạng thì rất không ổn định, lúc buồn, lúc vui, lúc chán, lúc giận, “nay thế này, mai thế khác” ... Người dùng facebook ghi lại tâm trạng, cảm xúc của mình, khi thì chia sẻ với mọi người, bạn bè, khi thì chỉ chia sẻ với một vài người, hoặc không chia sẻ với ai. Nhiều người lên facebook chỉ để tán ngẫu, trêu chọc người khác - một cách giao tiếp trong thời kỹ thuật số. Vậy xin đừng dựa vào đó mà quy chụp, nâng quan điểm để phê phán, kỷ luật ai. Tất nhiên, không thể chấp nhận những người lợi dụng mạng xã hội để làm việc trái pháp luật, bôi nhọ, nói xấu, vu khống người khác, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.
Được biết, lãnh đạo thành ủy TP Hà Nội đã chỉ đạo rút lại quyết đinh kỷ luật đối với cô giáo Trần Thị Mỹ Hà, đó là việc cần thiết, trả lại sự công bằng cho một đảng viên, một viên chức, một công dân. Chỉ tiếc rằng bài học “kỷ luật” rồi lại “rút” quyết định kỷ luật ở nước ta không phải diễn ra lần đầu. Và cũng tiếc rằng, do phát ngôn thiếu thận trọng, thái độ thiếu chuẩn mực khi bình luận trên facebook mà “người trong cuộc” nói trên bị cộng đồng mạng “ném đá” tơi bời, bị tổ chức “bồi” thêm cho một cú nữa. Có lẽ “án” đó sẽ được xóa nhưng vết thương đâu dễ chóng lành! Ở Việt Nam, trong khi tiền lệ “đúng quy trình” diễn ra chưa hồi kết, thì nay tiền lệ “vội vàng kỷ luật - vội vàng xóa án” lại xảy ra. Đáng ngại thay!
Lê Xuân Chiến
BĐLB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét