Và trong khoảng thời gian ấy, 84 ngày với quá nhiều thông tin trái chiều, với quá nhiều bức xúc của nhân dân và cũng chất chồng đầy lên sự kiệt sức của những con người xấu số trong vùng thảm hoạ.
Kẻ mất mạng, người đi viện, khu du lịch, nhà hàng, quán xá chỏng chơ, ngư dân bám bờ chờ đợi, cả kết luận khoa học lẫn gạo, tiền cứu đói cầm cự qua ngày.
Đau đớn nhất là khi người ta, đã có thể biết hoặc chưa dám chắc chắn hoàn toàn nguyên nhân biển bị đầu độc, lại thản nhiên xúi bẩy người dân hãy cứ an tâm ăn cá, tắm biển tại vùng xảy ra thảm hoạ. Các quan chức từ bà Bộ trưởng Bộ Y tế đến ông Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đều diễn cảnh đó bất chấp sự thật hay cơ sở khoa học còn nằm trong bóng tối. Ở Đà Nẵng, không hiểu người ta có động não suy xét chút gì không, nhưng những cán bộ đứng đầu thành phố lại vui vẻ xuống tắm một cách hồ hởi để chứng minh rằng “biển vẫn an toàn” và không có gì đáng ngại như người dân vẫn lo lắng. Để củng cố chắc hơn, họ cho một số báo đăng tin có thuỷ triều đỏ xuất hiện (chỉnh sửa và giả mạo màu cho bức ảnh rất thô thiển và vụng về), rồi thông qua lời ông Thứ trưởng một Bộ, họ hướng dư luận đến nhận định hiện tượng cá chết hàng loạt là do tảo nở hoa mà nên. Họ cũng xúi cả đám thanh niên, đoàn viên ngây dại và có phần ngu dốt nữa, xuống tắm ở vùng biển nào đó để họ có thêm khẳng định về việc biển sạch chứ không bị đầu độc bằng hoá chất.
Có thứ gì tàn ác và dã man hơn những hành động đó không? Đó chính là cố thức sẵn chứa mục đích đẩy người khác vào chỗ rủi ro, nguy hiểm, đánh đổi cả tương lai bằng bệnh tật, hoặc có thể mất mạng nếu độc tố ngấm vào thân thể họ đủ để gây nên một cái chết bất ngờ.
Khi nhìn đến con số 84, tôi nghĩ đến tác phẩm kinh điển của nhà văn Goegre Orwell, 1984. Một tác phẩm mà tác giả ngồi ở năm 1948 trên một hòn đảo trong trạng thái bị bệnh lao, ông viết một mạch trong vòng một năm và nó tái hiện một siêu nhà nước giả tưởng vào năm 1984, với những mô tả nhiều lớp, cách xây dựng tình tiết, nhân vật và triết lý của tiểu thuyết đã khiến nó trở nên bất hủ theo thời gian.
Nơi đó có Minipax (Bộ Hoà bình), Miniluv (Bộ Yêu thương), Miniplenty (Bộ Dồi dào), Minitrue (Bộ Sự thật). Với phương châm xuyên suốt tác phẩm: cai trị nhận thức bằng cách – chiến tranh là hoà bình, nô lệ là tự do và ngu dốt là sức mạnh. Nơi mà chỉ cần nhận thức sai lệch với ý nghĩ của Big Brother (Anh Cả) thì sẽ trở thành tội nhân, phải đi cải tạo và sẽ chỉ kết thúc quá trình ấy cho đến khi nào mà con người đó phải chấp nhận những thứ sự thật hiển nhiên, kiểu 2+2=5.
Ở đó, họ tạo ra đói kém và ngu dốt, họ tô vẽ lãnh tụ, họ nhồi nhét những thông tin dối trá vào đầu những người khác, từ tấm bé và bắt họ phải tin hoặc ít nhất là phải chấp nhận, nó đúng một cách không bàn cãi – mặc dù có thể hoàn toàn, mà chắc chắn là vậy, khác – thậm chí là đối nghịch, với ý chí hay nhận thức đúng đắn thực tế khách quan.
Đến giờ, tôi cũng không hiểu nổi hành động của những người diễn cảnh ăn hải sản hay tắm biển tại nơi thảm hoạ một cách công khai để làm gì? Ngoài việc kích động người dân đi vào chỗ rủi ro, nguy hiểm thì tôi thấy nó không đem lại bất cứ một kết quả tốt đẹp hay cơ sở khoa học nào cho việc chứng minh biển, cá ở đó là an toàn, hay có thể giúp tiêu thụ hải sản tốt hơn, mà nó chỉ có khả năng gây hại hay mang lại hậu hoạ khôn lường cho cả đám người thực hiện lẫn những người mà nếu trót cả tin sẽ làm theo họ.
Chỉ cho đến khi thủ phạm đã không thể phủi bỏ được hành vi của mình, họ mới cúi đầu nhận lỗi và hứa sẽ bồi thường một con số, thực sự nhỏ mọn, 500 triệu đô la cho thảm hoạ này, như là một sự bồi thường đích đáng cho tất cả những thiệt hại của chúng gây nên mặc dù chưa hề có cơ sở khoa học, pháp lý hay bất cứ trình tự, thủ tục hoặc quá trình tố tụng nào được tiến hành. Đó là kết quả của một sự dàn xếp giữa chính quyền và kẻ thủ ác. Tất nhiên, quyền khởi kiện của ngư dân (hay Hội nghề cá, là một đại diện quyền lợi cũng có thẩm quyền được kiện) và cả căn cứ khởi tố vụ án hình sự vẫn hiển hiện không thể chối cãi và chỉ chờ một hành vi tố tụng từ một chủ thể có quyền là có thể bắt đầu một vụ kiện, vụ án theo luật pháp hiện hành của Việt Nam.
Nếu không xử lý nghiêm minh cho hành vi phá hoại môi trường và tài sản quốc gia đặc biệt nghiêm trọng mang hệ luỵ lâu dài này mà chấp nhận 500 triệu đô la để khoan hồng hay xuê xoa, thì hôm nay là một Formosa nhưng mai sau, hoặc ngay ngày kia thôi, sẽ có thêm 10 hoặc 100 Formosa nữa, với quy mô có thể lớn hơn bất cứ tiền lệ nào đã có. Nó sẽ tàn phá nhiều vùng, nhiều tài nguyên và có thể chúng ta sẽ không có cơ hội mà khoan hồng lần nữa vì bị phá huỷ toàn bộ thảm khốc hơn nhiều lần lúc này. Và ở ngoài khơi, biển đảo vẫn đang bị xâm chiếm bởi kẻ khác cũng cần ngay một vụ kiện theo luật pháp từ chính chúng ta để đòi lại lãnh hải còn nằm trong tay tên hàng xóm đầy dã tâm và bất chấp kia.
Chính chúng ta, phải dùng luật pháp quốc gia để xử lý Formosa, và dùng luật pháp quốc tế để đòi lại tài sản của mình đối với ngoại bang. Và cũng đã đến lúc phải dùng luật pháp thực sự cho một chính quyền minh bạch có cơ chế kiểm soát để điều hành đất nước trong sự tôn trọng nhân dân là người chủ của tổ quốc này.
LS. Lê Luân
FB Luân Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét