Bí quyết làm cho các tờ báo “lề phải” không đạo bài của bạn - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2016

Bí quyết làm cho các tờ báo “lề phải” không đạo bài của bạn


NHÂN CHUYỆN NHÀ BÁO LÊ BÌNH BỊ TỐ ĂN CẮP phóng sự của đồng nghiệp nước ngoài, mình mới vui vẻ kể cho các bạn nghe mấy câu chuyện này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Trước hết phải nói là, thật ra, việc ăn cắp sản phẩm thuộc sở hữu trí tuệ – tức đạo văn, đạo nhạc, đạo hình ảnh, đạo ý tưởng… – là chuyện dễ xảy ra hơn nhiều so với ăn cắp những thứ mang tính vật chất, hữu hình như tiền, xe máy, quần áo, giày dép, v.v. Có lẽ bởi vì khi đạo các sản phẩm vô hình, thuộc sở hữu trí tuệ của người khác, người ta không thấy ngại hoặc sợ như khi lấy đồ đạc. Thậm chí người ta có thể xài bài vở, âm nhạc, ảnh… của người khác một cách rất tự nhiên mà không nghĩ là mình đang ăn cắp. Điều này đặc biệt đúng ở những nơi mà nền giáo dục, truyền thông, đạo đức và luật pháp đều chưa tạo được cho công dân ý thức tôn trọng sở hữu trí tuệ.

Nói vậy để đi đến ý tiếp theo là, ở Việt Nam, nạn ăn cắp sở hữu trí tuệ trong làng báo, làng văn nghệ sĩ, chắc cũng nhiều như móc túi, ăn cắp xe máy, trộm chó… trong phần còn lại của xã hội.

(Nói đến đây là phải sờ gáy ngay xem mình đã đạo văn đạo báo bao giờ chưa. Thời Internet này, không thể giỡn mặt độc giả, khán giả được).

Yên tâm rồi mới tiếp tục: Cá nhân mình đã không biết bao nhiêu lần là nạn nhân của các vụ đạo văn, đạo báo (đạo ý tưởng thì thôi, không tính) kể từ khi đi làm báo đến nay.

Chẳng hạn, năm 2001, chương trình Thời sự 19h của VTV đã “xơi” nguyên bản text của mình trong một phóng sự về vụ mấy cựu binh Mỹ trở lại Mỹ Lai.

Tới năm 2009, hồi mình làm ở VNN, một bài viết của mình về chuyện dịch một số bài hát Liên Xô sang tiếng Việt (đăng nhân dịp 7/11) cũng “hân hạnh” được một nhà báo (nam) nổi tiếng luộc nguyên con gần 1 năm sau đó, chỉ sửa mỗi tên tác giả. Khi biết thì mọi sự đã rồi, mình cũng bận nên tặc lưỡi cho qua, chỉ hơi bực vì hình như bạn đọc ai cũng tưởng tác giả bài báo là nhà báo nổi tiếng kia.

Đầu tháng 2/2011, mình viết bài “‘Thời thanh niên sôi nổi’ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, đăng trên tờ Sinh Viên Việt Nam số Tết Tân Mão. Tới mùa thu năm 2013, ông Giáp mất, lúc đó mình đang ở nước ngoài. Một tờ báo mạng nào đó (không nhớ tên) bèn cóp nguyên bài của mình về trang nhà và đổi tên mình thành “Sưu Tầm”. Mình “có ý kiến” trên facebook, liền bị phóng viên của tờ báo đó vào Diễn đàn Nhà báo trẻ mắng cho một trận, đại ý là “có giỏi thì liên hệ với báo tôi mà kiện tụng, mà đòi bản quyền, chứ chúng tôi lại phải hỏi ý kiến bạn rồi mới được đăng bài bạn à?”.

Cũng chưa nản bằng lần khác, quãng đầu 2014, một tờ báo rất lớn đã lấy một bài dịch của mình về đấu pháp của quân đội miền Bắc Việt Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Chuyện kỳ quặc ở đây là, chính phóng viên của báo yêu cầu tòa soạn phải để tên dịch giả (là mình), nhưng tòa soạn gạt đi vì tên mình quá phản động; sau đấy vì phóng viên cứ ý kiến ý cò mãi, tòa soạn… lấy luôn tên phóng viên đó đặt vào bài báo đó. Cho mày hết ý kiến nhá, hễ con Đoan Trang nó kiện thì mày giơ mặt ra mà chịu, ai bảo mày tự nhận là đồng nghiệp của nó.

Mình vừa bực vừa buồn cười, bèn nảy ra một ý là, kể từ đó, các bài viết của mình đều chỉ xoay quanh các chủ đề “nhạy cảm” như nhân quyền, dân chủ, công lý, Biển Đông. Đồng thời, bất cứ khi nào có thể, mình đều chửi chế độ thật lực, nhất là tấn công vào sự yếu kém về nghiệp vụ và tệ hại về nhân cách của lực lượng công an…

Thế là kể từ đó, các bài viết của mình không bao giờ bị báo lề phải đạo nữa.

FB Phạm Đoan Trang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad