|
Gã nghĩ: Có những nguyên tắc nghề nghiệp bao năm nay, xã hội đã bất chấp coi thường nó và dày xéo lên nó. Đó là, trong lịch sử nhân loại người ta đã đúc kết: Nghề Y, nghề Giáo, nghề Chính khách, tuyệt đối không được vụ lợi.
Quốc gia nào giữ nghiêm nguyên tắc này, quốc gia đó phát triển văn minh, bền vững. Và ngược lại.
HIPPOCRATES VÀ LỜI THỀ DANH DỰ
Trên các mạng xã hội cũng như trên nhiều tờ báo chính thống trước sự xuống cấp nghiêm trọng của y đức đã giật nhiều tít bài bình luận: Lời thề Hippocrates nay ở đâu? Người ta đã quên lời thề Hippocrates…; Lời thề Hippocrates đã bị đánh mất…
Hippocrates sinh ra gần 2500 trước tại Hy Lạp, vì yêu thương những thân phận đồng loại mà đến với nghề chữa bệnh. Hàng ngày phải chứng kiến những đồng loại đến các đền thờ thần linh cầu xin chữa khỏi bệnh tật đau đớn nhưng rồi vẫn không thoát khỏi bệnh tật đau đớn, Hippocrates đã quyết tâm nghiên cứu nghề y, tách biệt nghề y khỏi tôn giáo và đưa nó lên thành khoa học để cứu chữa con người khỏi bệnh tật, chết chóc. Ông đã trở thành ông tổ của nghề y phương Tây. Ông tuyên bố như lời tuyên thệ danh dự:
“Tôi sẽ sống làm nghề y của mình với sự trong sạch và thánh thiện”.
Bắt đầu từ lời tuyên thệ danh dự với chính mình ấy, dần dần hình thành nên lời thề Hippocrates dành cho những ai làm nghề chữa bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Khác Viện, một con người luôn đau đáu với sức khỏe cộng đồng mà đặc biệt là sức khỏe của trẻ em, có lần nói với gã rằng:
“Tôi đến với nghề y không chỉ là ý thích một nghề mà trước hết vì muốn tình nguyện, muốn xả thân giúp cho những đứa trẻ luôn khỏe mạnh. Một dân tộc chỉ có thể hùng mạnh nếu có những thế hệ trẻ khỏe mạnh”.
Không chỉ bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mà rất nhiều bác sĩ khác ở nước ta trước đây đều có động cơ ban đầu khi chọn lựa nghề y là muốn dấn thân, xả thân cho cộng đồng. Cái động lực này chỉ có thể có được ở những con người trong sạch, thánh thiện. Muốn cứu giúp con người thì mới học hỏi rèn luyện y thuật giỏi. Với những con người như thế thì không có khái niệm y đức nữa bởi y đức là lẽ đương nhiên mà chỉ còn khái niệm “y thuật chính là y đức”.
ÔNG TỔ CỦA NGHỀ CỨU NGƯỜI ĐẠI VIỆT – HẢI THƯỢNG LÃN ÔNG.
Trước tình trạng y đức của không ít người hành nghề gọi là “cứu người’ bị xuống cấp nghiêm trọng với tôn chỉ “đồng tiền đẩy liền khúc ruột” một cách chua chát, nhiều người đã nghĩ đến lời thề Hippocrates nhưng mấy ai nghĩ đến Hải Thượng Lãn Ông, ông tổ của nghề cứu người Đại Việt?
Mấy ai?
Ở Hương Sơn, Hà Tỉnh nơi yên nghỉ ngàn thu của Hải Thượng Lãn Ông, tiếc thay hương khói có phần lạnh lẽo. Sự lạnh lẽo này, sự lãng quên này cũng chính là nguyên nhân sâu xa của cái việc xuống cấp y đức đến mức thảm hại, đến mức nhẫn tâm kia. Khi đến thắp nhang dâng ông không phải cùng các bác sĩ trẻ mới ra trường mà với mấy ông nghệ sĩ luống tuổi Phó Đức Phương, An Thuyên, Lưu Trọng Ninh, người quản mộ đọc câu thơ như lời tuyên thệ danh dự Hải Thượng Lãn Ông cho gã và các nghệ sĩ nghe:
Phải đâu vất vả mong ân huệ
Trong đáy lòng ta cốt cứu người.
Vì thương người, Hải Thượng Lãn Ông, một võ quan buông nghề binh đao đang rầm rập thăng tiến cùng muôn bổng lộc sang nghề thuốc cứu người. Ông luôn tự răn mình: Muôn sự xưa nay cái “Cái gốc ở lòng người”.
Không có lòng nhân, không có tinh thần xả thân, dấn thân cho cộng đồng mà vẫn chọn lựa nghề y, một nghề chỉ để cứu người, giúp người trước sau gì cũng chỉ đặt cái lợi của riêng mình lên trên nỗi đau, nỗi bất hạnh của đồng loại. Sự băng hoại của nền giáo dục cũng ở cái gốc ấy. Sự băng hoại của một thể chế chính trị được dẫn dắt bởi các chính trị gia cũng ở cái gốc ấy.
Khi không có sự xả thân, dấn thân, không có cái lõi như Hải Thượng Lãn Ông đã nêu:
“Thiện tâm cốt ở lòng người
Sở tâm nào có mưu cầu chi đâu
Biết vui, nghèo cũng hơn giầu
Làm ơn nào phải mong cầu trả ơn”
thì đương nhiên người ta chỉ còn nghĩ đến vụ lợi, công danh.
Hơn bao giờ hết theo gã người làm nghề y nước Việt lúc này cần hướng tới ông tổ nghề y dân tộc mình: Hải Thượng Lãn Ông.
CÁI GỐC CỦA BỆNH LÀ TRONG TRỜI ĐẤT.
Danh y Lê Hữu Trác sinh năm 1720, mất 1791. Ông là một nhà quân sự tài năng thời nhà Trịnh nhưng quyết định rời trận mạc, binh đao theo đuổi nghề y, bốc thuốc cứu người. Với 40 năm hành nghề y và 10 năm miệt mài biên soạn, ông đã viết nên bộ sách “Lãn Ông Tâm Lĩnh” gồm 28 tập, 66 quyển, làm sáng tỏ những “Bí mật trời đất”. Ông đặt hiệu của mình có chữ đầu là “Hải Thượng” là để nhớ quê cha ở Thượng Nguồn – Hải Dương. Còn “Lãn Ông” thì có lần chúa Trịnh hỏi, vì sao đặt tên là Lãn Ông, ông… lười? Ông đã đáp rằng: “Tôi muốn cuộc đời mình được sống lười nhác, không phải chữa bệnh cho ai hết”. Với hàm ý như ông từng tâm sự: “Chỉ muốn người đời không có bệnh”. Chính cái hiệu “Lãn Ông” này đã thể hiện ý chí tinh thần của ông là:
“Nước mạnh thì làm sao giặc dám xâm chiếm. Người khỏe thì làm sao bệnh có thể xâm nhập”.
Với tư tưởng không chỉ đơn thuần là “phòng bệnh hơn chữa bệnh” mà ở sự lành, sự mạnh, ở sự “mạnh” quyết định “mệnh”, ông cũng như Hippocrates xa xưa, thấy cái gốc của bệnh là ở trong trời đất: nắng, gió, khí, ở miếng ăn, ở nước uống… nhưng ông đi xa hơn Hippocrates – người mà ông chưa hề biết vì sự cách trở Đông – Tây, ông đã viết nên hệ lý luận, triết luận y học của mình trên nền tảng của Kinh Dịch – bộ kinh về sự dịch chuyển của vũ trụ với con người, đó chính là nền tảng lý luận cho khoa học cũng như nghệ thuật Dưỡng sinh của Đại Việt – một trong những di sản, tài nguyên quý báu mang tính dẫn dắt ở thời đại của dân tộc chúng ta.
Hải Thượng Lãn Ông luận bàn về nghề y từ những “thiên” về khởi cư môi trường sống, tai nạn, thất tình, nước uống, thức ăn cho đến các “thiên” về dịch chuyển cơ địa kinh nguyệt, các “thiên” chuyên về dưỡng khí, dưỡng phụ nữ. Ông đã đặt nền móng cho y học nước nhà nhìn thấu tâm bệnh ở những dịch chuyển của trời đất, môi trường. Ông cũng nhìn thấu tâm bệnh từ khi đứa trẻ chưa sinh ra, vì vậy ông quan tâm đến sức khỏe của người phụ nữ khi họ chưa là mẹ. Ông viết cả cuốn sách “Nữ Công Thắng Lãm” dạy phụ nữ việc nấu ăn và ăn sao cho có dinh dưỡng, dạy phụ nữ cách giữ sức khỏe trước dịch chuyển trời đất . Ông nói: “con bầy ốm yếu, giống nòi mạnh sao”. Người phụ nữ ốm yếu sẽ sinh ra con bầy ốm yếu. Điều sâu xa hơn là ông nghĩ đến sự còn mất của giống nòi.
Từ yêu người, Hải Thượng Lãn Ông đã trở nên yêu dân tộc, yêu giống nòi, yêu nước.
Với ông, “Y đức cũng chính là yêu nước, yêu giống nòi. Và ngược lại đánh mất y đức, chà đạp y đức chính là phản bội giống nòi, phản bội tổ quốc”.
Đời nay bao người đã hiểu được tâm thế của Hải Thượng Lãn Ông – tâm thế cứu giống nòi, tâm thế cho một Đại Việt hùng mạnh để tôn vinh ông xứng đáng như những Trần Hưng Đạo , Lê Lợi, Quang Trung có tâm thế cứu quốc?
TỪ “Y THUẬT” ĐẾN “Y ĐẠO”
Với cái tâm thế ấy Hải Thượng Lãn Ông đã đi xa hơn bất cứ danh y nào của nước nhà, kể cả Tuệ Tĩnh đời Trần, kể cả Hippocrates và các danh y nhà Hán, khi đưa “y thuật” trở thành “nhân thuật” như ông từng viết:
“Chữa bệnh phải toàn diện. Khi đến xem bệnh ở những nhà nghèo túng hay những trẻ mồ côi, góa bụa hiếm hoi lại càng nên chăm sóc đặc biệt, vì những người giầu sang không lo không có người chữa bệnh, còn những người nghèo khó thì không đủ sức đón thầy giỏi, vậy ta nên để tâm, họ sẽ được sống một đời. Những người con thảo, vợ hiền, nghèo mà mắc bệnh, ngoài việc cho sức lại nên tùy sức mà chu cấp cho ăn nữa, vì có thuốc mà không có ăn thì vẫn đi đến chỗ chết. Cần phải cho họ được sống toàn diện thì mới đúng là nhân thuật”.
Từ “y thuật” – thuật chữa bệnh đến “nhân thuật” – thuật tồn tại cho con người, là hai tầm nhìn, tầm nghĩ, tầm nhân văn cách biệt nhau. Qua đó mới thấy Hải Thượng Lãn Ông vĩ đại đến chừng nào. Từ “y thuật” đến “nhân thuật” tất yếu sẽ dẫn “y đức” tới “y đạo”.
Y đạo bao trùm y đức, dẫn đến y đức chỉ là một thành phần cơ hữu của y đạo. Ở y đức, cái đức, cái ứng xử của người thầy thuốc với kẻ bị bệnh là chính thể. Ở y đạo, cái đạo là con đường, là ánh sáng nối không chỉ con người với con người mà con người với cả không gian bao trùm nó. Chính vì vậy y đạo đương nhiên gắn với việc bảo tồn môi trường sống của con người, của muôn loài, bởi chính cái môi trường sống ấy là bảo đảm vững bền sự sống của con người, và cũng chính vì vậy y đạo đương nhiên gắn với việc bảo vệ, tạo nên môi trường xã hội lành mạnh, tự do, nhân văn cho con người.
Chính cái môi trường này giúp cho con người thư thái, mạnh về tinh thần, về sự sáng tạo để tạo nên sức sống bền vững cho mỗi con người, cho cả loài người cùng hành tinh xanh của Tạo hóa. Hải Thượng Lãn Ông vô cùng vĩ đại chính vì những điều ấy.
Có lần Hải Thượng Lãn Ông nhắn nhủ các thế hệ sau:
“Mong các bậc trí thức có chí làm thuốc sau này khi thấy những chỗ hay của tôi chưa đáng bắt chước, nhưng thấy chỗ dở của tôi cần phải lấy làm gương, không nên quá yêu tôi mà bảo: “Chỉ chữa được bệnh, không chữa được mệnh”. Thì đó mới là cái may cho y đạo”.
Tinh thần mạnh mẽ của y đạo và nhân thuật của Hải Thượng Lãn Ông còn ở chỗ: Không chấp nhận hai chữ “số mạng”, ông luôn coi cái chết của bất cứ ai đều là đau thương chung cho con người. Phương Đông xưa nay đều dùng thuyết số mệnh để an ủi người và an ủi chính mình. Người lương y không được quyền chấp nhận số mạng mà phải hết mình với người bệnh.
Có như vậy “khoa học cứu con người – y đức”, “khoa học tạo cho con người cuộc sống mạnh mẽ về thể chất, đầy nhiệt huyết cống hiến, giàu có về tâm hồn, sáng suốt chọn con đường đi và sáng tạo không ngừng – y đạo” mới đạt được đỉnh cao của nó.
Trong “Lãn Ông Tâm Lĩnh”, Hải Thượng Lãn Ông có lời nhắn nhủ với tất cả những ai đã, đang và sẽ hành nghề thầy thuốc:
“Hãy kính trọng bệnh nhân, nhất là phụ nữ”.
Ông đã dùng hai chữ “kính trọng” chứ không phải “tôn trọng”. Cả cuộc đời hiến mình cho nhân dân, dân tộc, ông đã giữ sự “kính trọng” ấy với mọi bệnh nhân. Nếu người làm nghề thầy thuốc nào không hiểu được sự khác biệt giữa “tôn trọng bệnh nhân” – một việc tối thiểu bắt buộc phải có ở một con người làm nghề thầy thuốc, mà thực ra đã, đang, vô cùng thiếu vắng trong rất nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá của chúng ta với “kính trọng bệnh nhân”, “nhất là với phụ nữ” – điều đang vô cùng xa xỉ trong mỗi con người làm nghề y hiện nay, thì Hải Thượng Lãn Ông sống dậy chắc sẽ có lời khuyên:
“Nếu còn một chút danh dự thì tốt nhất là hãy bỏ nghề”.
Lưu Trọng Văn
FB Lưu Trọng Văn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét