Công bố nguyên nhân cá chết: cơn bão trong tách trà hay quả núi thành ổ mối? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Công bố nguyên nhân cá chết: cơn bão trong tách trà hay quả núi thành ổ mối?


...Liệu một vụ nữa có xảy ra không? Có trời biết. Chỉ có những kẻ hoặc thiểu năng về trí tuệ thần hoặc cố tình thiểu năng về trí tuệ mới tin vào cam kết của một tập đoàn đầy tai tiếng về môi trường như Formosa...


Ai có lương tâm và trách nhiệm với đất nước cũng đều ngóng chờ cái ngày này, cái ngày mà theo hứa hẹn thì nguyên nhân cá chết sẽ được công bố. Tuy nhiên, đối với bộ sậu cầm quyền thì việc công bố này chẳng qua chỉ là một hoạt động bình thường của bộ máy cầm quyền như các sự kiện khác, đến hẹn lại lên. Vì thế, việc công bố nguyên nhân thảm họa về môi trường biển, khiến cả toàn xã hội lao đao, thậm chí thế giới phải quan tâm, đã được lồng ghép một cách khiên cưỡng, hay nói đúng hơn là vô nguyên tắc, kinh thường người dân, vào việc thông báo ban hành nghị định quy định Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Và cả hai sự kiện cùng diễn ra trong một cuộc họp báo. Đối với giới cầm quyền, thảm họa Formosa Hà Tĩnh chẳng qua chỉ là một cơn bão trong tách trà, nói theo kiểu Ăng lê, có gì đâu mà lùm xùm.

Cuối cùng như một đáp án có sẵn, buổi công bố chính thức cho biết thủ phạm chính là Formosa Hà Tĩnh, nói theo thuật ngữ luật pháp, Formosa Hà Tĩnh là một tội phạm về môi trường. Có tội phạm, sao không thấy có quan tòa, luật sư, toà án, và có bản án không?

Dĩ nhiên là không. Khi bộ máy tham nhũng quyện chặt với một tập đoàn bất hảo như Formosa thì ta không nên trông chờ công lý được thực thi. Tất cả đã được dàn dựng để biến quả núi thành ổ mối: nào là Formosa thành tâm xin lỗi, bỏ ra 500 triệu để chi cho bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, bồi thường xử lý môi trường biển, nào là xin hứa khắc phục, nào là cam kết không tái phạm, vân vân.

Liệu một vụ nữa có xảy ra không? Có trời biết. Chỉ có những kẻ hoặc thiểu năng về trí tuệ thần hoặc cố tình thiểu năng về trí tuệ mới tin vào cam kết của một tập đoàn đầy tai tiếng về môi trường như Formosa.

Liệu số tiền ấy có giải quyết được vấn đề gì không? Chừng nào biển còn chết thì bao nhiêu tiền cũng không thể giải quyết được việc Formosa Hà Tĩnh biến hàng vạn ngư dân thành những người thất nghiệp ngay trên môi trường nghề nghiệp của mình. Nhưng mà đâu phải chỉ có ngư dân mới chịu khổ nạn, cả một chuỗi hoạt động kinh tế dựa trên biển cùng chết theo, nhà hàng biển đóng cửa, du lịch biển dẹp tiệm…

Đã có đề án chuyển đổi ngành nghề cho ngư dân, đào tạo nghề cho họ. Mới nghe qua thì thấy hay, nhưng nghĩ mà xem, có bao nhiêu trường dạy nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học, một lực lượng thường trực cần đào tạo nghề để tham gia vào đội ngũ lao động, mà bây giờ lại còn bày trò dạy nghề cho ngư dân? Thậm chí nếu ngư dân tự nguyện chuyển nghề thì đó cũng là một việc hết sức bi đát, khi ngư dân quay lưng với biển, một vài thế hệ, nghề biển, kỹ năng biển chỉ còn là chuyện cổ tích. Ai sẽ giữ gìn cả một bờ biển dài? Nếu không có ngư dân thì ai cùng với quân đội tìm phi công rơi trên biển vừa qua?

Nếu vụ Formosa Hà tĩnh xảy ra ở một quốc gia khác thì sao, ví dụ như ở nước láng giềng CHND Trung Hoa? Xin trích hai điều luật của nước CHND Trung Hoa trong sách Prevention and Compensation of Marine Pollution Damage: Recent Developments in Europe, China and the US, của hai tác giả M Faure và J Ho, nhà xuất bản Kluwer Law International, năm 2006, trang 69-71. Điều luật thứ nhất liên quan đến tội phạm:

Điều 38: Người nào vi phạm qui định của nhà nước trong việc xả, đổ, xử lý chất thải có phóng xạ, có chứa chất gây bệnh, chất độc, hoặc các chất thải công nghiệp độc hại vào đất hay nước hay không khí, gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đưa đến hậu quả nghiêm trọng về thất thoát tài sản công hay cá nhân hay gây ra thương tật, cái chết cho người khác thì sẽ bị kết án tù hoặc giam giữ đến ba năm và bị phạt tiền bồi thường, hay chỉ phạt tiền bồi thường; nếu hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người ấy sẽ bị kết án từ ba đến bảy năm tù và bị phạt tiền bồi thường.

(Art 38 holds that whoever, in violation of the State regulations, discharges, dumps, or treats radioactive wastes, wastes containing pathogens of infectious diseases, toxic substances or other hazardous wastes on the land or in the bodies of water or the atmosphere, thus causing major environmental pollution accident that leads to the serious consequences of heavy losses of public or private property or injuries or death of persons, shall be sentenced to fixed term of imprisonment of not more than three years or criminal detention and shall also, or shall only be fined; if the consequences are especially serious, he shall be sentenced to fixed term of imprisonment of not less than three years but not more than seven years and shall be fined.)

Theo luật của nước CHND Trung Hoa thì việc Formosa Hà Tĩnh xử lý bằng cách đưa nước thải có chất độc vào biển là một hành vi tội phạm (người đọc lưu ý chữ xử lý in đậm trong bản tiếng Việt tương đương trong bản tiếng Anh treats).

Trong vụ Formosa Hà tĩnh, ta thấy có thợ lặn chết, có thợ lặn nhập viện, ta thấy có cả một vùng biển chết dài 200 km, có hàng ngàn ngư dân, tư thương mua bán cá thất nghiệp, sạt nghiệp, chừng đó đủ cấu thành một hành vi tội phạm gây thiệt hại nghiêm trọng.

Điều thứ hai liên quan đến tòng phạm.

Điều 408: Nhân viên nhà nước có trách nhiệm bảo vệ, giám sát, kiểm tra môi trường, do thiếu trách nhiệm, gây ra sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đưa đến hậu quả nghiêm trọng gây thất thoát tài sản công hay cá nhân hoặc gây ra thương tích hay cái chết cho người khác, sẽ bị kết án tù hay giam giữ đến ba năm.

(Art. 408 holds that any functionary of a State organ who is responsible for environmental protection, supervision and control, through his gross neglect of duty, causes a serious environmental pollution accident, which leads to the serious consequences of heavy losses of public or private or injuries or death of persons, shall be sentenced to fixed term of imprisonment of not more than three years or criminal detention.)

Cuộc công bố hôm nay cho thấy cái chết được báo trước của biển Việt Nam. Chừng nào còn Formosa Hà Tĩnh thì không còn biển. Ông giám đốc đối ngoại của Formosa đã rất thành thực: Thép hay cá?

Một dân tộc gọi quê hương là đất nước, mà người dân chết đuối vì nước. Từ nam chí bắc, đi đâu cũng gặp sông suối, với tay ra là biển. Trẻ con không biết bơi vì những dòng sông nô đùa của trẻ đã chết. Những người biết bơi còn lại là ngư dân, nhưng nay biển cũng đã chết.

Nguyễn Hoàng Phố
Ba Sàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad