Hy vọng gì ở Nguyễn Phú Trọng tại trung ương 3 khoá 12? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Chủ Nhật, 17 tháng 7, 2016

Hy vọng gì ở Nguyễn Phú Trọng tại trung ương 3 khoá 12?


Ngay trước thềm phán quyết của toà trọng tài Liên Hiệp Quốc về đơn kiên của Phi Luật Tân, Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng quyết dịnh triệu tập nhóm họp trung ương 3 khoá 12.

TBT Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị TW 3. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng.
Hội nghị trung ương 3 nhóm họp tại Hà Nội, trong thời điểm Việt Nam đang phải đối phó với hai vấn đề cực kỳ nghiêm trọng. Đó là việc Formosa thú nhận là thủ phạm xả chất thải ở khu vực Hà Tĩnh. Việc thứ hai là Trung Quốc tập trận ở Biển Đông trong đó có phần quan trọng là tác chiến gây nhiễu điện tử.

Thế nhưng không như thiên hạ trông chờ, hội nghị trung ương 3 không đề cập đến hai vấn đề nghiêm trọng và có ảnh hưởng lâu dài này.

Sau 4 ngày làm việc, ngày 7 tháng 7 năm 2016 Tổng Bí Thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng đọc thông báo hội nghị đã hoàn tất những đề xuất đặt ra, cụ thể là 5 điểm.

Tất cả 5 điểm này đều xoay quanh vấn đề tập trung để nâng cao quyền hạn của Đảng CSVN, nói cách khác là thâu tóm quyền lực của thế lực đang cầm đầu ĐCSVN bây giờ.

Hội nghị trung ương 3 mục đính chính là nâng cao quyền hạn của Uỷ Ban Kiểm Tra Trung Ương Đảng. Đây là cơ quan thân tín của Nguyễn Phú Trọng nắm giữ, việc nâng cao quyền hạn của uỷ ban này nhằm để triệt hạ những uỷ viên trung ương bất đồng quan điểm với mình.

Đây là những bước đi cuối cùng của Nguyễn Phú Trọng hoàn tất việc nắm trọn quyền lực vào tay mình.

Hãy trở lại một năm trước đây, thời điểm mà sự căng thẳng nhân sự trunng ương Đảng 12 đang nghiêng ngả bởi sự giằng co quyết liệt. TBT Nguyễn Phú Trọng đã có một chuyến thăm đột ngột đến Trung Quốc cùng với 4 uỷ viên Bộ Chính Trị. Đây là 4 uỷ viên Bộ Chính Trị đều có thái độ đối ngoại khá hoà nhã và mềm mỏng với Trung Quốc. Thực tế chứng minh 3 trong số đó sau này vẫn giữ quan điểm vậy, người thứ tư đã về hưu đó là đại tướng Phùng Quang Thanh.

Ba người còn lại là Trần Đại Quang, Đinh Thế Huynh, Nguyễn Kim Thị Ngân.

Cả ba đều trụ lại và thăng tiến sau này như chúng ta đều biết.

Một nguồn tin từ Hồng Kông tiết lộ với tờ Oriental Daily mục đích chuyến thăm của Nguyễn Phú Trọng vào tháng 4 năm 2015 là nhằm xin học kinh nghiệm của Uỷ Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương ĐCSTQ.

Tờ Minh Báo của Hồng Kông lúc đó nói rằng ông Trọng là người được Trung Quốc ủng hộ nhất, nhưng đáng tiếc ông Trọng không có ảnh hưởng lớn nhất tại Việt Nam.

Cùng thời điểm trên, tờ Tân Hoa Xã có bài xã luận viết rằng.

“Hà Nội và Bắc Kinh đủ chín chắn để xử lý bất đồng trên biển Đông, không để kẻ khác bên ngoài chen vào phá hoại mối quan hệ sâu rễ, bền gốc. Một số kẻ trong hệ thống chính trị Việt Nam bị thế lực bên ngoài lừa dối thành đồng loã. Quan hệ Việt Trung sẽ xây dựng lòng tin để biến những kẻ bị lừa tìm lại lý trí và những kẻ độc ác thành trò cười.”

Những gì sau này đều cho thấy các thông tin trên đều là sự thật.

Hội nghị trung ương 3 vừa qua là hội nghị mà Nguyễn Phú Trọng triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung Quốc nâng cao quyền lực của Uỷ Ban kiểm tra trung ương. Sau chuyến thăm Trung Quốc và xin ý kiến chỉ đạo ấy, Trọng đã nhanh chóng từng bước khắc phục điểm yếu từ người không có ảnh hưởng trở thành người có ảnh hưởng quyền lực lớn nhất Việt Nam.

Nhưng Nguyễn Phú Trọng vẫn chưa dừng lại ở đó, một chỉ đạo của Trung Quốc nữa mà tờ Tân Hoa Xã đã nêu, đó là xử lý một số kẻ trong hệ thống chính trị Việt Nam bị thế lực bên ngoài lừa trở thành tiếp tay, đồng loã.

Những kẻ mà Trung Quốc muốn xử lý này là ai?

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ với giấc mơ sát cánh, hợp tác với quân đội Hoa Kỳ là một ví dụ. Ông Tỵ bị hất ra khỏi Bộ Quốc Phòng nơi lẽ ra ông phải làm bộ trưởng để ngồi chơi trong cái chân phó chủ tịch quốc hội bù nhìn. Và người nữa đằng sau ông Tỵ, người mà bị Trung Quốc kể tội là do bị thế lực bên ngoài lừa dối thành tiếp tay, nay đã về hưu.

Thế còn kẻ độc ác bị biến thành trò cười là ai?

Đương nhiên là Hoa Kỳ, kẻ đã bị Việt Nam biến thành trò cười trong một nghi lễ đón tiếp nguyên thủ quốc gia lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam chỉ có thứ trưởng ngoại giao ra đón, trong một chuyến bay đến vào ban đêm với một nghi lễ sơ sài và một bó hoa tệ đến mức gây nhiều tranh cãi.

Thứ trưởng ngoại giao Hà Kim Ngọc không phải là uỷ viên trung ương đảng lúc đó và cả sau này. Có nghĩa là một viên chức hạng trung trong cơ cấu quyền lực của ĐCSVN.

Chưa hết ở cuộc đón tiếp tại TPHCM, một tấm thảm nhàu nát được cho là tại gió thổi và chưa được giở ra hết đã trải ra đón tiếp tổng thống Hoa Kỳ Obama.

Đến bây giờ thì những mảnh ghép của bức tranh đã trở nên rõ ràng. Nguyễn Phú Trọng chính là con cờ tự nguyện hiến thân mình cho Trung Quốc điều khiển. Bởi tham vọng danh tiếng muốn là người quyền lực nhất Việt Nam. Nguyễn Phú Trọng đã can tâm bán rẻ đất nước thực hiện đường lối chỉ đạo của kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, làm tay sai cho giặc, tiêu diệt đồng chí của mình để đẹp lòng Trung Cộng. Trọng đã thành công khi thực hiện những mục tiêu mà Trung Cộng vạch ra, từ việc dùng uỷ ban kiểm tra trung ương đảng để trừng phạt những người chống Tàu, thân Mỹ.

Đến việc biến Hoa Kỳ thành trò cười như Tân Hoa Xã đã đặt ra.

Chưa thoả mãn ở đó, Nguyễn Phú Trọng ráo riết triệt để xây dưng uỷ ban kiểm tra trung ương đảng thành một cơ quan mật vụ tối cao, để tiếp tục tiễu trừ những uỷ viên trung ương đảng nào còn sót lại mà có thái độ, quan điểm không ưa Trung Cộng.

Với những gì Trung Cộng đã nêu ra cho Việt Nam phải làm trong bài xã luận của Tân Hoa Xã trước kia, và những gì Trọng đang làm ngày hôm nay răm rắp y như thế.

Liệu nhân dân Việt Nam có bao nhiêu người tin tưởng rằng, trước những biến động ở Biển Đông ngày hôm nay căng thẳng như vậy. Nguyễn Phú Trọng sẽ có ” thái độ rõ ràng ” để chống lại sự bành trướng của Trung Cộng, bảo vệ chủ quyền đất nước?

Hay là Trọng vẫn miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn thực hiện những gì Trung Cộng đã vạch ra.

Người Buôn Gió

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad