Ngày 9 tháng 7, 2016, tại vùng biển cách đảo Bombay, thuộc quần đảo Hoàng Sa, khoảng 37 hải lý, hai tàu công vụ mang số hiệu 46102 và 56103 của Trung Quốc đã rượt đuổi, không chế tàu đánh cá mang số hiệu QNg 90479 do ông Võ Văn Lựu, 50 tuổi, ngụ tại huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng. Sau đó thì đâm chìm con tàu này.
Lúc đầu, dựa vào lời ông Huỳnh Văn Khánh, thuyền trưởng tàu đánh cá mang số hiệu QNg 95011, người chứng kiến toàn bộ sự kiện từ đàng xa, kể lại qua hệ thống vô tuyến, người ta đã thấy sửng sốt: Chiều hôm đó, tàu của ông Lựu đang thả neo để nghỉ ngơi giữa biển thì hai tàu công vụ của Trung Quốc lao tới. Biết có chuyện chẳng lành, ông Lựu đã cắt đứt neo, lái tàu bỏ chạy song không kịp. Tàu của ông Lựu bị các nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc khống chế… Rồi tàu của ông Lựu bị chìm, cả hai tàu công vụ của Trung Quốc đứng tại chỗ, quan sát cho tới khi tàu của ông Lựu chìm hẳn mới bỏ đi, mặc kệ ông Lựu cùng năm thủy thủ chật vật bám vào mũi con tàu chìm. Sau đó, ông Khanh mới dám cho tàu của ông xáp lại gần để vớt cả năm nạn nhân. Lúc được vớt, ông Lựu đã bất tỉnh do kiệt sức…
Mới đây, sau khi ông Lựu và bốn ngư dân trên tàu QNg 90479 được đưa vào đất liền, các tình tiết về vụ tấn công này đã khiến tâm trạng của nhiều người chuyển từ sửng sốt sang phẫn nộ…
Theo ông Lựu thì trong khi rượt đuổi, hai tàu công vụ mang số hiệu 46102 và 56103 của Trung Quốc đã thả hai ca nô xuống biển để cùng truy đuổi tàu của ông. Cuộc truy đuổi chấm dứt khi đuôi tàu đánh cá của ông Lựu bị đâm vỡ. Sáu nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc đã từ ca nô nhảy sang tàu của ông Lựu khống chế, dồn bốn ngư dân ra đuôi tàu và ép ông Lựu phải rượt theo để đâm vào tàu của ông Khánh. Do đuôi tàu của ông Lựu đã bể, tàu của ông Khánh không ngừng, nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc ép ông Lựu lái tàu đâm vào một rạn san hô cho tàu chìm rồi dùng hệ thống vô tuyến yêu cầu ông Khánh cho tàu đến cứu ông Lựu và bốn ngư dân. Ông Lựu bảo rằng, may là ông Khánh không mắc bẫy mà chỉ loanh quanh từ xa để theo dõi diễn biến…
Thấy không lừa được ông Khánh, hai tàu công vụ của Trung Quốc đứng quan sát cho tới khi tàu của ông Lựu chìm hẳn rồi mới bỏ đi.
Ngoài việc phản đối, đòi Trung Quốc điều tra về vụ tấn công vừa kể, trong thông báo gửi báo giới, Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết cũng đã đòi Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam.
5 vụ tấn công không bị tố cáo
Cần lưu ý là chỉ tính từ đầu tháng 6 đến nay, các tàu công vụ của Trung Quốc rượt đuổi, tấn công, cướp phá, đâm để cảnh cáo, ít nhất là sáu tàu đánh cá của Việt Nam. Tuy nhiên đây là lần đầu tiên Việt Nam lên tiếng phản đối, đòi điều tra.
Trước đó, hôm 16 tháng 6, một tàu công vụ của Trung Quốc, phối hợp với ba tàu đánh cá của Trung Quốc, vây bắt hai tàu đánh cá (một mang số hiệu QB 93694 và một mang số hiệu QB 93480 với 17 ngư dân) khi hai tàu này đang đánh cá ở vịnh Bắc bộ, áp giải tất cả về đảo Hải Nam.
Tại đó, mỗi ngư dân bị ép ký 8 tờ giấy. Riêng hai thuyền trưởng, mỗi người bị ép ký hàng trăm tờ giấy. Tất cả đều viết bằng Hán tự nhưng một tờ trong số đó có tiếng Việt, ghi sẵn câu: “Tôi xác nhận Biển Ðông và Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Trung Quốc.” Các nạn nhân kể rằng, không ai dám từ chối ký vì những kẻ “thi hành công vụ” của Trung Quốc dọa rằng, ai không ký thì không những không được thả mà còn bị đánh. Sau năm ngày tạm giữ, hôm 21 tháng 6, Trung Quốc đã đẩy 17 ngư dân xuống tàu đánh cá QB 93480 để họ tự tìm đường về. Tàu QB 93694 vẫn đang bị Trung Quốc tạm giữ.
Ngày 25 tháng 6, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam chỉ xác nhận, hải cảnh Trung Quốc có thông báo cho Việt Nam về việc bắt giữ hai tàu đánh cá QB 93480, QB 93694 và 17 ngư dân. Khi cả 17 nạn nhân đã về đến nhà, Bộ Ngoại Giao Việt Nam mới tuyên bố đã chỉ đạo Ðại Sứ Quán Việt Nam tại Trung Quốc “làm việc với các cơ quan hữu trách của Trung Quốc đề nghị nhanh chóng thả các tàu đánh cá và ngư dân Việt Nam”!
Việt Nam cũng chưa có ý kiến chính thức về ba vụ còn lại xảy ra trong tháng trước.
Ngày 16 tháng 6, tàu đánh cá QNg 95821, do ông Nguyễn Tuấn, ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, bị tàu công vụ mang số hiệu 31102 của Trung Quốc đâm vỡ mạn phải khi đang rong ruổi đánh cá quanh các đảo Phú Lâm, Bom Bay, Linh Côn thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 10 tháng 6, bốn tàu công vụ mang các số hiệu 589, 3103, 35101, 64501 của Trung Quốc tiếp cận tàu đánh cá QNg 90657, do ông Nguyễn Văn Phú, cũng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm thuyền trưởng, khi tàu này đang thả neo ở vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 14 hải lý.
Nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc đã leo lên tàu đánh cá QNg 90657, buộc ngư dân Việt Nam phải chuyển sáu tấn hải sản mà họ đã đánh bắt được trong chuyến hải hành kéo dài 21 ngày sang tàu Trung Quốc. Trong ba giờ vận chuyển hải sản sang tàu Trung Quốc, nhiều ngư dân Việt đã bị đánh vì “chậm chạp.” Cưỡng đoạt xong hải sản, nhân viên thi hành công vụ của Trung Quốc còn tịch thu nhiều thiết bị (máy định vị, radar tầm ngư, hệ thống liên lạc vô tuyến, các bộ đàm), nhiên liệu (5 phuy dầu), đồ lặn, hủy hoại nhiều ngư cụ (dây dẫn hơi, dây neo),… rồi bỏ đi.
Ngày 7 tháng 6, các tàu công vụ của Trung Quốc đã đuổi một tàu đánh cá QNg 95193, do ông Nguyễn Trung Kiên, cũng ngụ tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi làm thuyền trưởng ra khỏi vùng biển cách đảo Bom Bay, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng năm hải lý. Sau đó cũng những tàu công vụ này của Trung Quốc dùng vòi rồng xịt vào tàu đánh cá QNg 95193. Vòi rồng đã khiến 2/14 ngư dân của tàu đánh cá QNg 95193 bị thương. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét