Chấm chấm chấm…
|
Cần chú ý là những “chấm chấm chấm” là hết sức mơ hồ mà có thể dẫn đến vô khối trường hợp tùy tiện, lạm dụng và lợi dụng.
Một nội dung rất mơ hồ khác là công an xã được huy động cả “phương tiện khác.” Nếu quy định này được đưa vào áp dụng thì có thể sẽ phát sinh những trường hợp công an viên lợi dụng quy định để “ăn cướp” hoặc “bảo kê cho ăn cướp.” Trong thực tế, đã diễn ra không ít hành vi như vậy từ phía công an. Chẳng hạn người dân ở một địa phương bị cảnh sát cơ động “kiểm tra giấy tờ xe,” nhưng sau đó dẫn thẳng xe về trụ sở giam giữ mà không giao cho khổ chủ bất cứ giấy tờ gì làm chứng.
Cũng còn những nội dung khác trong dự luật đầy tính mơ hồ như công an xã được quyền huy động cả “phương tiện thông tin” mà không làm rõ là những loại phương tiện thông tin nào; bởi không riêng gì điện thoại mà công an có thể vào nhà trưng dụng máy tính bàn, laptop của người dân. Hay huy động trong “trường hợp cấp bách” cũng không được làm rõ là những trường hợp nào và khi nào thì “tình huống cấp bách” đó chấm dứt.
Câu hỏi được đặt ra là người dân có quyền từ chối việc cá nhân mình bị “huy động” hay không? Hiến pháp và luật pháp có điều khoản nào định rõ đây là trách nhiệm mà mọi người dân Việt Nam phải thi hành?
Những người dân “tự chết”
Cần nhắc lại, những quy định mơ hồ được đặc cách dành cho ngành công an nói chung và công an xã nói riêng rất thường xuất phát từ Bộ Công An. Ngay sau khi dự luật về quyền điều tra của công an xã được công bố vào năm 2015, dư luận xã hội, báo chí nhà nước và ngay cả giới luật sư Việt Nam đã phải lên tiếng phản ứng mạnh mẽ. Một trong hiếm hoi tiếng nói thuộc giới nghị sĩ khi đó là Luật Sư Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam, đã phản biện: “Chức năng của công an xã, phường… là bảo vệ trật tự an toàn cho người dân trên địa bàn. Thực tế chức năng này đang bị buông lỏng khi mà an toàn, an ninh của người dân vẫn chưa được bảo đảm. Nhiệm vụ hiện tại họ còn chưa làm tròn trách nhiệm, nay lại giao thêm chức năng mới, bảo họ làm cho tốt là rất khó.”
Nếu nhìn lại từ năm 2011, khi phong trào phản biện xã hội dâng trào ở Việt Nam cho tới nay, không phải ngành công an, tòa án hay viện kiểm sát, mà chính dư luận đã phát giác ra hàng trăm vụ “tự chết,” “tự treo cổ”… trong đồn công an, với tỉ lệ đa số thuộc về giới công an xã. Nạn bạo hành, bắt người tùy tiện, tra tấn, ép cung, điều tra trái luật… trở nên nhan nhản cùng tàn nhẫn ở nhiều địa phương.
Trong một nền hành chính mà nạn “trên bảo dưới không nghe” ngày càng tồi tệ, tình trạng tản quyền hóa đã lan tràn từ lâu, quyền năng sinh sát nằm trong tay một đội ngũ công an phường xã rất thiếu được đào tạo bài bản nhưng lại thừa thãi tinh thần “kiêu binh.” Hệ lụy quá bất tương xứng như thế đã dẫn tới hậu quả một số công an viên và dân phòng ấu trĩ về kinh nghiệm đến mức không thuần thục ngay cả thủ đoạn… đánh người.
Cái chết của một người đàn ông có tên là Ngô Thanh Kiều trong đồn công an ở Phú Yên vào năm 2012 do bị đánh vào chỗ hiểm là một điển hình của rất nhiều điển hình về điều mà cộng đồng quốc tế lên án cảnh sát Việt Nam sử dụng nhục hình.
Nạn nhục hình càng đáng được ghi khắc vào những năm gần đây. Cùng với hiện tượng nổi lên ngày càng nhiều tiêu cực của ngành công an Việt Nam, những cái chết được mô tả là “tự mình giết mình” cũng nối tiếp nhau sinh thành. Hàng loạt vụ việc được công an địa phương báo cáo là “tự treo cổ” đã xảy ra: Nguyễn Công Nhựt ở trụ sở công an thuộc Bình Dương, anh H. cũng ở trụ sở công an thuộc Bình Dương, Bùi Thị Hương ở trụ sở công an thuộc Bình Phước, Đỗ Văn Bình ở trụ sở công an thuộc Đà Nẵng, Đặng Trung Trịnh ở trụ sở công an thuộc Hải Dương…
Đặc biệt từ năm đầu 2013, khi Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam tính từ thời điểm năm 1975 và báo chí “lề trái” quật khởi tính phản biện, cho đến nay có ít nhất hàng trăm cái chết do “tự tử” trong đồn công an bị giới truyền thông phát hiện.
Bộ Công An “làm luật” ra sao?
“Vào năm 2015, nếu công an phường, xã được tham gia điều tra, chắc chắn sẽ có thêm nhiều người bị đánh bầm dập lúc xét hỏi” – phần đông dư luận người dân lập tức phản ứng gay gắt khi dự thảo “quyền điều tra của công an xã” còn thủ rúc phía sau tấm rèm buông trên sân khấu quốc hội.
Dù có thể “thông cảm” với tình trạng vừa quá tải vừa muốn né tránh trách nhiệm của các cơ quan công an cấp trung ương và cả cấp tỉnh thành, nhưng mặt bằng văn hóa và nghiệp vụ quá kém cỏi của lớp công an phường xã là không thể biện minh được cho cơ chế đùn đẩy chức trách trong nội bộ.
Một khi đã được tăng quyền và kế thừa truyền thống quá tản quyền về hoạt động giám sát, đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng quân hồi vô phèng ở không ít địa phương và đối với không ít công an viên. Thay vì truy bắt tội phạm, sẽ không thiếu trụ sở công an phường xã biến thành cơ quan cảnh sát điều tra giả hiệu. Một số công an viên có thể lạm dụng và cả lợi dụng quyền điều tra ban đầu của mình để “bắt cóc” công dân nhằm mục đích trả thù riêng tư hoặc làm tiền. Tệ nạn “mãi lộ công đường” trong ngành công an cũng do đó sẽ chỉ có tiến chứ không muốn lùi.
Còn giờ đây, nếu quyền được huy động phương tiện được giao cho công an xã, có thể thấy ngay là xã hội tất loạn. Với thói kiêu binh và nhũng nhiễu ngự trị từ quá nhiều năm, lực lượng công an xã sẽ sử dụng thứ quyền này để lộng hành và áp chế dân chúng, nhằm mục đích tước đoạt tài sản và bóp nghẹt quyền tự do dân chủ.
Trong bối cảnh chính thể Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, lẽ tất nhiên không thể để Bộ Công An muốn làm gì thì làm.
Cho tới nay, Bộ Công An đã tích tụ khá nhiều kiến nghị trái ngược và xúc phạm lòng dân. Bốn kiến nghị trước thuộc về “quyền nổ súng” dành cho cảnh sát cơ động để “trấn áp bạo loạn,” “báo chí phải tiết lộ nguồn tin” dành cho báo giới, “hình sự hóa xử lý hội đoàn” dành cho xã hội dân sự, và “quyền điều tra của công an xã” dành cho lớp dân chúng thấp cổ bé họng.
Nếu quyền điều tra của công an xã đã bị Quốc Hội Việt Nam bác bỏ từ Tháng Tám, 2015, những đặc quyền bất công tương tự của công an xã như “quyền huy động phương tiện” cần phải bị quốc hội thẳng tay gạch bỏ, nếu cơ quan dân cử tối cao này không muốn bị mang tiếng là “phản động.”
Phạm Chí Dũng
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét