|
Ngoại trưởng Trung Quốc nhận định, tuyên bố chung đối với phán quyết về Biển Ðông của Hoa Kỳ, Nhật, Úc là một hành động không hợp thời, thiếu tính xây dựng, giống như gây rối vì các quốc gia có liên quan đang cùng muốn giảm căng thẳng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ, Nhật, Úc công bố tuyên bố chung, bày tỏ sự lo ngại về tình hình Biển Ðông và phản đối mọi hành động đơn phương làm mức độ căng thẳng gia tăng sau khi Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 công bố “thông cáo chung” mà nội dung không đả động gì đến phán quyết về Biển Ðông…
Và các ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Nhật, Úc lập tức lên tiếng, nhấn mạnh Trung Quốc và Philippines phải tôn trọng phán quyết về Biển Ðông như “kết luận chung cuộc và có tính ràng buộc về pháp lý.”
Trong tuyên bố chung, Hoa Kỳ, Nhật, Úc xác định, phán quyết về Biển Ðông là cơ hội quan trọng để duy trì trật tự quốc tế tại Ðông Nam Á. Trật tự này dựa trên luật pháp và thái độ đối với nó cho thấy các đương sự có ôn trọng luật pháp quốc tế hay không. Tuyên bố chung nhấn mạnh, những hành động đơn phương tạo ra những thay đổi vĩnh viễn đối với môi trường biển, việc bồi đắp-tạo lập các đảo nhân tạo, xây dựng các căn cứ quân sự là bất hợp pháp.
“Thông cáo chung” của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 được xem như một chiến thắng của Trung Quốc về mặt ngoại giao nhằm giảm nhẹ thiệt hại do phán quyết về Biển Ðông gây ra, đồng thời là một phần của tiến trình vô hiệu hóa phán quyết này. Cũng vì vậy, Trung Quốc không ngần ngại giấu diếm sự cay cú trước tuyên bố chung đối với phán quyết về Biển Ðông của Hoa Kỳ, Nhật, Úc vì liền sau đó có vài dấu hiệu khá rõ ràng cho thấy, nỗ lực vô hiệu hóa phán quyết về Biển Ðông của Trung Quốc không những không chắc sẽ đạt hiệu quả họ mong đợi mà có thể phản tác dụng.
Chẳng hạn hành động lộ liễu của Trung Quốc đã đẩy Hoa Kỳ, Nhật, Úc đến chỗ công khai liên kết bảo vệ phán quyết về Biển Ðông.
Các chuyên gia về an ninh-quốc phòng, nghiên cứu Châu Á, nghiên cứu Ðông Nam Á, truyền thông quốc tế bắt đầu cho rằng ASEAN cần có giải pháp thích đáng đối với Cambodia.
Ông Tang Siew Mun, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu ASEAN, thuộc viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore nêu ra việc loại bỏ Cambodia như giải pháp nhằm vô hiệu hóa một công cụ mà Trung Quốc đã và đang sử dụng để lũng đoạn ASEAN, cản trở các quốc gia Ðông Nam Á có những hành động bất lợi cho Trung Quốc. Ông Ian Storey thì gọi “thông cáo chung” của Hội Nghị Ngoại Trưởng ASEAN lần thứ 49 là “điều đáng hổ thẹn” cho cả ASEAN lẫn Trung Quốc bởi cả hai bên đều không có ý thức gìn giữ danh dự của mình.
Một điểm đáng chú ý khác là ông Rodrigo Duterte, tân tổng thống Philippines, vừa khẳng định, Philippines sẽ viện dẫn phán quyết về Biển Ðông trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Tuyên bố của ông Duterte trước Quốc Hội Philippines cho thấy, dường như nội các mới của Philippines đã không còn “mơ hồ” về tham vọng và dã tâm của Trung Quốc.
Tuy chiến thắng trong vụ kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Ðông nhưng Philippines đang gặp vô số khó khăn về kinh tế-xã hội, đó cũng là lý do tân tổng thống Philippines muốn giảm nhẹ mức độ căng thẳng với Trung Quốc để có thêm nguồn lực phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Duterte đã từng đề cập tới chuyện sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc để khai thác Biển Ðông. Thậm chí ông Duterte còn nhận định, nếu Philippines có thể giải quyết bất đồng với Trung Quốc mà không cần phán quyết của tòa thì Philippins có thể hưởng lợi nhiều hơn từ phía Trung Quốc. Nay, có vẻ ông Duterte đã nhận thức lại. (G.Ð)
Người Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét