Trung Quốc sẽ làm gì trước phán quyết bất lợi ở Biển Đông? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2016

Trung Quốc sẽ làm gì trước phán quyết bất lợi ở Biển Đông?


Trung Quốc sẽ làm gì trước phán quyết bất lợi ở Biển Đông? Sinh viên Philippines cầm mô hình tàu hải giám của Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Manila, ngày 3 tháng 3 năm 2016,

Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài Thường trực ở The Hague vào năm 2013 về những hoạt động bồi đắp đất và những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Ngay từ đầu, Trung Quốc đã bác bỏ thủ tục tố tụng này, nói rằng tòa án không có thẩm quyền phán quyết về điều mà Trung Quốc gọi là lãnh thổ có chủ quyền của mình.

Tuần vừa qua, Trung Quốc tiến hành những cuộc tập trận quân sự, dự kiến sẽ kết thúc một ngày trước khi tòa án công bố phán quyết vào ngày 12 tháng 7. John Blaxland, nhà nghiên cứu cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng thuộc Đại học Quốc gia Úc, nói rằng thời điểm tập trận của Trung Quốc không phải là trùng hợp ngẫu nhiên.

Ông Blaxland nói: "Có những việc như cuộc tập trận theo dự tính sẽ hoàn tất một ngày trước phán quyết, và báo chí Trung Quốc trong mấy ngày qua quyết liệt và thường xuyên lên án lập trường Tòa án Trọng tài Thường trực rằng họ không có thẩm quyền pháp lý để đưa ra phán quyết ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông). Tất cả những điều này là những chỉ dấu cho thấy có nhiều phần chắc tòa sẽ ra phán quyết như vậy."

Bắc Kinh khẳng định cách tốt nhất để giải quyết tranh chấp là đàm phán song phương, điều mà Tổng thống Philippines mới đắc cử Rodrigo Duterte đã gợi ý là khả dĩ, tùy thuộc vào kết quả phán quyết của tòa án.

Nhiều nhà phân tích dự đoán Tòa án Trọng tài Thường trực sẽ đứng về phía Philippines. Trung Quốc, qua những tuyên bố trước đó, tỏ ý cho thấy sẽ phớt lờ bất kỳ phán quyết nào chống lại họ và tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình. Điều này đặt ra câu hỏi, "Bắc Kinh sẽ làm gì?"

Trả lời trên chương trình phát thanh Asia Weekly của VOA, Harry Kazianis, nhà nghiên cứu cao cấp cho Chính sách Quốc phòng tại Trung tâm Lợi ích Quốc gia, nêu ra ba hành động Bắc Kinh có thể làm theo sau phán quyết của tòa.

Lựa chọn đầu tiên là ‘Trung Quốc không làm hơn những gì họ đã làm,’ mà theo ông Kazianis vốn đã khá nhiều rồi. ‘Chúng ta thấy đó, Bắc Kinh đang quân sự hóa tất cả những hòn đảo nhân tạo mà họ xây lên trong vài năm qua ở Biển Đông, và điều đơn giản mà họ có thể làm đó là chỉ có thể quân sự hóa thêm nữa các đảo này mà thôi.’ Nhà nghiên cứu này cũng lưu ý rằng Trung Quốc có thể thiết đặt các phi đạn ‘diệt hạm’ hay đặt thêm các thiết bị đối không.

Ông Kazianis nói việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi hành động hiện thời của mình có lẽ là lựa chọn ít khả dĩ nhất, bởi vì ông cảm thấy những nhà lãnh đạo Trung Quốc, cũng như công chúng Trung Quốc, sẽ muốn đáp lại một cách mạnh mẽ hơn nếu phán quyết của tòa án chống lại họ.

Lựa chọn thứ hai, lựa chọn khả dĩ nhất theo quan điểm của ông Kaszianis, “là Trung Quốc tuyên bố một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ). Ông lưu ý đây là thông điệp mà Bắc Kinh đã gửi đi trong những tháng gần đây, nếu không phải là mấy năm qua.

Trung Quốc trước đó đã tuyên bố thành lập một ADIZ bên trên Biển Đông Trung Hoa và có một sự đồng thuận chung rằng khu vực này không "có tính răn đe quân sự mạnh lắm. Biển Nam Trung Hoa thực sự là khu vực lớn hơn nhiều để làm việc này. Vì thế liệu Trung Quốc sẽ có thể làm được hay không vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ ... nhưng chỉ riêng hành động tuyên bố ADIZ thôi cũng sẽ là diễn biến làm thay đổi cục diện," ông Kazianis nói.

Lựa chọn khả dĩ thứ ba mà ông Kazianis chỉ ra là một lựa chọn mà ông gọi là "làm càn," nghĩa là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể gây thêm áp lực lên khu vực, giống như ở Biển Đông Trung Hoa. Tuy nhiên, ông Kazianis nói điều "rất đáng lo ngại là lối phát biểu gần đây của Trung Quốc cho thấy họ không ngại rắc rối khi nói tới Biển Nam Trung Hoa."

Nhưng đâu là con đường tốt nhất tiến về phía trước nếu Trung Quốc không chấp nhận quyết định và thẩm quyền của tòa án?

Ông Kazianis xem đó là "câu hỏi 5 ngàn tỉ đôla." Ông cho rằng Mỹ và những quốc gia khác nên nỗ lực dựng lên những rào chắn cản đường Trung Quốc. Một trong những rào cản này, theo lời ông Kazianis, sẽ là công bố chi tiết những tổn hại về môi trường mà Trung Quốc gây ra ở Biển Đông trong khi nước này tiếp tục xây dựng đảo nhân tạo. Về bản chất, cố gắng làm cho Trung Quốc mất mặt đến mức họ phải dừng những hành động của mình lại bằng việc phơi bày những tổn hại mà họ đang gây ra đối với môi trường.

Dù phán quyết của Tòa án ra sao đi nữa trong vụ kiện này, chưa rõ tác động tức thì của nó sẽ như thế nào.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói ông "vẫn lạc quan là tòa án sẽ đứng về phía chúng tôi," và nói thêm rằng nếu phán quyết không có lợi thì Philippines sẽ chấp nhận và tuân thủ.

VOA

***

Phán quyết về Biển Đông đặt châu Á trước sự lựa chọn

Dân biểu Randy Forbes, thuộc đảng Cộng hòa, bang Virginia, chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về sức mạnh biển.

Tòa Trọng tài của Liên Hiệp Quốc vào thứ Ba tuần sau sẽ ra phán quyết về đơn khiếu nại của Philippines thách thức tuyên bố của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. Trong một buổi điều trần tại Hạ viện hôm 7/7, các quan chức Mỹ nói phán quyết của tòa có thể xác định rằng khu vực đó sẽ điều hành theo pháp quyền hay bởi “những tính toán thô về sức mạnh”.

Tuy nhiên, các quan chức ra điều trần từ chối cho biết liệu nếu Trung Quốc có động thái quân sự hóa thêm các thực thể ở Biển Đông có dẫn đến việc Mỹ đáp trả bằng quân sự hay không.

Dân biểu Randy Forbes, thuộc đảng Cộng hòa, bang Virginia, chủ tịch một tiểu ban của Hạ viện về sức mạnh biển, nói thế giới đang theo dõi xem liệu Trung Quốc có cư xử như một bên có trách nhiệm trong hệ thống quốc tế hay không, và nếu không, thế giới muốn nhìn thấy Mỹ sẽ đáp trả như thế nào.

Ông Forbes phát biểu: “Chúng ta làm gì, hay không làm gì, để ủng hộ các đồng minh và hệ thống quốc tế dựa vào luật lệ trong những tuần sắp tới sẽ gây chú ý trên toàn khu vực và những nơi khác trên toàn cầu”.

Biển Đông có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và một số bên khác. Trong số đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hầu hết vùng biển. Mỹ không có tuyên bố chủ quyền ở đó nhưng khẳng định có lợi ích trong việc bảo đảm tự do hàng hải và thương mại tại nơi hơn một nửa hàng hóa vận chuyển bằng đường biển đi qua.

Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Colin Willett nói tại buổi điều trần rằng phán quyết về vụ khiếu nại sẽ không giải quyết các vấn đề về chủ quyền, nhưng có tiềm năng thu hẹp những vùng đủ tiêu chuẩn pháp lý để được coi là có tranh chấp. Ngoài ra, bà Willett khẳng định Mỹ sẽ không ngần ngại bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và giữ vững những cam kết với các đồng minh và đối tác ở châu Á-Thái Bình Dương.

Các quan chức tham gia điều trần chỉ ra rằng hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ làm gì sau khi tòa ra phán quyết. Lâu nay, Trung Quốc đã báo hiệu rằng họ sẽ không bị ràng buộc về phán quyết của Tòa Trọng tài, dự kiến sẽ được công bố hôm 12/7.

Khi được hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc quyết định chiếm bãi cạn Scarborough gần Philippines, đồng minh của Mỹ, ông Abraham Denmark, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách Đông Á, nói sự phản ứng sẽ tùy thuộc vào Bắc Kinh bố trí gì tại nơi có tranh chấp. Ông nói Mỹ đang làm việc với các đồng minh, trong đó có Philippines và các đối tác trong khu vực, để xây dựng năng lực hàng hải, phát triển quy trình hoạt động chung để làm việc hiệu quả hơn cùng nhau cũng như giúp họ tạo sự hiện diện hàng hải như là một biện pháp răn đe.

Trong khi đó, bà Willett của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Bãi Scarborough là một thực thể có tranh chấp mà Mỹ không công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào ở đó. Cam kết theo hiệp ước của chúng ta đối với Philippines vững chắc như sắt thép”. Bà nói thêm việc chiếm đóng một thực thể chưa có người ở hay việc quân sự hóa một thực thể bị chiếm đóng sẽ rất nguy hiểm và gây mất ổn định.

Bà Willett cho hay Mỹ đang nỗ lực để bảo đảm rằng tất cả các bên đều hành xử kiềm chế sau khi phán quyết được đưa ra.

Theo Navy Times, USNI News, VOA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad