Vô liêm sỉ - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 6 tháng 7, 2016

Vô liêm sỉ


Cách kết thúc cuộc điều tra tai họa Formosa của đảng Cộng Sản Việt Nam phải gọi đúng tên là: Vô liêm sỉ!

ông Võ Nhân Tuấn, thứ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi Trường, thì đủ biết. Khi phóng viên VTV, một loại phóng viên “người nhà,” hỏi về chuyện cá chết, ông Tuấn đã hốt hoảng đứng dậy, xua tay, đòi tắt máy như ai đó vừa chạm vào “long mạch” ngôi mộ tổ tiên: “Anh nói với em, nói chuyện cá là… tổn hại cho đất nước mình!
Họ là một băng đảng nắm chính quyền, trong mấy chục năm qua đã đàn áp tàn nhẫn những nông dân kéo nhau tới trụ sở đảng để khiếu nại tiền bồi thường đất đai không thỏa đáng. Ðó là một băng đảng đã bắt bớ, giam cầm, hành hạ, tra tấn bao nhiêu thanh niên, trí thức chỉ vì người ta can đảm biểu tình đòi bảo vệ đất đai, biển, đảo của tổ tiên. Bây giờ, chính băng đảng đó lại mở miệng nói rằng trong vụ công ty Formosa tàn hại môi trường biển bốn tỉnh miền Trung sẽ không truy cứu trách nhiệm hình sự bất kỳ một người nào, vì “chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại.” Tư bản ngoại quốc thì họ thấy “chạy lại” còn những người dân oan khuất đều bị coi là “chạy đi” tất cả! Ðối xử độc ác với dân, nhưng “rộng lượng” với những tay ôm túi bạc kè kè. Ðó là một chính quyền vô liêm sỉ.

Với 500 triệu đô la bồi thường, chia đều cho nhân dân những tỉnh phía Bắc miền Trung chịu đựng tai họa cá chết, mỗi người dân sẽ chỉ mua được hai thùng mì gói – nếu các quan chức tham nhũng ăn chặn thì chắc chỉ mua được một thùng! Nhưng tai họa do công ty Formosa gây ra còn kéo dài không biết tới bao giờ, sẽ không ai có cả mì gói để ăn. Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế, đã đặt câu hỏi: “Bao lâu nữa thì người dân có thể ra biển đánh cá được bình thường và liệu những sản phẩm cá của họ có được thị trường tin và mua dùng hay không? Thời gian khắc phục môi trường biển là bao nhiêu lâu: một năm, hai năm hay… 70 năm? Và khoản (tiền) còn lại sau khi đền bù cho người dân có đủ để khắc phục môi trường hay không?” Công ty Formosa trút tội cho các nhà thầu phụ. Ai cũng biết đại đa số các nhà thầu phụ quan trọng là những công ty Trung Quốc. Bà Phạm Chi Lan hỏi: “Vậy các nhà thầu phụ là ai?” và “cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện bất kỳ dự án nào thêm.” Bà đề nghị, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giảm sát, hoặc là đưa ra những “ưu đãi” vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. “Theo tôi, phải làm rõ…, phải dứt khoát trừng phạt nghiêm những người nào vi phạm điều này.”

Ðó là những thắc mắc tự nhiên và tối thiểu, ai cũng thấy. Chính quyền Cộng Sản hoàn toàn im lặng. Họ không dám tự nêu ra những câu hỏi trên để tự trả lời. Ngậm miệng ăn tiền, một thái độ vô liêm sỉ.

Cả nước đã nhìn thấy thủ phạm là Formosa ngay từ lúc tai họa cá chết bắt đầu; nhưng trong gần ba tháng trời những người có trách nhiệm không những im lặng một cách vô liêm sỉ mà còn dùng quyền lực trấn áp tất cả những người dân muốn nêu câu hỏi. Ngay từ đầu, một viên thứ trưởng Bộ Môi Trường không lo bảo vệ môi trường sống của dân mà còn vội vàng lớn tiếng bênh vực thủ phạm gây ra thảm họa.

Bản tuyên bố của 19 tổ chức tôn giáo, chính trị và dân sự độc lập mới công bố đã nêu rõ các hành động phản dân, hại nước của tập đoàn cầm quyền.

Trước hết, guồng máy “Bộ Thông Tin và Truyền Thông tìm cách bưng bít” tai họa và bao che cho thủ phạm. Bản tuyên bố vạch rõ: “Báo chí nhà nước đã không đưa một dòng nào về hai cuộc biểu tình lớn vì môi trường đầu Tháng Năm, trái lại cáo buộc một số người tội ‘kích động’ dân chúng xuống đường ‘gây rối loạn.’” Có báo đăng bài “Lời than của các loài cá” bị phạt 140 triệu đồng, Báo mạng đưa lên bài “Nguyên nhân cá chết liên quan đến thủ phạm gây ra nguyên nhân đó” bị bắt buộc phải rút xuống ngay.

Thay vì cổ động người dân Việt Nam cũng chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau, đảng Cộng Sản đã ngăn cách đồng bào, chia rẽ dân tộc. Bốn tỉnh miền Trung đang chịu tai họa cá chết nhưng cả nước không ai được đi tìm hiểu, không ai được tới giúp đỡ, an ủi các đồng bào gặp nạn. Ðảng Cộng Sản đã cô lập hóa các nạn nhân, “công an mật vụ bao vây các bãi biển miền Trung không cho bất cứ ai chụp ảnh, quay phim hay nói chuyện” với các ngư dân đang mất nghiệp. “Cuối Tháng Tư, hai phóng viên tự do đi làm phóng sự về cá chết tại Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An đã bị công an bắt nhốt, tra khảo, hành hạ trong nhiều ngày.” Trong khi đó, tại Hà Nội và Sài Gòn, “rất nhiều công an chìm bịt mặt, vận thường phục hoặc côn đồ đầu gấu được thuê mướn đã xông vào đánh đập dã man những người biểu tình,” những người này chỉ đòi hỏi phải tìm hiểu và công bố nguyên nhân gây ra đại họa môi trường.

Chính quyền Cộng Sản bưng bít tin tức chỉ vì họ vẫn muốn chiếm độc quyền cai trị để chia phần với tư bản nước ngoài vào làm ăn, họ kéo dài thời gian để mặc cả với công ty Formosa. Những cuộc thử nghiệm tìm nguyên nhân chất độc hoàn toàn không cho ai tham dự ngoài các cán bộ trong guồng máy Cộng Sản. Chính phủ Ðài Loan, chính phủ Mỹ đề nghị giúp đỡ kỹ thuật trong việc thử nghiệm chất độc làm cho cá chết, đều bị từ chối.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố của các tổ chức tôn giáo, chính trị và dân sự độc lập trong lời kêu gọi “toàn thể đồng bào, các lực lượng & sinh viên học sinh, nông dân, ngư dân, công nhân, các cộng đồng tôn giáo, các tổ chức xã hội dân sự độc lập tiếp tục xuống đường đông đảo, tỏ quyền lực nhân dân, tạo sức mạnh quần chúng để đòi đảng và nhà cầm quyền cộng sản phải trả lẽ trước công lý.”

Dân Việt Nam trong cả nước cùng hướng về Hà Tĩnh, Quảng Bình và các tỉnh miền Trung để cùng chia sẻ nỗi khốn khổ trong sinh nhai và mối lo môi trường bị hủy hoại. Biển chết thì người khó sống, cả dân tộc khó sống. Không lẽ một dân tộc anh hùng, văn minh, tài hoa như dân Việt lại chịu nhục cúi đầu mãi mãi trước một bọn cầm đầu vô liêm sỉ?

Người dân Hà Tĩnh đang nêu tấm gương kiên cường kháng cự. Ngày Thứ Hai, 4 Tháng Bảy năm 2016, hơn 150 học sinh cùng phụ huynh tại thôn Ðông Yên, xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, đã biểu tình trước cổng trường trung học cơ sở và tại ủy ban nhân dân xã. Họ phản đối chính quyền thất hứa không khai giảng lớp dạy bù cho các học sinh, vì trong hai năm học qua các em không được đến trường. Chính quyền xã đã hứa sẽ mở lớp học ngày Thứ Sáu mồng 1 Tháng Bảy, học sinh tới trường hai ngày liền, không thấy gì hết, đầu tuần sau các em đã phải biểu tình, phụ huynh phải đi theo.

Nhưng tại sao học sinh Ðông Yên không được đi học trong hai năm qua? Vì người dân sống trên mảnh đất này đã bị chính quyền Cộng Sản đuổi đi nơi khác, cho tư bản ngoại quốc chiếm đất làm ăn. Dân không chịu đi, máu đã đổ khi nhà thầu đem máy móc đến giải tỏa nhà cửa. Những người chịu rời đi được đưa tới khu định cư ở miền núi, dưới chân đèo Ngang. Nhưng hàng ngày họ vẫn phải đưa thuyền về bờ biển cũ đánh cá, vì không biết làm khác gì để sống. Trong thôn Ðông Yên nay vẫn còn 166 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu vẫn ở lại. Nhà cửa của họ bị chính quyền giật đổ, họ vẫn che túp lều lên để trú mưa nắng, cố bám lấy mảnh đất chôn nhau cắt rốn. Con cái các gia đình này suốt năm qua không được đi học vì ngay cả các ngôi trường cũng bị phá đổ và giật sập!

Nhà báo tự do Vì Dân đã tới Ðông Yên, mô tả, “Trước khi Formosa đến Vũng Áng, đây là vùng đất màu mỡ. Ngư dân ra biển chỉ cần quăng lưới là có cá tôm.” Ngày nay, ông thấy những người dân dũng cảm “tất cả đã chọn ở lại.” Họ muốn sống chết với mảnh đất của tổ tiên, không phải chỉ cho bản thân mà còn vì muốn bảo vệ một miền đất có giá trị chiến lược cho tổ quốc, trong khi “bọn giặc muốn đầu tư biến thành cảng nước sâu” mà quân thù có thể cập tầu thủy đem lính tới sau này!

Nhà báo Vì Dân đã chụp nhiều hình ảnh cho thấy “thanh niên ở đây ra bờ biển, trải tấm chiếu manh để ngủ. Ngủ để giữ biển, khi có ‘tàu lạ’ tới gần bờ biển ở đây, họ sẽ báo động và sẵn sàng tử thủ.” Những bức hình khác cho thấy “những căn nhà bị đập bỏ vì chính quyền muốn giải phóng mặt bằng; những bức tường đổ không còn nguyên vẹn; cột kèo liêu xiêu, có thể sập xuống bất cứ lúc nào.” Nhưng trong các ngôi nhà xiêu vẹo đó, mỗi gia đình “vẫn ăn, vẫn ngủ ở đấy.

Ðồng bào Ðông Yên đang tử thủ bảo vệ quê hương. Người Việt Nam khắp nước hãy cùng nhau kéo về xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để tiếp tế lương thực, quần áo, thuốc men, đồ dùng và hỗ trợ tinh thần của đồng bào. Một cách cụ thể, các sinh viên, học sinh, trong mùa nghỉ hè này hãy rủ nhau đi thăm Hà Tĩnh! Nếu công an mật vụ Cộng Sản ngăn cấm các bạn trẻ không cho đến gần Vũng Áng, các bạn vẫn có thể cùng nhau đi thăm quê hương của Mai Thúc Loan, của Nguyễn Du, của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, của Nguyễn Công Trứ, Phan Ðình Phùng.

Sinh viên học sinh hãy đi hàng đầu! Ðó là cách duy nhất để cảnh tỉnh những con người vô liêm sỉ!

Ngô Nhân Dụng
Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad