Chuyến thăm chính thức Lào của Tổng thống Mỹ, Barack Obama vào 6-9/9 tới được đánh giá là sẽ tạo động lực để chính phủ mới của Lào “thoát” khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị. Đồng thời, đánh dấu một bước đi rất chiến lược của Mỹ.
Theo thông báo chính thức từ Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ có chuyến thăm chính thức Lào từ ngày 6 đến 9/9, sau Hội nghị G-20 diễn ra tại Trung Quốc từ 2/9. Tại đây, ông sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - ASEAN và Hội nghị Đông Á. Đồng thời, ông cũng có các cuộc gặp gỡ song phương với Chủ tịch Bounnhang Vorachith và các quan chức cấp cao khác của Lào nhằm thúc đẩy hợp tác Mỹ - Lào về kinh tế, phát triển và mối quan hệ giữa con người với con người, cùng nhiều lĩnh vực khác.
Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Lào, Choummaly Sayasone tại cuộc họp của Hiệp hội 10 quốc gia các nước Đông Nam Á (ASEAN) ở Rancho Mirage, Calif., ngày 15/2/2016 |
Đây là đầu tiên trong lịch sử một vị Tổng thống Mỹ tới thăm Lào. Hãng tin Reuters nhận định, đây là cơ hội cuối cùng của ông Obama trong việc “tái cân bằng” chính sách ngoại giao, xoay trục châu Á, nhằm đáp trả ảnh hưởng đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Và Mỹ cần sự ủng hộ của một quốc gia thân cận với Trung Quốc, để tăng cường sự đồng thuận khu vực về cách đối phó với sự hiện diện phi pháp của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Hơn thế nữa, chuyến thăm cuối cùng trong nhiệm kỳ của ông Obama lần này được đánh giá là sẽ tạo động lực để chính phủ mới của Lào “thoát” khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc cả về kinh tế và chính trị.
Là một cửa ngõ chủ chốt trong kế hoạch "Con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh, Lào có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc. Từ cuối những năm 90, Trung Quốc đã bắt đầu tập trung đầu tư quy mô lớn vào Lào bằng những dự án xây dựng, trong đó có dự án sân vận động 20.000 và trục đường chính ở Vientiane. Bên cạnh đó là hàng loạt các trung tâm mua sắm, khách sạn và các trung tâm vui chơi giải trí và các dự án nông nghiệp thương mại. Tổng vốn đầu tư của Trung Quốc tại Lào vào các lĩnh vực khai khoáng, xây dựng, nông nghiệp và thủy điện ở Lào đã lên tới 5,1 tỷ USD, vượt qua cả Việt Nam và Thái Lan.
Có thể thấy, tại các khu kinh tế đặc biệt (SEZ) mà Lào thiết lập để đầu tư vốn nước ngoài, tràn ngập các công ty Trung Quốc. Hàng hóa Trung Quốc ngập tràn trên đất Lào. Trên đường phố Vientiane, những chiếc xe SUVcủa giới nhà giàu Trung Quốc nhiều hơn cả xe tuk-tuk của dân địa phương.
Không những thế, bên cạnh ảnh hưởng về kinh tế, Trung Quốc còn gây ảnh hưởng chính trị tại Lào. Theo giới quan sát, Bắc Kinh đã dùng các khoản đầu tư vào Lào nhằm gây sức ép khiến Vientiane ủng hộ lập trường của Trung Quốc trong nhiều vấn đề khu vực.
Trong khi đó, Lào lại chưa phải nơi hấp dẫn đầu tư mạnh mẽ đối với Mỹ. Theo Anthony Nelson, Giám đốc hội đồng kinh tế Mỹ - ASEAN, hiện mới chỉ có 7-8 công ty của Mỹ tại Lào.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2016, chính phủ mới của Lào đã có những thay đổi trong chính sách đối ngoại. Đặc biệt là những nỗ lực nhằm thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Lào hiện có vai trò quan trọng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc, Hoa Kỳ và phần còn lại của khu vực Đông Nam Á. Thủ tướng Lào, Thongloun Sisoulith có ý định cải thiện quan hệ với các nước láng giềng, Hoa Kỳ và phần còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Tại 2 hội nghị gần đây của ASEAN, Lào đã thể hiện lập trường rõ ràng hơn với những vấn đề liên quan đến Trung Quốc, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, việc cho một số quan chức cấp cao có tác động tới dự án đường sắt trị giá 7 tỉ USD của Trung Quốc nghỉ hưu và tạm ngừng hoạt động dự án vì Lào không hài lòng với những điều khoản thỏa thuận cũng phần nào cho thấy thái độ của nước này đối với Trung Quốc.
Mỹ hiện đang có nhiều cơ hội để giành được sự tin tưởng của người dân Lào. “Tổng thống Mỹ tới Lào chưa bao giờ là quá muộn”, Reuters nhận định. Sau chuyến thăm này, ông Obama cũng sẽ mang lại cho các doanh nghiệp Mỹ cơ hội tiếp cận với một thị trường đang phát triển mạnh. Chuyến thăm cũng sẽ là chìa khóa mở ra một cánh cửa mới cho Lào, một nhà ngoại giao phương Tây ở Đông Nam Á nhận định.
Hà Kim
(Công Lý)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét