VTV24 – Gán cho lương dân tội phá rừng! - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

VTV24 – Gán cho lương dân tội phá rừng!


Ông Vừ Dũ Dinh chỉ cho phóng viên Báo Người Lao Động thân cây mà phóng viên chương trình Chuyển động 24h bảo ông đốn hạ để quay phim Ảnh: NHƯ PHÚ
Tận mắt xem phóng sự phá rừng của Chương trình Chuyển động 24h thuộc VTV, gia đình ông Vừ Dũ Dinh bức xúc nói mình đã bị lừa và tỏ ra ân hận khi cầm tiền của phóng viên nhà đài sau khi bị “dụ” ra rẫy chặt cây, cuốc đất.

Ngày 5-8, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã quay trở lại thôn Giang Đông, xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk – nơi có bối cảnh mà phóng sự của Chuyển động 24h (CĐ24h) phát hôm 4 và 5-5 cho rằng có phá rừng nghiêm trọng. Cùng đi với chúng tôi có trưởng thôn Giang Đông, ông Giàng A Nụ, vừa dẫn đường vừa phiên dịch giúp.

Bảo chặt cây trong rẫy mà nói phá rừng

Trong căn nhà gỗ xập xệ của một gia đình người Mông nghèo, bà Sùng Thị Mao nằm còng queo trên giường. Bà than mệt vì những ngày qua có nhiều người đến hỏi về chuyện gia đình bà phá rừng.

Thế nhưng, khi nghe chúng tôi nói muốn tìm hiểu trong phóng sự của CĐ24h có cảnh “nhờ” gia đình bà ra rẫy diễn cảnh chặt cây, phá rừng hay không, bà Mao liền bật dậy. Bà kể: Hôm đó là buổi trưa, bà và các con cùng chồng là ông Vừ Dũ Dinh đang ngủ trong nhà thì có 2 người đàn ông đến, xưng là nhà báo và 1 người phụ nữ trong thôn tên là Sùng Thị Mông tới “dụ” đi vào rẫy để họ quay phim. “Tôi cũng chẳng biết họ gọi chúng tôi xuống rẫy hỏi cái gì nhưng vì nể người phụ nữ trong thôn nên tôi cùng nó (chồng – PV) cũng đi. Rồi họ bảo nó đi mượn cưa lốc. Rồi một người nam trong nhóm họ chạy đi mua chừng 1 lít xăng đổ vào cưa lốc và nhờ chúng tôi đưa xuống rẫy” – bà Mao thuật lại.

Điều này là hoàn toàn trái ngược với thông tin mà CĐ24h phát vào trưa 4-8, trong đó cho rằng khi phóng viên CĐ24h vào rẫy thì thấy người đàn ông đang chặt cây nên xin quay hình. Con gái bà Mao là Vừ Thị Dúc cũng khẳng định: “Hôm ấy nắng lắm, buổi trưa nữa, nên bố mẹ, mấy chị em đều trú trong nhà. Họ đến mới đưa bố mẹ em đi”.

Tiếp lời con, ông Vừ Dũ Dinh nói trên đường đi, vợ chồng ông gặp cháu Vàng A Tu (10 tuổi) đang đi tắm thì họ bảo theo cùng. Tu không muốn đi nhưng bị Sùng Thị Mông thuyết phục nên Tu đồng ý. Khi đến rẫy của ông Dinh thì họ lại bảo mang thêm cái rìu trong chòi và chỉ sang khu rừng phòng hộ Krông Năng bảo ông sang đó cưa cây để họ quay phim. Ông bảo chặt cây bên đó sợ bị bắt, họ lại bảo ông chặt cây trong rẫy cũng được. Rẫy của ông không còn cây nào nên ông sang rẫy của ông Vừ A Lao ở bên cạnh để chặt cây. “Chặt cây nhỏ họ không chịu, phải chặt cây to. Tôi phải chặt gần 2 giờ đồng hồ cây mới đổ” – ông Dinh vừa nói vừa chỉ một gốc cây to hơn thân người đã đốn hạ nằm chỏng chơ bên bìa rẫy của ông Vừ A Lao.

Trưởng thôn Giàng A Nụ khẳng định cây mà ông Dinh đã chặt là cây trong rẫy của ông Vừ A Lao, không liên quan gì đến rừng. Rẫy này đã từng khai phá 20 năm trước. “Bảo chặt cây trong rẫy để nói phá rừng thì không hiểu nổi họ làm sao nữa” – ông Nụ thở dài.

“Họ dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất…”

Thôn Giang Đông trước nay không có điện, trong số 159 hộ dân nơi đây thì có đến 149 hộ nghèo, người dân không thể xem tivi nên cũng không biết thực hư phóng sự phá rừng của CĐ24h – VTV ra sao, chỉ nghe nói trong phóng sự đó có ông Vừ Dũ Dinh phá rừng. Chuyện đến tai gia đình ông Dinh, cả nhà bức xúc. Khi chúng tôi dùng điện thoại di động mở cho họ xem lại phóng sự phá rừng của CĐ24h thì bà Sùng Thị Mao bỗng đưa 2 tay lên trời, tức tối đến ứa nước mắt. “Sao họ lại lừa những người dân tộc thiểu số không biết chữ như chúng tôi? Đâu phải nghĩ chúng tôi ngu thì họ muốn làm gì thì làm sao! Tôi chỉ sợ trời thôi. Tôi không sợ ai đâu!” – bà Mao đưa tay lên dụi mắt.

Bà Mao cho biết ngay cả cái chuyện cuốc đất của bà (phát trong CĐ24h trưa 4-8, được phóng viên Báo Người Lao Động mở cho bà xem) cũng là làm theo yêu cầu của nhóm phóng viên VTV. Cụ thể, sau khi ra rẫy, chồng bà đi với họ chặt cây còn bà ở trước chòi rẫy. Lúc họ vào, họ bảo bà ra rẫy cuốc đất để họ quay phim. Bà cuốc gần chòi, họ không chịu, bảo phải cuốc xa. Bà làm theo mà không biết cuốc đất để làm gì. “Vợ chồng tôi là người vùng sâu, vùng xa, thiếu hiểu biết, mấy anh phóng viên là người hiểu biết vậy mà dụ chồng tôi đi chặt cây, tôi đi cuốc đất. Giờ phải mang tội phá rừng” – bà Mao rưng rức khóc.

Ông Vừ Dũ Dinh thì tỏ vẻ điềm tĩnh hơn nhưng không giấu nổi nỗi buồn. “Tôi đã già, có cháu ngoại, cháu nội nhiều rồi, sức đâu nữa mà họ bảo tôi đi phá rừng, đẩy chúng tôi vào cảnh mang tội, ảnh hưởng đến mình, ảnh hưởng đến nhà nước. Lừa dân như vậy, bức xúc lắm chứ!” – ông Dinh bộc bạch.

Ông Dinh chưa hề vi phạm lâm luật

Cũng theo ông Dinh, những ngày qua ông quá mỏi mệt vì nhiều người đến hỏi về chuyện phá rừng của ông trong khi ông hoàn toàn bị hàm oan.

Còn theo ông Giàng A Nụ, tuy gia đình ông Dinh thuộc diện hộ nghèo, đông con nhưng ông chưa một lần vi phạm lâm luật. “Những hình ảnh phát trong phóng sự là nhà đài tự dàn dựng, xung quanh đó không còn rừng nữa, cây gỗ ông Dinh chặt nằm trên rẫy của ông Vừ A Lao. Việc phóng viên mượn người dân đi chặt cây để dàn dựng cảnh phá rừng rồi phát sóng đã ảnh hưởng rất nặng nề đối với chính quyền địa phương. Coi như chính quyền không có trách nhiệm với địa phương. Tôi nghe mấy người làm ngoài xã kể về phóng sự mà rất bức xúc. Tôi nghĩ không biết ông Vừ Dũ Dinh có thù gì với họ hay sao mà họ lại quy cho cái tội phá rừng như vậy?!” – ông Nụ đặt vấn đề…

Mời bạn đọc xem clip về bức xúc của người trong cuộc:



“Nếu biết lừa thì đã không nhận tiền!”

Đó là lời của bà Sùng Thị Mao về 500.000 đồng bà đã nhận từ phóng viên CĐ24h mà chương trình này sau đó biện minh đó là “lòng tốt của phóng viên” (bản tin CĐ24h phát trưa 4-8 và trưa 5-8). Theo bà Mao, tiền đó là do các phóng viên cho sau khi vợ chồng bà giúp họ quay phim.

“Tôi thừa nhận vợ chồng tôi thiếu hiểu biết nên bị lừa, để giờ mình mang tội. Nếu biết họ lừa như thế này thì chúng tôi đã không làm và không bao giờ nhận tiền của họ” – bà Mao cay đắng.


Cùng bạn đọc,

Vì sao phóng viên Báo Người Lao Động phải trở lại gặp gia đình ông Vừ Dũ Dinh để kể lại câu chuyện nói trên?

Sự việc bắt đầu từ ngày 2-8, sau cuộc họp báo do UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức cùng ngày, Báo Người Lao Động Online đăng tin “VTV dàn dựng cảnh phá rừng để làm phóng sự?”. Nội dung bản tin được trích từ báo cáo số 565/CAT-PC46 của Công an tỉnh Đắk Lắk ký ngày 27-7-2016 gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh. Báo cáo này cũng là tài liệu chính thức do đại diện công an tỉnh đọc tại buổi họp báo, tiếp đó đăng công khai trên Cổng Thông tin Điện tử của UBND tỉnh Đắk Lắk.

Thế nhưng, sau đó, chương trình CĐ24h – VTV liên tục phát các bản tin quy kết Báo Người Lao Động Online (và một số trang mạng) đưa tin sai sự thật về chuyện CĐ24h dàn dựng, cắt ghép phóng sự phá rừng, làm ảnh hưởng uy tín chương trình…

Trước động thái này, để bạn đọc khỏi hiểu nhầm, Báo Người Lao Động buộc phải lên tiếng minh định. Chúng tôi một lần nữa nhắc lại quan điểm, lập trường của báo: 1) Bản tin đã đăng nói trên không có nêu toàn phóng sự CĐ24h phát hôm 4 và 5-5 là dàn dựng, không phủ nhận rừng Đắk Lắk đang bị tàn phá, mà chỉ nêu cụ thể phân cảnh có dấu hiệu dàn dựng, cắt ghép trong phóng sự đó – là trường hợp gia đình ông Vừ Dũ Dinh (dẫn theo báo cáo xác minh số 565 của Công an tỉnh Đắk Lắk, trang 4). 2) Các phóng sự và bài phản ánh do chúng tôi thực hiện, đăng phát trên báo in và báo điện tử những ngày qua không nhằm mục đích nào khác ngoài việc phản biện lại những cáo buộc sai trái của CĐ24h đối với bản tin ban đầu trên Báo Người Lao Động Online; và khẳng định nội dung bản tin là chính xác, khách quan; nguồn tin được dẫn hoàn toàn hợp pháp, khả tín.

Có vi phạm Luật Báo chí?

Dư luận đang rất quan tâm đến “phóng sự phá rừng” của chương trình “Chuyển động 24h” phát trên sóng VTV bị cho rằng có phần nội dung “cắt ghép, dàn dựng”.

Thông tin này xuất hiện khi Công an tỉnh Đắk Lắk có báo cáo số 565/CAT – PC46 (CV 565) ngày 27-7-2016 gửi Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh về việc trao đổi kết quả xác minh theo nội dung phóng sự của VTV và công bố tại buổi họp báo ngày 2-8.

Đến thời điểm này, CV 565 được ký bởi người có thẩm quyền của Công an tỉnh Đắk Lắk nên đây là văn bản có giá trị về pháp lý và vẫn đang có hiệu lực do chưa có văn bản nào phủ định. Vấn đề pháp lý đang phát sinh từ đây.

Phía VTV vẫn “nói cứng” là phóng viên không dàn dựng, không cắt ghép khi làm phóng sự. Nếu thông tin của VTV là đúng thì những người dân “phá rừng” có liên quan trong phóng sự gồm: ông Vừ Dũ Dinh và vợ là bà Sùng Thị Mao; bà Giàng Thị Xá và em Vàng A Tu (cùng ngụ xã Ea Đáh, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk) sẽ bị xử lý ra sao? Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Nghị định 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và bảo vệ lâm sản, Nghị định 40/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2015 sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 157, hành vi của những người này có dấu hiệu vi phạm điều 12 Nghị định 157, với mức phạt tiền ít nhất là 600.000 đồng đối với loại gỗ không thuộc nguy cấp, quý hiếm; trường hợp gỗ thuộc loại nguy cấp, quý hiếm theo nhóm IIA thì mức phạt ít nhất là 1 triệu đồng. Nếu những người này đã từng bị xử phạt về hành vi đốt, phá rừng, hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thì sẽ đối diện với nguy cơ vi phạm pháp luật hình sự (điều 189 Bộ Luật Hình sự 1999). Trường hợp cơ quan điều tra xác định họ là “diễn viên” trong phóng sự theo sự hướng dẫn của phóng viên thì có thể họ được xem xét ở mức độ nhẹ hơn.

Ngược lại, những thông tin trong CV 565 là chính xác, nếu nhóm phóng viên làm phóng sự bị xác định là dàn dựng, hướng dẫn người dân chặt phá cây rừng thì hành vi của họ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí và Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam do Hội Nhà báo Việt Nam ban hành ngày 13-8-2005.

Việc dàn dựng, cắt ghép theo ý đồ của người làm báo là không tôn trọng sự thật khách quan, thiếu trung thực trong việc thực hiện tác phẩm báo chí. Đây là điều cấm kỵ đối với tất cả người làm báo.

Nếu nhóm phóng viên của VTV24 có hành vi như CV 565 của Công an tỉnh Đắk Lắk thì không chỉ có dấu hiệu vi phạm Luật Báo chí, vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà hơn hơn thế nữa, họ đã đẩy những người lương thiện thành kẻ phá rừng. Đây là điều không thể chấp nhận.

Luật sư Nguyễn Văn Đức (Đoàn Luật sư TP HCM)

Nhóm phóng viên
Người Lao Động

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad