Trong khi Việt Nam vẫn tiếp tục điều tra vụ tấn công vào hệ thống mạng của hai sân bay lớn nhất nước, theo các nhà quan sát, nhiều người dân trong nước vẫn bày tỏ nghi ngờ về sự dính líu từ phía quốc gia đông dân nhất thế giới.
Sau vụ hacking làm tê liệt máy tính của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cuối tháng trước, hôm 2/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cơ quan trong nước chú ý tới “đảm bảo an ninh, an toàn thông tin mạng”.
Thông cáo báo chí của ông Phúc có đoạn nói “phải chủ động phối hợp rà soát loại trừ các mã độc cũng như phòng, chống tin tặc”.
Dù nghi can chính, nhóm hacker 1937cn của Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ mình là thủ phạm, theo ông Trần Bang, cựu chiến binh cuộc chiến biên giới, nhiều người dân Việt vẫn chưa hết hoài nghi thủ phạm từ nước láng giềng.
Ông nói thêm:
“Kinh nghiệm dân tộc, cũng như một nghìn năm đô hộ của giặc Tàu, và mười mấy cuộc chiến tranh của dân tộc Việt Nam chống xâm lược phương bắc, cho nên khi đụng đến vấn đề dân tộc, vấn đề chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia thì đa số người Việt nghĩ ngay đến giặc phương bắc, kẻ thù truyền kiếp của người Việt Nam. Cảnh giác cao độ đã ăn sâu vào tâm khảm của người Việt Nam. Người dân Việt Nam không thể nào tin được vào 16 chữ vàng và 4 tốt được”.
Trong cuộc họp báo thường kỳ của chính phủ hôm 2/8, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn kêu gọi “các cơ quan báo chí và cộng đồng mạng tránh những hành vi khiêu khích và thách thức không cần thiết, làm ảnh hưởng sự phát triển kinh tế xã hội và an ninh của quốc gia”.
Tuyên bố này được đưa ra sau khi có tin hacker trong nước đã đánh sập nhiều trang web của Trung Quốc. Tuy nhiên, tin này chưa thể được kiểm chứng độc lập.
Trả lời câu hỏi của báo Thanh Niên, trích dẫn lo ngại của dư luận về việc hạ tầng viễn thông của Việt Nam phụ thuộc vào các thiết bị của nước láng giềng, khiến dễ bị khống chế, ông Tuấn nói rằng “việc sử dụng nhiều thiết bị Trung Quốc là do lịch sử để lại, do điều kiện kinh tế của VN, do luật đấu thầu còn hạn chế, cũng do cách tiếp cận linh hoạt của các thương hiệu nước này”.
Tuy nhiên, quan chức này nói rằng Việt Nam sẽ “rà soát, đánh giá và kiểm soát tốt hơn, yêu cầu cụ thể về an toàn thông tin trong đấu thầu mua sắm thiết bị viễn thông, đặc biệt trong các dự án quan trọng”.
Sau các vụ tấn công mạng, kinh tế gia Lê Đăng Doanh viết trên Facebook: “… Chúng ta phải cảnh giác, chiến đấu, nhất quyết không bị khuất phục. Những ai còn muốn vay của Trung Quốc, còn mơ màng 16 chữ vàng hãy mở mắt ra. Tình hình đã chuyển sang giai đoạn chiến đấu mới, không thể tiếp tục sai lầm thêm nữa”.
Trước các nghi ngờ và quan ngại của công chúng, ông Dương Danh Dy, nhà nghiên cứu về quan hệ Việt – Trung, nói với VOA Việt Ngữ rằng “dân người ta hiểu như vậy là đúng rồi”.
Cựu quan chức ngoại giao từng nhiều năm công tác ở quốc gia đông dân nhất thế giới nói thêm:
“Như tôi đã nói rất nhiều lần, Trung Quốc không từ bất kỳ thủ đoạn nào để phá hoại, tấn công Việt Nam. Tôi nghĩ còn phải chuẩn bị nhiều cái nữa. Họ làm mà các anh không chuẩn bị thì các anh sẽ còn ngạc nhiên về nhiều chuyện khác”.
Các vụ tấn công mạng xảy ra ít ngày sau khi một phụ nữ ở Trung Quốc được trích dẫn nói rằng hộ chiếu của bà đã bị nhân viên hải quan của Việt Nam ghi một từ bậy bằng tiếng Anh, khiến Bắc Kinh yêu cầu phía Hà Nội điều tra vụ việc.
Trước đó, nhân viên cửa khẩu của Việt Nam đã không đóng dấu nhập cảnh vào hộ chiếu in bản đồ “đường lưỡi bò” của công dân Trung Quốc để khẳng định chủ quyền.
Hiện cũng chưa rõ là phía Việt Nam có nhờ chính quyền Bắc Kinh giúp điều tra vụ tin tặc hay không.
(VOA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét