Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (C46), Bộ Công an đã vào cuộc điều tra vụ thua lỗ hơn 3.000 tỉ đồng tại tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Trịnh Xuân Thanh sắp hết thời gian nghỉ phép. |
2 “vấn đề” nổi cộm
Ở thời điểm hiện tại, dư luận đặt ra 2 vấn đề được coi là mấu chốt liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh. Đó là: Làm rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh thời điểm ông đang điều hành ở PVC khiến doanh nghiệp này thua lỗ đến hơn 3.000 tỷ đồng và chuyện “thăng quan” của ông Trịnh Xuân Thanh khi rời vị trí Chủ tịch HĐQT.
Dường như, những bí mật trong chuyện bổ nhiệm đối với ông Trịnh Xuân Thanh đang dần được hé lộ, nhưng dư luận không hiểu vì sao, một người có “năng lực” kém, điều hành doanh nghiệp để đến thua lỗ số tiền “khủng” không những chưa bị xử lý mà tiếp tục “thăng quan tiến chức”? Sự vụ có lẽ khó vỡ lở khi xuất hiện chiếc siêu xe mà ông Trịnh Xuân Thanh sử dụng tại tỉnh Hậu Giang.
Xin điểm lại những mốc thời gian ông Trịnh Xuân Thanh gây tiếng vang ngược khi làm tại PVC. Năm 2007, ông Trịnh Xuân Thanh được Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhận về làm Phó TGĐ tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, chẳng hiểu nhờ mối “quan hệ” rộng đến mức nào mà chỉ trong một thời gian ngắn, ông Trịnh Xuân Thanh “vù vù” thăng chức lên Tổng Giám đốc PVC rồi đến thành viên của HĐQT của PVC. Nhưng khổ một nỗi, từ lúc ông Trịnh Xuân Thanh nắm quyền, PVC bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng, kinh doanh thua lỗ kéo dài, điều này dẫn tới hệ lụy là không ít cá nhân, đơn vị trực thuộc PVC bị kỷ luật và đưa ra xét xử vì để thất thoát, cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
Thời điểm ông Thanh đang điều hành ở PVC khiến doanh nghiệp này thua lỗ đến hơn 3.000 tỉ đồng |
Theo đó, năm 2009, ông Trịnh Xuân Thanh chủ trương thành lập PVC – ME với số vốn điều lệ 500 tỷ đồng, trong đó PVC giữ vị trí cổ đông sáng lập với tỉ lệ góp vốn tới 40%. Hoạt động chính của PVC – ME là xây dựng hạ tầng làm nền móng gia công cơ khí. Tuy nhiên, PVC –ME chỉ nhận công trình rồi cho nhà thầu phụ thầu lại để ăn hoa hồng. Hậu quả là hàng loạt công trình đắp chiếu, gây thất thoát hàng trăm tỷ đồng. Cơ quan tố tụng đã vào cuộc điều tra, nhưng điều lạ, ông Trịnh Xuân Thanh vẫn bình yên, không hề hấn gì.
Cơ quan tố tụng xác định PVC-ME đã lập quỹ trái phép hơn 85 tỷ đồng để sử dụng cho hoạt động đối ngoại, tiếp khách. Chỉ sau 3 năm (2009 – 2012) thành lập, PVC –ME đã thua lỗ với số tiền 576 tỷ đồng, dẫn tới mất toàn bộ vốn chủ sở hữu, chưa tính đến những khoản nợ lớn khác tới hàng trăm tỷ. Những khoản nợ từ PVC –ME đã góp phần vào số thua lỗ lên đến hơn 3.000 tỷ đồng của PVC. Song điều ngạc nhiên là mặc dù PVC và nhiều đơn vị thành viên hoặc liên doanh thua lỗ lớn, thất thoát tài sản nhưng ông Trịnh Xuân Thanh vẫn được bổ nhiệm giữ các chức vụ cao hơn. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ về sự “lãnh đạo tài tình” của ông Trịnh Xuân Thanh khi nắm giữ vị trí chủ chốt của PVC.
Sự vụ liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh tại PVC chính thức bị cơ quan chức năng lật lại khi tháng 7/2016, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu UBKT Trung ương điều tra làm rõ các sai phạm liên quan. Và, những sai phạm của ông Trịnh Xuân Thanh ở PVC đã quá rõ nhưng không hiểu, bằng con đường nào ông Thanh vẫn “qua mặt” lãnh đạo bộ Công Thương để rồi được giới thiệu về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sắp hết thời gian nghỉ phép, ông Thanh được sắp xếp công việc gì?
Trong khi các cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra những sai phạm của ông Thanh và những cá nhân liên quan trong vụ bổ nhiệm theo “quy trình lạ” và những khuất tất khi nắm giữ chức vụ chủ chốt tại PVC thì dư luận lại dậy sóng với thông tin từ Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang là ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép để chữa bệnh và đến nay thời gian nghỉ phép đã sắp hết.
Liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang đã họp kiểm điểm trách nhiệm của tập thể Ban thường vụ Tỉnh ủy và các cá nhân liên quan. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhận định, có khuyết điểm trong công tác thẩm định hồ sơ cán bộ, không chỉ đạo các cơ quan tham mưu rà soát quá trình và năng lực công tác của ông Thanh. Khi thực hiện chủ trương xin tăng cường cán bộ về làm Phó chủ tịch UBND tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang chưa bàn bạc, thảo luận kỹ với tập thể Ban thường vụ. Tuy nhiên, mấu chốt vấn đề được dư luận quan tâm là vì sao lại có sự bổ nhiệm hết sức lạ lùng như vậy? Bộ Công Thương, bộ Nội vụ và Hậu Giang có “vướng víu” như thế nào khi bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh?
Vậy, bộ Công Thương có liên đới trách nhiệm gì trong vụ việc này? Có hay không sự ưu ái đến mức khó hiểu của lãnh đạo Bộ này cho ông Thanh? Trả lời trước báo giới, ông Phùng Đình Thực - Nguyên Chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: “Việc ông Thanh về làm Phó Chánh văn phòng Bộ là do bộ Công Thương tự làm văn bản nêu sẽ điều động về Bộ, chứ không phải Tập đoàn đề nghị, giới thiệu”.
Nói về trách nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh, ông Thực khẳng định: “Những đánh giá của PVN thời điểm đó khá rõ và đến nay vẫn còn lưu ở Tập đoàn”. Lần giở lại đánh giá của PVN do ông Phùng Đình Thực ký thì thấy, việc PVN đánh giá ông Thanh có trách nhiệm trong việc để Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí thua lỗ khi làm Chủ tịch tổng công ty này. Cụ thể, tại văn bản ngày 4/9/2013, tức là sát thời điểm ông Thanh được điều về bộ Công Thương, ông Phùng Đình Thực - với tư cách Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Tập đoàn: “Đồng chí Trịnh Xuân Thanh có phần trách nhiệm”. Tại thời điểm đó, việc PVC lỗ là thông tin công khai trên sàn chứng khoán nhưng bộ Công Thương vẫn quyết định nhận người, rồi liên tục điều động, điều chuyển và tạo cơ hội lớn cho ông Thanh. Chỉ đến khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương khẳng định, ông Thanh không đủ tiêu chuẩn đi luân chuyển và phải chịu trách nhiệm về việc để PVC thua lỗ, thì bản chất vấn đề mới hé lộ.
Tới thời điểm hiện tại, dư luận cũng đặt ra câu hỏi, nếu chỉ xử lý ông Thanh về những sai phạm của mình thì chỉ là giải quyết phần ngọn. Bởi, ông Thanh không “tự nhiên” leo lên được các chức vụ quan trọng tại bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang dễ dàng như vậy? Phần gốc là một hệ thống các tổ chức đứng sau ông Thanh cũng phải có trách nhiệm, đặc biệt những cán bộ cấp trên của ông Thanh. Trong chỉ đạo, Tổng Bí thư cũng đã nêu rõ đó là Đảng bộ công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC), ban Cán sự Đảng bộ Công Thương, người đứng đầu khi đó là ông Vũ Huy Hoàng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhiệm kỳ đó - người đứng đầu là Bí thư và Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Cùng với đó là các cơ quan kiểm tra của Đảng, bộ Nội vụ...
Không thể “đánh bùn sang ao”, trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan đến ông Trịnh Xuân Thanh cần được làm rõ. Dư luận cho rằng, việc tách bạch giữa 2 vấn đề từ sai phạm trong PVC và việc bổ nhiệm ông Trịnh Xuân Thanh cần nghiêm khắc xử lý theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi làm rõ 2 vấn đề này thì việc ông Trịnh Xuân Thanh bây giờ đang ở đâu, làm gì đã có các cơ quan chức năng trả lời thích đáng.
Phạm Dương
(Người Đưa Tin)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét