Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chúc mừng ông Võ Văn Thôn từ bỏ đảng. Ảnh: Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng |
Cuối tháng 8/2016, lại có thêm một đảng viên kỳ cựu là ông Võ Văn Thôn - cựu giám đốc Sở Tư Pháp TP.HCM - tuyên bố từ bỏ đảng CSVN.
Như vậy từ đầu năm 2016 đến nay, mới có hai trường hợp công khai bỏ đảng là giáo sư Nguyễn Đình Cống ở Hà Nội và ông Võ Văn Thôn ở Sài Gòn.
Nếu tính từ năm 2013 trở lại đây, thì con số bỏ đảng là quá ít ỏi so với gần 4 triệu đảng viên đăng ký trên sổ sách của đảng. Tình hình này phản ánh tâm thế e ngại và sợ sệt vẫn bao phủ trong tuyệt đại đa số đảng viên, mặc dù tâm lý đảng viên trong đảng đã quá chán ngán chế độ chính trị, và hầu như mất hẳn niềm tin vào đảng.
Khá tương đồng với hiện tình Trung cộng, tình trạng xa rời đảng ở Việt Nam không chủ yếu là công khai tuyên bố bỏ đảng, mà nằm ở dạng “thoái đảng”. Phần lớn những người thoái đảng thuộc về lớp cán bộ, công chức hưu trí. Họ âm thầm không nộp hồ sơ đảng từ nơi làm việc trước đó về nơi cư trú, và nếu sau một thời gian mà không thấy “nhắc nhở’, thì coi như không sinh hoạt đảng và “ra đảng”.
Cũng có những đảng viên thoái đảng theo những cách khác như cố ý không sinh hoạt đảng dù có tên trong chi bộ địa phương, cố ý không đóng đảng phí, cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ để chi bộ bắt buộc phải khai trừ mình. Một số đảng viên khác, vì nguyện vọng đi định cư ở nước ngài cùng gia đình, đã đương nhiên đề nghị đảng xóa tên mình…
Tuy nhiên, một trong những lý do chính mà nhiều đảng viên không dám công khai, kể cả âm thầm từ bỏ đảng CSVN là lo sợ bị chính quyền gây áp lực hoặc trả thù. Trước đây với một số trường hợp công khai bỏ đảng, chính quyền địa phương thường tổ chức các đoàn thể nhà nước và cả công an đến người bỏ đảng để “vận động”. Khi thấy kết quả thuyết phục và “giáo dục tư tưởng” không ăn thua, chính quyền có thể gây áp lực bằng cách đe dọa, cắt bớt chế độ hưu trí, gây khó khăn về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chế độ hộ khẩu… Nhưng thường nhất là chính quyền và công an gây khó khăn đối với người thân của người bỏ đảng, đặc biệt về công ăn việc làm. Đó là nguyên do chủ yếu để những người muốn bỏ đảng phải chấp nhận bỏ đảng trong âm thầm, bị khai trừ hoặc chưa dám ra đảng.
Tuy nhiên tổng hợp tình trạng của những người công khai bỏ đảng trước đây, chẳng hạn như nhà báo Kha Lương Ngãi, có thể thấy áp lực của chính quyền và công an chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn, nếu người bỏ đảng tỏ ra cương quyết và không sợ sệt. Khi đó, những thủ đoạn gây khó khăn dối với người thân của người bỏ đảng cũng giảm dần và sau đó mất hẳn, theo cách “mềm nắn rắn buông”.
Năm 2013, một con số thống kê chính thức của một cơ quan đảng đã cho thấy có đến 40% đảng viên nằm trong những dạng thoái đảng khác nhau tại các địa phương. Cho tới nay, hẳn tỷ lệ này còn phải cao hơn, trong bối cảnh chính trị và xã hội nhiễu nhương hơn nhiều trước đây và còn chưa tới đáy.
Cũng gần đây, phản ánh của một số trường hợp bỏ đảng cho thấy áp lực và thủ đoạn gây khó khăn của chính quyền và công an đối với họ và những người thân giảm hẳn. Thậm chí đã xuất hiện một số trường hợp cán bộ hưu trí xuất thân từ lực lượng vũ trang như quân đội và công an cũng muốn công khai bỏ đảng.
Lê Dung
(SBTN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét