Nguyên nhân một thời vang bóng và sự lụi tàn không thể níu giữ của thơ Tố Hữu - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2016

Nguyên nhân một thời vang bóng và sự lụi tàn không thể níu giữ của thơ Tố Hữu


Bàn luận về thơ Tố Hữu ngày nay vẫn có hai luồng ý kiến trái chiều và cũng có quan điểm trung dung. Những người nặng lòng “nhớ rừng” thì ngẩn ngơ luyến tiếc thơ Tố Hữu một thời vang bóng. Đến bây giờ những cụ những bác “hổ nhớ rừng” thi thoảng bất giác bật ra đôi câu “lẩy thơ” Tố Hữu, như một quán tính.

Nhà thơ Tố Hữu
Những người chán ngán thơ Tố Hữu thì ngẫu hứng “nhại thơ” ông ta. Hoặc mượn thơ Tố Hữu làm chuyện tiếu lâm.

Uống rượu đố nhau:
Đố: Tố Hữu làm công tác gì ở chiến khu Việt Bắc ?
Đáp: làm nghề tài xế cho Bác, đây chính Tố Hữu khai:

“Bác bảo đi, là đi
Bác bảo thắng, là thắng”
(Sáng tháng Năm, 5/1951, tập Việt Bắc)

Tôi nghĩ hai câu trên không phải thơ, chỉ là câu nói thường, ngắt nhịp 2 hàng kiểu đối ngẫu.

Một giáo viên toán yêu thơ phản bác đoạn thơ sau của Tố Hữu:

“Mà nói vậy trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho Thơ và phần để Em yêu”
(Bài ca Xuân 61).

Phần Thơ của Tố Hữu đều đã dành cho Đảng tất cả rồi (tuyên truyền chủ trương đường lối đảng). Vậy là, trái tim TH chia 3 thì dành hơn 2 phần cho Đảng, còn 1 phần bé nhất lép nhất cho em. Thế là phân chia ăn gian nhá ! Nhìn chung, tứ thơ này thực là vớ vẩn, yêu Đảng, yêu thơ, yêu em thực tế tồn tại độc lập, song song, mắc mớ gì mà phải chia 3. Chia ba nghĩa là chẳng trung thành với ai cả. Vậy mà khoe “trái tim anh rất chân thật” ! Xạo đến thế là cùng !

Sau Hiệp định Paris, Tố Hữu viết:

“Việt Nam ơi, máu và hoa ấy
Có đủ mai sau, thắm những ngày?”
(bài Việt Nam Máu và Hoa, 28/1/1973, tập thơ Máu và Hoa, 1977)

Gần đây các lãnh tụ đăng đàn hội nghị có mốt đứng ngập lút trong hoa.

Dân gian nhại thơ đề 4 bức ảnh sau đây tràn trên mạng xã hội:

“Máu ở chiến trường, Hoa ở đây”:

GS toán học Văn Như Cương hiệu trưởng một trường THPT tư thục Hà Nội kể chuyện tiếu lâm về thơ Tố Hữu: “Chân lí là cái gì”.

Năm 1966 một đoàn trí thức sắp đi Maxcơva làm nghiên cứu sinh. Trước khi đi chúng tôi được nghe đ/c Tố Hữu giảng bài huấn thị. Khuyên nhủ chúng tôi về sinh hoạt ở nước bạn, đ/c nói đến vấn đề “váy ngắn”,“chân dài”. Đ/c bảo: “các bạn cứ việc nhìn chân đầm, nhưng đừng quên chân lí”, hội trường xôn xao tán thưởng câu chơi chữ rất hay. Anh bạn ngồi bên tôi bỗng nói: “Nhìn chân đầm thì làm sao quên chân lí được, đơn giản là vì chân lí chỉ nằm trên chân đầm có một đoạn ngắn thôi mà”. Hắn nói khá to mọi người ngồi xung quanh cười ầm lên tán thưởng. Tôi nói khẽ với hắn: “Cái định nghĩa của cậu về chân lí quá hay, nhưng chính Tố Hữu đã nói như thế rồi. Đ/c nói trong bài thơ ‘Hãy nhớ lấy lời tôi’ ca ngợi Nguyễn Văn Trỗi, đây nhé: Có những phút làm nên lịch sử / Có cái chết hóa thành bất tử /Có những lời hơn mọi bài ca / Có con người như chân lí sinh ra… Đấy, con người từ “chân lí” sinh ra thì chân lí là cái gì nếu không phải là cái cậu vừa nói ?”.

Lẩy thơ và nhại thơ là hai thái độ trái ngược nhau. Lẩy thơ là kính trọng, nhại thơ là khinh bỉ.

Những người trung dung muốn khách quan nhìn nhận Tố Hữu, cố vượt qua cảm tính yêu ghét, băn khoăn rằng dù sao Tố Hữu cũng là một tài năng thơ thực sự kia mà. Có lẽ nào công chúng văn học cả một thời đều ngu dốt hàm hồ ?!

Giới nghiên cứu cũng chần chừ khi đánh giá “công- tội” Tố Hữu, đắn đo tỷ lệ chừng bao nhiêu thì vừa phải. Công bảy tội ba hay công ba tội bảy, hay là tỷ lệ khác nữa ?

Tôi cũng ngạc nhiên, cả một thời những nhà nghiên cứu văn học uyên bác thơ văn đông tây kim cổ mà không nhận ra rằng thơ Tố Hữu chỉ là văn ghép vần tuyên truyền cổ động, thiếu hẳn chất thơ. Ngay từ 1955, thi sĩ Hoàng Cầm và một số thi sĩ trong và ngoài quân đội đã phê phán thẳng thừng rằng thơ Tố Hữu không phải là thơ. Sau đó Tố Hữu điên tiết tìm cớ trả thù những người phê bình, lồng ghép họ vào vụ Nhân văn- Giai phẩm. Đòn đau nhớ đời, còn ai dám phê thơ Tố nữa. Hồi ấy lứa chúng tôi còn nhỏ, sau này nghiên cứu văn học chưa tới bến bờ. Giá hồi ấy sành sỏi như các bậc thầy thì chúng tôi cũng chẳng dám nói, có viết ra cũng chẳng ai đăng. Bây giờ chúng tôi đem 5 tiêu chí thơ trữ tình của nhân loại áp vào thơ Tố Hữu thì thấy quả thực thơ ông ta chỉ còn vài ba phần trăm gọi là thơ.

Cân nhắc tỷ lệ ba/bảy hay bảy/ba là nói nôm na dễ hiểu thôi, nghệ thuật chỉ định tính, làm sao mà định lượng được. Quan trọng nhất với thi ca là cái dư vị, cái hậu vân vương cuối cùng. Ngọt thanh hay lợm giọng mới là kết quả cơ bản nhất.

VÌ SAO THƠ TỐ HỮU MỘT THỜI LÔI CUỐN BẠN ĐỌC ?

Tập thơ “Từ ấy” đưa chàng trai Nguyễn Kim Thành Tố Hữu vào đời. Các giáo trình văn học đều xếp tập thơ TỪ ẤY vào giai đoạn 1930-1945, bất chấp rằng giai đoạn này hầu như không ai biết thơ Tố Hữu. Công trình THI NHÂN VIỆT NAM của nhà văn Hoài Thanh không hề điểm qua một dòng thơ Từ ấy, chẳng phải vì ghét mà vì chưa từng nghe ai đọc hay nói tới thơ Tố Hữu. Đến khi Sự biến Tháng Tám xảy ra, cái tên Tố Hữu mới gắn liền với bài thơ “Huế tháng Tám” và thơ Từ Ấy được tán phát trong vùng kháng chiến. Sau 1954 thơ Tố Hữu mới ào ạt xuất bản và bá chiếm toàn bộ hệ thống thông tin đại chúng và trường học.

Phương pháp dựa hơi lịch sử và truyền thống

Sau 1954, Bộ máy tuyên truyền, đài báo độc quyền nhà nước khởi động mở chiến dịch tuyên truyền nhen nhóm tinh thần “đấu tranh thống nhất đất nước”, trường kỳ và công phu phủ sóng trên toàn miền Bắc.
Truyền thống 4000 lịch sử Việt Nam được miêu tả thiên về chống ngoại xâm đã giúp cảm hứng cho Tố Hữu viết thơ kiểu “tát nước theo mưa”.

Văn chương dân gian được chú trọng, ngoài quán tính còn là thấm nhuần tinh thần khoa học Tây phương. Đừng tưởng luận điểm “giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc” là quan điểm “độc đáo” của Đảng như các bác thợ lý luận tuyên truyền nghệ thuật thường rao giảng, thậm chí Đảng còn ra nghị quyết “giữ gìn bản sắc” (!) Thực ra sáng tác kết hợp hiện đại và truyền thống là tư duy nghệ thuật phương Tây. Từ thời phong kiến các cụ đã dựa vào thất ngôn cổ thi kết hợp lục bát dân tộc làm ra thể song thất lục bát tuyệt vời. Lớp thi sĩ tân học đầu tiên đã Việt hóa thơ thất ngôn cổ thi thành THƠ MỚI tám chữ (đôi khi xen bảy chữ). THƠ MỚi uyển chuyển dễ nghe dễ thuộc hơn hẳn so với cổ thi. Người làm thơ cũng thoải mái diễn đạt tâm tư cảm xúc hơn xưa.

Tố Hữu biết tận dụng ca dao dân ca nói về những bà mẹ nông dân, viết ra những “Bà bủ, Bầm ơi, Phá đường, Bà má Hậu giang, Mẹ Suốt, chị Trần Thị Lý…” rặt một giọng ca tụng công lao cho kháng chiến. Ông ta chưa bao giờ thấu hiểu tâm tình và thân phận của bà mẹ và phụ nữ, ông ta chỉ ca tụng mặt ích lợi mà các bà các chị đóng góp mà thôi.

Nghệ thuật là một dòng chảy liên tục, bất kỳ tác phẩm bình thường nào cũng sinh ra từ một suối nguồn. Nghệ thuật không thể đến từ một hành tinh xa lạ. Thơ Tố Hữu cũng không ngoại lệ. Chính trào lưu văn học lãng mạn và hiện thực phê phán 1930-45 đã lỡ sinh ra đứa con “nghịch tử” tên là TỪ ẤY. Nhưng đứa con ấy cố ý nhận xằng cha mẹ đẻ. Nó hát “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim”. “Mặt trời” ấy là chủ nghĩa Mác Lê nin. Ý Tố Hữu nói là chủ nghĩa Mác- Lê sinh ra thơ ông, ông chẳng hề mang ơn nền thơ dân tộc mang nặng đẻ đau.

Thực ra thơ Tố Hữu sinh ra từ đây. Trào lưu văn chương lãng mạn và hiện thực bừng nở giai đoạn 1930-45 với hàng trăm cây bút tài hoa tạo nên một CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN VIỆT NAM MỚI dưới ảnh hưởng chủ nghĩa nhân văn phương Tây. Đó là giai đoạn văn học trăm hoa đua nở và ngát hương. Ảnh hưởng của chủ nghĩa nhân văn mới (humanisme) đã bồi dưỡng và đẩy mạnh chủ nghĩa nhân văn truyền thống dân tộc Việt vượt lên một bước dài lịch sử.

Hàng ngũ thi nhân Việt Nam mới có cả trăm nhà được tập hợp trong công trình “Thi Nhân Việt Nam” của nhà văn Hoài Thanh nhưng vắng mặt Tố Hữu vì ông ta chưa xuất đầu lộ diện trên văn đàn công khai.

“Lòng nhân ái Tố Hữu” ví như cốc sữa pha vào xô nước lã. Trong cuộc thảo luận về tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu năm 1955, một thi sĩ nhận xét thẳng tưng (Hoàng Cầm nhận xét: "Bài ‘Ta đi tới’ giống như một vại nước to, đầy tràn, pha loãng một màu sữa. Loãng quá). Đó là nguyên nhân trực tiếp kích hoạt cơn- điên- quyền- lực mang tên Tố Hữu. Và ông ta ra tay tàn sát phong trào dân chủ Nhân văn Giai phẩm với khẩu hiệu bảo vệ Đảng…

Phương pháp hớt tay trên

Những thân phận con người bé nhỏ, nghèo hèn được văn nghệ sĩ đương thời phát hiện, mô tả bằng nghệ thuật đã làm cơ sở cho Tố Hữu túm lấy mà hớt tay trên. Những cô gái lầu xanh như Tuyết được miêu tả với lòng xót xa thông cảm thực sự trong “Đời mưa gió” (tiểu thuyết Khái Hưng & Nhất Linh), “Nguyệt cầm”,“Lời kỹ nữ” (Xuân Diệu). Những phóng sự “thằng ở con sen” của Vũ Trọng Phụng, Tôi kéo xe (Tam Lang), phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố, truyện ngắn Nguyễn Công Hoa, những văn sĩ trí thức nông dân đang “Sống mòn” và cố nông lưu manh hóa Chí Phèo của Nam Cao v.v… Bên cạnh tinh thần nhân văn chủ nghĩa phương Tây, sáng tác 1930-45 cũng noi theo cả truyền thống cổ thi “Những điều trông thấy” (Sở kiến hành, Đỗ Phủ, Nguyễn Du).

Các văn nghệ sĩ 1930-45 phát hiện và miêu tả con người “bé nhỏ” theo xu hướng nghiên cứu thân phận xã hội trong văn học phương Tây thế kỷ 19. Họ cố gắng phơi bày, chia sẻ, chưa vội tùy tiện nêu ra một giải pháp.

Tố Hữu ranh ma chơi bài hớt tay trên. Anh ta tả cô gái điếm sông Hương không có tên, không có thân phận (phiếm chỉ). Tố Hữu đã dựa cái tên nhân vật là “cô Tuyết” (hàm ý trong sạch) của tiểu thuyết “Đời mưa gió” (Nhất Linh, Khái Hưng) và hô to lời hứa sẽ giải phóng tất cả, “Ngày mai em sẽ từ trong tới ngoài/ Thơm như hương nhụy hoa lài/ sạch như nước suối ban mai giữa rừng”.

Thân phận những em bé, cô bé đi ở cho nhà giàu xuất hiện trong các sáng tác của những nhà văn đích thực Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nam Cao…Tố Hữu chụp lấy một em bé đặt cho cái tên là “Phước” trong bài thơ “Đi đi em” (Rứa là hết ngày mai em đi mãi/ còn mong chi ngày trở lại Phước ơi…Nuôi đi em cho đến lớn đến già/ mầm hận ấy trong lồng xương ống máu/ để thêm nóng mai kia hồn chiến đấu/ mà hôm nay anh đã nhóm trong lòng”.

Ngôn ngữ dân gian ngày nay bật ra khi thất vọng:“Thôi rồi Lượm ơi”.
Bài thơ “Lượm” của Tố Hữu kể chuyện em bé tên Lượm (hư cấu) đi liên lạc đưa thư bị lính Pháp bắn chết. (Bỗng tôi nhớ trên mạng gần đây lan truyền lời một số nhân chứng ở quê hương Đất Đỏ, Bà Rịa kể rằng em bé Võ Thị Sáu khoảng 15 tuổi có vấn đề tâm thần và rất nghịch ngợm, ưa đi lang thang, bị ai đó xui ném lựu đạn giữa chợ giết Cai tổng Tòng một viên chức địa phương. Báo chí nói “trận đánh” đã giết được Cai tổng Tòng tay sai của Pháp. Kỳ thực, ông cai tổng Tòng chỉ bị thương vẫn sống tới những năm 80 mới qua đời, chỉ chết oan một số phụ nữ đi chợ). Chưa nói những người du kích cộng sản nhẫn tâm lợi dụng em bé ngây thơ xui em vào chỗ chết. Thật khó tin rằng những em bé ngày xưa đã có “lý tưởng cách mạng” và tự nguyện hi sinh cho lý tưởng. Tiểu thuyết “Những người khốn khổ” của thi hào Victor Hugo có nhân vật thiếu niên độc đáo là bé Gavroche hi sinh vì cách mạng Pháp trên chiến lũy Paris. Nhà văn kể rằng bé Gavroch bụi đời hay bị cảnh sát kéo tai hoặc bắt bỏ vào đồn vài bữa. Điều đó giải thích dễ hiểu vì sao bé Gvroche tham gia khởi nghĩa, vì em nhìn thấy khởi nghĩa chống lại cảnh sát. Tố Hữu tinh khôn chộp ngay hình ảnh em bé Pháp và tân trang thành em bé Việt Nam mang tên “Lượm”. Tuy vậy nhà thơ “đạo văn” khá vụng về. Bạn đọc có thể so sánh hai nhân vật sẽ thấy rõ điều đó.

“Sáng tạo” nghệ thuật kiểu như Tố Hữu thì dễ quá !
Ăn theo và ăn tất, đó là phương pháp sáng tác ma lanh láu cá của Tố Hữu khi bước vào làng thơ giai đoạn 1930-45.
Người Việt nhân ái, truyền thống nghìn xưa. Đọc thơ Tố Hữu hồi ấy người ta động lòng trắc ẩn, bùi tai với những vần thơ gieo điêu luyện và nhịp nhàng bằng trắc mang tính duy cảm.

Thủ pháp lời hứa Mác- Lê

Lời hứa tào lao là miếng võ tuyệt chiêu của lý tưởng Marx Lê (vùng lên, liên hiệp lại thì giai cấp VS sẽ giành được tất cả, nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích). Lời hứa chứa đầy bạo lực nguy hiểm ai ngờ sau đó đã và sẽ còn tàn phá tất cả. Nguy hiểm thay cho nền văn minh nhân loại nhiều thế kỷ tích luỹ có thể sụp đổ vì một “lời hứa duy ý chí” của Marx. Lịch sử nhân loại đến cuối thế kỷ 2o đã chứng minh lời hứa Các Mác và Lê Nin là Lời Hứa Cuội.


SỰ LỤI TÀN VÔ PHƯƠNG NÍU GIỮ

Thơ Tố Hữu sau 1975 ngắc ngoải thêm 10 năm nữa mới rã rời. Vì sao ?

Trong lòng đa số nhân dân Việt Nam, niềm tin thiên đường XHCN lụi tàn rơi lả tả từng ngày.

Mặt trái CNXH lộ ra. Lãnh đạo lúng túng như là vỡ trận. Hai cuộc chiến tranh biên giới lộ rõ đường lối đối ngoại của Đảng yếu kém và sai lầm tự bao giờ, chót đâm lao phải theo lao ! Đường lối xây dựng đất nước sai lầm kinh khủng, vu vơ, quờ quạng. Đói khát thiếu thốn và bất công tham nhũng bắt đầu lên ngôi.

Sư phản bội trắng trợn của Trung cộng 1979 là một cú sốc chính trị mạnh. Chiến tranh biên giới phía Bắc và Tây Nam và tình trạng suy sụp kinh tế xã hội buộc Đảng vội họp đại hội VI. Liên Xô đang đổi màu tốc độ nhanh và thay máu ê kip lãnh đạo. Giọt nước tràn ly là “bức tường Berlin ô nhục” và Liên Xô tan rã.

Trong bối cảnh bi thảm đó, thơ Tố Hữu hóa ra trơ trẽn. Sự giả dối của những tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa bị phơi ra giữa trời, mặt trong lật trái ra mặt ngoài.

Dù sao thơ Tố Hữu một thời cũng biểu hiện niềm lạc quan và niềm tin, cảm hứng lớn bao trùm, mặc dù nó mơ hồ, trừu tượng như ảo vọng. Thơ Tố Hữu trải dài qua các tập Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và Hoa là những liều thuốc doping cho tinh thần công chúng trong chiến tranh 1954-1975.


THỬ NHÌN HỌC VẤN NHÀ THƠ VÀ GIÀN LÃNH ĐẠO ĐẦU ĐÀN

Ngày nay nhìn vào bằng cấp (chỉ số học vấn) của lớp trí thức hiện thời, rất khó biết thực hư ra sao.

Tuy nhiên, ngược dòng lịch sử non 100 năm trước thì không ai nghi ngờ bằng cấp học vị của các trí thức thời ấy.

Một ngày nào đó, ta thử nhìn vào trình độ học vấn của Tố Hữu đồng thời nhìn luôn cả đội ngũ lãnh đạo thời ấy, ta chẳng khỏi giật mình, ngơ ngác ra.

Bằng cấp học vấn có thể cho thấy nhiều điều bất ngờ. Nhìn lại tình trạng trí thức đầu thế kỷ 20 đến những năm Ba mươi và thấy ngỡ ngàng.

Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh là lớp trí thức ưu tú bản lề phong kiến chuyển sang hiện đại. Hai cụ là hai đại diện ưu tú nhất (cùng với các vị Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền…). Tuy nhiên về sau cụ Phan Chu Trinh vượt hẳn lên với học thuyết cách mạng đúng đắn nhất.

Một điều bất ngờ nhận ra quá muộn: Lớp trí thức hạng Nhất thong thả thận trọng nghiên cứu xã hội VIệt Nam, chưa vội vạch ra con đường “kách mệnh”. Họ chỉ chú tâm vào xây dựng một nền chính trị mới và nền văn hoá mới với mục tiêu DÂN CHỦ, lộ trình tranh đấu lâu dài chắc chắn cho nền ĐỘC LẬP của nước VIỆT NAM. Trong khi đó, Lớp trí thức hạng Nhì lại hăng hái sôi sục “kách mệnh” vô sản. Nghịch lý thời đại chăng ? Hóa ra, đến thế kỷ 21 mới thấy, lớp trí thức hạng Nhất vẫn xứng là hạng Nhất, đỉnh cao tiêu biểu là ngọn cờ Phan Châu Trinh. Vậy là nền tri thức của nhân loại không có nghịch lý nếu ta nhìn xuyên suốt một trăm năm qua. TRI THỨC vẫn là CHÂN LÝ.

Lúc ấy, Việt Nam đã có đến hàng trăm trí thức Tây học như luật gia, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân (một số đã tham gia chính quyền Nam triều, còn lại là trí thức hoạt động tự do). Lớp này xin gọi là lớp trí thức hạng Nhất.

Những người cách mạng vô sản đầu đàn thực ra mới chỉ sở hữu trình độ học vấn hạng Nhì. Lớp trí thức hạng Nhì này chính là đội ngũ lãnh tụ “cách mạng”, gồm ít nhất hai lớp nhỏ.

Lớp thứ 2.1 có các vị Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Ngô Gia Tự, Nguyễn Đức Cảnh, Hà Huy Tập…chưa có ai vượt trên học vấn phổ thông. Riêng Trần Phú, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai được cho là học trường chính trị mang tên “Đại học Phương Đông” do quốc tế Cộng sản, tức Liên Xô lập ra. Liệu có thể gọi đó là “đại học” được không, “đại học” theo chuẩn mực mô hình nào ? (Ngày nay không ai nhắc đến trường ấy trong hệ thống đại học nước Nga nữa). Thông tin cho rằng ông Nguyễn Ái Quốc được bổ nhiệm là “giảng viên hoặc trợ giảng đại học phương Đông” cũng khiến người ta phải băn khoăn khó hiểu hay ngỡ ngàng.

Lớp thứ 2.2 gồm lãnh đạo cao cấp lớp hai, có các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh… và Tố Hữu.

Cả hai lớp lãnh tụ CM đầu đàn đều chưa vượt quá phổ thông trung học (thời ấy tốt nghiệp thường gọi tú tài). Bất ngờ quá ! Bây giờ mới thắc mắc thì quá trễ. (Tuy nhiên còn một điều đặc biệt: nhiều lãnh tụ vô sản có năng khiếu thơ và văn chương. Nghĩ lại giật mình, chính trị chết là ở chỗ thi ca này đây).

KẾT: HAI HỘI THẢO TỐ HỮU (1992 và 2015)

Từ xưa đến nay chỉ có hai hội thảo Tố Hữu được nhắc tới, cách nhau khá xa.

Hội thảo đầu tiên tại khoa Văn ĐHSP Hà Nội năm 1992 thu hút hầu hết cơ quan văn học lớn trong nước. Giới nghiên cứu cho rằng đây là phiên xử án sơ thẩm kiêm phúc thẩm. Do không có “kháng án” nên từ bấy đến nay “hồ sơ vụ án” khép lại.

Hội thảo gần đây nhất (2015) do lão giáo sư Hoàng Chương (ngành tuồng cổ mà cũng có “giáo sư” ư) đứng ra tổ chức muốn coi nó là “phiên phúc thẩm”. Tham dự là những người cao tuổi, bảo thủ, tự thương mình mà đi dự. Đi tham dự để vuốt ve cái tự ái bị tổn thương của chính mình chứ chẳng phải tiếc thương gì Tố Hữu. Một cái tổ chức dân sự u ơ thùng rỗng kêu to đứng ra bày trò “Hội thảo Tố Hữu với văn hóa dân tộc”. Bản tin báo Đại đoàn kết: Kỷ niệm 95 ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, ngày 16/10/2015, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với “Hội thơ Đường luật Việt Nam” đã tổ chức Hội thảo“Tố Hữu với văn hóa dân tộc”.

Buồn cười nhất là GS tuồng ngồi chủ tọa nhắc nhở những người nói chuyện riêng mất trật tự, rằng “Xin quí vị hãy tôn trọng cổ nhân thì quí vị sẽ được phù hộ”. Than ôi, chủ tọa hội thảo thiếu lý lẽ và cảm hứng đến mức phải đem “Ma Tố Hữu” ra dọa người còn sống.

Bài tường thuật Hội thảo già nua lại do anh chàng nhà báo nhà thơ Hồng Thanh Quang duyệt đăng bài cúng giỗ trên tờ “Đại đoàn kết”.

Ngoài ra làng báo chí Văn học nghệ thuật không thấy ai nhắc tới “hội thảo” đó nữa.

Phùng Hoài Ngọc

* Bài viết theo quan điểm riêng của tác giả. 

(VNTB)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad