Đầu tháng 1 năm 2016, cộng đồng mạng nổi lên phong trào phê bình về nhà báo Huy Đức. Người khen, kẻ chê từ mọi phía (lề đảng và lề dân). Đây là một hình thức sinh hoạt dân chủ ở thời đại công nghệ mạng (internet). Trong sinh hoạt dân chủ này ai cũng có thể tham dự. Từ những người có tài, có khả năng viết lách đến những người bất tài, có khả năng bồi bút viết theo đơn đặt hàng hay viết theo bản tính bồi bút — sẽ cùng nhau tham dự để triệt hạ cá nhân người viết thay vì cùng nhau tìm hiểu sự thật về chủ đề người viết muốn nói đến.
Có thể nói sự kiện này là mọi người thực thi Quyền Phê Bình (một phần của Quyền Tự Do Ngôn Luận) đối với tác giả của bài viết trong một vấn đề nào đó, sự kiện nào đó. Không cần biết bạn là người của công chúng (có tiếng trong quần chúng, hay có trách nhiệm phục vụ quần chúng) hay không, nhưng khi bạn dựa vào facebook, trang mạng cá nhân của bạn, hay trang mạng người khác để phát biểu một ý kiến, một nhận định thì bạn sẽ phải chấp nhận chuyện người đọc có quyền phê bình những gì bạn đã viết, hay phát biểu.
Quyền Phê Bình xem ra không phải đơn giản là ai cũng làm được. Chúng ta có thể dễ dàng phát biểu ý kiến sau khi đọc một bài viết nào đó. Nhưng để làm chuyện phê bình một bài viết đòi hỏi người phê bình có khả năng lý luận, khả năng dẫn chứng tài liệu để chứng minh là người viết bài hoàn toàn sai, và đôi khi đòi hỏi khả năng chuyên môn. Một khả năng khác mà người phê bình cần phải có đó là khả năng công bằng, không bè phái. Bởi nếu không có khả năng này thì người phê bình vô hình trung trở thành “bồi bút” cho một phe cánh nào đó.
Quyền Phê Bình sẽ đi song song với trách nhiệm của người làm công việc phê bình. Khi chúng ta phê bình một cá nhân, một chính sách, hay một bài viết nào đó thì cái trách nhiệm đầu tiên là đi tìm sự thật. Cái sự thật đó đã ảnh hưởng đến đời sống xã hội ra sao, đến sự phát triển của đất nước ra sao, hay những nhận định sai lầm của bài viết ra sao đối với xã hội chúng ta đang sống. Một chính sách của cơ quan cầm quyền đưa ra ảnh hưởng đến cuộc sống người dân ra sao được chứng minh bằng những thực tế xã hội; bằng những nghiên cứu khoa học từ những chính sách tương tự của các quốc gia cho cùng một vấn đề; bằng những dự đoán tai hại của chính sách trong tương lai trên lãnh vực môi sinh cho đất nước và con người.
Có người sử dụng Quyền Phê Bình không đúng chổ. Nghĩa là thay vì đi tìm sự thật, vạch ra những nhận định sai lầm của người viết thì người sử dụng Quyền Phê Bình lại đem cuộc sống cá nhân của người viết ra để đánh giá người viết bài không có đủ tư cách nhận định vấn đề, hoặc cố tình dùng cuộc sống riêng tư của người viết bài để “hướng dẫn” người đọc quên đi cái mục đích chính mà người viết bài đặt ra cho mọi người suy tư.
Đem cuộc sống riêng tư của người viết bài để chứng minh người viết bài không đủ tư cách bình luận cần phải được suy xét cẩn thận, nếu không thì người sử dụng Quyền Phê Bình lạm dụng quyền Phê Bình của chính mình. Nếu người viết bài kêu gọi mọi người hãy ủng hộ mình để xây dựng một xã hội nhân bản hơn mà chính cá nhân viết bài đó lại có cuộc sống vô nhân — thì người sử dụng Quyền Phê Bình có quyền đem cuộc sống riêng tư của cá nhân viết bài ra để cho người đọc thấy được sự thật, đừng bị kẻ ác lừa gạt bằng những mỹ từ nhân bản. Nói một cách thẳng thừng là người viết không thể nào viết một đường mà làm một nẽo (kêu gọi người khác hy sinh nhưng chính cá nhân mình thì chạy trốn sự hy sinh). Chuyện ông Hồ Chí Minh viết sách ca ngợi chính mình, ca ngợi đạo đức của chính mình; hay chuyện đãng (cố ý viết dấu ngã) csvn ca ngợi đạo đức của ông Hồ thì mọi người đều có quyền sử dụng Quyền Phê Bình để đem cuộc sống cá nhân của ông Hồ đối chiếu với thực tế những gì ông Hồ tuyên truyền hay đãng của ông tuyên truyền về cá nhân của ông Hồ. Đây không phải là nói xấu lãnh đạo mà vạch ra những cái xấu của lãnh đạo muốn giấu với mọi người; đi tìm sự thật đúng nghĩa, đúng vị trị của người lãnh đạo (xấu hay tốt cần phải đưa ra để mọi người phê phán).
Chỉ có những cá nhân, những tổ chức làm chuyện xấu ảnh hưởng đến quyền lợi của đất nước và dân tộc nên cá nhân đó, tổ chức đó sợ người khác nói lên cái xấu của chính mình. Những bộ luật vô lý như 88, 258 của nhà cầm quyền Việt Nam là những bộ luật vi phạm quyền tự do ngôn luận của Con Người, những bộ luật Cả Vú Lấp Miệng Em để họ tiếp tục ăn trên ngồi trước, tiếp tục thủ lợi bằng giá trả của cả một dân tộc.
Tất cả những cá nhân nào có những quyền quyết định vào cuộc sống của toàn dân, đặc biệt những cá nhân nằm trong cơ chế cầm quyền, hoặc những cá nhân được số đông quần chúng ngưỡng mộ; tất cả những người đó đều phải chấp nhận bị người khác phê bình trong mỗi hành động, mỗi lời nói của chính họ trước công chúng. Quyền Phê Bình để những cá nhân được phê bình có cơ hội sửa đổi cho tốt hơn nhằm đóng đúng vị trí của chính mình trong xã hội mà mọi người đã giao phó hoặc ngưỡng mộ. Quyền Phê Bình là để cân bằng Quyền Ngưỡng Mộ hay Quyền Tâng Bốc quá đáng từ một cá nhân, tổ chức, hay quần chúng.
Dĩ nhiên những ai thực hiện Quyền Phê Bình này phải kèm theo trách nhiệm (đã nói bên trên) của một người cầm bút mà trong đó từ ngữ sử dụng trong phê bình cần phải được cân nhắc nhằm mục đích tôn trọng người đọc và tôn trọng người bị phê bình. Tất cả mọi người cần phải được tôn trọng cho dù người đó là kẻ ác. Hành động ác của cá nhân nào đó không có nghĩa là người cầm bút có thể dùng những từ ngữ thiếu văn hoá với người có hành động tàn ác đó. Dùng từ ngữ thiếu văn hoá với kẻ ác thì chính cá nhân cầm bút đã không tôn trọng độc giả của mình và không đáng làm công việc phê bình người khác.
Vũ Hoàng Anh Bốn Phương
Tháng 6 năm 2016
Annandale, VA
(Blog Ngàn Lau)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét