Song Chi - Dạy chữ Hán hay dạy tiếng Anh ở bậc trung học? - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2016

Song Chi - Dạy chữ Hán hay dạy tiếng Anh ở bậc trung học?


Kết quả hình ảnh cho dạy tiếng trung quốc

Có vẻ như cái sự ghét Tàu, cảnh giác với mọi âm mưu xâm lược, bành trướng, đồng hóa VN... của Trung Cộng quá mạnh trong phần lớn người Việt, nên khi nghe có một vị PGS-TS và một số người khác đề xuất việc dạy chữ Hán Nôm trong trường phổ thông ("Cần dạy chữ Hán để giữ sự trong sáng của tiếng Việt", VietnamNet), nhiều người đã vội lên án, ném đá ông phó giáo sư và những người ủng hộ việc này, kể cả kết tội nhà cầm quyền đang chuẩn bị cho tiến trình sáp nhập VN với Trung Quốc. 

Cá nhân tôi lại nghĩ khác. Chữ Hán chữ Nôm là một phần trong gia tài ngôn ngữ VN, việc bỏ học hoàn toàn chữ Hán chữ Nôm đã khiến các thế hệ sau này, kể cá báo chí truyền thông sách vở, dùng sai tràn lan vô tội vạ ý nghĩa của rất nhiều từ Hán Việt, cũng như không thể cảm hay hiểu được những áng văn thơ cổ trong kho tàng văn học VN. Rất nên dạy chữ Hán chữ Nôm trong trường phổ thông ở mức độ cơ bản để đọc hiểu, và dùng đúng một số từ ngữ, văn bản đơn giản, còn ai có hứng thú thêm thì đi sâu chuyên ngành Hán Nôm sau này ở bậc đại học. 

Nhưng nếu nói như một vị thầy giáo khác trong bài “Dạy chữ Hán thay tiếng Anh vì những lẽ sau...” trong đó có ý kiến rằng “Tiếng Anh được xây dựng bằng hệ thống kí âm (ABC) nên để tiếp nhận hệ thống ngôn ngữ này chỉ cần một khoảng thời gian không quá dài. Học sinh bắt đầu học từ cấp THCS vẫn là không muộn lắm.” là không chính xác. 

Tiếng Anh ngày nay đã trở thành một ngôn ngữ quốc tế, toàn cầu, nhiều quốc gia-nhất là những nước nhỏ về dân số, hoặc nhỏ về kinh tế, hoặc nước đang phát triển, hoặc có ngôn ngữ không được dạy và học phổ biến trên thế giới, đã chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai nhưng được sử dụng song song với tiếng mẹ đẻ, ở mọi ngành mọi lĩnh vực. Vì họ biết rằng nếu người dân nước họ, nhất là giới trẻ, khi đi ra ngoài mà không sử dụng tốt được tiếng Anh thì sẽ mất đi nhiều cơ hội công việc, học tập, tiến thân…Và họ dạy và học tiếng Anh từ lớp hai, lớp ba. Chứ nếu để đến bậc THCS là chậm rồi. Ai cũng nói học ngoại ngữ nên học càng sớm càng tốt. 

Vì vậy theo thiển nghĩ của tôi, nên cho dạy và học cả chữ Hán chữ Nôm và tiếng Anh, nhưng tiếng Anh lại nên dạy trước từ lớp hai lớp ba, còn chữ Hán chữ Nôm lại dạy ở bậc THCS trở đi, vì khó tập viết, khó nhớ hơn. Một điều đáng nói nữa, việc dạy và học tiếng Anh ở các trường trung học của VN suốt mấy chục năm qua dưới thời cộng sản là quá kém, hết lớp 12 nếu không đi học thêm ở bên ngoài thì chả sử dụng được, kể cả giao tiếp thông thường. Như thế là vừa tốn thời gian học tiếng Anh suốt bao nhiêu năm học phổ thông của học sinh mà vẫn không xài được, lại phải đi học ở ngoài, tốn thêm thời gian và tốn tiền, nhưng đâu phải ai cũng có tiền cho con đi học thêm tiếng Anh ở những nơi dạy tốt, hiệu quả? Phải làm sao để các em học sinh khi tốt nghiệp xong lớp 12 sử dụng được tiếng Anh ở mức độ có thể nói chuyện nhiều chủ đề, đọc báo, đọc truyện, xem phim…Như nhiều nước khác đã làm được như vậy.

Trước năm 1975, hệ thống giáo dục ở miền Nam VNCH đã dạy cả chữ Hán chữ Nôm, dạy tiếng Anh, cả ngôn ngữ thứ hai ví dụ tiếng Pháp, và mặt bằng chung là khá hơn viêc dạy và học tiếng Anh sau 1975 nhiều.

Còn nếu sợ quá tải thì nên giảm bớt ba cái môn không cần thiết, ví dụ như lịch sử Đảng học quá nhiều, triết học Mác Lênin gì đấy…

Người ngoại đạo của ngành giáo dục, nghĩ sao nói vậy.

Song Chi

(FB Song Chi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad