500 ngư dân hôm 27/9 đến Tòa Án Kỳ Anh- Hà Tĩnh nộp đơn kiện đòi Formosa bồi thường thiệt hại |
Giới chức tỉnh Hà Tĩnh đã liên tiếp cho ra nhiều công văn nhằm bác đơn, và không nhận khiếu nại từ tập thể 506 người dân đòi kiện Formosa. Gần đây nhất là công văn hôm 21/10.
Một cố vấn pháp luật cho tờ Saigontimes hôm 20/10 nói: “Bất cứ hành động khinh suất nào cũng có thể khiến cho Formosa có quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam.”
“Nhưng,” thạc sỹ luật Phạm Hoài Huấn nói thêm, điều đó “không có nghĩa là Nhà nước ngăn cản quyền khởi kiện chính đáng của ngư dân.”
Công ty thép Formosa Hà Tĩnh hồi tháng Tư, đã xả thải độc ra biển làm 100 tấn cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó là hơn 150.000 người bị ảnh hưởng.
Vì thế, hơn 500 ngư dân ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, hôm 27/9 đã nộp đơn kiện đòi Formosa bồi thường thiệt hại tại trụ sở Tòa án Nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Đầu tháng 10, Tòa án Kỳ Anh trả đơn và không thụ lý với lý do, người dân khởi kiện không đưa ra được bằng chứng thiệt hại; và sự việc đã được Nhà nước giải quyết.
Tuy nhiên, tập thể khởi kiện đã đệ đơn khiếu nại quyết định này với lý do: tòa không thể bác đơn kiện mà chỉ có thể yêu cầu người kiện nộp bổ sung tài liệu chứng minh; và chính phủ không có thẩm quyền định mức bồi thường thiệt hại cho người dân.
Tiếp đó hôm 21/10, Uỷ ban Nhân dân (UBND) thị xã Kỳ Anh gửi công văn hỏa tốc tuyên bố hết thời hạn khiếu nại.
Công văn hỏa tốc tuyên bố hết thời hạn khiếu nại của UBND thị xã Kỳ Anh |
Một người nghiên cứu luật giấu tên nhận định: “Văn bản này trái luật nghiêm trọng. Việc tố tụng là việc của toà. UBND làm vậy là sai.”
Facebook Lê Quang Huy nhận xét: “Tại sao hành pháp lại dẫm chân tư pháp để ra văn bản này?” Linh mục Đinh Hữu Thoại trên facebook cũng bình luận: “Văn bản của UBND thị xã Kỳ Anh thể hiện sự dốt pháp luật. Việc thụ lý vụ án chỉ liên quan đến toà án (tư pháp), sao ủy ban (hành pháp) lại xía vào?”
‘Thu hút đầu tư không có nghĩa là đặt Formosa ngoài vòng pháp luật’
Thạc sỹ luật Phạm Hoài Huấn viết trên Saigontimes rằng: “Thái độ dè dặt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền [trước Formosa] trong thời gian qua có thể tạm chấp nhận (ở một phương diện nào đó),” “bất cứ hành động khinh suất nào cũng có thể khiến cho Formosa có quyền khởi kiện Chính phủ Việt Nam.”
Bởi ông Huấn cho rằng, để Formosa chọn là địa điểm đầu tư, Việt Nam đã phải chứng minh mình có nhiều ưu đãi hơn so với các nuớc khác, kèm theo đó là các cam kết bảo hộ cho khoản đầu tư.
Tuy nhiên, ông Huấn nói tiếp, “thu hút đầu tư không có nghĩa là đặt Formosa ra ngoài vòng cương tỏa của pháp luật.” Khi công ty này vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn tối thiểu về sản xuất, môi trường, họ phải bị xử lý.
“Tôi đánh giá rằng, vụ kiện Formosa lần này là một phép thử mạnh mẽ đối với ngành tư pháp Việt Nam. Không có lý do gì để tòa án từ bỏ thẩm quyền xét xử của mình.”
Ông kết luận: “Thực hiện được điều này, Nhà nước không vi phạm cam kết bảo hộ đầu tư nhưng người dân và môi trường thì được hưởng lợi.”
(CTM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét