Lăng Minh Mạng |
Đề tài kho báu của vua Minh Mạng từng làm tốn bao giấy mực của giới báo chí cũng như công sức của các nhà khảo cổ học, và ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, còn diễn ra cuộc tìm kiếm của Pháp khi nghe tin về kho báu này, vậy thực hư câu chuyện ra sao?
Vua Minh Mạng và những bí ẩn
Vua Minh Mạng tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, kế vị vua Gia Long để trở thành vì vua thứ hai của triều Nguyễn. Vị vua này nổi tiếng với sự quyết đoán trong công việc, sức khỏe sung mãn, nhất là trong chuyện chăn gối, cũng như cải cách hành chính. Khi vua Minh Mạng qua đời đã có những câu chuyện nhuốm màu sắc kỳ bí liên quan đến nơi chon cất thi hài của ông cũng như kho báu mà ông cất giữ. Ngay cả những người trông coi lăng mộ của Minh Mạng (Hiếu Lăng), cũng không biết chính xác thi hài của ông nằm ở vị trí nào; thông tin khó báu của ông đã được “trấn yểm” để vĩnh viễn là tài sản riêng cùng vua về cõi vĩnh hằng cũng rất mù mờ. Theo nhà nghiên cứu Phan Thuận An, hiện nay ông đang giữ một số tài liệu cung cấp những chi tiết cực hiếm nhắc đến kho tàng bí ẩn của triều Nguyễn. Theo đó việc vua Minh Mạng chôn cất hầm vàng bạc, châu báu dưới lòng đất là có thật. Ông An còn khẳng định thêm, khoảng thời gian Minh Mạng trị vì là giai đoạn cực thịnh của nhà Nguyễn nên chắc chắn số của cải được cất giấu hết sức đáng kể.
Dựa theo Đại Nam nhất thống chí (tập Kinh sư), Đại Nam thực lục và Đại Nam Điển Lệ, kho tàng của nhà Nguyễn vào thời Gia Long có tên Nội Đồ Gia, được xây cất ở phía bên trái của Hưng Khánh nằm trong Tử Cấm Thành, đến đời Minh Mạng sang tên thành Nội Vụ Phủ.
Nội Vụ Phủ gồm có 7 kho cất giữ 7 loại đồ quý khác nhau, đặc biệt kho vàng bạc là có giá trị nhất. Năm 1936, số vàng bạc trong kho đã lên đến 200.000 lượng. Mỗi kho được 12 người trấn thủ canh giữ gắt gao, ngày đêm túc trực; đồng thời được triều đình cho kiểm kê đầy đủ, nghiêm ngặt và thanh tra thường xuyên.
Đến cuối năm 1838, với lý do những người làm việc trong Nội Vụ Phủ gây ồn ào, phiền hà cung vua nên vua Minh Mạng ra lệnh di chuyển địa điểm của cơ quan này từ Tử Cấm Thành sang khu vực bên trái Hoàng Thành (ngày nay là khuôn viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật).
Công việc di dời này do Thống chế Mai Công Ngôn cùng 2.000 biền binh thực hiện. Các đại thần cao cấp nhất trong triều đình là Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Tăng Minh,… cũng được điều động luân phiên đến coi sóc mỗi ngày để tránh bỏ sót hay thất thoát.
Theo truyền thuyết, thì sau khi khiêng hàng trăm thậm chí hàng ngàn rương vàng bạc, châu báu đặt vào các thạch thất, toán lính đã tình nguyện chết mang theo bí mật xuống mồ với tinh thần “vua kêu tử thần tử”. Chỉ duy nhất vua Minh Mạng là người nắm giữ mật đồ chôn các kho báu”.
Người Pháp vào cuộc
Dựa trên chính sử Nguyễn triều, có tổng cộng ba lần tìm ra hầm bạc của Minh Mạng. Hầm bạc đầu tiên được phát lộ dưới triều Thành Thái. Trớ trêu thay, thời điểm ấy, đất nước đang trong những năm tháng thuộc Pháp. Vào năm 1899, quận vương Hồng Tố báo tin với Khâm sứ Pháp Boulloche rằng hai vua Minh Mạng và Thiệu Trị cho chôn nhiều bạc ở Đại Nội. Hay tin này, vị quan Tây đã cử quan hội đồng trong đó có Hồng Tố, đồng thời điều động 100 dân phu lực lưỡng đến vùng chỉ điểm. Sau một hồi đào bới, đã khai quật lên 1 hầm bạc ba vết – dạng bạc chuẩn thuộc Hoàng gia, trên ném bạc thường có ba cụm chữ triện được đóng rời. Boulloche bàn đem 30.000 nén sử dụng vào việc công. Thượng thư Bộ Hộ Trương Như Cương, Hội biện Đô Ty được giao nhiệm vụ đem chúng đến Ngân hàng Hải Phòng đổi ra tiền.
Đến năm 1915, hai hầm bạc khác liên tục được lộ thiên, có sự chứng kiến của vua Duy Tân cùng Khâm sứ đại thần Charles. Hầm thứ 2 khi được đưa lên kiểm biên, gồm 60 hòm gỗ cùng 10.000 hốt bạc và 1 đồng tiền đồng đỏ có khắc chữ Phú Thọ Đa Nam, 28 đồng tiền đồng, một tấm bia đá có16 chữ dịch ra là “Giáp Ngọ ngày tốt, mười vạn bạc ròng, lưu làm quốc dụng, ai dám riêng lòng”.
Khi những lực lượng thi công động phải phiến đá lớn thuộc khu vực cửa Tường Loan thì tìm thấy hầm bạc thứ 3. Trong đó có 1 đồng tiền đồng đỏ, 28 tiền đồng, bia đá với 16 chữ, mang nghĩa dưới thời Minh Mạng, năm Giáp Ngọ, tích bạc trăm ngàn, quốc khố không thiếu, chứa rất nhiều vàng và 70 hòm gỗ, ruột có 10.000 hốt bạc thỏi… Như vậy theo chính sử nhà Nguyễn, đã có ba lần tìm thấy hầm bạc thời Vua Minh Mạng.
Trong cả ba lần trên, người Pháp đều có mặt và giám sát ngặt nghèo.
Có hay không lần tìm kiếm thứ 4?
Tưởng chừng câu chuyện về kho báu của vua Minh Mạng sẽ chìm vào quên lãng sau gần một thế kỷ từ cuộc tìm kiếm thứ 3 đó thì cuối thể kỷ XX lại xảy ra thêm một cuộc tìm kiếm hiện chưa được nhắc đến trong bất cứ ghi chép nào.
Năm 1988, một người dân ở Sài Gòn từng làm việc tại Huế, nghe hậu duệ của một vị quan xưa kể về kho vàng trong Đại Nội. Trước lúc lâm chung, ông quan này đã căn dặn con trai về vị trí có kho vàng được chôn ở khoảng giữa bức tường phía Đông của Tử Cấm Thành, gần bờ hồ Ngự Hà. Thông tin được đưa đến Bộ Nội vụ Cộng sản VN. Một số cán bộ có thẩm quyền trong Bộ này đã vào Bình Trị Thiên bắt tay với Sở Công an và Tỉnh ủy để tiến hành đào. Mọi việc đều được giấu kín. Một góc nơi Tử Cấm Thành được phong tỏa và bảo vệ cẩn trọng.Đội ngũ đào khoảng chục người nằm trong lực lượng trinh sát chính trị và kinh tế của Sở Công an đóng ở Huế. Bản thân họ cũng không hay biết là mình đang đào gì, chỉ nghĩ rằng liên quan đến vấn đề chính trị hoặc kinh tế, hoặc đào hầm vũ khí chôn giấu từ trước năm 1945. Thu hoạch sau khoảng ba tuần đào bới là một viên đá có hình thù và diện mạo hơi kỳ dị, lớn hơn viên bờ lô, bề mặt có dấu vết khả nghi. Và dấu vết đó được nghi ngờ là chữ Hán viết theo lối thảo để thị ý nơi tồn tại kho vàng. Sau khi nghiên cứu, có cả sự tham gia của những người am tường chữ Hán cùng các nhà khoa học, đã kết luận các dấu vết đáng nghi chỉ là một sự xói mòn tự nhiên.
Từ sau lần khai quật không thành công này, kho báu của vua Minh Mạng tạm thời chưa có bàn tay nào thực hiện công cuộc truy tìm nữa. Bức màn bí mật của câu chuyện vẫn chưa được sáng tỏ…
(Lịch Sử Nước Việt Nam)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét