Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc trò chuyện với ông Frank-Walter Steinmeier, Bộ trưởng Ngoại giao Đức, tại Hà Nội hôm 31/10/2016. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tiếp hàm ý sẽ có nhiều cải cách xóa bỏ những thể chế lỗi thời kìm hãm phát triển và cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật.
Xóa bỏ thể chế lỗi thời
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã có những phát biểu gây chú ý trong hai sự kiện diễn ra tại Hà Nội. Ngày 27/12/2016 tham dự Hội nghị tổng kết năm 2016 của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi giới khoa học nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đây là câu nói của Tổng Bí thư Trường Chinh tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6, quyết định chủ trương Đổi mới để chặn đứng nguy cơ sụp đổ kinh tế và chính trị vào giữa thập niên 1980.
Một ngày trước, hôm 26/12/2016 báo chí giật tít lớn ‘Thể chế do chúng ta đặt ra mà lại sợ nó’. Đó là lời người đứng đầu chính phủ phát biểu tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Nguyên văn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc : “Thể chế do chúng ta đặt ra, nghĩ ra, nhưng mà chúng ta lại sợ nó. Thể chế ràng buộc sự phát triển thì phải bãi bỏ ngay, đừng để các thể chế đó bắt chúng ta phải chạy theo, phải sợ nó một cách vô lý…”
Thủ tướng đã không đề cập trực diện thể chế Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa chính là thể chế mẹ, đẻ ra những thể chế con đầy bất cập mà nay đang kìm hãm sự phát triển.
Trả lời Nam Nguyên vào tối ngày 27/12/2016, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
“Ở trong nước thì nói là cơ chế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, nhưng khi làm việc với nước ngoài các lãnh đạo Việt Nam từ Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho tới Thủ tướng và cả Chủ tịch Quốc hội đều yêu cầu nước ngoài nên công nhận Việt Nam đã có nền kinh tế thị trường mà không có nói là theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa.
Tôi nghĩ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có sự đồng ý trong Bộ Chính trị, trong Trung ương rồi thì ông mới có thể nói được. Ông ấy không thể nói cái gì vượt qua những quy định của Đảng vì ông ấy là Ủy viên Bộ Chính trị…
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Như vậy điều đó cho thấy việc Việt Nam cơ bản công nhận kinh tế thị trường, yêu cầu các nước khác công nhận có nền kinh tế thị trường thì tự thân mình cũng nghĩ ra điều đó. Làm việc với Châu âu với Nhật nhất là với Hoa Kỳ gần đây vẫn thường nhắc là mình có nền kinh tế thị trường, mà không dùng từ định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi cho là đó là việc phải tiến tới, bởi vì thị trường nó là quy luật tự nhiên, đâu có phải là sản phẩm của ai đâu, bây giờ đã đến lúc phải thừa nhận nó, không nên nói ỡm à ỡm ự nữa.”
Những nhận xét của Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, làm chúng tôi liên tưởng tới phát biểu của Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry vào hôm 10/10/2016 tại một cuộc Hội thảo ở California về an ninh mạng và vai trò của Internet đang làm thay đổi thế giới. Phát biểu của ông Kerry được tóm lược: “…Việt Nam ngày nay không còn dấu vết của chủ nghĩa Cộng sản, hiểu theo nghĩa là một kế hoạch và lý thuyết kinh tế…Ở đó là chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt, có internet và người dân được tiếp cận. Đó vẫn là quốc gia độc đảng và độc đoán, và không may vẫn còn vi phạm nhân quyền và nhiều thứ khác…nhưng theo thời gian đất nước này chứng tỏ đang thay đổi…”
Liên tiếp nói rất mạnh về cải cách thể chế hàm ý cả thể chế kinh tế lẫn chính trị, vấn đề đặt ra là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không thể một mình đưa ra những đột phá quan trọng. Luật sư Trần Quốc Thuận từ Saigon trả lời câu hỏi này. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có sự đồng ý trong Bộ Chính trị, trong Trung ương rồi thì ông mới có thể nói được. Ông ấy không thể nói cái gì vượt qua những quy định của Đảng vì ông ấy là Ủy viên Bộ Chính trị…”
Tới lúc sửa Hiến pháp
Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 07 tháng 7 năm 2015. AFP photo |
Luật sư Trần Quốc Thuận từng 14 năm đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, lập lại sự kiện lãnh đạo Việt Nam đi gặp nhiều nước khác kể cả Hoa Kỳ, Tổng Bí thư đề nghị là Hoa Kỳ nên công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, chứ không hề đề nghị người ta công nhận Kinh tế Thị trường Định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Luật sư Trần Quốc Thuận tiếp lời:
“Như vậy có hai lời nói, một ở trong nước và một ở nước ngoài, tôi cho là lời nói ở nước ngoài có giá trị hơn, bởi vì đó là một thị trường thực sự. Còn thị trường trong nước chỉ là thị trường nội địa, nó có những hạn chế của nó…Dĩ nhiên Việt Nam muốn làm như vậy nhưng bây giờ mới là hô hào khẩu hiệu, nhưng muốn làm điều đó thì phải làm một việc quan trọng hơn là phải sửa hiến pháp và nhiều luật pháp liên quan. Trong Hiến pháp cũng nói rằng kinh tế quốc doanh sở hữu Nhà nước là nền tảng, như thế làm sao mà bình đẳng được, nó có nhiều ưu thế hơn. Nhưng bây giờ người ta đang hô hào phải công nhận các thành phần kinh tế là bình đẳng thì mới có kinh tế thị trường được. Tôi cho rằng lời nói đó có thể dẫn tới việc trọng đại hơn là những qui định trong Hiến pháp mà ràng buộc thì đã đến lúc cần phải sửa.”
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2016 của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tổ chức hôm 26/12 ở Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát hiện là Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu ví dụ về những điểm nghẽn thể chế. Theo đó, điều 193 Luật Đất đai là một rào cản về việc tích tụ ruộng đất và cần sửa đổi. Điều này quy định chỉ được chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng một xã, phường. Như vậy người có vốn và kinh nghiệm không thể đầu tư vào nông nghiệp.
Vẫn theo thông tin báo chí, ông Cao Đức Phát còn đề cập tới một trong những quy định ngăn trở tích tụ ruộng đất đó là những tổ chức kinh tế, hộ gia đình và cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Quy định này cũng cản trở việc đầu tư vào nông nghiệp.
Tôi cho rằng lời nói đó có thể dẫn tới việc trọng đại hơn là những qui định trong Hiến pháp mà ràng buộc thì đã đến lúc cần phải sửa.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Trong cuộc phỏng vấn của Nam Nguyên vào tối 27/12/2016, Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam nhận định là, chính sách chia nhỏ đất đai từng giúp người nông dân nghèo có đất canh tác, ngày nay không còn thích hợp trong xu thế phát triển và hội nhập của Việt Nam. Bên cạnh đó biến đổi khí hậu khắc nghiệt cũng làm cho đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp không đáng kể. Từ Saigon Giáo sư Bùi Chí Bửu nhận định:
“Đặc biệt đầu tư đất đai thì hiện nay nông dân sở hữu cái sổ đỏ, muốn đi mua đất trong khi luật lệ chưa cho phép thì người ta không dám phiêu lưu chuyện đó. Thành ra có lẽ phải chờ một sự tháo gỡ cơ chế, sửa lại một số luật lệ trong Luật Đất Đai và cho phép mở rộng hạn điền thì có lẽ hiện thực hơn…sau đó doanh nghiệp mới mạnh dạn đầu tư được còn hiện nay vẫn chỉ là dạng liên kết giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp; trong liên kết với quy mô chật hẹp như vậy thì không có ông doanh nghiệp nào dám ký hợp đồng với 1.000 ông nông dân một lúc, người ta hay dùng từ gọi là phá kèo, cam kết giữa hai bên dễ dàng bị gãy đổ.”
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, có lý do để tin tưởng sẽ có cải cách sâu rộng để giúp đất nước vượt qua khó khăn ách tắc, từ đó nâng cao mức sống của người dân. Cựu quan chức Quốc hội ghi nhận ý kiến chung là, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những phát biểu trúng vào những điều mà người dân mong đợi và cần có thời gian để Thủ tướng thực hiện.
Nam Nguyên
(RFA)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét