Công an tỉnh Yên Bái cần tiếp tục thu giữ số tiền 100.000 USD, 1,5 tỷ đồng và nhẫn để xác định chủ sỡ hữu hợp pháp thực sự hay là tang vật của một vụ phạm luật.
Chiều qua 26/12/2016, Công an tỉnh Yên Bái đã họp báo công bố kết luận vụ Đỗ Công Minh bắn chết hai lãnh đạo tỉnh Yên Bái, trong đó có ông Ngô Ngọc Tuấn, chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh kiêm Trưởng Ban tổ chức Tỉnh uỷ Yên bái. Cá nhân tôi cho rằng do mức độ đặc biệt chưa từng có của vụ án này và hai nạn nhân là hai lãnh đạo cao nhất của địa phương, lẽ ra việc điều tra phải do cơ quan điều tra của Bộ Công an tiến hành.
Đáng chú ý, trong cuộc họp báo này có thông tin :"Kết quả khám nghiệm hiện trường xác định... trong phòng ông Tuấn có két sắt, bên trong có 100.000 USD, 1,5 tỉ đồng và 1 số nhẫn chưa xác định chủng loại, giá trị. Về số tiền thu được 100.000 USD, 1,5 tỉ đồng, đã thẩm tra, Ban tổ chức tỉnh ủy xác định Ban tổ chức không giao cho ông Tuấn số tiền này, ông Tuấn không vay nợ ai....Đã lấy lời khai của bà Vũ Thị Thu Hiền, vợ ông Tuấn và bà Hiền khai số tiền này là tiền tích cóp của hai vợ chồng từ nhiều năm nay. Do hai vợ chồng đi làm thường xuyên, ở nhà có mẹ già nên ông Tuấn mua két sắt để tại phòng làm việc sử dụng để cất tiền cá nhân"
Theo tôi, chưa thể vội kết luận số tài sản trong phòng làm việc của ông Tuấn thuộc sở hữu hợp pháp của gia đình ông Tuấn. Do ông Tuấn là Chủ tịch HĐND tỉnh kiêm trưởng ban Tổ chức, nên đều có hồ sơ khai về tài sản. Gần nhất, tháng 4/2016, các ứng cử viên HĐND phải khai theo mẫu http://haiphong.gov.vn/…/Mẫu%20số%208%20-%20Ke%20khai%20tai….
Theo mẫu này ông Tuấn phải khai tài sản, trong đó có tiền mặt, tiền cho vay, tiền gửi nếu tổng trị giá từ 50 triệu đồng trở lên. Tương tự với tài sản khác như nhẫn, dá quý..
Nếu ông Tuấn đã khai số tài sản này trong hồ sơ ứng cừ đại biểu HĐND tỉnh cũng như hồ sơ cán bộ của tỉnh uỷ Yên bái, đương nhiên cần trả lại số tài sản này cho gia đình ông Tuấn. Còn nếu ông không kê khai, có căn cứ pháp lý để khẳng định, ông Tuấn chưa sở hữu hợp pháp số tài sản này vào tháng 4/2016. Nếu gia đình ông Tuấn khẳng định, số tài sản này thuộc sở hữu hợp pháp của họ, họ cần chứng minh từ tháng 5 đến tháng 8/2016 (đến khi ông Tuấn bị bắn chết) ông Tuấn và gia đình họ có thu nhập bất thường như được tặng cho, trúng sổ xố, thắng chứng khoán...Nếu họ không chứng minh được có thu nhập bất thường trong thời gian trên, có cơ sở để nhận định tài sản trên thuộc sở hữu hợp pháp của người khác hoặc vô chủ. Để xác định chủ sỡ hữu hợp pháp số tài sản này, cần thực hiện các quy định theo Bộ luật dân sự (đề nghị các đồng nghiệp luật sư phân tích thêm). Tất nhiên không loại trừ có kẻ xấu định hại lãnh đạo tỉnh Yên bái, như vứt tài sản vào phòng làm việc của ông Tuấn để vu khống ông Tuấn nhận hối lộ, ông Tuấn mới phát hiện, cho vào két bảo quản, chưa kịp trình báo đã bị bắn chết.
Nếu số tiền 1,5 tỷ đồng hoặc 100.000 USD được bọc trong cọc của ngân hàng, công an sẽ dễ dàng tìm ra ngân hàng nào đã trao cho ai cọc tiền đó trước khi nó nằm trong két tại phòng làm việc của ông Tuấn, xác định ngay kẻ xấu (nếu có). Ngoài ra, theo quy đinh chặt chẽ về ngoại hối, việc giao dịch bằng ngoại tệ bị cấm tại Việt nam (ngoài hệ thống ngân hàng), những người thực hiện bị phạt nặng (ít nhất 500 triệu đồng) và tang vật bị tịch thu.
Tóm lại, nhiều khả năng có thể xảy ra, rất có thể nếu không xác định chủ sở hữu là ai, cuối cùng số tiền trên sẽ thuộc công quỹ.
Vì vậy, Công an tỉnh Yên bái cần tiếp tục thu giữ số tài sản thu được trong phòng làm việc của ông Tuấn khi bị bắn chết, làm các bước đúng quy trình trong Bộ Luật Dân Sự và các luật khác để xác định ai là chủ sở hữu hợp pháp số tài sản này, có hay không hành vi phạm luật liên quan số tài sản đó. Nếu thật sự gia đình ông Tuấn chứng minh được mình là chủ hợp hợp pháp số tiền trên, trả lại cho họ cũng không muộn, sau khi thận trọng làm "đúng quy trình theo luật".
Xin mời các đồng nghiệp và các bạn cho ý kiến thêm!
Trần Vũ Hải
(FB Vũ Hải Trần)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét