Chính quyền chối bỏ lời nói thật, thì dân chúng thì dân gian ưa phỉnh nịnh, giả dối. Chính quyền sợ hãi trước lời thật thì dân chúng nhát gan, sợ sệt.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hô hào và làm hết sức vì Chính phủ kiến tạo nhưng tập đoàn quyền lực (mà ông là một vai trong đó) sợ lời nói thật, nghi kị người nói khác. Chính quyền tiếp tục bẻ đi sự gai góc của báo chí, khiến báo chính thống trở nên thuần và dễ thương đến mức không thể chịu được.
Người ta sợ đơn giản chỉ là vì lo cho chính mình, lo miếng cơm manh áo của mình bị thương tổn. Báo chí Việt Nam vốn chỉ nói được điều mà chính quyền cho nói, nói sự thật mà chính quyền cho rằng đó là sự thật giờ càng trở nên bạc nhược.
Thậm chí nhiều người trong số họ còn phát hoảng cả lên vì ... không biết chỗ nào bề trên cho nói và chỗ nào mình không được nói. Họ đang dần dần tự giết chính mình và tiếp tục góp phần băng hoại xã hội.
Đó như là một kiểu cắt thịt mình ăn dần!
Bản thân sự chối bỏ lời thật, sợ hãi lời thật mà gia cố các biện pháp hạn chế ngôn luận chỉ là một biểu trưng của đối phó – xoay trở. Đó tuyệt nhiên không phải là kiến tạo phát triển mà đích thực là bịt nguồn cảm hứng bít lại tư duy của công dân.
Để đưa kinh tế quốc gia ra khỏi những lầy lội, nếm trái đắng từ những tập đoàn kinh tế quốc doanh, Chính phủ cổ vũ cho tư nhân phát triển kinh tế nói rằng trong năm năm nữa phải có được 1 triệu doanh nghiệp (nghị quyết 35CP về Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp đến năm 2020).
Để giữ cơ cấu dân số vàng Chính phủ chuẩn bị ra luật mới cho phép người dân sinh đẻ theo nhu cầu (và cả điều kiện kinh tế).
Để tăng thu ngân sách, trong điều kiện nguồn thu hạn chế, Chính phủ đòi tăng thuế xăng dầu.
Bản thân những điều này, chỉ là mô thức đối phó – xoay trở, hoàn toàn không phải là năng lực kiến tạo phát triển.
Quốc gia hưng vượng không phải bằng cách “bắt những con bò cùng cày” hoặc cho bò đẻ nhiều hơn mà chính là ở chất lượng công dân trong xã hội – trong quốc gia đó. Công dân rõ ràng không phải là những con bò chỉ biết cày để nộp thuế và đẻ để tăng sức lao động.
Muốn có thêm một triệu doanh nghiệp thì phải cải tạo hệ thống pháp lý, cải biến tư duy xã hội chứ không thể đem nghị quyết ra nói khơi khơi mà thành được.
Muốn tăng ngân sách thì phải giảm thuế để khuyến khích đầu tư, bớt chi tiêu, loại bỏ các hội đoàn ăn ngân sách, giảm trừ quan lại chứ không phải nhăm nhăm tăng thuế xăng.
Công dân nhát sợ, thì quốc gia ươn hèn; công dân trí trá thì xã hội loạn ly, mất giá trị chuẩn mực của đạo đức xã hội. Như thế dẫu nai lưng làm kinh tế, sinh đẻ nhiều hơn thì cũng có ích lợi gì cho sự hạnh phúc quốc gia?
90 triệu hay một trăm triệu thì vẫn chỉ là những con bò trong cái chuồng đầy phân.
Chính phủ ngày nay không thể gỡ bỏ lề thói, tập tính của làng xã để kiến tạo sự văn minh. Không thể nào loại bỏ sự gia trưởng, độc tài để kiến tạo xã hội khai phóng.
Bởi vì chấp nhận một xã hội khai phóng, hối thúc và kiến tạo sự phát đạt của tư duy công dân, nghĩa là toàn trị đã không còn. Người ta càng được cổ vũ về mặt tư duy thì sẽ càng nhìn ra những hướng đi tốt lành hơn cho quốc gia, cho chính mình.
Lợi ích nhóm lớn đi chống lợi ích nhóm nhỏ, đó là câu chuyện kỳ khôi nhất ở Việt Nam đương thời.
Vòng kim cô còn xiết chặt trên đầu công dân, trong tư duy xã hội thì không thể nào có sự phát triển được, sự kiến tạo và phục vụ mà Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hối thúc vẫn chỉ là thể xác không có thần khí.
Quá thấm Perestroika dẫn đến sự sụp đổ của Đế chế Sô Viết, Chính thể sẽ luôn khẳng định kim chỉ nam Chủ nghĩa Mác Lê - thực chất cái vỏ bề ngoài. Việc tư tưởng ngày càng xiết chặt chứ không có chuyện buông bỏ hay khai phóng.
Bản thân ông Phúc và những đồng chí cũng chỉ là một khối u trong một quốc gia mang bệnh trầm kha.
Ông Phúc gánh nặng di sản trên vai, là Thủ tướng vất vả nhất của Việt Nam trong vòng 30 năm lại đây. Nhưng sự nỗ lực của ông, họa may cũng chỉ phần nổi, lóp ngóp phía trên; một nửa còn lại đang ngập trong bùn.
Xã hội chộp giựt, ai cũng chỉ biết nghĩ lấy thân mình; Chính phủ chỉ lo đối phó trong từng thời điểm, xoay trở để củng cố quyền lực, như vậy mà quốc gia thịnh vượng được là điều chưa nay chưa từng thấy!
(Han Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét