“Chính phủ là giải pháp hay là vấn đề?”
Vì sao Việt Nam vẫn là một đất nước nghèo mặc dù chúng ta có gần như tất cả những gì cần thiết để giàu? Có bao giờ bạn tự hỏi câu đó chưa? Chúng ta nghèo vì điều gì? Đây là một câu hỏi được hỏi rất nhiều. Vài người sẽ nói vì chế độ. Người kia sẽ nói vì văn hóa. Và có người sẽ nói là vì chiến tranh. Nhưng sự thật là gì?
Tôi sẽ đọc lại một câu của Ronald Reagan: “Trong cơn khủng hoảng hiện tại, chính phủ không phải là giải pháp cho các vấn đề của chúng ta, chính phủ chính là vấn đề.”
Chính phủ không thể nào là giải pháp cho các vấn đề vì chính nó là vấn đề. Điều đó có thể làm một trong những nguyên lý khó hiểu và khó chấp nhận nhất, nhất là khi bạn là một kinh tế giá Keynes. Một đất nước thường nghèo vì chính phủ can thiệp quá nhiều vào nền kinh tế của đất nước đó. Cách đơn giản nhất để bạn giải quyết vấn đề là tối thiểu hóa chính phủ. Nhưng chưa, tôi chưa nói hết. Phiền các bạn hãy đọc tiếp.
Nhiều người hay hỏi “Nếu không có chính phủ, thì chúng ta sẽ xóa đói giảm nghèo thế nào? Không lẽ để người nghèo chết?” Đây là một câu thường xuyên được dùng bởi nhà Clinton, Obama và bộ máy của cánh tả để thu hút phiếu. Tôi sẽ trả lời câu đó như sau. Nhưng trước tiên chúng ta hãy tự hỏi “điều gì khiến một quốc gia thịnh vượng?”
Điều gì khiến một quốc gia thịnh vượng?
Đó có phải là dân chủ? Chưa đúng. Campuchia cũng dân chủ, Ấn Độ cũng dân chủ, nhưng vẫn nghèo. Singapore xét theo định nghĩa là một quốc gia độc tài dưới Lý Quang Diệu nhưng vẫn giàu.
Văn hóa? Có thể nói là những quốc gia có văn hóa Thiên Chúa-Do Thái thịnh vượng hơn các quốc gia khác, điển hình là Hồi Giáo. Nhưng còn những quốc gia như Nhật Bản, UAE hay Hàn Quốc thì sao? Văn hóa của họ đâu phải là Thiên Chúa-Do Thái.
Dân số nhiều? Không đúng, nói vậy thì thu nhập bình quân của Trung Quốc và Ấn Độ sao lại nằm ở mức thấp? Còn những quốc gia đông dân như Bangladesh thì sao?
Dân số ít? Nói vậy thì những cái đảo nhỏ ở đại dương đã là cường quốc rồi. Còn Singapore với dân số vài triệu nhưng lại là một tiểu cường quốc kinh tế.
Địa lý? Những nước có đường biển giàu hơn những nước trong đất? Có thể. Nhưng bạn giải thích sao với Thụy Sĩ, Áo, họ là 2 nước không có đường biển nhưng lại giàu. Có vô số nước có đường biển nhưng lại nghèo, điển hình là ở Châu Phi, Nam Mỹ và Việt Nam.
Tài nguyên? Cũng không phải. Singapore và Hong Kong làm gì có tài nguyên. Thụy Sĩ chỉ là một miền đất hoang ở Châu Âu mà là một quốc gia thịnh vượng. Còn Việt Nam thì giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo.
Học vấn? Càng không. Vì nhiều học sinh của nhiều nước học quá trời mà vẫn nghèo. Ví dụ điển hình là Việt Nam.
Bạn biết câu trả lời là gì không? Đó chính là Thị Trường Tự Do và Chủ Nghĩa Tư Bản. Đó là chìa khóa dẫn đến sự thịnh vượng.
Hong Kong chưa bao giờ có dân chủ, nhưng họ mở cửa thị trường và áp dụng Chủ Nghĩa Tư Bản. Singapore xét đúng nghĩa là một quốc gia độc tài dưới sự cai trị của Lý Quang Diệu, nhưng họ vẫn có một nền kinh tế tự do. Ấn Độ sau khi lấy độc lập từ Anh Quốc đã áp dụng chính sách kinh tế đóng cửa để bảo vệ các lợi ích nhóm, và họ đã trả giá cho quyết định đó. Trung Quốc đáng lẽ ra, với số dân và tài nguyên đó, phải là một siêu cường quốc nhưng thu nhập bình quân lại ở mức thấp.
Việt Nam thì có gần như tất cả – tài nguyên, con người, văn hóa Tây Phương từ thời thuộc địa Pháp, địa lý, học vấn chất xám và dân số đa số dưới 30 tuổi. Nhưng chúng ta đang tự khép kín nền kinh tế chúng ta lại với vô số bộ luật và thủ tục hành chính nhằm bảo vệ những doanh nghiệp trong nước. Cho tới bây giờ, chúng ta vẫn chưa có cái gọi là tư hữu, một yếu tố không thể thiếu để chủ nghĩa tư bản vận hành hiệu quả.
Bạn có thể có dân chủ, có địa lý, có tài nguyên. Nhưng nếu bạn không cho phép thị trường tự do và chủ nghĩa tư bản tự điều hành thì vẫn nghèo như thường. Đó là bài học mà Lý Quang Diệu muốn nói. Chắc ông ta cũng âm thầm đọc sách của Adam Smith, FA Hayek và Milton Friedman.
Cách duy nhất để xóa đói giảm nghèo
Giờ trở về câu hỏi ban đầu. Cách tốt nhất để xóa đói giảm nghèo là gì? Nếu bạn tìm hiểu lịch sử và hiện tại thì bạn sẽ biết rằng không có một công cụ hay phương pháp nào mà đã xóa đói giảm nghèo hiệu quả hơn “chủ nghĩa tư bản” và “thị trường tự do.” Cách để bạn xóa đói giảm nghèo là như sau:
- Công nhận và bảo vệ quyền tư hữu.
- Tôn vinh tinh thần kinh doanh và giá trị của đồng tiền.
- Tạo một sân chơi công bằng cho tất cả mọi người.
- Đơn giản hóa thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân.
- Tối thiểu hóa thuế để đưa tiền vào tay giới tư nhân.
- Lấy kinh tế thị trường và doanh nghiệp tư nhân làm nền tảng.
Cách để bạn xóa đói giảm nghèo và làm một đất nước giàu mạnh là biến nơi đó thành một nơi lý tưởng để đầu tư, một nơi đáng để con người mạo hiểm bỏ tiền mình ra để thực hiện ý tưởng, để tạo công ăn việc làm và để làm giàu cho chính bản thân họ.
Nếu bạn tìm hiểu thì bạn sẽ biết rằng “lòng tham đã cứu vớt nhiều người nghèo hơn lòng từ bi.” Muốn xóa đói giảm nghèo thì phải tạo ra của cải, phải phát triển kinh tế và phải bảo vệ những của cải của những người đã mạo hiểm tạo ra nó.
Đó là cách bạn thực sự xóa đói giảm nghèo. Chứ không phải lấy tiền của ông A để đưa cho ông B. Cái đó không phải là xóa đói giảm nghèo mà làm cho cả 2 người và cả xã hội đều nghèo đi. Nếu phân chia và tái phân phối của cải là phương pháp thì bây giờ Liên Xô mới là siêu cường quốc chứ không phải Mỹ và làn sóng di cư phải từ Tây Âu đi về Đông Âu chứ không phải ngược lại.
Cách để bạn xóa đói giảm nghèo là lấy Chủ Nghĩa Tư Bản, Thị Trường Tự Do, Lợi Nhuận và Luật Pháp làm nền tảng. Đó là cách bạn sẽ xóa đói giảm nghèo.
Ku Búa
(@ Café Ku Búa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét