Quan hệ Việt-Mỹ thời Donald Trump: Yếu tố Trung Quốc nổi cộm - Tiến Bộ

Breaking

Home Top Ad

Post Top Ad

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

Quan hệ Việt-Mỹ thời Donald Trump: Yếu tố Trung Quốc nổi cộm


Quan hệ Việt-Mỹ thời Donald Trump: Yếu tố Trung Quốc nổi cộm
Khu trục hạm USS Mustin của Hải quân Hoa Kỳ. Chiếc Mustin đã ghé cảng Cam Ranh vào trung tuần tháng 12/2016, vào thời điểm thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc điện đàm với TT tân cử Mỹ Donald Trump, sau đó ra Biển Đông nhận lại tàu lặn Mỹ do Bắc Kinh trả lại.Nguồn: wikipedia
Năm 2016 vừa kết thúc đã được đánh giá là một năm đánh dấu sự bình thường hoá hoàn toàn quan hệ Mỹ-Việt, với tuyên bố vào tháng 5/2016 của tổng thống Mỹ Barack Obama dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Thế nhưng năm mới 2017 đã mở ra với một ẩn số lớn cho Hà Nội : Quan hệ với tân chính quyền Mỹ của tổng thống Donald Trump sẽ ra sao trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng hung hăng áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Phải nói là tình hình Biển Đông trong những ngày cuối năm 2016 nổi cộm với những thông tin liên tiếp về những động thái quyết đoán của Trung Quốc, trong lúc Hoa Kỳ gần như bất động vì bận bịu với công việc bàn giao quyền lực giữa tổng thống mãn nhiệm Barack Obama và tổng thống tân cử Donald Trump.

Trong những ngày cuối tháng 12 năm 2016, Bắc Kinh đã phái tàu sân bay Liêu Ninh và đội chiến hạm bảo vệ đi vào Biển Đông, sau khi Hải Quân nước này công khai thách thức Hải Quân Mỹ khi thu giữ trong một vài ngày một chiếc tàu lặn Hoa Kỳ trong vùng biển quốc tế ở Biển Đông, bất chấp mọi luật lệ quốc tế. Trước đó thì một trung tâm nghiên cứu Mỹ đã công bố loạt ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy rõ việc Bắc Kinh đang quân sự hóa 7 hòn đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà Trung Quốc đã chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa.

Tất cả những diễn biến trên chắc chắn sẽ tác động đến thời sự Biển Đông trong năm 2017. Theo chuyên san The Diplomat, trụ sở tại Nhật Bản, các động thái quyết đoán của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ còn gia tăng trong năm nay tại Biển Đông, trong bối cảnh một trong những nước Đông Nam Á từng đi đầu trong việc chống lại sự bành trướng của Bắc Kinh là Philippines lại có dấu hiệu ngả theo Trung Quốc. Với việc Manila lên làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á, ASEAN vốn đã bất lực trong việc ngăn chặn Trung Quốc sẽ lại càng thụ động hơn.

2016 : Việt Nam, nước cứng rắn nhất với Trung Quốc về Biển Đông

Trong số các nước bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, trong năm 2016, Việt Nam đã nổi lên thành quốc gia duy nhất đã có những động thái cụ thể nhằm phản ứng lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, như chuyển pháo phản lực ra Trường Sa – điều mà chính quyền không hề chính thức công nhận – và củng cố thêm ít nhất là hai « đảo » dưới quyền kiểm soát của mình là Đá Lát và Trường Sa Lớn, bị ảnh vệ tinh phát hiện.

Vấn đề đối với Việt Nam là đồng minh chiến lược quan trọng của mình trong việc kháng lại Trung Quốc ở Biển Đông là Hoa Kỳ, lại chuẩn bị thay đổi chính quyền sau cuộc bầu cử tổng thống ngày 08/11/2016, với chiến thắng của ông Donald Trump, một người từng xác định quyết tâm tập trung cho nước Mỹ cho nên được cho là có thể ít quan tâm hơn đến Biển Đông so với người tiền nhiệm Barack Obama.

Chính trong bối cảnh nêu trên mà việc ông Trump cho biết sẵn sàng hợp tác với Việt Nam « để tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia » khi ông nhận điện chúc mừng của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc 14/12, cũng như lời chỉ trích Trung Quốc « xây một khu phức hợp quân sự lớn giữa Biển Đông » trong một tin nhắn Twitter ngày 04/12, đã được giới quan sát rất chú ý.

Động thái ngoại giao khéo léo đối với Donald Trump

Trả lời ban Việt Ngữ RFI về nội dung cuộc điện đàm giữa thủ tướng Việt Nam và tổng thống tân cử Mỹ, nhà báo Ngô Nhân Dụng của tờ Người Việt tại California cho rằng chính quyền Việt Nam đã có một cử chỉ ngoại giao khéo léo khi chúc mừng ông Donald Trump :

Ngô Nhân Dụng :Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ 

Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.

Đối với nhà báo Ngô Nhân Dụng, tất cả những nội dung cuộc điện đàm - được chính phủ Việt Nam nêu lên một cách chi tiết, hay được phía ê kíp của tổng thống tân cử Mỹ xác nhận một cách ngắn gọn - chỉ mang tính chất xã giao thông thường, còn thực chất vấn đề thì phải chờ đến sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức và triển khai chính sách đối ngoại của mình, trong đó nhân tố quan trọng vẫn quan hệ Mỹ-Trung, sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa Mỹ với Việt Nam.

Không nên ngộ nhận : Biển Đông chỉ là phụ với ông Trump

Câu hỏi đặt ra là mối quan hệ Washington-Bắc Kinh sẽ ra sao với ông Donald Trump, đặc biệt là khi trong thời gian gần đây, tổng thống tân cử Mỹ đã nhiều lần đả kích Trung Quốc, kể cả việc Bắc Kinh đã xây dựng những « pháo đài khổng lồ » giữa Biển Đông ? Trên vấn đề này, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng không nên ngộ nhận về quan điểm của tổng thống tương lai của nước Mỹ, ông Trump rất cứng rắn với Trung Quốc, nhưng trên vấn đề kinh tế thương mại mà thôi, còn vấn đề an ninh Biển Đông chỉ là phụ :

Ngô Nhân Dụng :Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông... 

Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.

Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách « xây những pháo đài khổng lồ », đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước...

Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài « cãi nhau » tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.

Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Quan hệ Mỹ-Trung : Sóng gió trước mắt ?

Riêng về chính sách Biển Đông của ông Donald Trump, nhà báo Ngô Nhân Dụng cho rằng trước mắt, chính quyền Trump vẫn duy trì đường lối của tổng thống Mỹ tiền nhiệm là Obama, dùng nguyên tắc tự do hàng hải để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc, nhưng đứng ngoài các tranh chấp chủ quyền. Vấn đề là hồ sơ Đài Loan đang khuấy động quan hệ Mỹ-Trung, và quan hệ này trong ngắn hạn, sẽ phải trải qua một giai đoạn sóng gió.

Ngô Nhân Dụng :Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.

Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa... các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.

Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa - như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì - hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.

Căng thẳng Mỹ Trung không phải là một điều mới lạ, và khi mà Bắc Kinh biểu dương lực lượng thì Washington cũng đã phản ứng bằng cách phô trương sức mạnh. Đây là điều đã từng xấy ra thời tổng thống Bill Clinton, vào năm 1995, khi để răn đe Trung Quốc về việc bắn tên lửa thị uy qua eo biển Đài Loan, Mỹ đã phái hai hàng không mẫu hạm đến khu vực để khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng minh Đài Loan.

Mỹ-Trung khó có khả năng gây hấn với nhau vì Biển Đông

Đối với ông Ngô Nhân Dụng, kỳ này, chuyện Mỹ-Trung căng thẳng với nhau hoàn toàn có thể xẩy ra, và gay gắt hơn trước đây, nhưng rõ ràng là khó có khả năng Washington và Bắc Kinh gây chiến với nhau vì Biển Đông.

Ngô Nhân Dụng :Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông. 

Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.

Thành ra cuộc « biểu diễn » đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Việt Nam cần duy trì quan hệ thân hữu với Mỹ

Tóm lại theo nhà báo Ngô Nhân Dụng do việc bang giao giữa chính quyền Trump với Trung Quốc sẽ tác động đến quan hệ Mỹ-Việt, chính quyền Việt Nam cần đẩy mạnh chính sách thân hữu với Hoa Kỳ để có được một đồng minh chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông :

Ngô Nhân Dụng : Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.

Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trump, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm. 

Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trong những tháng tới đây, người ta có lẽ sẽ rõ hơn về quan hệ Việt-Mỹ. Nếu suôn sẻ, rất có thể là ông Donald Trump sẽ đến Việt Nam vào cuối năm, nhân dịp Hà Nội làm chủ nhà đón hội nghị thượng đỉnh APEC.

*************

Thủ tướng Việt Nam gọi điện chúc mừng ông Trump : Quyết định đáng làm

Khi để thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi điện thoại chúc mừng ông Donald Trump, chính phủ Việt Nam đã có 1 quyết định rất hay, rất đáng làm : Ai cũng chúc mừng, Việt Nam mà không thì gây ra cảm tưởng là Việt Nam không cần đến chính phủ sắp tới của nước Mỹ.

Nhưng ý nghĩa của chuyện đó như thế nào, thì còn phải chờ xem chính sách ngoại giao của chính phủ Trump được thể hiện ra sao, và nhất là mối bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc ra sao, vì đó là điều quan trọng, sẽ ảnh hưởng tới bang giao Mỹ-Việt Nam.

Trong cuộc gặp gỡ qua điện thoại giữa ông Phúc với ông Trump, người ta thấy phía chính phủ Việt Nam loan tin rất long trọng, chẩng hạn như nói rằng ông Trump đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tình hữu nghị với Việt Nam, của hợp tác với Việt Nam, và ông Trump đã khen ngợi thành tựu của Việt Nam, nói rằng ông sẽ thúc đẩy bang giao giưa hai nước ngày càng thân hơn, cộng tác với nhau nhiều hơn.

Hai bên không nói gì về chuyện ông Trump sẽ xóa bỏ hiệp ước TPP, tức Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương.

Nhưng về phía Mỹ, nhóm chuẩn bị cầm quyền của ông Trump đã tường thuật lại cuộc điện đàm rất giản dị, nói rằng hai người đã bàn với nhau về rất nhiều vấn đề chung và đồng ý là sẽ cộng tác với nhau để làm cho bang giao giữa hai nước chặt chẽ hơn. Đó chỉ là câu nói hoàn toàn xã giao, không có ý nghĩa gì cụ thể cả.

Tóm lại, chuyện bang giao giữa Việt Nam với Mỹ không phải là sẽ thay đổi nhờ cuộc điện đàm giữa ông Phúc với ông Trump, mà tùy thuộc vào việc chính phủ Mỹ sẽ làm gì với Trung Quốc, vì đó mới là điều sẽ ảnh hưởng đến cả bang giao giữa Mỹ và Việt Nam.

Donald Trump thể hiện quan điểm rất cứng rắn với Trung Quốc

Ông Donald Trump tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc, trong tất cả mọi chuyện, chứ không chỉ trong vấn đề Biển Đông...

Có lẽ điều mà ông Trump nhấn mạnh nhất, ngay từ khi tranh cử cho đến khi đắc cử rồi, vẫn là chuyện về thương mại giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc. Ông ấy chỉ nhắc đến chuyện Trung Quốc xây những pháo đài khổng lồ ở Biển Đông nhân dịp nói về vấn đề bang giao về kinh tế.

Thành ra vấn đề an ninh ở Biển Đông, vấn đề đụng chạm giữa Mỹ và Trung Quốc khi Bắc Kinh tìm cách « xây những pháo đài khổng lồ », đó chỉ là chuyện phụ bên cạnh các vấn đề giao thương, kinh tế, trị giá đồng yuan với đô la, thuế xuất nhập cảng giữa hai nước...

Khi nào ông Trump với Trung Quốc đụng độ nhau về kinh tế, thương mại, lúc đó chính phủ Trump có thể mang vấn đề Biển Đông ra để làm đề tài « cãi nhau » tiếp, và việc cãi nhau đó có thể không phải là vấn đề chính trong bang giao giữa hai nước, mà chỉ là một vấn đề phụ mà chính quyền Trump trong tương lai sẽ đưa ra để làm áp lực thêm với Trung Quốc khi hai bên nói chuyện về kinh tế và thương mại.

Thành ra chúng ta không thể trông đợi là chính phủ Trump sẽ đặc biệt chú trọng đến vấn đề Trung Quốc đang lập những căn cứ quân sự ở Biển Đông.

Chính sách Biển Đông của chính quyền Trump dựa trên quyền tự do hàng hải

Có lẽ chính phủ Trump hiện giờ tỏ ra vẫn tiếp tục chính sách của chính phủ Obama, tức là dùng quyền giao thông hàng hải tự do làm lý do chính để tìm cách ngăn chặn sự bành trướng về quân sự của Trung Quốc ở trong vùng Biển Đông.

Từ xưa đến nay, chính sách của các chính phủ Mỹ từ thời Nixon là chỉ công nhận một nước Trung Hoa, và đối với Biển Đông là không can dự vào vấn đề chủ quyền các hòn đảo ở Hoàng Sa, Trường Sa... các chính phủ Mỹ từ xưa đến giờ luôn cho là họ không có ý kiến về vấn đề chủ quyền (ở Biển Đông), để cho chính phủ các nước tự tranh cãi với nhau, Mỹ chỉ lo một chuyên thôi : Làm sao cho giao thông trên vùng biển đó không bị tắc nghẽn vì những xung đột giữa các nước đó.

Thành ra, sau khi ông Trump đã tuyên bố những câu nẩy lửa - như tại sao phải giữ lấy chính sách một nước Trung Hoa làm gì - hoặc là có hành động như nói chuyện điện thoại với bà Thái Anh Văn tổng thống Đài Loan, những chuyện đó có thể khiến cho bang giao giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên trong thời gian tới, ít nhất là trong mấy tháng sau khi ông Trump lên cầm quyền.

Nhưng mà bang giao Mỹ-Trung đã từng nổi sóng lên như vậy, và mỗi lần như vậy, chính quyền Trung Quốc thường tìm cách chứng tỏ là họ không sợ gì cả, biểu dương lực lượng để cho thấy là họ không sợ áp lực của Mỹ.

Vì đối nội, Tập Cận Bình có thể găng với Mỹ trong năm 2017

Cuối năm nay (2017) ở Trung Quốc đặc biệt có Đại Hội Đảng Cộng Sản, là đại hội mà ông Tập Cận Bình muốn dùng để củng cố thêm vây cánh của mình, đưa thêm người của mình vào trong Bộ Chính Trị, và Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Thành ra từ nay đến tháng10, ông Tập Cận Bình sẽ phải tìm cách để cho tất cả mọi người Trung Quốc thấy là ông rất cứng rắn, đặc biệt là đối với Mỹ.

Thành ra, sau khi lên cầm quyền mà ông Trump vẫn tiếp tục nói những câu như là không cần phải theo chính sách một nước Trung Quốc, thì ông Tập Cận Bình sẽ phải phản ứng mạnh.

Mà ngay bây giờ chúng ta đã thấy đã có những phản ứng rồi, khi mà Trung Quốc cho pháo đài bay có thể chở bom nguyên tử bay diễu ngang vùng biển phía nam, cũng như phía đông, bên cạnh Nhật Bản. Đó là hành động tự nhiên của ông Tập Cận Bình, phải tỏ ra rằng ông ấy cứng rắn đối với Mỹ.

Trước đây, ví dụ năm 1995, có lúc Trung Quốc đã tỏ ra mình đang nổi nóng như vây, khi chính phủ Clinton ở Mỹ đồng ý cho tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy được vào nước Mỹ đi thăm trường cũ của ông Huy là trường Cornell.

Ông Lý Đăng Huy qua Mỹ vào tháng Hai, thì đến tháng Sáu, tháng Bảy, Trung Quốc bắn hỏa tiễn qua eo biển Đài Loan. Họ làm liên tiếp như vậy trong mùa hè 1995, và đến tháng Ba năm 1996, họ lại bắn thêm một lần nữa.

Căng thẳng Mỹ-Trung nhưng không đến mức quá đà

Đấy là hành động coi như là để biểu dương lực lượng của chính phủ Trung Quốc hồi đó, và để đáp lại, thì Mỹ cũng biểu dương lực lượng, vào năm 1995, đã đưa 2 hàng không mẫu hạm đến bên cạnh Đài Loan và đi qua eo biển Đài Loan để chứng tỏ rằng nêu Trung Quốc tấn công Đài Loan thì Mỹ sẽ bảo vệ.

Những chuyện hai bên diễu võ đã từng xẩy ra trong quá khứ, và rất có thể Trung Quốc sẽ có những hành động như vậy, và kỳ này sẽ mạnh hơn, chẳng hạn như ta biết, họ đang đưa những giàn phòng không lớn đến những hòn đảo nhân tạo mà họ đã lập ở Biển Đông.

Thì chính phủ Mỹ cũng có thể có những hành động biểu dương lực lượng mạnh hơn, nhưng bình thường mà nói, không thể nào tin rằng hai bên Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra một cuộc chiến tranh với nhau chỉ vì những hòn đảo nho nhỏ ở Đông Nam Á, ở trong Biển Đông.

Thành ra cuộc « biểu diễn » đó sẽ còn tiếp tục, nhưng không nhất thiết đưa đến đứt đoạn về bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Bối cảnh đó sẽ quyết định là Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng như thế nào.

Việt Nam cần đến Mỹ bên cạnh mình để chống Trung Quốc ở Biển Đông

Tôi nghĩ Việt Nam vẫn phải tìm cách tỏ ra thân thiện hơn với nước Mỹ, vì đó là những chính sách mà những nước như Singapore chẳng hạn vẫn theo từ trước đến giờ một cách hết sức khôn ngoan.

Chuyện ông Trump sẽ làm gì đối với với Biển Đông, hoàn toàn tùy thuộc vào bang giao giữa Mỹ với Trung Quốc. Nhưng mà chúng ta biết rằng ông Trunp, theo như nhận xét của các nhà tâm lý học, là người thích được mọi người khen ngợi hơn là bị người ta chê. Ai mà chê ông ấy một câu thì ông ấy nổi sùng lên và có khi ông ấy nhớ mãi, nhưng mà được ai khen ngợi thì ông ấy sung sướng ghê lắm.

Thành ra việc chính phủ Việt Nam gọi điện thoại đến chúc mừng ông Trump là làm đúng, đánh vào tâm lý của ông Donald Trump. Hy vọng rằng trong tương lai, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách đó, để có thể có nước Mỹ bên cạnh mình, trong việc đối đầu với Trung Quốc.

Trọng Nghĩa, Ngô Nhân Dụng

(RFI)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Post Bottom Ad