HÀ NỘI (NV) – Lần đầu tiên từ 2012, chỉ số cảm nhận về tham nhũng (CPI) Việt Nam tăng được hai điểm, từ 31/100 lên 33/100 song Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các quốc gia mà tham nhũng là nghiêm trọng.
Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International – TI) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát thường niên về CPI nơi doanh giới ở 176 quốc gia trên toàn cầu. CPI dao động từ 0 đến 100 và 0 là thấp nhất còn 100 là cao nhất. Theo kết quả khảo sát thì trong năm vừa qua, hệ thống công quyền Việt Nam xếp thứ 113/176 về mức độ sạch sẽ.
Theo TI, trong năm ngoái, Việt Nam đã đạt được một số tiến bộ trong tiến trình chống tham nhũng. Tuy nhiên những tiến bộ này chỉ thể hiện ở nỗ lực lập pháp. Chẳng hạn Việt Nam đã thông qua Luật Tiếp Cận Thông Tin, thu thập ý kiến để sửa đổi Luật Phòng Chống Tham Nhũng, cập nhật các qui định hiện hành cho phù hợp với Công Ước Chống Tham Nhũng của Liên Hiệp Quốc (UNCAC) về tham nhũng bên ngoài khu vực công quyền.
Cũng theo TI, nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền Việt Nam chưa tạo ra được những biến chuyển đáng kể và TI đã khuyến cáo chính quyền Việt Nam nên gia tăng sự liêm chính của hệ thống tư pháp bằng cách thiết lập và duy trì sự độc lập của thẩm phán và tòa án. TI còn khuyên chính quyền Việt Nam nên áp dụng các biện pháp triệt để và có hệ thống để trừng phạt các hành vi tham nhũng.
TI đề nghị chính quyền Việt Nam nên thể chế hóa Ðiều 13 của UNCAC để bảo đảm cả xã hội có thể cùng tham gia chống tham nhũng thông qua đối thoại thường xuyên giữa chính quyền, các tổ chức dân sự và dân chúng về phòng-chống tham nhũng.
Cần lưu ý rằng, cả các tổ chức tài chính quốc tế lẫn giới chuyên gia đều khẳng định, chỉ cần CPI tăng 1 điểm thì GDP sẽ tăng 0.4% bởi hệ thống công quyền ít tham nhũng hơn thì năng lực sản xuất của xã hội sẽ tăng cao hơn.
Khi CPI của Việt Nam thay đổi không đáng kể thì điều đó đồng nghĩa với tệ nạn tham nhũng ở Việt Nam vẫn rất trầm trọng. Cái gọi là “quyết tâm, nỗ lực chống tham nhũng” của hệ thống công quyền chỉ là chuyện “đầu môi, chót lưỡi” và dân chúng Việt Nam, đặc biệt là doanh giới không tin vào những lời thề thốt, hứa hẹn của giới lãnh đạo Việt Nam.
Chưa kể nếu tham nhũng là tệ nạn phổ biến, cả dân chúng lẫn doanh giới sẽ cảm thấy bất an và bất bình, kế đó các giới sẽ tìm mọi cách né tránh nghĩa vụ đóng góp để phát triển xã hội, quốc gia. Khi điều này xảy ra, ngân sách sẽ sụt giảm, hiệu quả chống tham nhũng giảm theo và tạo thành một vòng xoáy, kéo mọi thứ đi xuống.
Các chuyên gia của cả Việt Nam lẫn quốc tế từng nhiều lần khẳng định, muốn chống tham nhũng, chính quyền Việt Nam phải phá bỏ tình trạng độc quyền về quyền lực và minh bạch trong thông tin. Theo họ độc quyền về quyền lực tạo ra “cơ chế xin-cho,” hỗ trợ các viên chức đòi hối lộ. Việc duy trì độc quyền về quyền lực đã giúp một số cá nhân nhất thể hóa với định chế mà họ đại diện. Những cá nhân này có thể thoái mái ban hành những quyết định có lợi cho một nhóm mà Việt Nam gọi là nhóm lợi ích để thu lợi cho chính mình.
Cho dù Luật Tiếp Cận Thông Tin đã được ban hành nhưng đến nay, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì chính sách hạn chế thông tin. Thay vì bạch hóa thì nhiều thông tin liên quan tới “quốc kế, dân sinh” thì chính quyền Việt Nam vẫn dùng cái vỏ “bí mật quốc gia” để bọc chúng lại. Chỉ có một số nhóm được biết các “bí mật” này để khai thác tìm lợi. Chưa kể những nhóm đó còn tìm cách can thiệp để tạo ra những chính sách có lợi nhất cho họ về tài chính, tín dụng, ngân hàng, đầu tư, định giá-cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước…
Hạn chế thông tin còn tạo ra cơ hội để mua bán và vì hạn chế, hệ thống công quyền không cần phải giải trình với dân chúng. (G.Ð)
(Người Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét