Mới đây, truyền thông ngoài Trung Quốc dẫn thông tin cung cấp của một người am hiểu tình hình Trung Nam Hải cho biết, ông Tập Cận Bình muốn tiếp tục nắm quyền lực sau khi kết thúc hai nhiệm kỳ, nhà lãnh đạo này sẽ phá bỏ phương thức chuyển giao quyền lực trong truyền thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Kremlin.ru) |
Giới quan sát cũng chỉ ra, trong 4 năm cầm quyền, ông Tập Cận Bình đã đích thân phụ trách toàn bộ các lĩnh vực trọng yếu, lật ngược lại hoàn toàn chế độ lãnh đạo tập thể trong truyền thống. Phá bỏ những khuôn khổ cũ, ông Tập thực hiện kế hoạch “đả hổ” đã nhắm vào chính những nguyên lão của Đảng và thân quyến họ. Ông Tập yêu cầu 89 triệu đảng viên phải trung thành, đã xây dựng nên hình ảnh “lãnh tụ” kiểu gia trưởng.
Hiện nay, sau khi sắp kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên, nhiều nhân sĩ trong Đảng cho rằng ông Tập Cận Bình đang muốn ngăn chặn người tiếp quản quyền lực (hiện chưa rõ) vào Đại hội 19 sang năm, vì thế có thể nhà lãnh đạo này sẽ tiếp tục nắm quyền lực sau khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2022.
Thông tin này cũng được chia sẻ trên The Wall Street Journal, theo đó tờ báo này dẫn ý kiến của một lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho biết, ông Tập Cận Bình có thể sẽ tiếp tục nắm quyền sau năm 2022, nhà lãnh đạo này đang muốn học theo mô hình giống như Putin ở Nga. Ông Hoàng Tĩnh (Huangjing), chuyên gia chính trị Trung Quốc thuộc Đại học Quốc lập Singapore chia sẻ trên The Wall Street Journal: “Khó khăn của ông Tập là nếu không làm thế thì ông ấy không thể làm việc được”.
Tại Hội nghị toàn thể Trung ương vào hồi tháng Mười vừa qua, ông Tập Cận Bình được trao địa vị “hạt nhân”; nhà lãnh đạo này đã nhấn mạnh kỷ cương và cảnh cáo quan chức cấp cao không kéo bè kết phái đấu đá lẫn nhau. Sau lần đó, nhiều đảng viên đã ký cam kết thề “tuyệt đối trung thành”.
Một quan chức cấp cao tên Đặng Mậu Sinh (Deng Maosheng) cho biết: “Quy tắc Ủy viên Thường vụ ‘bảy lên tám xuống’ (68 tuổi phải về hưu) chỉ là tin đồn trong dân gian chứ không khả tín. Điều này cho thấy ông Tập Cận Bình sẽ phá bỏ nguyên tắc hạn chế tuổi tác đối với Ủy viên Thường vụ theo truyền thống. Ông Tập đang muốn cài cắm thêm đồng minh vào Ủy viên Thường vụ, đang muốn giữ lại ông Bí thư Ban Kỷ luật Vương Kỳ Sơn cho dù ông Vương đã 68 tuổi. Thậm chí có thể ông Vương Kỳ Sơn sẽ được giao chức Thủ tướng”.
Việc ông Tập đẩy mạnh chống tham nhũng đã gây thù oán với nhiều người. Trên The Wall Street Journal, học giả lịch sử Bắc Kinh Chương Lập Phàm (Zhang Lifan) nói: “Nếu ông Tập Cận Bình nghỉ hưu vào năm 2022 thì có thể sẽ gặp nguy hiểm. Đây là lý do ông Tập muốn giữ lại ông Vương Kỳ Sơn”.
Một thông tin khác chỉ ra, có thể nhà lãnh đạo này sẽ giảm biên chế số Ủy viên Thường vụ hoặc hủy luôn cơ cấu này để thực hiện chế độ Tổng thống theo mô hình Putin ở Nga.
The Wall Street Journal cũng dẫn nguồn tin cho rằng, những cuộc họp trong nội bộ Trung Nam Hải thời gian gần đây cho thấy sẽ không có chuyện công bố người tiếp quản quyền lực trong năm tới. Ông Tập Cận Bình đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng để cho các nguyên lão can thiệp vào chính sự. Tuy nhiên, hiện nay phe đối lập đang muốn ngăn chặn ý đồ này. Những người này cho rằng, trong trường hợp không thể ngăn chặn được thì Trung Quốc sẽ bước vào “thời đại quyền lực mới”.
Hiện nay ông Tập Cận Bình điều hành công việc thông qua “Tiểu tổ Lãnh đạo Cải cách Trung ương”. Năm nay bộ máy này đã ban hành 96 Điều lệnh, trong khi năm ngoái ban hành 65 Điều, còn năm trước nữa chỉ có 37 Điều.
Mộc Vệ (T/H)
(Tri Thức)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét